Hotline 24/7
08983-08983

Suy thận thời điểm nào cần ghép thận - chạy thận - lọc màng bụng

Khi bệnh nhân suy thận có triệu chứng ure máu cao sẽ áp dụng 1 trong 3 phương pháp là chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc và ghép thận. Không có phương pháp nào là tối ưu tuyệt đối mà lựa chọn dựa vào từng trường hợp của người bệnh.

Đến thời điểm nào người bệnh thận cần phải thay thế thận?

Sáng Chủ nhật, 23/07/2023, khoa Nội tiết - Thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh đái tháo đường và bệnh thận. Buổi sinh hoạt nhằm nâng cao kiến thức, giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn nguyên nhân đái tháo đường, biểu hiện, cách phòng ngừa, điều trị và những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường, trong đó có thể dẫn đến suy thận. 

Trong chủ đề “Thời điểm và các phương pháp điều trị thay thế thận”, BS Vũ Thị Kim Ngọc - Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ, nhiều người Việt Nam thường cho rằng suy thận giống như ung thư, không còn cách chữa trị. Tuy nhiên suy thận khác với ung thư, bệnh nhân suy thận sẽ được tư vấn rất kỹ về chế độ ăn, kiêng cử như thế nào và có các phương pháp để bảo tồn cuộc sống. 

Thận có chức năng thải bỏ nước tiểu, đồng thời thải chất độc ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, thận còn có chức năng tái hấp thu, giữ lại các chất tốt như chất đường, chất đạm,… điều hòa huyết áp. Giúp giữ nước trong cơ thể, không bị phù cũng không bị quá khô. Thận còn là nơi tạo vitamin D, tham gia quá trình lọc máu, đây là lý do bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối thường thiếu máu.

Theo thống kê trên thế giới năm 2019, tỷ lệ người bệnh thận nói chung chiếm từ 3 - 4% và tỷ lệ người bị suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận (tìm đến các phương pháp thay thế thận) từ 4 - 7 triệu người. Tại Việt Nam, thống kê tỷ lệ thận học năm 2017 cho biết, có 30.000 người phải chạy thận nhân tạo và tỷ lệ này gia tăng theo từng năm. Cứ người 7 người có 1 người mắc bệnh thận mạn, tương đương 13%, càng lúc càng nhiều bệnh nhân tìm đến phương pháp thay thế thận.

BS Vũ Thị Kim Ngọc - Bệnh viện Nhân dân Gia Định

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến cho biết: “Bệnh thận mạn là những tổn thương về cấu trúc hoặc chức năng của thận, kéo dài trên 3 tháng. Căn bệnh này không hồi phục và dần dần ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh”.

Thời điểm bắt đầu chạy thận nhân tạo là lúc bệnh nhân không còn chịu đựng được nữa và khi đó bác sĩ mới có thể thuyết phục được. Không phải tất cả bệnh nhân độ lọc cầu thận dưới 15 đều chạy thận ngay. Có những bệnh nhân độ lọc cầu thận xuống mức 2 mới bắt đầu có triệu chứng. Vì vậy khi bệnh nhân có triệu chứng của hội chứng ure huyết cao như buồn nôn, nôn, chán ăn, thở mệt, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, khó ngủ,… thận không còn đảm nhận được chức năng, triệu chứng của chất độc đã quá cao, bệnh nhân phải điều trị thay thế thận ngay. Nếu không điều trị thay thế thận, sẽ rơi vào biến chứng nặng hơn như rối loạn nhịp tim, biến chứng não, co giật, động kinh, hôn mê,… khi đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tính mạng của bệnh nhân.

Người bệnh có nhiễm trùng, đường huyết hoặc vấn đề về nội khoa nặng,… nếu có chỉ định chạy thận nhân tạo cấp cứu vẫn được chạy thận, không cần phải đợi ổn định, do có sự tương tác lẫn nhau. Chính việc bệnh nhân bị suy thận quá nặng, chất độc quá cao đã làm các bệnh lý khác nặng nề hơn.

Ở giai đoạn 4, trước khi bắt đầu thay thế thận 3 - 6 tháng, người bệnh cần biết phương pháp điều trị thay thế thận nào phù hợp và thông báo với bác sĩ để chuẩn bị. Nếu chạy thận nhân tạo, trước đó người bệnh sẽ được mổ cầu nối động - tĩnh mạch (AVF). 

So sánh các phương pháp thay thế thận hiện nay

3 phương pháp thay thế thận hiện nay gồm: lọc máu (chạy thận nhân tạo), lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc), ghép thận.

Phương pháp thứ nhất, bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ được lấy máu từ đường lấy máu sau đó qua thận nhân tạo loại bỏ chất độc, chất dư thừa, nước,… sau đó chảy máu sạch về cho bệnh nhân. Mỗi tuần sẽ đến trung tâm chạy thận nhân tạo thuận tiện nhất để chạy thận. Mỗi lần như vậy sẽ kéo dài 3 - 3,5 tiếng hoặc 4 - 4,5 tiếng tùy vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. 

"Tạo đường vào mạch máu bằng cách sử dụng mạch máu bản thân có sẵn, nối các động mạch, tĩnh mạch lại với nhau để tạo ra mạch máu lớn hơn. Đây là một cuộc tiểu phẫu và cần có thời gian để cơ thể hồi phục mới có thể sử dụng nên cần sự chuẩn bị. Thời gian tối ưu là 6 tháng kể từ lúc tạo mạch máu cho đến lúc chạy thận định kỳ. Ưu tiên chọn mạch máu ở tay ít sử dụng và không được lấy máu, không đo huyết áp tại tay đó.

Trong trường hợp không có mạch máu nào sử dụng được (quá nhỏ, quá hẹp, quá ngắn hoặc quá cong,…), có thể sử dụng mảnh ghép nhân tạo, tuy nhiên giá thành khá đắt. Mảnh ghép cũng đa dạng như mạch máu có thể chọn ở các vị trí từ cổ tay đến nách" - BS Vũ Thị Kim Ngọc cho biết thêm.

Một điều không may là bệnh nhân đái tháo đường mạch máu thường xơ vữa, đôi khi phải mổ đi mổ lại hoặc sử dụng mảnh ghép nhân tạo (mạch máu nhân tạo) làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Ưu điểm của chạy thận nhân tạo là tại TPHCM có rất nhiều trung tâm nên dễ dàng lựa chọn cơ sở phù hợp. Bên cạnh đó, chỉ cần đến trung tâm chạy thận nhân tạo sẽ được các điều dưỡng, nhân viên y tế thực hiện.

Nhược điểm của chạy thận nhân tạo chỉ loại bỏ được các chất nhỏ, không loại được các chất vừa và lớn. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo lâu ngày da sẽ sậm đi, ngứa da,… và không thực hiện được chức năng nội tiết. Các phương pháp này không thể sao chép hoàn toàn một quả thận bình thường, nhưng có thể loại bỏ các chất độc và loại bỏ bớt nước ra khỏi cơ thể.

Chạy thận nhân tạo chỉ lọc trung bình 9 tiếng/tuần và thận còn lại lọc 168 tiếng /tuần. Đặc biệt, những chất chạy thận nhân tạo không lọc được thì quả thận còn lại sẽ thực hiện. Nếu không tiểu và uống nước nhiều cơ thể sẽ phù lên. Mỗi lần chạy thận nhân tạo có những bệnh nhân rút 3 - 4kg/lần sẽ xảy ra biến chứng như tăng/hạ huyết áp, nhồi máu cơ tim và dần dần mất luôn nước tiểu. Ngoài ra, vì không có nước tiểu, Kali không được thải ra nên người bệnh phải tiết chế ăn rau và trái cây. Chạy thận nhân tạo có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B, viêm gan C và HIV,…

Phương pháp thứ 2 là thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng). Quy trình này, người bệnh và người nhà bệnh nhân sẽ được huấn luyện 2 tuần cho đến khi thực hiện đúng 10 bước, để hạn chế tối đa việc nhiễm trùng. Bên cạnh đó người bệnh sẽ có số điện thoại của đội ngũ hướng dẫn để khi dịch đục hay có vấn đề nào đó xảy ra có thể liên hệ và đến bệnh viện để được chăm sóc.

Thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng) có 2 loại. Một là thẩm phân phúc mạc bằng tay, người bệnh sẽ tự thực hiện tại nhà. 1 tháng đến bệnh viện 1 lần để nhận túi dịch về sử dụng trong tháng. 1 ngày sẽ thay 4 lần (sáng, trưa, chiều, tối) mỗi lần 30 phút, người bệnh có thể tự thay hoặc nhờ sự hỗ trợ của người nhà. 

Ngoài ra, còn có phương pháp thẩm phân phúc mạc bằng máy thực hiện lọc vào buổi tối. Tuy nhiên giá thành khá cao, khoảng 200 triệu/máy. Để tiết kiệm chi phí người bệnh có thể mua lại máy cũ của những bệnh nhân đã từng sử dụng máy thẩm phân phúc mạc và sau đó chuyển sang phương pháp khác.

 ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến - Bệnh viện Nhân dân Gia Định

"Ưu điểm thẩm phân phúc mạc là nhẹ nhàng, êm ái, lọc 24/24, người bệnh có thể ăn uống thoải mái hơn. Bên cạnh đó, nguy cơ bệnh tim sẽ ít hơn do người bệnh suy tim khi chạy thận sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, khó thở,… Hạn chế lây nhiễm ở những người chờ ghép thận.

Nhược điểm của lọc màng bụng là phải vận chuyển khối lượng lớn (200 - 300kg/lần). Phải có phòng sạch, kín, phòng riêng, có bàn và bồn rửa tay. Đặc biệt đảm bảo tuân thủ đúng quy trình.

Người bệnh cần dựa vào điều kiện thực tế, sở thích và thói quen để lựa chọn phương pháp phù hợp. Nếu không đồng ý hoặc đổi ý không muốn lọc màng bụng nữa vẫn có thể chuyển sang phương pháp khác" - là thông tin ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến đem đến trong buổi sinh hoạt.

Phương pháp thứ ba là ghép thận, đây là phương pháp cho điều kiện cuộc sống tốt nhất. Ghép thận được thực hiện trên bệnh nhân có đủ điều kiện và có nguồn thận ghép, cũng như tuân thủ sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trước khi ghép, sau khi ghép và đến suốt đời. Lưu ý, ghép thận thường không thực hiện ở bệnh nhân trên 60 tuổi. 

Hơn 100 người tham dự buổi sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh đái tháo đường và bệnh thận

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X