Hotline 24/7
08983-08983

Phát hiện bệnh lao phổi chậm trễ nguy hiểm như thế nào?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Vào tháng 2/2018 em có khạc đờm ra máu, sau khi kiểm tra tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bác sĩ chẩn đoán em bị viêm phế quản, cho uống thuốc 2 tuần tái khám lại thì khỏi. Sau đó vào 11/2018 em ho ra máu, đi kiểm tra lại bác sĩ chẩn đoán xơ sẹo vôi hoá phổi cho uống thuốc 2 tuần. Vào 12/2018 em đi kiểm tra ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ chẩn đoán bị lao phổi AFB. Bác sĩ cho em hỏi có phải em bị bệnh lao từ tháng 2/2018 hay không? Phát hiện chậm trễ như vậy có nguy hiểm gì không?

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Bệnh lao phổi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bệnh lao phổi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Với diễn tiến bệnh như bạn mô tả, rất có thể bạn đã bị lao từ tháng 2/2018 nhưng kết quả khạc đàm âm tính nên chưa đủ bằng chứng để kết luận. Ngoài ra, một số cơ địa có biểu hiện bệnh lao không rầm rộ, không có tổn thương phổi rõ trên Xquang (như trường hợp lao nội mạc phế quản không kèm lao phổi) nên khó phát hiện giai đoạn sớm.

Thông thường, sau điều trị 2 tuần nếu không giảm, bạn cần phải tái khám để bác sĩ làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu. Trường hợp này bệnh có cải thiện, có thể do hệ miễn dịch của cơ thể hồi phục và ức chế 1 phần diễn tiến của bệnh lao.

Tuy nhiên, hiện tại nếu đã có bằng chứng lao phổi rõ, AFB dương, bạn nên điều trị tích cực theo Chương trình Chống lao Quốc Gia để tránh tổn thương phổi nặng hơn và hạn chế lây lan cho người xung quanh bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Lao phổi là 1 bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn lao (Myobacterium tuberculosis) phát triển gây nên. Bệnh lao thường lây lan qua nói chuyện, hắt hơi, ho... Bệnh càng dễ mắc phải ở những người có sức đề kháng kém, đặc biệt là trẻ em.

Biểu hiện chính của người bệnh lao là ho, có thể kéo dài hơn 2 tuần, nhưng thông thường bệnh nhân lao hay gặp triệu chứng điển hình là ho khan, ho đờm, ho ra máu... Ngoài ra bệnh nhân lao thường bị sút cân trầm trọng, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi vào ban đêm, đau ngực, đôi khi khó thở, cảm giác mệt mỏi, uể oải…

Điều trị lao phổi chủ yếu là sử dụng thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn lao. Tuy nhiên phải tuân thủ vào phác đồ điều trị của bác sĩ.

Uống thuốc đều đặn và làm đúng theo lời khuyên của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị bệnh. Sử dụng nhiều loại thuốc lao cùng một lúc để tiêu diệt vi khuẩn lao hiệu quả nhất và tránh việc nhờn thuốc.

Trong suốt quá trình điều trị lao, người bệnh cần ở cách ly so với người nhà và những người xung quanh để điều trị bệnh hiệu quả nhất, tránh lây lan cho người khác. Sau 1 thời gian điều trị bằng thuốc, người bệnh cần tiếp tục uống thuốc đều đặn để vi khuẩn lao được tiêu diệt hết.

Bệnh lao là bệnh rất nguy hiểm song có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Khi có dấu hiệu như: Ho kéo dài trên 2 tuần, người sút cân, sốt nhẹ vào buổi chiều, mệt mỏi chán ăn… hãy đến ngay các cơ sở y tế và bệnh viện chuyên khoa hô hấp để được phát hiện và điều trị kịp thời.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X