7 biện pháp giúp bạn có đôi mắt sáng khỏe
Đôi mắt là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất của cơ thể. Cuộc sống hàng ngày, khói bụi, sử dụng máy tính, laptop, điện thoại với cường độ cao khiến đôi mắt luôn bị mỏi và dễ giảm thị lực. Dưới đây là những biện pháp giúp chăm sóc và cải thiện đôi mắt.
1. Tập thể dục cho mắt
Mắt cũng rất cần được luyện tập thể dục, và cũng là một trong những phương pháp tốt nhất giúp bạn củng cố, duy trì thị lực. Một vài cách luyện tập rất đơn giản bạn có thể tham khảo như:
- Nhìn rộng và xa: Phần lớn thời gian mắt chúng ta tập trung nhìn vào một điểm gần trong không gian hẹp, khi đó, mắt chúng ta chớp ít hơn, mắt phải căng ra do đôi mắt không được cấu tạo để nhìn tập trung cố định một điểm trong nhiều giờ nên dễ dẫn đến khô mắt, mỏi mắt… Vì thế, hãy luôn nhắc mình cho mắt nghỉ ngơi bằng cách phóng tầm mắt ra xa, trong một khoảng không gian rộng, nhiều ánh sáng tự nhiên nhất là màu xanh của tự nhiên
- Chớp mắt và nhắm mắt: Hãy chớp mắt nhanh trong vòng 1 - 2 phút để tăng cường sự tuần hoàn máu, xua bớt mệt mỏi, giảm tải cho mắt ở trong phạm vi gần ít nhất trong vài phút.
2 Giảm độ sáng màn hình và giảm căng thẳng cho mắt
- Nếu phải làm việc trong nhiều giờ với máy tính, hãy chỉnh độ sáng màn hình ở mức tối thiểu đủ nhìn cho đôi mắt bớt căng thẳng.
- Nên sử dụng ánh sáng tự nhiên và giảm bớt thời gian sử dụng ánh sáng nhân tạo.
- Hãy đeo kính râm khi ra ngoài, đặc biệt là loại kính giúp bảo vệ mắt khỏi tia UV.
3. Massage và thư giãn cho mắt
- Mắt cần được thư giãn: Bạn hãy thử chà xát lòng bàn tay với nhau rồi áp lòng bàn tay lên đôi mắt để chúng được thư giãn.
- Đừng để ánh sáng lọt vào: Hãy làm điều này bất cứ khi nào, đặc biệt là khi đang ngồi tại máy tính.
- Sử dụng luân phiên gạc nóng và lạnh trên đôi mắt cũng để giúp mắt được thư giãn.
Massage là cách đơn giản, có hiệu quả nhanh chóng đối với những đôi mắt đang mệt mỏi. Có thể giúp mắt thư giãn mỗi khi rửa mặt bằng cách dùng các đầu ngón tay xoa tròn xung quanh vùng mắt với sữa rửa mặt trước khi rửa mặt bằng nước sạch.
Một số loại củ quả như dưa chuột, táo, lá lô hội (nha đam)… cũng rất thích hợp để làm các hỗn hợp đắp mắt, việc mát-xa mắt với các hỗn hợp này không chỉ giúp vùng da xung quanh mắt sáng đẹp hơn và còn giúp mắt được thư giãn tối đa.
4. Ngủ đủ giấc và uống đủ nước
Thường xuyên thức khuya, mất ngủ, thiếu ngủ chính là nguyên nhân khiến cho mắt xuất hiện những quầng thâm hoặc suy giảm thị lực. Làm việc lâu trong môi trường điều hòa mà quên không uống nước đầy đủ kịp thời sẽ khiến cơ thể và mắt bị hút nước, và khô đi.
