12 nguyên nhân gây loãng xương và thoái hóa xương khớp bạn nên biết
Giống như những bộ phận khác, xương cũng chịu ảnh hưởng của quá trình lão hóa, nhanh chóng bị loãng xương, thoái hóa xương nếu không nhận được sự quan tâm đúng mức.
Xương không hề vững chắc như chúng ta vẫn tưởng. Đây cũng là một dạng mô của cơ thể hình thành bởi collagen và canxi phốt phát. Trên thực tế, cứ 10 năm một lần, xương của bạn lại được thay thế bằng những mô hoàn toàn mới.
Theo các chuyên gia y khoa, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng loãng xương và thoái hóa khớp. Một trong số chúng bao gồm:
Tuổi tác
Theo thời gian, tốc độ sản sinh các mô mới của cơ thể ngày càng giảm và đó là lý do chủ yếu khiến bộ xương của bạn không còn chắc khỏe khi đã có tuổi. Theo các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering, độ tuổi sung mãn nhất của cơ thể vào khoảng 20 và đó là khi bộ xương phát triển mạnh và cứng cáp nhất. Quá trình này sẽ chững lại ở tuổi 30 và tỉ lệ mô xương sẽ sụt giảm dần từ tuổi 35.
Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn
Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt canxi, vitamin D và K sẽ khiến xương của bạn không giữ được độ cứng cáp và chắc khỏe. Payal Bhandari, dược sĩ kiêm tư vấn viên y khoa tại Tổ chức Uqora cho biết, bạn cần bổ sung khoảng 1300mg canxi mỗi ngày ở độ tuổi phát triển để cơ thể sản sinh đủ các mô xương, đảm bảo cho quá trình phát triển tự nhiên.
Dư thừa vitamin A
Trong khi thiếu hụt vitamin A khiến các mô xương kém phát triển, việc tiếp nhận quá nhiều loại chất này cũng không có lợi cho quá trình phát triển xương.
Mona Gohara, dược sĩ kiêm bác sĩ đa khoa tại Đại học Yale, New Haven (Mỹ) cho hay, vitamin A dư thừa trong cơ thể sẽ kích thích osteoclasts - tế bào hủy xương và khiến quá trình phát triển xương gián đoạn. Loại vitamin này cũng can thiệp vào sự hấp thụ vitamin D, gây nên một vài rối loạn trong cơ thể.
Rối loạn hormone
Sụt giảm hormone sinh dục nữ estrogen và testosterone ở nam giới cũng có mối liên hệ mật thiếu với tình trạng loãng xương và thoái hóa khớp. Cả hai loại hormone này đều giúp kiểm soát số lượng tế bào hủy xương osteoclasts và do đó, khiến quá trình phát triển xương gặp khó khăn.
Lười vận động
Luga Podesta, dược sĩ kiêm giám đốc trung tâm thể hình St. Charles Orthopedics tại New York (Mỹ) cho biết, những hoạt động vật lý không chỉ giúp tăng cường cơ bắp mà còn gia tăng sự dẻo dai, cứng cáp cho xương của bạn. Nếu không dành đủ thời gian tập luyện và vận động hàng ngày, ngoài các vấn đề về xương khớp, bạn còn dễ dàng đối mặt với nhiều biến chứng sức khỏe khác.
Hút thuốc
Không chỉ gây hại cho hệ tuần hoàn và hô hấp, hút thuốc còn làm giảm tế bào mô xương và khiến hệ khớp của bạn yếu đi trông thấy. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa thói quen hút thuốc và những căn bệnh về xương khớp.
Nguyên nhân của hiện tượng này nằm ở chất nicotin trong khói thuốc có khả năng ức chế cơ thể sản sinh estrogen, làm xáo trộn osteoclasts và khiến quá trình phát triển xương bị ảnh hưởng.
Rượu
Sử dụng nhiều đồ uống có cồn cũng là một trong những thói quen nguy hại cho hệ xương khớp của bạn. Chất cồn trong rượu, bia có khả năng làm xáo trộn lượng canxi trong cơ thể và hủy hoại các loại vitamin, hormone cần thiết trong quá trình tạo xương.
Dùng nhiều cà phê
Cà phê là thức uống ưa thích của không ít người vào buổi sáng bởi chúng mang lại sự tỉnh táo và tinh thần sảng khoái cho cả ngày dài làm việc.
Tuy vậy, nếu dùng quá nhiều, loại đồ uống này sẽ mang lại tác hại khá lớn cho sức khỏe bạn. Theo Erin Sundermann, nhà khoa học kiêm trợ lý giáo sư, công tác tại đại học Y California San Diego School, bạn nên hạn chế uống dưới 3 cốc cà phê - tương đương với 400mg - mỗi ngày.
Các chứng bệnh về tiêu hóa
Những vấn đề với đường tiêu hóa có thể khiến cơ thể bạn không hấp thụ đủ chất và dẫn đến thiếu hụt các thành phần quan trọng cho quá trình phát triển xương. Không chỉ vậy, khi không hấp thụ đủ chất, bạn cũng dễ dàng gặp phải tình trạng mất cân bằng hormone, không chỉ ảnh hưởng xương mà còn các bộ phận khác trong cơ thể.
Chỉ số cơ thể không ở mức an toàn
Alfred Spears, nhà nghiên cứu y sinh tại Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) cho hay, khi chỉ số cơ thể BMI thấp hơn 19, bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng loãng xương cao hơn so với người bình thường.
Chỉ số này có thể dễ dàng tính được nhờ chia cân nặng tính bằng kg cho bình phương chiều cao tính bằng mét. Nếu chỉ số này quá thấp, hãy cố gắng tăng cường dinh dưỡng cho chế độ ăn của mình đồng thời loại bỏ các thực phẩm không có lợi như đường và chất béo.
Sử dụng thuốc
Một vài loại thuốc có khả năng can thiệp mạnh mẽ vào quá trình phát triển xương khớp và khiến cơ thể gặp vấn đề không nhỏ. Debby Herbenick, nhà dược sĩ học kiêm tư vấn viên y khoa tại Đại học Indiana (Mỹ) cho biết, một số loại thuốc bạn nên cảnh giác khi sử dụng bao gồm thuốc điều trị ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, động kinh.
Những chứng bệnh khác
Một vài chứng bệnh mãn tính cũng có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới hệ xương khớp của bạn. Chúng bao gồm bệnh thận, rối loạn tuyến giáp mãn tính hay chứng kém hấp thu của cơ thể. Nếu gặp phải tình trạng này, tốt nhất bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia y khoa.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình