1001 giải đáp từ chuyên gia về tai biến đột quỵ
Bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não) là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nâng cao các kiến thức về đột quỵ sẽ giúp giảm tối đa các rủi ro có thể xảy ra, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người bệnh. Hãy cùng lắng nghe những giải đáp đến từ phía GS. TS. BS Nguyễn Văn Thông về bệnh lý này.
- Bác sĩ cho em hỏi, mẹ em bị tai biến được hơn 1 năm rồi trước chưa bị covid thì đi lại dễ dàng thoái mái không đau nhức bên liệt. Nhưng từ lúc bị covid xong chân tay lại bị căng cơ đau nhức khó chịu lắm ạ. Có cách nào để cải thiện không vậy bác sĩ? Em cảm ơn bác sĩ ạ (097280****)
Sau khi bị COVID-19, một số người có biểu hiện “Hội chứng hậu COVID” do virus gây tổn thương các cơ quan nội tạng (não, tim, phổi, cơ khớp…) và để lại những hậu quả nặng hoặc nhẹ tùy theo từng người. Có thể có một hoặc các biểu hiện sau:
- Hội chứng sương mù vỏ não: Đau đầu, rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ, trầm cảm
- Tim nhịp nhanh
- Thở hụt hơi khi gắng sức
- Mệt mỏi và đau mỏi cơ khớp, giảm sút cân
Mẹ bạn bị đột quỵ hơn một năm, đi lại dễ dàng. Tuy nhiên nhu mô não chỉ huy bên chi liệt bị tổn thương vẫn còn bị ảnh hưởng nên có thể có biểu hiện vậy.
Bạn nên cho mẹ đi khám chuyên khoa thần kinh, tăng cường chế độ dinh dưỡng và duy trì tập luyện theo khả năng, tiếp tục điều chỉnh các yếu tố nguy cơ như (tăng HA, đái tháo đường, vữa xơ động mạch, bệnh tim mạch,…) nếu có, theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Một thời gian sẽ giảm.
- Ba em năm nay 50 tuổi, đang ngồi tự nhiên bị chóng mặt, nói chuyện không được bị líu lưỡi và tay bên trái cầm điện thoại không được, sau khoảng 10 phút thì hết và vẫn đi đứng bình thường cũng không bị méo mặt ạ. Sau đó nhập viện 1 tuần bác sĩ cho chụp RMI, Siêu âm tim thực quản, Chụp CT mạch vành có tiêm cản quang, thử máu. Thì ngoài huyết áp cao giao động 130-150 và mỡ máu cao thì mọi thứ còn laị bình thường hết ạ. Hôm nay bác sĩ cho về uống thuốc và chẩn đoán là THIẾU MÁU NÃO THOÁNG QUA và sẽ tái khám theo định kỳ, nhưng hiện tại vẫn còn đau đầu.
Bác sĩ cho em hỏi liệu ba em có nguy cơ bị tai biến thật sự không ạ? Và có cách nào để ngăn ngừa nó không ạ? (077635****)
Đúng vậy, ba của bạn bị cơn thiếu máu não cục bộ thoảng qua (Transient ischemic stroke - TIA). Cơn thường diễn ra trong một giờ và hồi phục hoàn toàn trong 24 giờ. Ba của bạn đã được chụp MRI, siêu âm tim qua thực quản, CT mạch vành để loại trừ các căn nguyên từ tim, thử máu…nhưng thấy bình thường. Ba của bạn đã có các yếu tố nguy cơ đột quỵ (tăng HA, mỡ máu cao, tuổi trung niên, cơn TIA) là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ và có nguy cơ đột quỵ xẩy ra. Trong năm đầu, theo thống kê tỷ lệ xẩy ra đột quỵ chiếm khoảng ≤ 30% nếu không được điều trị. Để dự phòng đột quỵ xẩy ra, ba của bạn cần điều chỉnh giữ HA ≤ 130/ 85mmHg, dùng thuốc hạ mỡ máu, dùng aspirin 100mg/ngày (nếu không có chống chỉ định), tập thể dục đều, có chế độ ăn ít mỡ động vật và thịt phủ tạng, tránh ăn mặn, ăn tăng rau xanh và hoa quả, không hút thuốc, tránh lạm dụng rượu bia, không tự ý bỏ thuốc HA, khám bệnh định kỳ và báo cho bác sĩ những thay đổi bất thường về sức khỏe của cơ thể.
- Bác sĩ cho cháu hỏi sau khi bị tai biến mạch máu não thì nên áp dụng chế độ tập luyện như thế nào cho hợp lý ạ? Cháu muốn hỏi cho mẹ cháu ạ. Cháu cảm ơn bác sĩ. (096674****)
Sau khi bị đột quỵ (tai biến mạch não), cần tập luyện sớm. Việc tập luyện sẽ tùy theo khả năng và mức độ bệnh (liệt nửa người, suy giảm ý thức, hôn mê, mức huyết áp) mà có chương trình tập luyện riêng (có sự trợ giúp hoặc không có sự trợ giúp của gia đình hoặc nhân viên y tế) cho phù hợp.
- Đối với người bệnh tỉnh táo, mức đột liệt nhẹ, có thể áp dụng các bài tập thở, vận động chân tay-cơ khớp cho linh hoạt (các bài tập Aerobic), tập đi bộ có người đi kèm hoặc chủ động…
- Nếu người bệnh nặng cần tập phục hồi chức năng sớm ngay tại giường có sự trợ giúp của người thân và nhân viên y tế (trở mình chống loét tỳ đè, vỗ ngực – lưng chống ứ đọng đờm rãi, xoa bóp chi thể dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu….
- Cần lưu ý, những người tuổi cao, bệnh xương khớp, kém minh mẫn, yếu-liệt thì không nên tập gắng sức và cần có người trợ giúp đề phòng ngã, chấn thương đầu, gẫy xương đùi.
- Mẹ cháu bị tai biến liệt nửa người, đang trong tình trạng tập đi tập đứng nhưng tay trái mẹ cháu giống như bị giãn ra nên vẫn chưa cử động chỉ co vào nhẹ đươc, co ra không được. Bác sĩ cho mẹ cháu lời khuyên với ạ? Cháu cảm ơn ạ! (098622****)
Người bệnh bị đột quỵ, liệt nửa người, thường để lại di chứng co cứng (tay ở tư thế gấp) do tổn thương đường vận động và cứng khớp hoặc tư thế duỗi do teo cơ hoặc không vận động bên chi liệt. Các động tác trợ giúp để chống co cứng khớp cần làm chậm rãi, từ từ để hạn chế sự cứng khớp, nhất là khớp khuỷu tay, khớp vai, khớp gối, kết hợp với xoa bóp làm mềm cơ để tăng lưu lượng tuần hoàn chi thể, chống cứng khớp và tăng khả năng vận động.
- Trong gia đình cháu có người bị tai biến, vậy liệu cháu có nguy cơ bị tai biến không bác sĩ? (097133****)
Trong gia đình có người bị đột quỵ được xác định là những người khác trong gia đình có thể có nguy cơ bị đột quỵ, nhất là nếu cháu có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim bẩm sinh... Tuy nhiên, không phải người nào trong gia đình cũng sẽ bị đột quỵ
- Thông thường thì đột quỵ có triệu chứng không bác sĩ? Tại dạo gần đây bố em nói hay bị hoa mắt, chóng mặt nên em muốn được bác sĩ tư vấn xem liệu có phải triệu chứng này không ạ? (097665****)
Đột quỵ thường có các dấu hiệu báo động như:
- Đột nhiên hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm mặt mày
- Yếu, liệt hoặc tê bì một bên cơ thể
- Đột nhiên nói líu lưỡi, nói ngọng, nói đớ
- Đột nhiên nhìn mờ hoặc mất thị lực một mắt hoặc cả hai mắt
- Đột nhiên đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân (đau như búa bổ).
- Bác sĩ ơi, có người nói dùng thuốc đông y có thể dùng để cấp cứu người bệnh đột quỵ được. Vậy có đúng không ạ? (097634****)
Thuốc đông y, (thảo dược) do tác dụng chậm, chủ yếu dùng kết hợp để điều trị dự phòng đột quỵ, thường không được dùng để cấp cứu đột quỵ.
- Có phải thường xuyên cáu giận cũng gây ra nguy cơ đột quỵ không bác sĩ? (090378****)
Tức giận, căng thẳng, là những Stress dẫn đến tăng huyết áp. Một cơn tăng huyết áp kịch phát dễ dẫn đến đột quỵ. Vì vậy, không nên căng thẳng, cáu giận thường xuyên.
- Bác sĩ cho em hỏi ạ. Mẹ em bị tai biến liệt 1 cánh tay. Khám bệnh viện bác sĩ chỉ cho thuốc và không chỉ định châm cứu gì. Qua mấy tháng tình hình bệnh mẹ em không tiến triển mà còn thấy khó thở. Vậy giờ em nên làm sao ạ? Cho mẹ đi khám và điều trị ở đâu được ạ? (081645****)
Châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp cũng là một trong các biện pháp được chỉ định để phục hồi chức năng vận động khi chi bị liệt. Tuy nhiên, tùy theo từng giai đoạn, trên từng bệnh nhân, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định cụ thể dùng giải pháp nào cho người bệnh. Thường các bác sĩ chủ yếu chỉ định tập vận động, phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
- Làm sao để có thể nhận biết sớm các triệu chứng của tai biến - đột quỵ để giúp cho mình và người nhà phòng tránh được ạ. Bác sĩ cho em xin lời khuyên với ạ? (097958****)
Những người trung niên và cao tuổi nếu có tăng huyết áp, đái tháo đường, vữa xơ động mạch, các bệnh tim như rung nhĩ, loạn nhịp, suy thận đều có thể bị đột quỵ. Vì vậy, phải đi khám bệnh định kỳ, thường xuyên và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để dự phòng đột quỵ. Không tự ý mua thuốc, dùng thuốc theo đơn của người khác hoặc tự ý bỏ thuốc. Có chế độ tập luyện thường xuyên theo khả năng, chế độ ăn tăng rau xanh và hoa quả, hạn chế mỡ động vật, thịt phủ tạng, hạn chế ăn mặn, bỏ thuốc lá, không lạm dụng rượu - bia sẽ giảm nguy cơ đột quỵ.
TƯ VẤN ĐỘT QUỴ, TAI BIẾN cùng GS. TS. BS NGUYỄN VĂN THÔNG Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thông hiện giữ chức Chủ tịch Hội Phòng chống đột quỵ khu vực miền Bắc. Ngoài ra, ông còn đảm nhận chức Chủ nhiệm bộ môn thần kinh Viện Nghiên cứu Y Dược Lâm sàng 108; Phó chủ tịch Hội Phòng chống đột quỵ Việt Nam. Ông cũng là thành viên của các hiệp hội y khoa trong nước và quốc tế như ủy viên Hội Thần kinh Việt Nam; ... Từ ngày 1/6/2023 - 25/12/2023, GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông chính thức tư vấn bạn đọc về đột quỵ, tai biến. Tương tác trực tiếp tài khoản Zalo OA NattoEnzym DHG Pharma Phòng ngừa đột quỵ để được tư vấn. Bấm vào đây để được tư vấn: https://zalo.me/297298227520032633 |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình