Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ chỉ ra nguyên nhân khiến trẻ bị ho dai dẳng không khỏi

Với trẻ nhỏ khi ngôn ngữ và cách biểu đạt chưa rõ ràng thì tiếng ho là một trong những thông điệp quan trọng cho các bậc phụ huynh kịp thời nhận biết tình trạng sức khỏe của con đang gặp phải. Vậy nếu trẻ bị ho dai dẳng, kéo dài mãi không khỏi, mẹ nên làm gì?

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị ho dai dẳng

Ho thực chất là một cách tự vệ của cơ thể tự vệ để làm thông đường hô hấp, tống đờm dãi hoặc thức ăn mắc lại trong cổ họng ra ngoài, không cho nước mũi chảy ngược vào cổ họng. Thông thường, triệu chứng ho ở trẻ có thể khỏi trong vòng 10 ngày.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, có đến 90% các trường hợp ho sẽ tự khỏi trong vòng 3 tuần. 10% còn lại là ho kéo dài, liên tục từ 3 tuần trở lên và có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này tùy theo mỗi độ tuổi của trẻ.

Có rất nhiều nguyên nhân thay đổi theo mỗi độ tuổi khiến trẻ bị ho kéo dài (Ảnh minh họa)

Thầy thuốc Ưu tú, TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Đối với trẻ nhũ nhi hay trẻ dưới 3 tuổi, nhiễm trùng, nhiễm virus đường hô hấp thông thường, vi khuẩn không điển hình, ho gà, hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, dị tật bẩm sinh ở đường hô hấp, ở tim như bệnh tim bẩm sinh… là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến ho kéo dài.

Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên, hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản là những nguyên nhân thường gặp nhất. Đối với trẻ 5 tuổi đến tuổi vị thành niên tương tự như người lớn, trong đó 3 nguyên nhân chính gây ho kéo dài ở lứa tuổi này là hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản và hội chứng chảy mũi sau ở trẻ bị viêm xoang”.

BS Tuấn đặc biệt nhấn mạnh, trẻ từ 3 tuổi thường rất năng động, vì vậy khi có triệu chứng ho kéo dài, các bậc phụ huynh đừng bỏ qua khả năng trẻ gặp phải tình trạng dị vật đường thở bị bỏ quên. Hơn nữa, hiện nay ở Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác tình trạng nhiễm lao vẫn còn tồn tại, đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến trẻ bị ho kéo dài không nên bỏ qua.

2. Ba mẹ nên xử trí như thế nào để giúp con vượt qua cơn ho

Vị Trưởng khoa có hơn 30 năm kinh nghiệm nhận thấy, thực tế trong quá trình thực hành lâm sàng, vấn đề thường gặp nhất là nhiều cha mẹ không nhận biết được trường hợp trẻ ho thế nào cần đưa đi khám ngay để có chẩn đoán và điều trị thích hợp. Điều này dẫn đến tình trạng phụ huynh “miệt mài” mua thuốc ho, thuốc long đờm, thậm chí là cả kháng sinh cho con uống, nên nhiều trường hợp khi đến bệnh viện thì trẻ đã gặp biến chứng.

“Đúng là hơn 70% các trường hợp trẻ bị ho là viêm đường hô hấp trên và có thể tự khỏi trong vòng 10-14 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh có thể diễn tiến nặng và cần sự chăm sóc, điều trị tích cực trong bệnh viện. Do đó, các bậc phụ huynh cần nắm vững 2 tình huống nguy hiểm và trở nặng để đưa con em đến các cơ sở y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc” - BS Tuấn khuyến cáo.

Thứ nhất là nếu trẻ có dấu hiệu ngủ li bì không thể đánh thức; trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi bỏ bú hoàn toàn hoặc bú kém (bú ít hơn ½ lượng sữa bình thường); trẻ lớn hơn 2 tháng không thể uống được bất kỳ chất lỏng nào; trẻ co giật thì nên đưa đi cấp cứu ngay, vì nếu chậm trễ có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Thông thường, khi trẻ hít vào, không khí đi vào phổi sẽ làm lồng ngực căng lên và phồng ra. Dấu hiệu trẻ thở rút lõm ngực là khi trẻ hít vào thấy phần dưới lồng ngực (vị trí tiếp giáp giữa bụng với ngực) bị lõm bất thường. (Ảnh minh họa)

Thứ hai là xuất hiện dấu hiệu khó thở. Nếu nhịp thở của trẻ nhanh hơn bình thường hay có biểu hiện thở co lõm lồng ngực, mẹ cần đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Để nhận diện cơn thở co lõm lồng ngực, mẹ chỉ cần cho bé nằm và kéo áo cao khỏi lồng ngực và quan sát. Bình thường, khi hít vào lồng ngực của trẻ sẽ nở ra để tiếp nhận oxy từ bên ngoài vào. Ngược lại nếu mỗi khi hít vào phần dưới lồng ngực bị kéo lõm trẻ phải hóp ngực vào mới thở được thì đa phần trong các trường hợp đây là triệu chứng cảnh báo viêm phổi nặng, cần được điều trị sớm.

Thứ ba, nếu dấu hiệu ho kéo dài trên 7 ngày hoặc không thuyên giảm thì lời khuyên tốt nhất là nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để xem nguyên nhân do đâu để có hướng xử trí phù hợp, giúp em bé mau khỏi bệnh.

Khi trẻ bị ho nhưng không có nguyên nhân nặng cần điều trị đặc hiệu hoặc trong một số trường hợp có thể chăm sóc nâng đỡ tại nhà. Khi đó, các bậc phụ huynh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, không nên kiêng cữ mà cung cấp đầy đủ các nhóm chất, ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu, uống nhiều nước giúp làm dịu họng, loãng đờm. Môi trường sinh sống cũng cần được vệ sinh sạch sẽ, cho trẻ nghỉ ngơi, giữ cơ thể thoáng mát khi trời nóng và đủ ấm khi trời lạnh.

3. Hỏi - đáp các vấn đề thường gặp khi trẻ ho kéo dài

1. Con tôi 32 tháng, hay bị ho, mỗi lần như thế thì bị rất lâu khoảng 2-3 tuần, khi ho cảm giác như có đờm dính ở họng và cháu cố gắng ho để tống ra. Cháu không chảy nước mũi và chỉ hay bị ho vào ban đêm. Xin bác sĩ tư vấn cháu bệnh gì và chữa bằng cách nào?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Để biết bé bị bệnh gì cần thăm khám đầy đủ, thậm chí phải làm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác, từ đó mới lựa chọn được biện pháp điều trị phù hợp. Trường hợp con bạn, bé 32 tháng tuổi thì nhóm bệnh chính có khả năng gây ho kéo dài vào ban đêm đó là hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Do đó, bạn cần phải đưa bé đi khám chuyên khoa để chẩn đoán bệnh và điều trị hiệu quả.

Ngoài ra, bạn cần lưu ý, trong thời gian chờ đợi bé đi khám bệnh thì nên tránh cho bé ngủ trong tình trạng bụng no, nghĩa là trước khi đi ngủ không cho bé ăn hoặc bú quá no. Tốt nhất là nên cho bé ăn hoặc bú 2 tiếng trước khi đi ngủ, điều này cũng giúp giảm thiểu chứng ho về đêm cho bé.

2. Thưa BS, con em ho có đờm mấy bữa nay rồi, đi bác sĩ thì được kê cho thuốc Cozz Ivy trị ho cho con uống. Em đọc thấy mấy kinh nghiệm dân gian như súc miệng nước muối, pha nước chanh với mật ong, nước gừng có thể làm long đờm rất tốt. Xin hỏi em có thể áp dụng các phương pháp này cho con được không ạ? Nếu được thì nên làm sao cho đúng, một ngày nên thực hiện bao nhiêu lần? Vừa uống thuốc ho Cozz Ivy vừa áp dụng các mẹo dân gian này thì có sao không ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Các phương pháp dân gian bạn kể trên không chỉ ở Việt Nam mà còn được các nước trên thế giới áp dụng rất nhiều. Về mặt khoa học, để chứng minh hiệu quả thì chưa có nghiên cứu rõ ràng nhưng nói chung đã được sử dụng từ lâu đời.

Chẳng hạn, đối với việc súc họng bằng nước muối, với trẻ từ 5-6 tuổi trở lên biết đánh răng, súc miệng thì đây là biện pháp hiệu quả trong các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc biệt, ở những trẻ hay bị viêm họng, kinh nghiệm lâu năm của các bác sĩ trong ngành Hô hấp khuyến cáo người bệnh nên súc miệng bằng nước muối mỗi ngày.

Nước muối ở đây có thể là nước muối sinh lý mua ở tiệm thuốc tây hoặc cha mẹ có thể tự pha dung dịch nước muối với ¼ muỗng cà phê muối ăn hòa tan vào 250ml nước. Sau đó cho trẻ súc miệng sáng 1 lần và tối 1 lần để giảm bớt triệu chứng khó chịu. Đối với trường hợp thời tiết lạnh, pha nước muối bằng nước ấm để súc miệng sẽ tốt hơn.

Còn việc sử dụng mật ong hay nước gừng cũng có tác dụng giảm ho. Nhưng bạn cần lưu ý, khi sử dụng mật ong nhất là loại mật ong rừng hay còn gọi mật ong tự nhiên sẽ có hiện diện của không ít các bào tử, vi khuẩn, nấm độc nên thường khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn sử dụng mật ong thì vẫn được, nhưng nên mua mật ong được sản xuất từ các công ty dược ở Việt Nam có uy tín, để an toàn hơn trong việc sử dụng cho trẻ.

Trường hợp bạn muốn sử dụng chung các phương pháp này với thuốc Cozz Ivy thì cũng tốt. Vì Cozz Ivy cũng là thuốc có nguồn gốc thảo dược an toàn, trong đó có lá thường xuân, đây được xem là bài thuốc cổ truyền dân gian của các nước phương Tây được sử dụng từ rất lâu và hiệu quả cao.

>>> Mách mẹ những thông tin nên làm rõ khi chọn thuốc ho cho trẻ

TS.BS Trần Anh Tuấn hiện là bác sĩ cao cấp, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Miễn dịch - Dị ứng Nhi Việt Nam.

3. BS ơi, bé nhà em ho cả tuần nay, không sốt, không triệu chứng gì khác, mà ho mạnh kèm đờm về đêm. Em muốn đi chụp chiếu, xét nghiệm xem có vấn đề gì về phổi không, vì em lo quá.

Xin hỏi BS, khi trẻ bị ho cần làm những xét nghiệm gì ạ, có được chụp X-Quang không và khi chụp cần lưu ý gì ạ? Bé nhà em 5 tuổi ạ, đưa bé đến bệnh viện khám mùa này em cũng lo quá ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Khi bé bị ho, việc làm các xét nghiệm như thử máu, thử đàm hay chụp Xquang là chuyện nhiều bậc phụ huynh hay nghĩ tới. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn bạn cần nghĩ tới trước đó là thăm khám trực tiếp. Vì có những bệnh chỉ cần thăm khám lâm sàng đầy đủ là bác sĩ đã biết trẻ bị bệnh gì mà không cần phải làm bất kỳ xét nghiệm nào khác. Nếu có làm thêm cũng không giúp ích gì cho việc chẩn đoán.

Thứ 2, chẳng hạn trong trường hợp bé bị viêm phổi, dấu hiệu đầu tiên giúp chẩn đoán sớm nhất đó là nhịp thở của bé nhanh hơn bình thường, chứ không phải phát hiện từ việc thử máu hay chụp Xquang. Trong chuyên khoa, người ta thấy độ nhạy của việc thăm khám lâm sàng, trong đó có nhịp thở tốt hơn việc chẩn đoán bằng chụp Xquang phổi. Vì vậy, trường hợp con bạn nếu bé không có dấu hiệu nghiêm trọng nào khác thì bạn nên đưa bé đi thăm khám trước.

Thứ 3, chỉ qua thăm khám trực tiếp bác sĩ mới xác định được phương pháp nào cần thiết để thực hiện cho trẻ và tránh dư thừa cũng như tốn kém tiền bạc cho gia đình bệnh nhân.

Nên nhớ, ngay cả khi trẻ bị viêm phổi hay viêm tiểu phế quản mức độ vừa phải nhưng không cần nhập viện thì chỉ thăm khám thôi bác sĩ đã có thể lựa chọn được phương pháp điều trị thích hợp. Chỉ trường hợp bé phải nhập viện hoặc không đáp ứng điều trị, nghi ngờ biến chứng thì mới cần chụp Xquang.

Trong trường hợp nếu bé phải chụp Xquang bạn cũng không cần quá lo lắng, vì với trẻ nhỏ chụp 1-2 lần Xquang sẽ không gây nguy hiểm gì. Nhưng nếu chụp CT thì 1 năm không quá 1 lần chụp.

4. Thưa BS, bé nhà tôi 2 tuổi, ho có đờm đặc màu trắng mỗi khi thay đổi thời tiết, mỗi lần bé ho thì rất lâu lâu mới hết. Vì ốm liên miên nên bé nhỏ so với trẻ khác. Nhà tôi đang cho bé dùng thuốc bổ và Cozz Ivy để trị ho đờm. Xin hỏi BS có cần uống 2 loại cách xa nhau không ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Theo tôi được biết thuốc ho Cozz Ivy của Dược Hậu Giang là một loại thuốc có dẫn xuất từ dược thảo an toàn, đó là lá thường xuân. Đây là loại thảo dược thường được sử dụng ở các nước phương Tây, châu  u, đã được chứng minh hiệu quả trong các trường hợp ho có đờm ở trẻ em.

Ngoài việc giảm ho, qua một số công trình nghiên cứu lá thường xuân còn có tác dụng giúp việc làm loãng đờm tốt hơn, kháng viêm, giãn phế quản, từ đó tống xuất đờm dễ dàng hơn. Khi sử dụng Cozz Ivy với các loại thuốc bổ khác thì không cần dùng cách xa nhau bạn nhé!

5. Bé nhà em 4 tuổi, rất hay bị ho, mỗi lần ho thì rất lâu mới hết. Nếu điều trị tốt thì mất bao lâu để trẻ phục hồi toàn diện, nhất là phổi thưa BS?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Trường hợp bé dưới 5 tuổi bị ho, thường 50% sẽ ho dai dẳng khoảng 10 ngày (gần 2 tuần lễ). Khoảng 90% ho trong vòng 3 tuần lễ và 10% kéo dài đến 4 tuần lễ.

Nếu trẻ thỉnh thoảng ho vài tiếng mà không có dấu hiệu bất thường nào khác thì bạn cũng đừng quá lo lắng, mà phải kiên nhẫn và chịu khó chăm sóc thì trẻ sẽ khỏi dần dần.

6. Bé nhà em bị viêm phổi, đã điều trị khỏi bệnh, nhưng 2 ngày gần đây lại thấy triệu chứng ho đờm lại, nhẹ thôi, mỗi ngày khoảng 2-3 tiếng ho như vậy.

Liệu có phải phổi chưa phục hồi hoàn toàn không hay bệnh lại tái phát ạ?  Lần trước bé có dùng thuốc ho Cozz Ivy của Dược Hậu Giang ạ. Vậy em tiếp tục cho bé sử dụng thì có vấn đề gì không thưa BS? Với tình trạng này lại thêm dịch COVID-19, em phải làm gì để bảo vệ đường hô hấp của con ạ? Con em ho như vậy thì nên theo dõi thế nào ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Tôi rất hiểu nỗi lo lắng của bạn khi bé nhà mình đã 1 lần bị viêm phổi và chắc chắn nó vẫn để lại nhiều ám ảnh và lo sợ trong gia đình bạn.

Trường hợp trẻ từng bị viêm phổi như con bạn thì triệu chứng ho có thể kéo dài thêm 1 thời gian, sau đó điều trị được hết tác nhân gây bệnh mới có thể khỏi hẳn.

Quan trọng nếu nhịp thở bé trở lại bình thường, bé không sốt, ăn ngủ được thì đó là điều đáng mừng. Và nếu 1 ngày bé chỉ ho từ 2 -3 tiếng thì bạn cũng không cần phải quá lo lắng. Vì trên thế giới người ta từng nghiên cứu, ngay cả 1 em bé không có bất kỳ bệnh lý hô hấp nào nhưng khi ghi âm giọng nói của trẻ trong 24 tiếng thì vẫn thấy rằng bé có thể ho từ 10-30 lần/ngày.

Do đó, điều bạn cần làm lúc này là tiếp tục cho bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bé sẽ mau lấy lại sức khỏe hoàn toàn.

Còn việc làm sao đánh giá viêm phổi đã hồi phục hoàn toàn hay không, phải dựa trên nhiều tiêu chí. Chẳng hạn nếu nhịp thở bé vẫn bình thường, không nhanh, không thở co lõm lồng ngực, hoặc không sốt thì bạn yên tâm bé sẽ dần dần khỏi bệnh.

Riêng với Cozz Ivy - đây là thảo dược an toàn có chứa thành phần là lá thường xuân đã được các nước phương Tây sử dụng rất lâu, vì vậy bạn có thể sử dụng tiếp Cozz Ivy cho đến khi bé khỏe hẳn.

Vấn đề hiện đang được nhiều người quan tâm đó là dịch COVID-19 thì để bảo vệ trẻ tốt nhất bạn nên thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ y tế:

- Khẩu trang: có thể cho bé đeo khẩu trang vải khi ra ngoài đường. Nhưng nếu phải vào bệnh viện tái khám thì nên đeo khẩu trang y tế. Điều này giúp bé tránh hít phải giọt bắn của một người khác đang ho, hắt hơi.

- Khử khuẩn: vệ sinh tay. Mặc dù là bệnh hô hấp nhưng con đường lây nhiễm bệnh này là từ bàn tay nhiễm bẩn của người chăm sóc và chính bệnh nhân. Không chỉ COVID-19 mà nhiều bệnh khác như viêm phổi hay viêm tiểu phế quản thì điều này giúp phòng chống bệnh rất tốt, rửa tay tương tự như một loại vắc xin, vừa rẻ tiền vừa hiệu quả cao.

Tiếp theo là vệ sinh môi trường, bạn cần vệ sinh nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng, ngay cả đồ chơi của bé để tránh khỏi bụi. Đặc biệt những nơi mọi người thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, điện thoại, mặt bàn ghế bạn cũng cần lau chùi sạch sẽ hoặc sử dụng dung dịch khử khuẩn để làm vệ sinh các bề mặt này.

- Khoảng cách: Khi một người ho sẽ bắn ra giọt bắn chứa mầm bệnh, do đó việc giữ khoảng cách là việc quan trọng để phòng chống bệnh. Với trẻ nhỏ tuyệt đối không nên cho tiếp xúc người lạ. Do đó, thời gian này nên cho bé ở trong nhà là tốt nhất.

- Không tụ tập: Không nên cho bé tới những nơi đông đúc, tụ tập nhiều người.

- Khai báo y tế: Điều này người lớn cần làm cho bé.

Trên đây là những việc làm này rất dễ nhớ và dễ dàng thực hiện để bạn có thể bảo vệ trẻ và gia đình tránh phải dịch COVID-19.

7. Thưa BS, em ở Bình Thuận, nhà trường đã cho đi học lại từ 22/2. BS có lời khuyên nào cho cha mẹ khi trẻ quay trở lại trường hợp trong tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp như hiện nay không ạ? Em cảm ơn BS.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Khi cho trẻ đi học lại cha mẹ cần chú ý đến những thông báo của ngành y tế và giáo dục.

Việc quyết định cho trẻ đi học lại chắc chắn đã được Chính phủ cân nhắc rất nhiều, tính toán trên cơ sở vùng đó có nguy cơ mắc bệnh hay không, điều kiện cơ sở ra sao và bản thân trẻ cũng phải tuân thủ các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh tích cực thì mới được tiếp nhận.

Nếu cha mẹ nhận được thông báo ở địa phương, trường học của con em mình cho phép đi học lại thì nên cho đi học. Nhưng trong quá trình con trở lại trường cha mẹ cần lưu ý cho trẻ đeo khẩu trang, hướng dẫn con rửa tay đúng cách và nếu lỡ có mắc bệnh thì nên giữ con ở nhà để được chăm sóc tốt, cũng như tránh lây bệnh cho cả lớp.

Ngoài ra, kể cả quần áo hay vật dụng sinh hoạt, dụng cụ học tập của trẻ cũng phải vệ sinh, khử trùng hợp lý để tránh lây bệnh từ những vật dụng này.

Vấn đề dinh dưỡng cũng cần quan tâm, bạn nên cho con ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, trái cây, nước ép hoa quả,… để tăng cường vitamin giúp tăng sức đề kháng chống bệnh tật, trong đó có COVID-19.

8. Bé nhà em bị ho đờm, đi khám BS chẩn đoán viêm đường hô hấp trên, chăm sóc tại nhà. Em nên cho bé ăn uống, sinh hoạt, dùng thuốc trị ho tại nhà như thế nào để nhanh khỏi bệnh ạ? Em cảm ơn BS.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Khi chăm sóc trẻ bị ho tại nhà, cha mẹ cần lưu ý một số nguyên tắc dưới đây:

Về dinh dưỡng, cha mẹ không nên cho trẻ kiêng ăn tôm, cua, thịt bò hay sữa, thay vào đó cần cung cấp đầy đủ các dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng, giúp con mau khỏi bệnh. Đồng thời, cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, cữ bú; nên nấu các món ăn mềm để dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Đừng quên cho trẻ uống nhiều nước, không cần đợi khát mà có thể uống thành nhiều đợt trong ngày. Nước không chỉ giúp xoa dịu cơn ho mà đây còn là giải pháp hiệu quả tương tự các loại thuốc long đờm đắt tiền mà mẹ mua ngoài tiệm thuốc tây.

Về sinh hoạt, cần tránh những yếu tố kích thích xấu như khói thuốc lá, khói bếp… Đây là những yếu tố khiến tăng nặng thêm triệu chứng ho và nhiều bệnh lý như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn ở trẻ.

Về vấn đề dùng thuốc, các mẹ không nên lạm dụng thuốc kháng sinh, vì trong các trường hợp cảm, ho thông thường nó sẽ không có hiệu quả mà ngược lại sẽ để lại nhiều khả năng xảy ra các tác dụng phụ như dị ứng, tiêu chảy, hay thậm chí là xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Tương tự, đối với thuốc trị ho cũng cần dùng đúng lúc, đúng cách. Các bậc phụ huynh chỉ nên sử dụng khi việc ho này để lại những hậu quả xấu cho em bé, chẳng hạn như ho nhiều gây nôn ói, ăn uống kém, không ngủ được, đau tức ngực, đau họng…

Tuyệt đối không dùng, chia nhỏ liều thuốc ho của người lớn cho trẻ em. Bởi một số loại thuốc ho người lớn mặc dù hiệu quả nhưng trong đó chứa thành phần chủ yếu là dẫn xuất á phiện hoặc chất kháng histamine có thể dẫn đến tác dụng phụ và độc tính, thậm chí là nguy hiểm tính mạng.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như Bộ Y tế, tốt nhất nên sử dụng thuốc ho làm từ thảo dược đã được chứng minh để đảm bảo hiệu quả, an toàn, phù hợp với độ tuổi và kiểu bệnh của em bé.

Bên cạnh đó, cần quan sát, theo dõi trẻ sát sao kịp thời phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm, trở nặng như tôi đã nói ở trên để đưa đến cơ sở y tế, xử trí kịp thời.

Trân trọng!
Kính mời quý độc giả cùng đón xem những nội dung tiếp theo trong chuyên đề https://alobacsi.com/benh-ho-o-tre-em/

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X