Hotline 24/7
08983-08983

7 điều bạn cần biết trước khi ghép thận

Thực tế cho thấy, không phải người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối nào cũng có thể ghép thận. Bạn hãy cùng tìm hiểu 7 điều cần biết trước khi ghép thận nhé.

Ghép thận là phương pháp can thiệp ngoại khoa giúp giải phóng người bị suy thận mạn giai đoạn cuối khỏi tình trạng lệ thuộc vào việc chạy thận. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng có thể ghép thận.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bạn nên cân nhắc 7 điều sau đây trước khi quyết định có nên ghép thận hay không.

1. Trường hợp nên ghép thận

Theo số liệu thống kê chưa chính thức, ước tính hàng năm nước ta có khoảng 5 triệu người bị suy thận. Trong đó có đến 800.000 người bị suy thận giai đoạn cuối, cần phải lọc máu thường xuyên, với chi phí khá đắt đỏ, từ 100-150 triệu đồng/năm[1]. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp người bị suy thận mạn, mất chức năng thận đều được can thiệp bằng phương pháp ghép thận.

Sau khi ghép thận, người bệnh không những phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe mà còn bị áp lực về tài chính. Vì thế, ghép thận chỉ được chỉ định trong những trường hợp thật sự cần thiết như: người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối (giai đoạn 5) và có hội chứng Urê máu, không mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính hay mạn tính, đủ sức khỏe và điều kiện trải qua một cuộc phẫu thuật dài (trung bình 2-4 giờ).

2. Những rủi ro khi ghép thận[2]

Người bệnh dùng thuốc chống thải ghép có thể gặp các tác dụng phụ (Ảnh minh họa: Nguồn internet)

Ghép thận là một trong những giải pháp giúp ngăn ngừa bệnh thận tiến triển và suy thận, nhưng đây không phải là cách chữa khỏi hoàn toàn. Thậm chí, một số trường hợp bệnh thận còn có thể tái phát sau khi cấy ghép. Điều đáng nói là khi chọn ghép thận, người bệnh có thể phải đối diện với nhiều nguy cơ sau đây:

- Những rủi ro trực tiếp từ cuộc phẫu thuật: huyết khối tĩnh mạch sâu sau mổ; chảy máu; rò rỉ hoặc tắc nghẽn niệu quản; nhiễm trùng; đau tim, đột quỵ thậm chí là tử vong…

- Tác dụng phụ của việc dùng thuốc: Thuốc chống thải ghép giúp ngăn ngừa tình trạng cơ thể chống lại quả thận vừa ghép vào, nhưng lại có thể khiến cho người bệnh bị loãng xương, hoại tử xương, bệnh tiểu đường, tóc mọc nhiều hoặc rụng tóc, cao huyết áp, tăng cholesterol, tăng nguy cơ ung thư da và ung thư hạch, bọng mắt, tăng cân, nổi mụn, khả năng thận bị thải ghép…

Chính vì phải đối mặt với nhiều rủi ro, người bệnh cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước quyết định ghép thận. Các chuyên gia về thận học còn khuyến cáo người bệnh nên sử dụng phương pháp lọc màng bụng trong thời gian chờ ghép thận để đào thải chất độc ra khỏi cơ thể một cách an toàn và hiệu quả. Nhờ đó, bạn có thể duy trì sức khỏe ổn định để sẵn sàng bước vào ca phẫu thuật phức tạp.

3. Chuẩn bị trước ghép thận

Nếu bạn đã quyết định ghép thận, dưới đây là những điều tiếp theo bạn cần chuẩn bị để đảm bảo cho sự thành công của ca phẫu thuật.

Bạn cần tìm hiểu về việc nhận quả thận từ một người khác hoặc từ chính người thân trong gia đình của mình, trao đổi với bệnh viện về các loại chi phí cần có cho việc cấy ghép. Tiếp theo, bạn nên đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa đánh giá về tình trạng sức khỏe, trạng thái tâm lý và hướng dẫn một số việc cần chuẩn bị trước và sau khi ghép thận.

Trong quá trình chờ đợi một quả thận phù hợp tương đối dài, bạn vẫn phải điều trị bằng phương pháp lọc máu. Vì thế, một giải pháp tương đối hiệu quả cho bạn trong lúc này chính là lọc màng bụng. Bởi lẽ, lọc màng bụng có khả năng giúp đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể một cách an toàn, giúp bảo tồn chức năng thận tốt hơn, tiết kiệm chi phí, đồng thời đảm bảo sức khỏe để bạn có thể bước vào ca phẫu thuật quan trọng sắp tới.

4. Cách thực hiện ghép thận

Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân trước khi ghép thận (Ảnh minh họa: Nguồn internet)

Khi đọc đến điều cần biết thứ 4 này, nghĩa là bạn đã đạt yêu cầu cấy ghép và sẵn sàng bước vào thử thách đối mặt với nỗi sợ hãi trong phòng phẫu thuật.

Trước khi chính thức bước vào cuộc phẫu thuật, bạn sẽ được gây mê toàn thân. Các phẫu thuật viên sẽ theo dõi nhịp tim, huyết áp và mức oxy trong máu trong suốt thời gian phẫu thuật để đảm bảo an toàn cho bạn.

Quá trình phẫu thuật ghép thận của bạn sẽ diễn ra như sau:

- Bác sĩ phẫu thuật thực hiện mở bụng bằng cách rạch một đường ở phần dưới một bên bụng của bạn, cắt quả thận bị hỏng và ghép một quả thận mới vào. Các mạch máu của người bệnh và quả thận sẽ được lần lượt ghép đúng vị trí của nhau.

- Niệu quản, ống dẫn nước tiểu từ thận xuống, của quả thận mới sẽ được kết nối với bàng quang của người bệnh và đóng vết mổ đế hoàn tất quá trình phẫu thuật.

Ở hầu hết các trường hợp, quả thận mới ghép sẽ bắt đầu làm việc ngay khi máu của người bệnh theo các mạch máu chảy qua. Tuy nhiên, một số trường hợp khác thì thận cần nhiều thời gian hơn, thậm chí là đến vài tuần, mới bắt đầu sản sinh nước tiểu.

5. Kết quả sau khi ghép thận

Nếu ca ghép thận thành công, quả thận mới sẽ đảm nhiệm vai trò lọc máu và bạn không cần chạy thận nữa. Để ngăn ngừa tình trạng thải ghép (phản ứng của cơ thể từ chối quả thận mới), bạn sẽ được chỉ định sử dụng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch. Các loại thuốc chống thải ghép này sẽ khiến cơ thể bạn yếu đi và dễ bị nhiễm trùng hơn. Do đó, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng khuẩn, kháng vi-rút và kháng nấm cho bạn dùng để dự phòng.

Điều này có vẻ khá khó khăn cho bạn, nhưng hãy nhớ là phải uống đủ và đúng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên quan tâm tất cả các biểu hiện của cơ thể và tái khám đúng hẹn. Nếu cảm thấy những triệu chứng bất thường hay gặp các tác dụng phụ của thuốc, hãy liên lạc ngay với các bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ.

Trường hợp ca ghép thận không thành công, người bệnh có thể cân nhắc các phương pháp lọc máu bao gồm chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng để duy trì sức khỏe.

6. Chăm sóc sức khỏe sau khi ghép thận

Người bệnh cần ở lại bệnh viện theo dõi vài ngày sau khi ghép thận (Ảnh minh họa: Nguồn internet)

Sau khi ghép thận, bạn cần được theo dõi tại bệnh viện vài ngày và sẽ xuất viện khi đã ổn định. Ban đầu, bạn sẽ bị đau vết mổ, nhưng vào khoảng 8 tuần là mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Tuy nhiên, do bạn phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe theo lịch hẹn, nên tốt nhất là bạn nên ở gần nơi thực hiện phẫu thuật để tránh di chuyển nhiều.

Theo các chuyên gia tiết niệu, bạn vẫn cần nhiều thời gian để phục hồi sau khi ghép thận nên cần chú ý không nâng vật nặng quá 5kg[3]. Đồng thời, bạn cũng cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng lành mạnh để quả thận mới hoạt động tốt hơn.

Việc dùng thuốc chống thải ghép sẽ được duy trì trong suốt thời gian thận ghép tồn tại cùng những tác dụng phụ nhất định khiến bạn tăng cân và đối diện với nguy cơ tiểu đường, béo phì... Vì thế, bạn nên chăm chỉ vận động phù hợp khi vết thương lành hẳn (thường là khoảng 6 tuần sau khi phẫu thuật).

7. Người bệnh có thể lọc màng bụng thay vì ghép thận

Phương pháp lọc màng bụng hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc (viết tắt là PD), giúp lọc các chất độc ra khỏi cơ thể người bệnh thay cho thận đã không hoạt động. Hiện tại, phương pháp này bao gồm lọc màng bụng thủ công bằng tay và lọc màng bụng tự động bằng máy.

So với chạy thận nhân tạo, nhiều người bệnh lựa chọn lọc màng bụng hơn bởi thao tác đơn giản, hiệu quả rõ rệt và đặc biệt rất thuận tiện cho người bệnh thực hiện ngay tại nhà mà không cần phải đến các cơ sở y tế. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, đây chính là một giải pháp thiết thực giúp bảo vệ người bệnh, tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sống.

Với tiến bộ của y học hiện đại, người bệnh suy thận mạn ngày càng có nhiều cơ hội được giải phóng khỏi những ngày tháng chạy thận triền miên và gắn chặt với bệnh viện. Nếu bạn tìm hiểu thật kỹ 7 điều quan trọng trên đây, bạn sẽ duy trì sức khỏe tốt hơn khi ghép thận.

 

Nguồn tham khảo:

[1] Tuổi Trẻ | Cảnh báo tình trạng suy thận ở Việt Nam

[2] Mayo Clinic | Kidney transplant

[3] Mayo Clinic | Kidney transplant

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X