Nếu mắt bạn thường khô, mệt mỏi và mờ, bạn nên uống nước nhiều hơn. Vì thế, để giúp đôi mắt sáng khỏe một cách tự nhiên, thì ngủ đủ giấc và uống đủ nước cũng là một trong những biện pháp hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, cần lưu ý là vào buổi tối trước khi đi ngủ, thì không nên uống nhiều nước vì sẽ khiến cho mắt bị sưng vào sáng hôm sau khi ngủ dậy.
5. Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt
Ngoài việc mắt cần có một chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế một số chất kích thích lẫn thức ăn không có lợi cho mắt như đường, thuốc lá… thì việc bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho mắt cũng là một điều hết sức quan trọng:
- Vitamin A: Đây là một loại vitamin quan trọng đối với mắt, đặc biệt là mắt cận. Vitamin A có nhiều trong lòng đỏ trứng gà, sữa, gan động vật, các loại rau củ như mồng tơi, rau dền, rau ngót, cà chua, gấc, đu đủ, cà rốt...
- Kẽm: Có tác dụng giúp máu lưu thông trong mắt dễ dàng, ngăn ngừa mắt bị khô, rát, mệt mỏi, khó chịu. Kẽm có nhiều trong thịt bò, thịt gà, sò, lòng đỏ trứng...
- Beta carotene: Là một tiền chất của vitamin A, có vai trò rất quan trọng đối với thị giác, giúp mắt sáng hơn. Beta carotene có nhiều trong rau, củ, quả có màu vàng, cam hay xanh đậm như: cà rốt, bí đỏ, đu đủ, khoai lang, … Beta carotene được hấp thu ở ruột non, vì thế khi chế biến nên kết hợp chúng với các loại dầu, mỡ để quá trình hấp thụ tốt hơn.
- Crom: Thiếu crom, nhãn cầu mắt sẽ bị lồi ra, mắt sẽ tăng độ cận nhanh hơn. Crom có nhiều trong gan bò, lòng đỏ trứng, nấm, nước ép nho…
- Các loại vitamin B: Thiếu vitamin B1 trong một thời gian dài sẽ dẫn tới hiện tượng xuất huyết võng mạc giảm thị lực. Thiếu vitamin B2, khả năng hấp thu ánh sáng của mắt sẽ giảm và hay xuất hiện hiện tượng ngứa, viêm bờ mi, viêm giác mạc hay đục thủy tinh thể. Thiếu niacin sẽ dẫn tới việc thiếu hụt vitamin C, còi xương, bệnh mù ban đêm… Để bổ sung vitamin B1, B2 và niacin, bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm như thịt nạc, gà, bò, các loại đậu, rau màu đậm, sữa, trứng…
6. Chăm sóc sức khỏe cơ thể
Một số căn bệnh như huyết áp cao hay tiểu đường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt. Hai căn bệnh này có thể làm giảm lưu lượng máu lưu thông tới mắt. Các rối loạn hệ thống miễn dịch trong phổi, tuyến giáp, cũng có thể là tiền đề gây ra các bệnh về mắt.
Thường xuyên chăm sóc sức khỏe cơ thể, tập thể dục đều đặn, có một chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh các bệnh nói trên. Ngoài ra tham khảo ý kiến các bác sĩ chuyên khoa mắt nếu bạn có tiền sử bệnh tiểu đường hay huyết áp cao.
7. Thường xuyên khám mắt
Ngoài việc chăm sóc sức khỏe mắt, việc khám mắt định kỳ còn giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý ở mắt để kịp thời điều trị. Nhiều bệnh về mắt trong giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng. Ví dụ như bệnh tăng nhãn áp, nguyên nhân phổ biến gây suy giảm thị lực ở người cao tuổi.
Trong giai đoạn đầu bệnh không hề gây đau đớn, chỉ khi tầm nhìn bị suy giảm mới phát hiện thì đã quá muộn, vì thị lực đã mất không thể phục hồi được. Vì vậy, nên đến bệnh viện mắt chuyên khoa để kiểm tra mắt định kỳ 1 năm/lần với người dưới 40 tuổi và 1 năm 2 lần với người từ 40 tuổi trở lên.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình