Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ hướng dẫn cách bảo vệ trẻ khỏi viêm họng cấp trong dịp Tết

Theo thống kê hàng năm, cứ vào dịp Tết, bệnh lý đường hô hấp ở trẻ nhỏ lại gia tăng, nhất là viêm họng cấp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển thành mạn tính, thậm chí gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy làm thế nào bảo vệ con trước viêm họng cấp, đón Xuân an lành?

1. Các nguyên nhân khiến trẻ dễ gặp vấn đề viêm họng cấp vào mùa Tết

Tết cận kề với niềm vui đoàn tụ, tâm trạng mẹ bỗng nhiên trùng xuống khi đầu con nóng hổi lại thêm vài tiếng ho. Đây là nỗi lòng của rất nhiều bậc phụ huynh trong thời điểm này. Trời trở lạnh là cơ hội để mầm bệnh virus, vi khuẩn sinh sôi phát triển mạnh gặp cơ thể trẻ chưa kịp thích ứng nên rất dễ xâm nhập gây ra các bệnh đường hô hấp, trong đó hàng đầu là viêm họng cấp.

Lý giải về điều này, TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Họng là cửa ngõ đầu tiên của cơ thể tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài. Để duy trì sự sống, chúng ta cần hít thở và ăn uống, cả 2 hoạt động này đều đi qua họng, vì vậy trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, trong đó viêm họng cũng là điều dễ hiểu”.

Các triệu chứng của viêm họng cấp do virus thường khởi phát chậm, sốt nhẹ đến sốt cao, ho, đau họng. Ngược lại viêm họng cấp do liên cầu khuẩn thường khởi phát đột ngột, sốt cao, đau họng nhưng không ho (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây viêm họng cấp ở trẻ còn tùy theo lứa tuổi nhưng khoảng 70-80% là do các loại virus, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị kháng sinh. Còn lại khoảng 20-30% nguyên nhân gây viêm họng cấp có thể do vi khuẩn. Trong đó đáng chú ý nhất là liên cầu khuẩn, chúng được tìm thấy ở khoảng 15% các trường hợp bị viêm họng cấp, chủ yếu ở trẻ trên 5 tuổi.

Theo TS Anh Tuấn, đây là vấn đề rất đáng quan tâm, bởi lẽ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vị chuyên gia về hô hấp ví von, viêm họng cấp do liên cầu khuẩn khi vào họng sẽ “liếm” qua khớp, “đớp” vào tim và khi đã vào đến cơ quan trọng yếu này nó sẽ không chịu nhả ra, để lại biến chứng thấp tim, khiến trẻ mắc các bệnh van tim hậu thấp - gánh nặng ảnh hưởng sức khỏe suốt đời.

Chính vì vậy, TS Anh Tuấn khuyến cáo với các bậc phụ huynh không nên lạm dụng kháng sinh điều trị viêm họng cấp do virus để tránh các hệ lụy đáng tiếc do thói quen này gây ra. Đồng thời đối với các bác sĩ không để “xổng” các trường hợp viêm họng do liên cầu khuẩn để tránh biến chứng nguy hại cho trẻ.

“Viêm họng cấp do virus hay liên cầu khuẩn đều có triệu chứng giống nhau đó là sốt nhẹ đến sốt cao, đau họng… do đó các bậc phụ huynh cần lưu ý trong quá trình chăm sóc để kịp thời đưa ra các xử trí kịp thời.

Đối với trường hợp viêm họng do virus thường khởi phát chậm, ngoài triệu chứng sốt (thậm chí có trẻ không bị sốt), đau họng thì còn kèm theo các dấu hiệu khác mà viêm họng do liên cầu khuẩn không có, đó là sổ mũi, ho, viêm kết mạc mắt, tiêu chảy, loét miệng. Thường mắc ở trẻ dưới 3 tuổi và bệnh có thể tự khỏi nếu được chăm sóc tốt.

Ngược lại, viêm họng do liên cầu khuẩn khởi phát rất đột ngột, sốt rất cao nhưng không ho, đặc biệt tình trạng đau họng rất rõ ràng, dễ gặp ở trẻ trên 5 tuổi. Bên cạnh đó, trong viêm họng do liên cầu khuẩn có một triệu chứng rất đặc biệt, đó là trẻ sẽ bị sưng hạch góc hàm (vùng gần cổ).

Khi bác sĩ khám quan sát trong họng, nhất là khu vực amidan sẽ thấy những hốc có màu trắng, lưỡi hơi dơ (trong khi trẻ viêm họng do virus thường không có triệu chứng này), không loét miệng.

