Ăn củ ấu tàu thay cơm, một phụ nữ ngộ độc nặng phải nhập viện
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp ngộ độc nặng do ăn củ ấu tàu - loại củ chứa độc tố cực mạnh nếu dùng sai cách. Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về thói quen tự ý sử dụng thảo dược mà không có hiểu biết chuyên môn.
Ăn củ ấu tàu thay cơm, nhập viện vì ngộ độc nặng
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108, nữ bệnh nhân 56 tuổi được đưa đến cấp cứu với hàng loạt triệu chứng gồm buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay, tụt huyết áp và buồn đi ngoài, sau khi ăn lượng lớn củ ấu tàu thay cho bữa cơm.
Sau khi được thăm khám và làm xét nghiệm, bệnh nhân được xác định ngộ độc aconitine - một loại độc tố cực mạnh có trong củ ấu tàu (còn gọi là củ gấu tàu, xuyên ô, thảo ô). Người bệnh nhanh chóng điều trị bằng thuốc vận mạch, cân bằng điện giải và thuốc chống loạn nhịp tim để ổn định tình trạng bệnh nhân.

Ngộ độc aconitine dễ bị nhầm với sốc phản vệ
BS Nguyễn Hà Anh - Trung tâm Da liễu - Dị ứng của bệnh viện cho biết, mặc dù củ ấu tàu là dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền, nhưng nếu không được chế biến đúng cách hoặc dùng quá liều, chất aconitine trong củ có thể gây ra các phản ứng độc tính nghiêm trọng như loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc tim, thậm chí tử vong.
BS Hà Anh nhấn mạnh, điểm nguy hiểm là các biểu hiện ngộ độc như buồn nôn, tê môi tay chân, tụt huyết áp rất dễ bị nhầm lẫn với sốc phản vệ. Độc aconitin lại không đáp ứng với các thuốc điều trị sốc phản vệ thông thường như adrenaline hay corticoid.
Bác sĩ cảnh báo, nhiều người dân có thói quen sử dụng thảo dược theo truyền miệng, ngâm rượu hoặc nấu ăn mà không hiểu rõ về liều lượng, cách khử độc hoặc độc tính tiềm ẩn của những loại cây thuốc này.
Bác sĩ khuyến cáo, không phải tất cả dược liệu tự nhiên đều an toàn. Có những vị thuốc chỉ có thể sử dụng khi đã được xử lý kỹ càng và dùng đúng liều lượng. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng hoặc chế biến khi chưa có chỉ định hoặc tư vấn từ chuyên gia y tế.

Biểu hiện ngộ độc aconitine cần đặc biệt lưu ý
Các dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc củ ấu tàu gồm buồn nôn, đau bụng, chóng mặt, tê bì tay chân, hồi hộp, đánh trống ngực, tụt huyết áp và khó thở. Người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế ngay khi xuất hiện những triệu chứng này. Việc chậm trễ có thể khiến tình trạng chuyển biến nặng nhanh chóng trong vòng vài giờ.
Với nhân viên y tế, BS Nguyễn Hà Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác kỹ tiền sử ăn uống, sử dụng thuốc nam, món ăn lạ hoặc rượu ngâm trong 24-48 giờ trước đó khi tiếp nhận bệnh nhân có biểu hiện tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim hay rối loạn tiêu hóa không rõ nguyên nhân.
Theo BS Nguyễn Hà Anh, cần đưa ngộ độc thảo dược, đặc biệt là từ củ ấu tàu, vào danh sách chẩn đoán phân biệt là điều cần thiết để xử trí kịp thời và đúng hướng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình