Hotline 24/7
08983-08983

80% đột quỵ do cục máu đông, phòng tránh cách nào?

Khoảng 80% các ca đột quỵ là thiếu máu cục bộ do cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình lưu thông máu đến não. Cục máu đông có thể hình thành ở mọi vị trí.

Vậy làm sao để ngăn ngừa sự hình thành và làm tan cục máu đông. Mời quý vị khán giả cùng nghe chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga - BV Thống Nhất.

1. Nguyên nhân hình thành cục máu đông

Thưa BS, trước tiên xin được hỏi cục máu đông là gì? Do đâu mà cục máu đông hình thành trong cơ thể ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Cục máu đông được hình thành trong một số tình huống bình thường để giúp bảo vệ cơ thể. Ví dụ như khi chúng ta bị một vết thương thì cục máu đông sẽ được hình thành để cầm máu vết thương. Tuy nhiên trong một số trường hợp cục máu đông được hình thành trong bệnh lý.

Chẳng hạn như bệnh nhân có tiền sử đột quỵ hoặc bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ mạch máu như người cao tuổi, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, hoặc bệnh tim. Thành mạch của những người này đã bị tổn thương và cục máu đông dễ hình thành tại vị trí tổn thương đó. Những vị trí đó thường là những vị trí xơ vữa động mạch.

Ngoài ra, cục máu đông có thể hình thành tại tim ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch như rung nhĩ, bệnh van tim. Trường hợp cục máu đông hình thành trong lòng động mạch sẽ gây ra tắc mạch và làm gián đoạn việc cung cấp máu cho các cơ quan khác. Tắc mạch máu nào thì sẽ gây tổn thương cơ quan mà mạch máu đó nuôi dưỡng.

Với cục máu đông được hình thành trong tim, khi tim co bóp thì cục máu đông sẽ trôi đi theo dòng máu. Nếu cục máu đông gây tắc mạch máu não thì sẽ gây ra cơn đột quỵ não.

2. Yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến hình thành cục máu đông

Yếu tố thời tiết ảnh hưởng như thế nào đến tốc độ và tần suất hình thành cục máu đông thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Đột quỵ do cục máu đông (huyết khối) xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu do tắc động mạch cao hơn vào mùa cuối mùa xuân và đầu mùa hè nhưng sự chênh lệch thời tiết không đáng kể.

Chúng ta cần phân biệt đột quỵ với trường hợp sốc nhiệt. Sốc nhiệt cũng gây ra những tổn thương não như  não, gan, thận nhưng cơ chế gây bệnh không phải do cục máu đông mà do sự tăng thân nhiệt gây ra.

Ví dụ, chúng ta ở trong môi trường nóng, lao động hoặc tập luyện trong môi trường nóng kéo dài thì thân nhiệt tăng, nếu tăng trên 40 độ C thì sẽ gây ra tổn thương tế bào não.

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất

3. Quá trình đột quỵ do cục máu đông

Cục máu đông gây ra đột quỵ như thế nào? Nó xuất hiện ở vị trí nào thì nguy hiểm nhất?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Hầu như các cục máu đông xuất hiện ở mọi vị trí gây tắc mạch thì đều nguy hiểm. Tuy nhiên, khi cục máu đông gây tắc động mạch lớn sẽ nguy hiểm hơn vì khi đó não sẽ bị tổn thương nhiều hơn và nguy cơ tử vong sẽ cao hơn.

Ngoài ra, huyết khối làm tắc ở động mạch nuôi những vùng quan trọng trong cơ thể như vùng điều khiển nhịp thở thì sẽ làm đe dọa đến tính mạng hoặc gây tàn phế sau này.

4. Tỷ lệ người có cục máu đông bị đột quỵ

Tỷ lệ người mang cục máu đông bị đột quỵ tại Việt Nam ra sao?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Tại Việt Nam không có số liệu thống kê chính thức. Tuy nhiên hàng năm chúng ta có hàng nghìn bệnh nhân đột quỵ và số lượng bệnh nhân sẽ càng tăng lên. Số lượng người cao tuổi và bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp ngày càng tăng, khiến cho số lượng bệnh nhân đột quỵ cũng tăng theo.

Ở BV Thống Nhất, trong tháng 3/2021 có 120 trường hợp bệnh nhân đột quỵ nhập viện. Và con số bệnh nhân đột quỵ sẽ tăng rất nhiều khi cả nước có hàng trăm bệnh viện.

5. Những ai dễ có nguy cơ hình thành cục máu đông

Vậy những ai có yếu tố nguy cơ xuất hiện cục máu đông? Trong đó, những người nào nếu để cục máu đông hình thành sẽ dẫn đến đột quỵ thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Những trường hợp có yếu tố nguy cơ mạch máu thì sẽ có nguy cơ cao bị đột quỵ và mắc bệnh lý mạch máu ở những cơ quan khác như bệnh mạch vành tim, bệnh lý mạch máu ở ngoài biên.

Người lớn tuổi, người có tiền sử cao huyết áp, người bị đái tháo đường, có bệnh lý tim mạch, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, nghiện rượu thì sẽ có nguy cơ xuất hiện cục máu đông cao. Những người trẻ thường mắc bệnh về tim mạch và phải sử dụng van tim cơ học. Do đó, bệnh đột quỵ không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà có thể xảy ra ở bất kỳ ai.

Khoảng 80% các ca đột quỵ là thiếu máu cục bộ do cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình lưu thông máu đến não

6. Người có bệnh lý nền dễ hình thành cục máu đông

Như BS vừa chia sẻ, người bị tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu thường “sở hữu” nguy cơ bị cục máu đông hơn cả. Xin hỏi, những tình trạng này có sự liên kết với nhau như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Một bệnh nhân có thể có nhiều yếu tố nguy cơ, ví dụ bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh tăng huyết áp kèm đái tháo đường, rối loạn lipid máu và hút thuốc lá thì nguy cơ đột quỵ sẽ tăng lên nhiều lần. Bác sĩ sẽ sử dụng thang điểm để đánh giá nguy cơ trên từng bệnh nhân khác nhau.

Ngoài ra, những bệnh nhân bị bệnh lý tim mạch như rung nhĩ, van tim thì sẽ là đối tượng nguy cơ cao bị đột quỵ.

7. Người mắc song hành bệnh lý nền và cục máu đông có nguy cơ ảnh hưởng cả tim lẫn não?

Vì sao trên một người mắc song hành vừa bệnh lý vừa cục máu đông lại có nguy cơ ảnh hưởng cả tim lẫn não?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Cục máu đông không chỉ hình thành ở mạch máu não, bởi vì người có yếu tố nguy cơ mạch máu thì không chỉ mạch máu não bị tổn thương mà mạch máu ở những cơ quan khác như mạch vành, động mạch chủ, động mạch ở chi cũng sẽ bị tổn thương. Do đó, khi cục máu đông hình thành ở mạch máu não thì sẽ gây đột quỵ não.

Nếu cục máu đông hình thành ở mạch vành sẽ gây ra nhồi máu cơ tim. Cục máu đông xuất hiện ở chi thì sẽ gây tổn thương hoặc hoại tử chi.

Như vậy, cục máu đông có thể hình thành ở các cơ quan khác nhau và gây ra tổn thương ở các cơ quan đó.

8. Dấu hiệu hình thành cục máu đông

Dấu hiệu nào cho thấy chúng ta đã hình thành cục máu đông trong cơ thể? Khi đi khám, các bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật nào để chẩn đoán ạ?

Cục máu đông được hình thành trong thành mạch hoặc buồng tim sẽ không có triệu chứng gì đáng kể cho tới khi nó gây ra tắc mạch hoặc biến cố nào đó như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Do đó, người có yếu tố nguy cơ mạch máu hoặc mắc bệnh lý tim mạch thì cần được thăm khám, kiểm tra định kỳ để đánh giá nguy cơ tắc mạch máu não, mạch vành, mạch chi,...

Có rất nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau tùy thuộc vào cơ quan mà chúng ta muốn kiểm tra. Ví dụ, đánh giá mạch vành thì có siêu âm gắng sức, MSCT mạch vành,... Nếu muốn đánh giá trình trạng xơ vữa, hẹp mạch ở mạch máu não thì có siêu âm động mạch.

9. Khi có cục máu đông thì ngừa đột quỵ thế nào?

Khi có cục máu đông, chúng ta cần làm gì, điều trị ra sao để phòng ngừa đột quỵ? Nhất là những người có sẵn bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu.

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Những người có cục máu đông nghĩa là người đã có biến cố về tim mạch hoặc biến cố về đột quỵ thì sẽ có nguy cơ tái phát. Chúng ta nên dự phòng huyết xuất hiện chứ không đợi huyết khối xuất hiện và gây ra hậu quả mới điều trị.

Ngoài việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, đường huyết, lipid máu, ngưng hút thuốc lá thì chúng ta nên sử dụng thuốc để tránh hình thành các cục huyết khối. Ví dụ, bệnh nhân có tiền sử đột quỵ não do xơ vữa mạch thì cần phải sử dụng thuốc kháng tiểu cầu để phòng ngừa sự tạo thành huyết khối trên mảng xơ vữa đó. Hoặc trường hợp bệnh nhân có cục máu đông trong tim thì chúng ta cần sử dụng thuốc chống đông máu để ngăn sự di chuyển của cục máu đông.

10. Phương pháp làm tan cục máu đông

Liệu có cách nào để đánh tan cục máu đông này trước khi nó gây ra hậu quả khó lường không thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Khi xuất hiện cục máu đông ở tim thì chúng ta sẽ phải sử dụng thuốc chống đông lâu dài và theo chỉ định của bác sĩ, không đợi đến khi tắc mạch mới can thiệp.

Một số trường hợp dù đã dự phòng tối ưu theo khuyến cáo của bác sĩ nhưng vẫn có nguy cơ bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Trong những trường hợp đó, chúng ta cần xử trí nhanh chóng để làm tan cục máu đông. Đối với tắc mạch máu não thì hiện nay có 2 phương pháp cấp cứu trong giờ vàng là thuốc tiêu huyết khối và can thiệp để hút cục máu đông ra ngoài.

11. Hiệu quả của sản phẩm chứa nattokinase và men gạo đỏ

Hiện nay, nhiều người thường có xu hướng lựa chọn sản phẩm chứa nattokinase để đánh tan cục máu đông. Cùng với đó là lựa chọn thêm men gạo đỏ trên những người bị tăng mỡ máu để giảm mỡ máu giúp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả. Song còn đang ngần ngại, không biết liệu có nghiên cứu nào chứng minh công dụng của men gạo đỏ hay nattokinase chưa?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Nattokinase được chiết xuất từ đậu tương lên men thông qua vi khuẩn bacillus. Loại men này cũng có tác dụng như một số thuốc chống đông khác, có vai trò làm tiêu sợi huyết (cục máu đông được tạo thành từ tiểu cầu và sợi huyết).

Nattokinase có tác dụng phòng ngừa sự hình thành và làm tan cục máu đông trong một số trường hợp. Từ năm 1990 đến nay có khoảng 10 nghiên cứu cho thấy Nattokinase ngoài tác dụng ngăn sự hình thành cục máu đông thì còn có tác dụng giảm lipid máu, bảo vệ thành mạch, chống xơ vữa, chống oxy hóa, bảo vệ não bộ.

12. Lời khuyên của BS để ngăn ngừa hình thành cục máu đông

Lời khuyên của BS dành cho khán giả để ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Những người có yếu tố nguy cơ đột quỵ như người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá thì nên tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ để kiểm soát tốt nguy cơ. Đồng thời, nếu chúng ta đã từng có biến cố về đột quỵ hoặc biến cố về tim mạch thì nên có điều trị dự phòng bằng thuốc chống đông hoặc thuốc chống huyết khối để ngăn ngừa đột quỵ tái phát.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X