Tuy nhiên, để phân biệt rạch ròi thì tốt nhất các bậc phụ huynh phải đưa con đi khám bác sĩ để đánh giá toàn diện. Một số trường hợp cần phải làm thêm các xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị phù hợp” - TS Anh Tuấn chia sẻ.

2. 3 cách bảo vệ trẻ khỏi viêm họng cấp

Viêm họng cấp tính do virus thường gặp ở đại đa số các trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 10 - 14 ngày khi được chăm sóc tốt. Phần lớn các trường hợp này chỉ điều trị triệu chứng là chủ yếu. Chẳng hạn, dùng thuốc có thành phần paracetamol khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, vừa có tác dụng hạ sốt vừa giúp giảm đau họng. Nếu trẻ ho tốt nhất là dùng thuốc ho có nguồn gốc thảo dược an toàn và phù hợp với mỗi lứa tuổi.

Trẻ đau họng sẽ kéo theo một số hệ lụy, đáng lưu ý nhất là lười ăn, biếng ăn. Vì vậy, để giải quyết tình trạng này mẹ nên chế biến món ăn mềm, loãng hơn bình thường để con dễ nuốt, chia thành nhiều bữa nhỏ. Đặc biệt, đừng để trẻ mất nước, hãy cho uống nước ngay cả khi không khát, đây là “vũ khí” quan trọng giảm ho, đau họng cho con yêu.

Nhưng các bậc phụ huynh cần lưu ý, nếu triệu chứng của trẻ không thuyên giảm sau 7 ngày hoặc sốt cao từ 39 độ trở lên và liên tục 2-3 ngày cần đưa trẻ đi khám bệnh. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang diễn tiến nặng hơn mắc một căn bệnh khác, chẳng hạn như sốt xuất huyết cũng có triệu chứng tương tự, nếu không cảnh giác chúng ta có thể “mắc lừa”. Mặt khác, nếu có dấu hiệu nặng hơn như đau họng đến mức khó không ăn uống, ngủ li bì không lay dậy được, sốt co giật… hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Các bậc phụ huynh cần linh hoạt dựa trên điều kiện thời tiết mà chọn trang phục giữ ấm phù hợp cho con (Ảnh minh họa)

Thời điểm giao mùa, trẻ trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, trong đó có viêm họng, TS Anh Tuấn đưa ra 2 giải pháp chính, đó là trước mắt và căn cơ lâu dài.

Trước mắt, mẹ cần bảo vệ con khỏi sự tác động xấu về phương tiện thời tiết, linh hoạt theo nhiệt độ môi trường để giữ ấm cho phù hợp. Khi ra đường, nếu trời se lạnh chỉ cần mặc thêm áo khoác mỏng, ngược lại khi trời rét buốt cần trang bị thêm nhiều lớp áo ấm, choàng khăn, đeo khăn tay, mang tất. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bị cảm ho, nhắc nhở rửa tay thường xuyên.

Về căn cơ lâu dài, các bậc phụ huynh cần lưu tâm đến chế độ ăn uống của con trẻ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, tránh thừa cân, béo phì nhưng cũng không được suy dinh dưỡng. Đặc biệt nên ăn nhiều các loại rau củ quả giàu vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Với trẻ nhỏ nên cho bú mẹ càng lâu càng tốt, ít nhất là 6 tháng đầu sau sinh trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn.

Ngoài ra, trẻ cần được chủng ngừa đầy đủ. Bên cạnh các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các bậc phụ huynh cần tham khảo để chủng ngừa thêm cúm, phế cầu - đây đều là những tác nhân gây bệnh đường hô hấp quan trọng ở trẻ em.

“Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém, đó là đảm bảo môi trường sống, sinh hoạt cho trẻ sạch sẽ, trong lành, tránh xa khói bụi, thuốc lá. Tuyệt đối không đốt lửa, sưởi ấm cho trẻ bằng than củi, than tổ ong, điều này rất nguy hiểm có thể dẫn đến ngạt khí CO, thậm chí tử vong.

Không chỉ đề phòng viêm họng cấp, hiện nay toàn xã hội còn phải chống chọi với dịch COVID-19. Vì vậy, trong thời điểm này tốt nhất là giữ khoảng cách, tránh tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang. Giải pháp này không chỉ giúp phòng ngừa COVID-19 mà còn có giá trị bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh đường hô hấp khác” - TS Anh Tuấn nói.

