Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Rụt rè, ngại giao tiếp, suy tư trắc trở... bác sĩ giúp cháu với?
Câu hỏi
Chào bác sĩ, Em sinh năm 96, từ nhỏ tới lớn em rất rụt rè, rất ngại trò hay giao tiếp với ai hết ạ, khi nhắn tin thì em còn suy nghĩ ra được câu để nói nhưng đến nói chuyện trực tiếp em rất sợ, trả lời lắp bắp, tim và bụng co bóp mạnh cảm thấy nặng người. Dạo này em cảm thấy tình trạng nặng hơn, khó điều khiển được tâm lý, cho em hỏi em bị gì có nặng lắm không ạ. Gặp chuyện gì em chũng cảm thấy sợ, không thể giải quyết vấn đề tốt được, cảm thấy mình rất vô dụng, nhiều lúc rất muốn tự tử, nhưng lại sợ nghiệp về kiếp sau nên em cũng không dám. Giờ em sợ tất cả cảm giác, sợ mình là người phiền phức gây ảnh hưởng đến người khác nên lúc nào cũng cố gắng làm vừa ý mọi người vì sợ mọi người nói này nói kia. Lúc nào cũng nói phải cố gắng vui lên thoải mái lên nhưng không làm được. Em đang ở chung trong 1 nhà trọ có 7 người toàn là anh chị em trong gia đình dòng họ, mà ai cũng nói chuyện với nhau thoải mái nói đùa vui vẻ, chỉ có em là không biết là mình phải nói gì với mọi người nữa. Cảm giác ngại và sợ cứ lấn áp em mỗi ngày khiến em cảm thấy rất mệt mỏi ạ. Hy vọng nhận được lời tư vấn sớm nhất từ bác sĩ. Lòng em nhiều suy tư trắc trở bồn chồn lắm ạ không biết kể sau cho hết. Em chưa từng tư vấn hay thăm khám tại bệnh viện nào hết. Hy vọng được giải đáp và nhận được tư vấn về tình trạng và sức khỏe cũng như cách thức và thuốc đễ chữa trị ạ. Em không tiện nghe máy nên mong nhận được phản hồi từ email. Cám ơn bác sĩ đã lắng nghe và hiểu cho em ạ.
Trả lời
Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân, còn kiểm soát được lý trí và hành động của mình, chịu mở lòng và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em. Bản thân em cũng cảm nhận là mình đang chiến đấu chống chọi với những suy nghĩ và cảm xúc kỳ lạ bên trong mình, và đúng thật là em có bệnh.
Cuộc sống sẽ có nhiều loại người với nhiều loại tính cách khác nhau, người mạnh mẽ, người nhút nhát. Nếu nhút nhát đơn thuần thì không phải bệnh và có thể tập luyện sẽ hết. Nhưng trường hợp của em thì khác, em nhút nhát quá mức bình thường, đó là biểu hiện của rối loạn cảm xúc - tâm thần. Em đừng bị “dị ứng” hay quá sợ hãi với từ “tâm thần”.
Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, tự kỷ... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
Bệnh của em cần được điều trị và có thể điều trị được vì phát hiện sớm. Em vẫn cần phải khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để xác định rõ loại bệnh và điều trị thích hợp. Để chẩn đoán một người có bệnh tâm thần phân liệt mức độ ra sao, có kèm bệnh gì hay không, cần điều trị thuốc gì thì bác sĩ và bệnh nhân phải ngồi lại với nhau.
Bởi vì các bệnh lý tâm thần sẽ có một số triệu chứng chồng lấp với nhau, bác sĩ phải dành thời gian khai nhác bệnh sử kỹ càng, đào sâu vào từng triệu chứng mới kết luận được là người bệnh thuộc nhóm bệnh nào, đồng thời cũng phải loại trừ những bệnh lý tổn thương cơ quan khác gây ra rối loạn tâm thần (như rối loạn nội tiết, bệnh lý ở não…).
Bản thân mình là quan trọng nhất nên em hãy mạnh dạn điều trị để chữa khỏi cho mình và mang lại 1 cuộc sống tốt hơn, cho mình, em nhé.
Trân trọng.
Sức khỏe tinh thần
bao gồm sự khỏe mạnh về cảm xúc, tâm lý, khả năng nhận thức và
giao tiếp xã hội. Cũng như sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của
bạn có thể bị tổn thương do các bệnh tâm lý - thần kinh. Đây là một
bệnh ảnh hưởng đến não bộ của bạn bằng cách gây ra một sự mất cân bằng
hóa học. Chúng có thể gây rối loạn nhẹ đến nghiêm trọng trong cách bạn
suy nghĩ, cảm nhận, hành động và cách bạn cảm nhận được con người và sự
kiện trong cuộc sống của bạn. Bệnh tâm lý - thần kinh có thể là một
tình trạng mãn tính, nhưng có thể được kiểm soát với sự giúp đỡ của
bác sĩ. Một số trong những rối loạn thường gặp là: trầm cảm lâm sàng (hay thường gọi là trầm cảm), rối loạn lưỡng cực, lo âu, stress sau chấn thương (PTSD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), và loạn thần. Một số bệnh tâm lý - thần kinh tập trung vào vài nhóm bệnh nhân nhất định, chẳng hạn như trầm cảm sau sinh chỉ xảy ra ở các bà mẹ mới sinh con. Sức khỏe tinh thần của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi các sự kiện trong cuộc sống để lại một tác động lớn đến tính cách và hành vi của bạn. Những sự kiện như bạo hành gia đình hoặc lạm dụng trẻ em, hoặc căng thẳng nặng nề kéo dài. Bệnh này làm thay đổi cách chúng ta đương đầu với căng thẳng, quan hệ với những người khác, và đưa ra những lựa chọn. Nó có thể dẫn đến những suy nghĩ bạo lực và tự hại. Vì lý do này, sức khỏe tâm thần của bạn đóng vai trò vô cùng quan trọng ở mọi giai đoạn của cuộc sống, từ thời thơ ấu và niên thiếu qua tuổi trưởng thành. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình