Hotline 24/7
08983-08983

5 dấu hiệu bệnh thủy đậu diễn tiến nặng cha mẹ cần lưu ý

Trong bài viết dưới đây, BS Trương Hữu Khanh sẽ chia sẻ một số lưu ý trong chăm sóc và điều trị trẻ mắc bệnh thủy đậu, cũng như các dấu hiệu cần đưa đi bệnh viện ngay.

1. Thời điểm nào trong năm bệnh thủy đậu vào mùa?

Thưa BS, Ngành y tế Đắk Lắk vừa qua ghi nhận 2 ổ dịch thủy đậu trên địa bàn, làm hàng chục học sinh mắc bệnh. Xin hỏi BS, sự bùng phát này liệu rằng có đang diễn ra đúng “mùa thủy đậu” hay không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đây là “mùa thủy đậu” vì bệnh thủy đậu xuất hiện khoảng tháng 2 và kéo dài đến tháng 6, vào các tháng 3, 4, 5 sẽ nhiễm rất cao. Trường hợp này có thể là đầu mùa của thủy đậu và thường bùng phát trong cả lớp hoặc cả xóm nếu cộng đồng đó không đủ miễn dịch.

2. Làm sao chặn đứng nguy cơ lây bệnh thủy đậu?

Đa số ca bệnh được ghi nhận đều học chung lớp, chung trường mầm non, vậy nguy cơ bùng dịch tại các trường học sẽ như thế nào? Và làm sao chặn đứng nguy cơ này, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc chặn đứng tình trạng thủy đậu xuất hiện trong trường học rất khó. Vì trẻ mắc bệnh thủy đậu sẽ lây trước khi nổi bóng nước 1 - 2 ngày. Thông thường trẻ phải nổi bóng nước mới nhận biết được tình trạng thủy đậu để cách ly.

Cách phòng ngừa:

- Khi thấy bóng nước phải cách ly, cho trẻ ở nhà trong vòng 21 ngày.

- Tiếp tục phát hiện thêm các trường hợp khác nếu có xảy ra.

- Chủ động tiêm ngừa.

3. Trẻ mắc thủy đậu, khi nào có thể đi học trở lại?

Thông thường, khi trẻ bớt những nốt trên da, các phụ huynh bắt đầu cho trẻ đi học. Khi đó nguy cơ lây lan sẽ như thế nào?

Căn bệnh này có thể ủ bệnh trong khoảng thời gian 3 tuần. Tuy nhiên một số phụ huynh cho rằng 3 tuần là một thời gian dài khiến cho con em của họ bị mất bài vở. Nên đôi khi thấy trẻ bớt những nốt trên da thì bắt đầu cho trẻ đi học. Liệu rằng nguy cơ lây lan sẽ như thế nào thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: 3 tuần không phải là thời gian ủ bệnh mà là thời gian toàn phát virus ra ngoài môi trường. Khi bắt đầu bệnh virus sẽ phát tán rất nhiều, trước khi nổi bóng nước và trong thời gian nổi bóng nước. Tuy nhiên sau đó vẫn tiếp tục phát tán virus ra ngoài trong vòng 3 tuần.

Nếu cho trẻ đi học sớm chắc chắn sẽ có nguồn lây. Đây chỉ là lời khuyên nhưng trên thực tế trẻ không thể ở nhà đến 3 tuần vì vậy các trẻ còn lại phải chủng ngừa. Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện theo mùa, nếu năm nay không mắc và không tiêm ngừa thì trong các năm sau có thể mắc vì căn bệnh này rất khó phòng ngừa.

4. Triệu chứng nhận diện và giai đoạn bệnh thủy đậu diễn ra như thế nào?

Khi trẻ mắc thủy đậu, đâu là các triệu chứng nhận diện? Từ giai đoạn ủ bệnh đến khi khỏi bệnh, trẻ sẽ trải qua những giai đoạn - dấu hiệu đặc trưng nào, mỗi giai đoạn thường sẽ kéo dài bao lâu?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ nếu bị thủy đậu thông thường sáng đi học, chiều về nổi 1, 2 nốt và đến tối sẽ nổi khắp người. Một trẻ có thể sốt, đau, đầu, mệt mỏi và sau đó nổi bóng nước.

Đặc biệt bóng nước nổi rải rác toàn thân và xảy ra từng đợt, mụn cũ mụn mới xen kẽ với nhau. Thời gian nổi từ 5 - 10 ngày, sau đó các nốt sẽ khô lại, bong tróc và không để lại sẹo. Tuy nhiên nếu nhiễm trùng, để lại ghẻ sẽ thành sẹo.

Một số trẻ trong lúc nổi sốt rất cao hoặc không sốt. Sau đó nếu không biết chăm sóc và điều trị đúng các nốt rạ có thể gặp những biến chứng như viêm phổi, viêm tủy hay nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết.

5. Chăm sóc trẻ mắc bệnh thủy đậu tại nhà nên lưu ý gì?

Khi trẻ mắc bệnh thủy đậu được chăm sóc tại nhà, phụ huynh nên lưu ý gì để tránh lây nhiễm cho những người thân trong gia đình? Khi nào trẻ được đi học lại ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

- Khi trẻ nổi thủy đậu (trái rạ) tại nhà không nên kiêng tắm, kiêng gió.

- Phải tắm cho trẻ, mặc áo thoáng, cắt móng tay.

- Khi thấy nốt rạ tấy đỏ lan ra xung quanh phải đi khám để bác sĩ cho thuốc uống. Thủy đậu có thuốc điều trị đặc hiệu là Acyclovir như phải theo chỉ định của bác sĩ.

Theo dõi từ 5 - 7 ngày trẻ sẽ ổn định, tuy nhiên phải đủ 3 tuần mới có thể đi học và không lây cho người khác.

6. Thủy đậu thường gặp ở độ tuổi nào và dấu hiệu nào cần phải nhập viện?

Bệnh thủy đậu thường gặp nhất ở trẻ em, vậy độ tuổi nào thì có thể chăm sóc tại nhà, và độ tuổi hay khi có dấu hiệu nào thì cần phải nhập viện, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ngay cả trẻ mới sinh cũng có thể bị lây từ mẹ.

Thông thường trẻ dưới 3 tháng, đặc biệt là dưới 1 tháng nên nhập viện vì có khả năng nổi rất nhanh và dễ biến chứng viêm phổi hơn. Đa số các trẻ khác nếu không có biến chứng, có thể điều trị tại nhà, không cần thiết phải nhập viện. Nếu thấy trẻ khó thở, yếu tay yếu chân, nốt rạ tấy đỏ lan rộng ra xung quanh, em bé sốt cao, lừ đừ phải nhập viện để điều trị biến chứng. Đặc biệt là sau khi nốt rạ lặn vẫn có thể xảy ra biến chứng.

7. Có phải mua rơm về tắm sẽ hết thủy đậu?

Thưa BS, nhiều người gọi thủy đậu là trái rạ nên có quan niệm mua rơm về tắm sẽ hết, quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Gọi có thể “trái rạ” là do nốt mụn của thủy đậu giống với nốt ở gốc rạ, hoàn toàn không liên quan đến chữ “rạ” trong “rơm rạ”. Vì vậy quan niệm này hoàn toàn sai, đây là virus và có thuốc điều trị đặc hiệu. Trường hợp uống gốc rạ có thể gây hại và tắm bằng gốc rạ không thể sạch được vì rơm rạ ở ngoài đôi khi sử dụng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất.

8. Thủy đậu, trái rạ, đậu mùa có giống nhau?

Dân gian thường nhắc đến 3 tên bệnh: thủy đậu, trái rạ, đậu mùa. Đây là 1 hay nhiều bệnh ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thủy có rất nhiều tên:

- Miền Bắc gọi là phỏng rạ

- Miền Nam gọi là trái rạ

- Trong sách vở gọi là thủy đậu.

Tuy nhiên bệnh đậu mùa là bệnh đã được tiêu diệt từ lâu và hoàn toàn khác với thủy đậu, phỏng rạ hay trái rạ.

9. Trẻ mắc thủy đậu nên ăn uống thế nào?

Lưu ý gì khi chăm sóc trẻ mắc thủy đậu, thưa BS? Nên cho trẻ ăn uống ra sao để nhanh khỏi ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tùy thuộc vào sức đề kháng của trẻ, khoảng 7 - 10 ngày trẻ sẽ ổn định.

- Nếu trẻ nổi bóng rạ trong họng sẽ rất đau nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, không ăn cay, nóng.

- Uống đủ nước.

- Tắm rửa bình thường.

- Chăm sóc da tốt.

10. Phòng ngừa thủy đậu ra sao?

Với sự gia tăng số ca mắc, và căn bệnh này cũng rất dễ tạo thành dịch. Theo BS, chúng ta nên phòng ngừa căn bệnh này như thế nào ạ? Đặc biệt là tại các trường học?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu em bé chưa chủng ngừa thì phải chủng ngừa, không có cách nào khác. Vấn đề thủy đậu xảy ra hằng năm, vài năm sẽ có một đợt dịch lớn và lây lan toàn bộ, những người chưa mắc bệnh thủy đậu sẽ phải mắc.

Nên chú ý khi trong nhà có người mang thai và có trẻ bị thủy đậu. Nếu phụ nữ mang thai dưới 12 tuần không may mắc thủy đậu sẽ tạo ra thủy đậu bẩm sinh và gây nhiều dị tật.

Điều kiện thời tiết và dịch tễ ở Tây Nguyên có thuận lợi hay bất lợi gì cho việc ngăn chặn bệnh thủy đậu không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc ngăn chặn thủy đậu không liên quan đến thời tiết. Nếu không tiêm ngừa sẽ mắc bệnh hết khu vực đó và lây lan qua khu vực khác.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X