Cuối cùng là vấn đề khử khuẩn. Rửa tay là thông điệp được gửi gắm từ nhiều năm qua, trước khi đại dịch “đổ bộ” toàn thế giới. Các bậc phụ huynh hãy giúp con hình thành thói quen này hàng ngày. Kể cả các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, các bề mặt như mặt ghế, nắm cửa, điện thoại… cũng cần được khử khuẩn, vệ sinh đúng cách để tránh vi khuẩn có “cơ hội” bám víu để gây bệnh.

3. Giải đáp các thắc mắc thường gặp về viêm họng cấp

1. Gia đình em 2 bé, một bé 2 tuổi và một bé 5 tuổi, sắp Tết rồi không tránh khỏi việc đi chúc Tết ông bà, gặp gỡ nhiều người. Xin hỏi cần trang bị những gì để bé không bị lây bệnh hô hấp từ người khác? Khi con có dấu hiệu khục khặc ho đờm, sốt thì nên xử trí thế nào ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Trong tình huống hiện nay, do một số địa phương xuất hiện ổ dịch COVID-19 nên cả nước đang nỗ lực hết sức để tránh sự lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, ngành Y tế cũng như Chính phủ khuyến khích không nên đi xa, nhất là đi du lịch trong thời điểm này nếu như không thực sự cần thiết để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt không nên lui tới các địa phương đang được công bố có dịch.

Trong dịp Tết, việc gìn giữ nét đẹp truyền thống thăm hỏi gia đình, ông bà là điều nên làm, nhưng các ban ngành cũng đưa ra khuyến cáo không nên tụ tập đông người. Như vậy, nếu chúng ta áp dụng tốt khuyến cáo này thì không chỉ giảm thiểu nguy cơ nhiễm COVID-19 mà còn giảm tỷ lệ mắc bệnh hô hấp cho trẻ.

Nhưng nếu bắt buộc phải di chuyển thì cần nhớ đeo khẩu trang (có thể đeo khẩu trang vải nếu đi lại thông thường, dùng khẩu trang y tế 2-3 lớp nếu phải lui tới cơ sở y tế hoặc những vùng đang có các ổ dịch) để tăng khả năng bảo vệ cho cả gia đình, không riêng gì trẻ em.

Mặt khác, đừng quên nhắc trẻ rửa tay trong suốt chuyến đi. Ở nơi đến có nước sạch, xà phòng để rửa tay là điều tốt nhất, còn nếu không thì cần trang bị nước sát trùng nhanh để phục vụ cho việckhử khuẩn nhanh chóng, tiện lợi.

Ngoài ra, không tiếp xúc gần với người đang có biểu hiện hô hấp cũng là vấn đề mẹ cần quan tâm để bảo vệ trẻ trước COVID-19 cũng như các bệnh đường hô hấp khác trong thời điểm này.

Trong chuyến đi, nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi mà không có dấu hiệu bệnh nặng thì dùng thuốc hạ sốt paracetamol khi nhiệt độ cơ thể từ 38,5 độ C trở lên, trường hợp chỉ sốt nhẹ có thể hạ sốt bằng cách lau mát, uống nhiều nước… Tương tự, nếu trẻ ho tương đối nhiều và cũng không kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm khác thì có thể cho uống thuốc ho, tốt nhất là có thành phần từ thảo dược vừa hiệu quả vừa an toàn.

Một vấn đề khác cũng rất thường gặp ở trẻ nhỏ, đó là sổ mũi. Trong tình huống này, cha mẹ phải rất cẩn trọng trong việc sử dụng các loại thuốc sổ mũi. Bởi mặc dù khi dùng thuốc nước mũi không chảy ra được nhưng sẽ khiến trẻ bị tắc mũi do các chất tiết này cô đặc. Do đó, giải pháp hữu hiệu nhất là thông thoáng mũi cho trẻ bằng giấy thấm hoặc dùng nước muối sinh lý làm sạch mũi, điều này tốt hơn việc dùng các loại thuốc kháng histamin để điều trị triệu chứng sổ mũi.

Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Trần Anh Tuấn là vị chuyên gia nhận được sự tín nhiệm của nhiều ông bố, bà mẹ

2. Thưa bác sĩ, bé nhà em uống nước lạnh là rất dễ bị viêm họng. Bình thường em hạn chế cho bé uống, tuy nhiên ngày tết cũng là ngày vui nên không muốn kiểm soát con quá nhiều. BS cho em hỏi là nếu bé chớm viêm họng thì nên làm gì để làm thế nào để nhanh khỏi ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Theo kinh nghiệm dân gian và thực tế nhiều nhà chuyên môn cũng nhìn nhận, đúng là khi cho trẻ uống nước lạnh, nước đá quá nhiều sẽ dễ bị nhiễm lạnh, làm tăng nguy cơ bị viêm họng. Vì vậy, bạn đã có hành động đúng là hạn chế nước lạnh, nước đá trong sinh hoạt hàng ngày.

Trong ngày Tết, bạn có thể đồng ý cho con uống một chút nhưng không nên nuông chiều cho thói quen này quá mức. Nếu trẻ chỉ mới chớm đau họng, bạn nên ngưng ngay việc uống nước lạnh, nước đá, thay vào đó là dùng nước lọc thông thường, nếu có điều kiện thời gian thì cho con uống nước trà ấm và loãng giúp làm dịu họng, giảm ho cho trẻ.

Với trẻ lớn hơn, từ 5 tuổi trở lên bạn có thể cho con súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc dùng dung dịch nước muối tự pha (lấy một ¼ - ½ muỗng cà phê muối pha trong 250ml nước sạch) đều được. Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả của phương pháp này, nhưng theo kinh nghiệm thực tế của nhiều nhà chuyên môn thì đây là giải pháp có thể áp dụng được và an toàn.

3. BS ơi, bé bị viêm họng cấp nếu được điều trị, chăm sóc tốt thì bao lâu sẽ khỏi bệnh ạ? Sau khi khỏi làm sao để tránh tái phát ạ? Bé nhà em có dùng thuốc ho Cozz Ivy mấy ngày nay thì thấy có giảm ho rồi ạ. Ngoài thuốc ho, em có nên cho bé dùng thêm thuốc bổ để tăng đề kháng được không ạ, em không biết có kiêng kỵ gì không, nhờ BS tư vấn thêm ạ.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Thông thường, khi trẻ bị viêm họng cấp do virus sẽ tự khỏi trong vòng 10-14 ngày nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, trên thực tế nếu đến ngày thứ 7 mà triệu chứng của con không thuyên giảm thì cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám đầy đủ.

Khi trẻ bị ho, việc sử dụng Cozz Ivy cũng là một giải pháp tốt, bởi lẽ đây là thảo dược an toàn, được chứng minh trong thực tế y học Tây phương từ rất lâu, phù hợp với trẻ nhỏ từ 1 tuổi trở lên. Cozz Ivy có nguồn gốc thảo dược từ lá thường xuân, trên nguyên tắc có thể sử dụng chung với các loại thuốc khác mà không sợ tương kị hay phản ứng chéo. Bạn có thể yên tâm cho bé sử dụng với các loại thuốc bổ hoặc thuốc khác khi cần thiết.

Cozz Ivy với thành phần cao lá thường xuân từ thiên nhiên được chứng minh hiệu quả và an toàn trong hỗ trợ điều trị ho cho trẻ từ 1 tuổi trở lên (Ảnh minh họa)

4. Tôi đọc được thông tin, trẻ bị viêm họng cấp kéo dài hơn 10 ngày, nhất là vào tuần thứ 2, thứ 3, không được điều trị hợp lý dễ dẫn đến biến chứng. Thực hư thông tin này như thế nào thưa BS? Tôi lo quá vì cháu tôi bị 7 ngày nay, có đỡ nhưng chưa khỏi hẳn. Dạo này dịch bệnh lan nhanh, cháu cứ bị ho hoài không thấy giảm khiến tôi không yên tâm. Các biến chứng có thể xảy ra khi trẻ bị viêm họng cấp là gì, làm sao phòng ngừa?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Trong câu hỏi này, tôi cần tách bạch 2 nhóm viêm họng khác nhau. Trong đó, viêm họng cấp tính do virus là phổ biến nhất, chiếm đến 70-80% và thường tự khỏi trong khoảng 10-14 ngày khi được chăm sóc tốt. Nhưng các bậc phụ huynh cần lưu ý, trong khoảng thời gian này bệnh sẽ giảm từ từ, vì vậy nếu quá 7 ngày mà trẻ không thuyên giảm thì phải cảnh giác với các vấn đề khác, thậm chí là biến chứng như vấn đề bạn đã nêu ra.

Biến chứng hàng đầu có thể xảy ra khi bị viêm họng do virus vẫn là viêm phổi. Người ta thấy rằng có khoảng 20-25% các trường hợp viêm họng do virus có thể diễn tiến thành viêm phổi dù cho bé được chăm sóc tốt. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý.

Nhóm thứ hai là viêm họng do vi khuẩn liên cầu. Bệnh này thường xảy ở trẻ từ 5-15 tuổi, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi rất ít khi gặp phải. Khi trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn điều quan trọng nhất là phải điều trị “tới nơi tới chốn” để không chỉ khỏi bệnh trên phương diện lâm sàng mà phải giải quyết tiệt căn vi khuẩn, vì nếu không nó vẫn có thể đưa đến những biến chứng. Trong đó, nhẹ nhất là thấp khớp, trẻ chỉ bị đau, đi lại khó khăn trong thời gian ngắn nhưng không để lại di chứng, song nếu nặng hơn có thể đưa đến biến chứng thấp tim, khiến trẻ mắc các bệnh van tim hậu thấp, chẳng hạn như hẹp 2 lá, hở 2 lá… hậu quả rất nặng nề, phải gánh chịu cả đời.

Các biến chứng thấp khớp, thấp tim này thường xảy ra trong khoảng 1-5 tuần sau đợt viêm họng cấp tính. Nhưng có một điều may mắn, hiện nay biến chứng thấp tim này ngày càng được giảm thiểu với sự phát triển của ngành y học thế giới và Việt Nam. Nhưng nước ta vẫn nằm trong vùng mà tỷ lệ biến chứng thấp khớp, thấp tim còn khá nhiều, vì vậy cần phải hết sức cảnh giác.

5.Thưa BS, Tết là thời điểm rất khó để mua các loại thuốc, nhất là hôm mùng 1, mùng 2. Nhà em có con nhỏ thì trong tủ thuốc gia đình căn bản nhất phải có các loại thuốc nào thưa BS?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Việc nghỉ Tết khiến chúng ta có thể sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận các cơ sở y tế để mua thuốc. Vì vậy, trong thời điểm này ngoài vấn đề duy trì hệ thống tư vấn y tế như điện thoại di động, kênh thông tin … thì mỗi gia đình cần trang bị một số loại thuốc cơ bản để điều trị triệu chứng.

Chẳng hạn, trong tủ thuốc gia đình cần có thuốc hạ sốt thành phần paracetamol, vì đây là dạng an toàn và hiệu quả cho trẻ em. Đồng thời, nên chuẩn bị thêm một số loại thuốc ho, tốt nhất là có thành phần từ thảo dược an toàn.

6. Thưa BS, bé nhà em bị đau rát họng do viêm họng cấp nên ăn uống được ít, rất khó chịu. Làm thế nào để giảm tình trạng đau họng cho bé ạ? Không chỉ đau họng mà còn ho có đờm nữa, em cho bé dùng sản phẩm long đờm từ thảo dược như Cozz Ivy kèm với thuốc kê đơn của BS có được không ạ? Gần Tết rồi cũng muốn con mau khỏe để ăn Tết ạ.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Đau họng là một trong những triệu chứng thường gặp nhất khi trẻ bị viêm họng. Trong trường hợp này chúng ta có thể sử dụng một số giải pháp sau đây:

- Thứ nhất, cho trẻ sử dụng thuốc paracetamol, ngoài tác dụng hạ sốt nó còn giúp giảm đau. Nếu cần thiết có thể cho trẻ dùng 1 liều cách mỗi 6 tiếng để giảm đau họng, ăn uống dễ dàng hơn.

- Thứ hai là chế biến các món ăn mềm, dễ nuốt.

- Thứ ba là uống nhiều nước, giúp dịu họng, như vậy giảm thiểu được triệu chứng đau họng một cách đáng kể.

- Thứ tư là sử dụng các loại thuốc giảm ho khác, trong đó có sản phẩm Cozz Ivy như bạn vừa nêu. Đây là một loại thảo dược an toàn, có nguồn gốc từ y học Tây phương, xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của các dân tộc vùng Âu Mỹ dùng lá thường xuân từ hàng nghìn năm nay và chứng minh được tính hiệu quả, an toàn trong việc giảm ho cho cả người lớn lẫn trẻ em từ 1 tuổi trở lên.

Và cuối cùng mong rằng bạn và gia đình sẽ có mùa Xuân thật an lành, vui vẻ!

Kính mời quý độc giả cùng đón xem những nội dung tiếp theo trong chuyên đề https://alobacsi.com/benh-ho-o-tre-em/

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X