Hotline 24/7
08983-08983

80% các bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 ảnh hưởng hệ thần kinh

Theo TS.BS Đinh Vinh Quang, có từ 60 - 80% các bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 ảnh hưởng đến hệ thần kinh từ mức độ nhẹ đến mức độ rất nặng và thậm chí gây tử vong cho người bệnh.

1. COVID-19 ảnh hưởng đến thần kinh thế nào?

Hậu COVID-19 đến nay vẫn là một câu chuyện thời sự. Những con số thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, sau giai đoạn COVID-19 thậm chí có khoảng 200 triệu chứng đã được ghi nhận, trong đó 3 triệu chứng nổi bật, thường gặp nhất là vấn đề mệt mỏi, khó thở và vấn đề liên quan đến trí nhớ.

Thưa BS, tại thời điểm này vấn đề hậu COVID-19, đặc biệt là vấn đề giảm trí nhớ được quan tâm như thế nào? Ở các khoa như khoa thần kinh tình trạng này được ghi nhận như thế nào, bệnh nhân có thường đến chia sẻ hay hay than phiền với BS không ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Tại Việt Nam tình hình COVID-19 đã lắng xuống, chúng ta đã kiểm soát được bệnh. Số lượng người mắc bệnh COVID-19 có triệu chứng trung bình cho đến nặng phải nhập viện đã giảm đáng kể. Năm 2020 và 2021, dịch bùng phát tại Việt Nam rất dữ dội, hiện tại dịch COVID-19 chỉ còn bùng phát ở một số nơi trên thế giới như Ấn Độ, số lượng người nhiễm có thể lên đến 6.000 người/ngày. Do đó vấn đề sức khỏe của chúng ta liên quan đến bệnh lý nhiễm COVID-19 và hậu quả để lại là vấn đề đáng quan tâm hiện nay.

Khi nhiễm COVID-19 chúng ta có một số triệu chứng của nhiễm cúm như nóng, sốt, đau đầu, đau cơ, các triệu chứng ảnh hưởng đến hô hấp và có liên quan đến các triệu chứng về thần kinh, trong đó có các bệnh lý về thần kinh trung ương, thần kinh ngoại biên, thần kinh thực vật,… Có từ 60 - 80% các bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 ảnh hưởng đến hệ thần kinh từ mức độ nhẹ đến mức độ rất nặng và thậm chí gây tử vong cho người bệnh.

2. Hệ thần kinh của người từng nhiễm COVID-19 sẽ chịu những tác động gì?

Đối với những người đã từng nhiễm COVID-19, nói riêng về khía cạnh thần kinh thì đã để lại những tác động gì, những ảnh hưởng gì và về mặt sức khỏe tinh thần đến bây giờ đã được ghi nhận như thế nào?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Trong giai đoạn nhiễm COVID-19, các triệu chứng ảnh hưởng có thể gặp là:

- Hệ thần kinh trung ương có thể gây ra tình trạng viêm não, viêm não màng não, viêm tủy.

- Các tình trạng bệnh lý thần kinh ngoại biên khác như viêm dây thần kinh ngoại biên (bị mất khứu giác, mất vị giác), viêm đa rễ dây thần kinh, trường hợp có hội chứng Guillain - Barre, một số trường hợp bị ảnh hưởng lên các hệ thần kinh giao cảm làm cho người bệnh bị rối loạn về nhịp tim, nhịp thở hoặc rối loạn tiêu hóa.

- Đặc biệt trong hệ thần kinh trung ương một số người bệnh sẽ bị nhiễm virus với mức độ từ trung bình đến nặng, ảnh hưởng trầm trọng từ đó làm tổn thương các tế bào thần kinh, đặc biệt là các nơron thần kinh trên não gây ra cho người bệnh các triệu chứng rất nặng nề bệnh nhân có thể nhồi máu não, xuất huyết não hoặc bị tuyên tắc xoang tĩnh mạch não, viêm não,…

Tất cả các tình trạng đó sẽ làm cho tế bào não hoạt động không được bình thường và bị tổn thương. Từ đó dẫn đến các triệu chứng như suy giảm về trí nhớ, suy giảm về nhận thức, đôi khi gây ra tình trạng hôn mê và dẫn đến tử vong cho người bệnh. Có rất nhiều người bệnh bị ảnh hưởng các triệu chứng của nhiễm COVID-19 trên hệ thần kinh. Thống kê cho thấy trên 80% những người bệnh COVID-19 sẽ bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

3. COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến trí nhớ?

Ở giai đoạn hậu COVID-19 (ngoại trừ những trường hợp nặng phải nhập viện) khi mắc xong và đã hết thì vấn đề suy giảm trí nhớ hay suy giảm nhận thức trên những bệnh nhân này có phải cần được lưu ý nhiều không thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Suy giảm trí nhớ ở người bệnh hậu COVID-19 phải rất quan tâm. Vì cho đến hiện nay, các nghiên cứu cho thấy rằng có 60 - 80% các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 sau đó sẽ có những triệu chứng liên quan đến trí nhớ của người bệnh. Đặc biệt ở những người càng lớn tuổi có các bệnh lý kèm theo thì triệu chứng suy giảm trí nhớ hoặc quên quên nhớ nhớ ảnh hưởng đến rất nhiều. Đây là một vấn đề quan trọng chúng ta cần phải chú ý.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, virus sẽ xâm nhập vào cơ thể của chúng ta thông qua các thụ thể Angiotensin II xâm nhập vào các hệ thần kinh cũng như mạch máu và đi lên đến các cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt virus sẽ tập trung ở những cơ quan có nhiều thụ thể Angiotensin II như não, tim, gan, thận hoặc cơ, xương,… Sự xâm nhập trực tiếp của các virus lên hệ thống cơ quan của chúng ta sẽ gây ra tổn thương trực tiếp cho các tế bào mà nó xâm nhập vào.

- Ở não sẽ làm tổn thương các tế bào não, các nơron thần kinh, từ đó sẽ gây ra các triệu chứng về thần kinh.

- Cũng như các cơ quan khác khi virus xâm nhập vào phổi sẽ làm tổn thương tế bào phổi gây suy hô hấp.

- Trên các tế bào thận sẽ làm bệnh nhân bị suy thận hoặc gây ra các rối loạn về chuyển hóa do thận đảm nhận các chức năng về lọc các chất của cơ thể.

- Ngoài ra, trên não có một số cơ chế khác có thể gây ra các triệu chứng như rối loạn trí nhớ. Khi virus xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra tình trạng viêm mạch máu, viêm các tế bào và vấn đề viêm này sẽ làm sự kết nối giao tiếp giữa các tế bào thần kinh bị giảm sút, do đó gây ra triệu chứng về rối loạn trí nhớ, cũng như rối loạn nhận thức của người bệnh.

- Khi các cơ quan khác của cơ thể bị tổn thương như phổi, thận sẽ gây ra tình trạng thiếu máu nuôi các tế bào não và chính sự thiếu máu, thiếu oxi này cũng làm các tế bào thần kinh bị tổn thương nhiều hơn vì vậy dẫn dến hậu quả là suy giảm về trí nhớ. Cũng như một số cơ quan khác gây ra các tình trạng thiếu máu, rối loạn điện giải, ứ đọng các chất độc của cơ thể đều có thể gây ra tình trạng rối loạn trí nhớ.

Đặc biệt một cơ chế rất quan trọng là khi bị nhiễm virus, tâm lý của người bệnh rất lo lắng vì bệnh COVID-19 có những thông tin tiêu cực như tỷ lệ tử vong cao hoặc khi bị nhiễm COVID-19 phải đi cách ly. Vì lo lắng cách ly ở một nơi không có người thân nên sẽ cảm thấy cô đơn và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người bệnh, làm tổn hại đến tâm thần kinh và gây ra rối loạn về trí nhớ cho người bệnh.

4. Hội chứng sương mù não là gì và tại sao lại có hiện tượng này?

Hội chứng sương mù não là khái niệm chúng ta nghe khá nhiều kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra và giai đoạn hậu COVID-19. Tại sao não lại có hiện tượng sương mù xảy ra như vậy?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Thuật ngữ “sương mù não” rầm rộ và phổ biến sau khi dịch COVID-19 bùng phát tuy nhiên trước đây đã có thuật ngữ này trong y khoa. Ví dụ, sau một đêm mất ngủ thì sáng hôm sau chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê, não suy nghĩ không được rõ ràng như trước đây. Nếu làm việc muộn kéo dài thời gian thức khuya đến 3, 4 giờ sáng thì lúc đó đầu óc bắt đầu lơ mơ, lờ mờ như đám sương mù.

“Sương mù não” là một thuật ngữ không phải là bệnh để chỉ tình trạng não của người bệnh không còn được minh mẫn, mạch lạc, rõ ràng và những ý nghĩ, suy nghĩ của người bệnh muốn diễn tả cho người khác hiểu không còn được như trước đây mà rơi vào trạng thái rất mơ hồ giống như những đám sương mù.

5. Sương mù não có tự hết hay không?

Có rất nhiều người gặp phải hiện tượng sương mù não, đặc biệt những người đã từng nhiễm Covid. Và mọi người thường thắc mắc, liệu vấn đề này có tự hết hay không, hay thời gian sẽ diễn ra dài hơn, nhiều hơn thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Một khi nhiễm COVID-19 sẽ tác động trực tiếp gây tổn thương tế bào thần kinh hoặc thông qua các cơ chế gián tiếp như thiếu oxi não, giảm lưu lượng máu, rối loạn chuyển hóa, rối loạn điện giải,… thì các tế bào não, các tế bào thần kinh, các nơron sẽ bị tổn thương và gây ra các triệu chứng.

Các triệu chứng về thần kinh đôi khi vẫn còn tồn tại, sau khi bệnh nhân được chữa khỏi COVID-19. Có những nghiên cứu thấy rằng, các triệu chứng ảnh hưởng lên thần kinh có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí 6 tháng.

6. Làm sao để phân biệt vấn đề của hậu COVID-19 với các bệnh lý khác?

Hiện tượng lơ mơ, khó tập trung, dễ quên là biểu hiện chung của rất nhiều bệnh lý liên quan đến nội thần kinh. Như vậy, làm sao để phân biệt vấn đề của hậu COVID-19 hay vấn đề của bệnh lý liên quan đến lĩnh vực nội thần kinh?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Khi chúng ta bị các bệnh lý về thần kinh, ngoài triệu chứng sương mù não sẽ có các triệu chứng khác đi kèm. Ví dụ, viêm não sẽ có rối loạn về tri giác hoặc bệnh nhân có các triệu chứng về nhiễm trùng, nhiễm virus sẽ có các triệu chứng về thần kinh khu trú như yếu liệt tay chân, rối loại về cảm giác,… Ở những người bệnh trước đây hoàn toàn bình thường, sau khi nhiễm COVID-19 thì các triệu chứng sương mù não mới xuất hiện, khả năng các triệu chứng này do hậu COVID-19 gây ra rất cao.

7. Giảm trí nhớ hay hiện tượng sương mù não để lại những hậu quả gì?

Việc giảm trí nhớ hay hiện tượng sương mù não còn để lại những vấn đề gì về sức khỏe nói chung, về chất lượng cuộc sống nói riêng hay chất lượng của công việc, lao động thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Trường hợp người bệnh bị hội chứng sương mù não ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống rất nhiều. Ví dụ hôm nay có một cuộc hẹn nhưng lại quên và ảnh hưởng đến công việc hoặc những kế hoạch trước đây đã thực hiện rất tốt nhưng bây giờ lại bị ảnh hưởng.

Các triệu chứng này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, làm chúng ta ngủ không được, thiếu ngủ và ngày hôm sau lừ đừ, ảnh hưởng đến công việc. Đôi khi sẽ gây ra các triệu chứng về trầm cảm, tâm thần cho người bệnh.

Tùy theo mức độ bị ảnh hưởng, ví dụ mức độ nhẹ chỉ hơi quên một chút hoặc không suy nghĩ rõ ràng, rành mạch như trước đây; có người bệnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều và đôi khi ảnh hưởng đến công việc, chất lượng cuộc sống và làm cho người bệnh cảm thấy rằng mình không còn khả năng để tiếp tục công việc đó nữa, đôi khi phải ngừng hoặc thay đổi công việc.

8. Người mắc bệnh mạn tính, nhiễm COVID-19 là cú bồi ảnh hưởng thần kinh?

Thưa BS, bệnh nhân trước đó đã có bệnh lý mãn tính, đặc biệt là có những vấn đề bệnh lý của nội thần kinh, khi gặp tình trạng này giống như một cú bồi thì chắc chắn ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn. Trên thực tế, tại thời điểm này khoa thần kinh của Bệnh viện Nhân Dân 115 còn gặp những tình huống như vậy không thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Những bệnh lý nền như cao huyết áp, bị suy tim, các bệnh lý về cơ tim, các bệnh lý về chuyên khoa thận - tiết niệu như suy thận mãn hoặc nội tiết như đái tháo đường hoặc các bệnh lý về phổi, hô hấp,… bản thân những bệnh này đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Ví dụ trường hợp bệnh nhân đã có tăng huyết áp, suy tim thì khả năng làm việc suy giảm rất nhiều, nếu người bệnh đó bị nhiễm COVID-19 thì virus sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên các cơ quan từng bị bệnh nền, đồng thời ảnh hưởng lên não. Hiển nhiên tất cả các triệu chứng và mức độ bệnh sẽ nặng hơn những người khác. Vì vậy, những người có bệnh nền mắc COVID-19 tỷ lệ tử vong luôn cao hơn những người không có bệnh nền.

9. Làm sao phân biệt tình trạng “nhớ nhớ, quên quên” do COVID-19 hay các vấn đề khác ở người trẻ?

Có rất nhiều người sau khi nhiễm Covid bị quên nhiều hơn tuy nhiên có một số trường hợp giảm trí nhớ liên quan đến lối sống. Vậy làm sao để phân biệt hậu COVID-19 và các vấn đề khác khi người trẻ bị nhớ nhớ quên quên?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Rối loạn trí nhớ không chỉ gặp ở người bị COVID-19 mà có thể gặp ở nhiều bệnh khác như các bệnh lý về thần kinh, những trường hợp sa sút trí tuệ hoặc bệnh nhân bị đột quỵ não,… Tất cả những tổn thương trung ương ở tế bào thần kinh đều có thể dẫn đến tình trạng rối loạn về trí nhớ, đặc biệt khi chúng ta bị tổn thương thùy trán hoặc hệ viền, đây là những nơi mà chức năng của tế bào sẽ giúp trí nhớ tốt hơn. Vì vậy chúng ta không nên chủ quan mà cần phải phòng ngừa các bệnh lý khác của hệ thần kinh, ngoài COVID-19.

10. Não có thể hồi phục và sản sinh tế bào mới không?

Não của chúng ta có một điều khá đặc biệt là khi vùng nào của não hoặc tế bào não bị tổn thương thì hầu như sẽ không thể hồi phục và không thể sản sinh mới được. Dưới góc độ nhiễm Covid nói riêng hay vấn đề chung của bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thần kinh như thế nào thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Các tế bào não của chúng ta rất “quý phái” khi thiếu oxi trong vòng 4, 5 phút sẽ bị tổn thương, hoại tử và không hồi phục. Các nguyên nhân gây tổn thương tế bào thần kinh của chúng ta như đột quỵ não, viêm não, chấn thương sọ não,… sẽ làm khả năng hồi phục rất thấp, trừ những tế bào trong giai đoạn có thể cứu sống được thì phải tranh thủ thời gian khi các tế bào này chưa chết hoàn toàn mới có thể cứu được.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X