Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh do nấm - Dùng thuốc thế nào?

Ở những người bệnh suy giảm miễn dịch nấm có thể phát tán vào các hạch bạch huyết, gan, não và có thể gây tử vong.

Người ta ước tính có tới hơn 90.000 loài nấm phân bố ở khắp mọi nơi, bất kỳ chỗ nào chúng ta cũng có thể gặp vi nấm. Vi nấm được xem là thực vật bậc thấp và phân biệt với các thực vật khác ở chỗ chúng không có chất diệp lục, nên phải sống hoại sinh hoặc ký sinh. Tuy có rất nhiều loài nhưng chỉ có một số nấm gây bệnh cho người hoặc động vật, thực vật.

Dựa vào hình thái cơ bản có thể chia vi nấm làm 2 loại: nấm men (có dạng tế bào men hình tròn hay bầu dục) và nấm mốc. Nấm mốc là những vi nấm đa bào phát triển thành dạng sợi tơ nhỏ, phân nhánh, phát triển thành sinh khối có thể thấy được bằng mắt thường.

Một số bệnh nấm thường gặp

- Bệnh do nấm Aspergillus (Aspergillosis): Thường là do nấm A. fumigatus, A. flavus và A.niger thường gây bệnh ở đường hô hấp và mắt, cũng có khi là tim, thận, xương, não, gan.

- Bệnh do nấm Blastomyces gây bệnh ở da, phổi, xương, hệ sinh dục - tiết niệu.

- Bệnh do nấm Candida spp: Đó là loài nấm men thường có ở ống tiêu hóa, miệng, âm hộ. Khi cơ thể suy nhược (do tổn thương ở da, bệnh đái tháo đường, có thai, suy giảm miễn dịch) thì chúng sẽ gây bệnh. Bệnh do nấm Candida spp (C.albicans, C. glabrata…) có thể ở nông, ở sâu hoặc lan tỏa.

- Bệnh nấm da: Có khoảng 40 loại nấm da đã biết, gây ra bởi các loại nấm như: Epidermophyton, Microsporum, Trichophyton… Chúng thường gây ra ở các vị trí da tay, chân (kẽ chân, nấm kẽ) da đầu, râu, tóc, các móng tay chân, quanh miệng, các vị trí ngoài da khác nhau trong thân thể.
 
Bệnh nấm da rất phổ biến, rất dễ xảy ra ở vùng khí hậu nhiệt đới như ở nước ta. Có khoảng 10% dân số thế giới bị nhiễm nấm da. Thông thường, bệnh nấm da không gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở những người bệnh suy giảm miễn dịch nấm có thể phát tán vào các hạch bạch huyết, gan, não và có thể gây tử vong.

Thuốc chống nấm

Nhóm thuốc này thường được chia làm 2 loại: các loại hóa chất chống nấm như các dẫn xuất của imidazol (clotrimazol, ketoconazol, miconazol…), các triazol (fluconazol) các allylamin (naftifin) và một số hợp chất khác. Các thuốc kháng sinh chống nấm: amphotericin B, griseofulvin, nystatin.

Nói chung, việc điều trị bệnh nấm là cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ rất hiệu quả. Với nấm Candida điều trị bằng hóa chất hoặc kháng sinh kháng nấm, điều trị tại chỗ (thuốc mỡ, kem bôi) hoặc uống, hoặc tiêm, tùy tình trạng bệnh, vị trí bệnh và sự dung nạp của từng người bệnh.

Bệnh nấm da loại nhẹ và hạn chế ở từng vùng của da có thể điều trị tại chỗ bằng những loại thuốc cổ điển (acid benzoic, tím gentian…) hoặc các dẫn chất imidazol bôi tại chỗ, các hợp chất khác (acid undecylenic, tolnaftat…) cũng thường được dùng.

Trong trường hợp bệnh nấm da nặng, lan tỏa điều trị tại chỗ ít tác dụng thì có thể dùng các thuốc uống dẫn xuất imidazol (ketoconazol, clotrimazol, miconazol…) hoặc kháng sinh chống nấm loại uống. Những trường hợp bệnh nặng (do nấm Aspergillus, Blastomyces) gây tổn thương ở các tạng phủ thì cần điều trị sớm bằng kháng sinh chống nấm amphotericin B (ambisome, amphocydin, fungilin…) loại tiêm tĩnh mạch, itraconazol uống.

Hiện nay, việc điều trị bệnh nhiễm vi nấm nói chung, kể cả bệnh nấm toàn thân đã có nhiều loại thuốc chữa có kết quả rất tốt. Song điều cần thiết là phải phát hiện bệnh kịp thời, chẩn đoán đúng và điều trị đúng cách.

 
AloBacsi.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X