Hotline 24/7
08983-08983

Ai dễ bị dị ứng vắc xin COVID-19? Có nên sử dụng thuốc chống dị ứng trước khi chích ngừa?

Bài viết của tác giả Duy Phạm đưa ra các chỉ dẫn dễ hiểu về: dị ứng với vắc xin thì biểu hiện ra sao? Cái gì trong vắc xin COVID-19 gây dị ứng, ai là người có nguy cơ dị ứng với vắc xin COVID-19, và có nên sử dụng thuốc ngừa dị ứng trước khi chích ngừa?...

Ghi chú của tác giả: Trước khi đọc tiếp thì xin quý vị lưu ý giúp, bài viết này nhằm mục đích tham khảo cho cộng đồng, chứ không phải là tiêu chuẩn để giúp xác định ai sẽ không dị ứng với vắc xin COVID-19. Khi quý vị đi tiêm phòng vắc xin, các bác sĩ sẽ có câu hỏi và khám sàng lọc để đánh giá nguy cơ dị ứng cho quý vị.

Vaccine save lives!

Trong đại dịch này, vắc xin có lẽ là cứu tinh của nhân loại, và tác dụng của vắc xin trong việc giúp bảo vệ loài người trước các bệnh truyền nhiễm là không thể bàn cãi!

Hôm nay, BS Duy xin được phân tích một chút xíu về vắc xin COVID-19 và nguy cơ gây dị ứng của nó, trước chiến dịch tiêm vắc xin toàn dân sắp diễn ra!


1. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh như thế nào?

Virus SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19) khi xâm nhập vào cơ thể chúng ta, nó sẽ dùng những cái gai trên người để bám vào tế bào, từ đó chui vào trong tế bào, biến tế bào của chúng ta thành nhà máy sản xuất ra hàng loạt những con virus mới, cho đến khi tế bào chúng ta kiệt quệ mà chết. Các con virus mới sẽ tiếp tục xâm nhập vào các tế bào khác và quá trình cứ tiếp diễn. Quá trình này xảy ra chủ yếu ở các tế bào trên đường hô hấp (mũi, họng, phổi).

Cơ thể của chúng ta khi phát hiện tế bào bị nhiễm virus thì sẽ huy động các tế bào miễn dịch (bạch cầu) đến để tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, do virus đã trú ẩn bên trong tế bào chúng ta rồi, nên cách duy nhất để diệt nó là phải... diệt luôn tế bào của chính chúng ta. Khi đó, tế bào miễn dịch sẽ có thể trực tiếp tiêu diệt tế bào bị nhiễm, một số khác thì tiết ra hàng loại các cytokine kích thích các tế bào viêm trong cơ thể gây viêm mô ở vị trí nhiễm virus.

Tình trạng viêm đó có mục đích là tiêu diệt virus, nhưng ai dè đâu, ném bơm rải thảm thì địch chết, ta cũng bị thương, làm tổn thương mô của chúng ta, và nếu quá nặng có thể gây viêm phổi lan tỏa, suy hô hấp và tử vong.

2. Vắc xin COVID-19 bảo vệ chúng ta bằng cách nào?

Dựa vào cơ chế gây bệnh ở trên, nếu muốn ngăn chặn bệnh do virus thì bắt buộc phải ngăn không cho chúng chui được vào bên trong tế bào của mình. Khi đó, chúng ta cần cơ thể có sẵn kháng thể, để khi vừa thấy con virus, kháng thể sẽ bám lên các gai của chúng, làm gai của chúng không thể dính lên tế bào của chúng ta được. Khi đó, các con virus bị kháng thể bám vào coi như đã bị vô hiệu hóa, nằm chờ tế bào miễn dịch tới thủ tiêu.

Hiện nay, vắc xin COVID-19 có 2 loại:

  • Vắc xin mRNA (Moderna và Pfizer): có các hạt lipid rất nhỏ (lipid nanoparticle) chứa mRNA mã hóa cho protein tạo thành cái gai của con virus.
  • Vắc xin viral vector (AstraZeneca, Jassen): có các adenovirus (không nguy hiểm cho người) mang đoạn DNA mã hóa cho protein tạo thành cái gai của con virus.

Cả hai loại vắc xin này khi tiêm vào cơ thể, sẽ khiến cho tế bào chúng ta tổng hợp ra cái gai của con virus (chứ không phải nguyên cả con virus nhe). Lúc đó, hệ miễn dịch thấy cái gai lạ quá, nên tới xem, và sẵn tiện sản xuất ra kháng thể chống lại cái gai đó luôn.

Hệ miễn dịch của chúng ta cũng rất hiếu kỳ, các tế bào sẽ kéo cả làng cả xóm tới xem và đồng loạt sản xuất ra một lượng kháng thể ngày càng nhiều. Khi đó, nếu có con virus nào xấu số lọt vô, thì các kháng thể có sẵn sẽ ngay lập tức bám lên các gai trên con virus đó, và rồi... tiêu đời.

3. Các phản ứng sau tiêm vắc xin thường gặp là gì?

Sau khi tiêm vắc xin, phản ứng thường gặp nhất là đau, sưng và đỏ ở chỗ chích, sốt nhẹ, đau nhức cơ, nhức đầu, một số có thể mất khẩu vị, chán ăn. Triệu chứng có thể xuất hiện sau vài tiếng và kéo dài vài ngày, sau đó tự hết. Thông thường sẽ không cần điều trị gì.

4. Dị ứng với vắc xin biểu hiện ra sao?

  • Biểu hiện tại chỗ (nhẹ) có thể sưng, đỏ, ngứa và đau ở chỗ chích, quầng đỏ có thể lan rộng xung quanh chỗ tiêm, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì sẽ không nguy hiểm tính mạng.
  • Biểu hiện toàn thân (nặng) thường gặp nhất là đỏ da, ngứa da, nổi mày đay, nặng hơn có thể gây nghẹt thở, thở rít, chóng mặt, ngất do tụt huyết áp (sốc phản vệ)

Ngoài ra, có thể có các triệu chứng khác như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Các triệu chứng dị ứng sẽ xảy ra sau khoảng 5-30 phút sau khi tiêm.

5. Cái gì trong vắc xin COVID-19 gây dị ứng?

Hiện tại, các nhà khoa học xác định rằng hai hợp chất có khả năng gây dị ứng trong vaccind COVID-19 đó là:

  • Polyethylene glycol (PEG, macrogol), có trong vắc xin của Moderna và Pfizer
  • Polysorbate 80, có trong vắc xin của AstraZeneca và Janssen.

PEG và Polysorbate là các chất ổn định có trong vắc xin, giúp chúng giữ được hoạt tính trong quá trình bảo quản. PEG được sử dụng rất nhiều trong các loại mỹ phẩm chúng ta dùng hàng ngày (xà bông, kem đánh răng, dưỡng ẩm), và trong các loại thuốc mà chúng ta sử dụng.

PEG là một đa phân tử, có chứa các đoạn cấu trúc giống với các đoạn cấu trúc có trong phân tử polysorbate, nên người ta cho rằng một người dị ứng với PEG "có thể" dị ứng chéo với polysorbate, và xin nhấn mạnh là có thể thôi, chứ không phải là chắc chắn!

6. Ai là người có nguy cơ dị ứng với vắc xin COVID-19?

Hiện tại, các dữ liệu chưa đầy đủ để đưa ra khuyến cáo toàn diện. Tuy nhiên, các khuyến cáo trên thế giới đều nói rằng, những bệnh nhân từng biết là dị ứng với PEG và polysorbate 80 có khả năng cao dị ứng với vắc xin COVID-19. Việc xác định ai dị ứng với hai loại này vẫn còn là một thách thức, tức là khó đó, bởi vì chưa có quy trình xét nghiệm nào đủ độ nhạy để phát hiện ra.

Tuy nhiên, một điểm giúp gợi ý một người dị ứng PEG và nếu người đó từng có tiền sử dị ứng hay phản vệ với nhiều loại thuốc khác nhau, hoặc dị ứng với nhiều loại mỹ phẩm (do tính thông dụng của PEG).

Ngoài ra, những người có tình trạng phản vệ hay sốc phản vệ xảy ra vô cớ, không rõ nguyên nhân cũng là người có nguy cơ cao dị ứng với vắc xin này.

Những người đã từng có phản ứng dị ứng nặng với các loại vắc xin tiêm hoặc các thuốc sinh học cũng là những người có nguy cơ cao dị ứng với vắc xin COVID-19

7. Dị ứng thức ăn, hay dị ứng mạt nhà, phấn hoa có làm tăng nguy cơ dị ứng vắc xin COVID-19 không?

Hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy dị ứng các loại trên làm tăng nguy cơ dị ứng vắc xin COVID-19. Ngoài ra, nếu theo suy luận logic thì vắc xin không chứa các thành phần từ thức ăn hay dị nguyên không khí, nên sẽ không gây ra hiện tượng phản ứng chéo giữa các loại dị nguyên đó và vắc xin COVID-19.

Bản thân BS Di cũng là cơ địa dị ứng với nhiều dị nguyên như mạt nhà, lông mèo, có cả bệnh hen và viêm mũi dị ứng luôn nhưng tiêm vắc xin vẫn bình thường nhé cả nhà!

8. Có nên sử dụng các loại thuốc ngừa dị ứng trước khi tiêm vắc xin?

CDC Hoa Kỳ Không khuyến cáo sử dụng các loại thuốc kháng histamine trước khi tiêm vắc xin với mục đích là phòng ngừa dị ứng hoặc phản vệ do vắc xin gây ra. Lý do là các loại thuốc này không giúp ngăn chặn tình trạng phản vệ do vắc xin, nhưng lại có khả năng làm "mờ nhạt" triệu chứng dị ứng như mày đay, khiến cho việc chẩn đoán và điều trị bị chậm trễ

9. Vừa mới tiêm vắc xin xong thì mặt mày xanh lè xanh lét, chóng mặt rồi xỉu luôn, thì có phải là sốc phản vệ?

Các triệu chứng đó có thể là do phản ứng thần kinh (vasovagal reaction) chứ không liên quan đến dị ứng và không phải là sốc phản vệ. Mặc dù cả phản ứng vasovagal và phản vệ đều có thể có ngất, tụt huyết áp, khó thở, nhưng chúng có một số điểm khác nhau giúp phân biệt:

  • Phản ứng vasovagal có thể xảy ra trước khi tiêm, ngay trong khi tiêm hoặc vừa mới tiêm xong. Trong khi đó, phản ứng dị ứng thường xảy ra sau khi tiêm một chút, sớm nhất là 5 phút, và thông thường là 15-30 phút sau khi tiêm.
  • Ngoài ra, phản ứng vasovagal có biểu hiện là da xanh tái, đổ mồ hôi lạnh, mạch chậm nhưng đều, trong khi phản vệ thì da thường đỏ do giãn mạch sau đó mới xanh tái, mạch nhanh và không đều, có thể có tiếng thở rít, kèm sưng môi, sưng quanh mắt.

Việc xác định tình trạng phản ứng gì và điều trị thế nào sẽ do nhân viên y tế quyết định.

Như vậy, tóm lại, yếu tố gây dị ứng trong vắc xin COVID-19 hiện nay được biết là PEG và polysorbate 80.

Người có tiền căn dị ứng với nhiều loại thuốc và nhiều loại mỹ phẩm khác nhau , hoặc người từng nhiều lần bị phản vệ vô cớ không rõ nguyên nhân là người có nguy cơ dị ứng với PEG trong vắc xin COVID-19. Những trường hợp dị ứng với dị nguyên thức ăn, không khí đã xác định thì chưa có bằng chứng cho thấy tăng nguy cơ dị ứng với vắc xin COVID-19.

[HOI] Có 3 điều quan trọng xin cả nhà nhớ dùm:

1. Phản ứng dị ứng có thể xảy ra cho bất kỳ ai, cho dù là không có tiền căn dị ứng trước đó, và không ai có thể đoán trước được.

2. Sau khi tiêm vắc xin phải ở lại trung tâm y tế để được theo dõi ít nhất 30 phút.

3. Chỉ tiêm vắc xin ở những nơi có sẵn các trang thiết bị cấp cứu sốc phản vệ.[/HOI]

Hy vọng bài viết sẽ giúp mọi người có cái nhìn rõ hơn về dị ứng vắc xin, bớt lo sợ và sẵn sàng để tham gia chiến dịch tiêm ngừa toàn dân.

Cùng nhau chiến thắng đại dịch nhé!

Duy Phạm

Bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Tiến sĩ y khoa về Dị ứng - miễn dịch

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X