Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị nhiễm trùng roi ở nam giới và nữ giới thế nào?

Bệnh trùng roi lây chủ yếu qua đường tình dục, dễ lây và phổ biến ở cả nam và nữ. Có nhiều loại thuốc dùng để điều trị bệnh này. Tuy nhiên, đây là bệnh hay tái nhiễm như tái nhiễm nội sinh. Vì vậy cần biết cách điều trị cũng như phòng tránh thích hợp.

1. Bệnh trùng roi

 
Viêm âm đạo do trùng roi. Ảnh minh họa


Bệnh trùng roi đường sinh dục nữ hay gọi là viêm âm đạo do trùng roi là một bệnh viêm đường sinh dục tiết niệu thường gặp ở phụ nữ. Bệnh này do một loại ký sinh trùng đơn bào là trùng roi (Trichomonas vaginalis) gây nên. Vậy trùng roi là gì?
 
Trùng roi có thể nhìn thấy được rất dễ dàng bằng kính hiển vi quang học. Nó hình như hạt chanh, di động và có 5 roi.
 
Bệnh trùng roi sinh dục chủ yếu lây qua quan hệ tình dục. Ngoài ra bệnh còn có thể lây qua bồn tắm hoặc khăn tắm ẩm ướt bị nhiễm trùng roi. Người mẹ mang thai bị trùng roi có thể lây cho trẻ khi sinh qua đường tự nhiên hoặc lây do dùng chung quần, giặt chung chậu, nhiễm do bơi lội hay dầm mình trong nguồn nước không sạch (nhất là ở bé gái).
 
Thực tế, tỷ lệ nữ bị bệnh nhiều hơn nam gấp 10 lần. Quan hệ tình dục không được bảo vệ với nhiều bạn tình là nhóm người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng roi.
 
Mầm gây bệnh là thể hoạt động của trùng roi âm đạo, thể này có sức chịu đựng khá tốt ở ngoại cảnh.
 
Trong môi trường nước trùng roi có thể sống được tới 40 phút. Nguồn bệnh là những người bị nhiễm trùng roi kể cả nam và nữ. Một điều quan trọng cần chú ý đối tượng nam giới là nguồn bệnh nguy hiểm, khi bị nhiễm trùng roi thường ít có triệu chứng lâm sàng nên không đi khám hoặc điều trị do không có triệu chứng hoặc không biết những nguy hại và hậu quả của bệnh. Vì vậy dễ có nguy cơ vô tình lây nhiễm cho nữ giới kể cả người vợ hoặc bạn tình.
 

2. Triệu chứng ngứa ngáy rất khó chịu

 
Ngứa ngáy vùng kín dữ dội là biểu hiện của nhiễm trùng roi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Khi bị mắc bệnh trùng roi âm đạo, bệnh nhân thường có những biểu hiện lâm sàng khác nhau.
Lúc đầu mới bị bệnh, triệu chứng thể hiện cấp tính như ngứa ngáy nhiều ở âm đạo, âm hộ, khí hư ở âm đạo chảy ra nhiều, có dịch mủ vàng hoặc xanh, nặng mùi, âm đạo bị đau như kim châm, khó chịu, sưng đỏ, viêm tấy, có nhiều nơi bị loét.
 
Sau đó bệnh chuyển sang bán cấp và mạn tính, thường không có viêm tấy và thành thể trường diễn kéo dài. Trên lâm sàng, các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân là có khí hư chảy ra nhiều, màu trắng đục, nhày dính, có bọt, âm đạo, âm hộ bị đỏ, rát nhất là khi có kinh nguyệt, niêm mạc âm đạo có hiện tượng sung huyết. Đôi khi tụ huyết, có những nốt đỏ rất nhỏ, người bệnh rất ngứa ngáy, khó chịu... Cũng có trường hợp các triệu chứng này không thể hiện đầy đủ trong một số trường hợp bệnh nhân bị mắc bệnh.
 
Bệnh trùng roi âm đạo nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời thì tình trạng viêm âm đạo kéo dài lâu ngày có thể gây nên các biến chứng như viêm buồng trứng, vòi trứng làm cho bệnh nhân đau đớn, có hiện tượng bị rong kinh; Cổ tử cung cũng có thể bị viêm loét, đau, ngứa, niêm mạc sưng đỏ. Vô sinh cũng là một biến chứng thường gặp do trùng roi tiết ra chất nhầy, tạo thành nút bao bọc và bít kín cổ tử cung, ngăn cản không cho tinh trùng xâm nhập vào để thụ tinh nên không thể thụ thai được.
 
Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây biến chứng viêm nhiễm đường tiết niệu với biểu hiện lâm sàng rõ hoặc không rõ. Ở một số trường hợp, người phụ nữ khi bị bệnh trùng roi âm đạo, đi tiểu thường thấy đau buốt, có chất dịch mủ và tìm thấy ký sinh trùng trong nước tiểu.
 

3. Biến chứng của bệnh

 
Bệnh trùng roi ở nữ giới, nếu không được điều trị, bệnh có thể gây biến chứng viêm hố chậu nhưng hiếm gặp hơn so với các bệnh khác như bệnh lậu, nhiễm chlamydia hay viêm âm đạo, lý do là vi khuẩn kỵ khí.
 
Với bệnh trùng roi ở nam giới thì đại đa số không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số người bị ngứa dương vật, đi tiểu khó và đi tiểu nhiều lần. Dương bị viêm do ngứa gãi có thể có tiết dịch niệu đạo và rất khó phân biệt với viêm niệu đạo do các nguyên nhân khác gây viêm niệu đạo không đặc hiệu.
 

4. Điều trị nhiễm trùng roi

 
Thuốc kháng sinh điều trị trùng roi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Nhóm nitroimidazol (metronidazol, tinidazol): Metronidazol (klion, flagyl, medazol) có tính đặc hiệu và là lựa chọn đầu tiên.
 
Cách dùng:
 
Có thể dùng liều duy nhất (liều cao) và chỉ dùng cho người khỏe mạnh (vì người bệnh dễ bị mệt), không nên dùng cho người có thai hoặc dùng kéo dài (với nữ thường dùng trong 7 ngày). Nếu bệnh dai dẳng có thể dùng tới 14 - 20 ngày liền. Trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với thuốc đặt âm đạo. Có thể dùng cho người có thai nhưng tránh dùng 3 tháng đầu thai kỳ nhằm hạn chế dị dạng thai. Với nam giới thường dùng trong khoảng 10 ngày. Chú ý dùng đúng liều, đúng thời gian. Liều dùng và thời gian dùng trong từng trường hợp cụ thể sẽ do bác sĩ chỉ định.
 
Tuy nhiên, thuốc có thể gây mất điều hòa vận động, chóng mặt, lú lẫn, đau dây thần kinh ngoại vi, rối loạn tâm thần, làm nặng thêm các triệu chứng thần kinh ở người vốn có bệnh thần kinh trung ương hay ngoại vi (ngừng dùng thuốc khi có các biểu hiện này). Thuốc có thể gây rối loạn về máu (giảm bạch cầu) khi dùng liều cao kéo dài (cần kiểm tra công thức bạch cầu trước khi dùng). Thuốc cũng có thể gây buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy, thay đổi vị giác, bẩn lưỡi, dị ứng.
 
Tinidazol (fasigyn, midazol) có hoạt tính diệt trùng roi như metronidazol. Thuốc gây rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, biếng ăn, tiêu chảy, nổi mày đay, nhức đầu chóng mặt nhưng thông thường ở mức độ nhẹ. Khi dùng liều cao có thể xảy ra chóng mặt và mất điều hòa vận động (cần ngừng thuốc). Không nên dùng cho người có rối loạn cơ quan tạo máu hay có bất thường công thức máu (cần xét nghiệm máu trước khi dùng).
 
Không nên dùng metronidazol, tinidazol cho người 3 tháng đầu thai kỳ (có thể gây quái thai) và người cho con bú (có thể hại cho trẻ), cho người mẫn cảm với thuốc hay mẫn cảm với nhóm nitroimidazol.  Trong quá trình dùng thuốc và vài ngày sau khi ngừng dùng không được uống rượu.
 
Nhóm thiazol: Thuốc hay dùng là thuốc tenonitrazol (atrican, milano, arcueil) có cấu trúc thuộc nhóm thiazol và có hoạt tính diệt trùng roi.
 
Nhóm này có tác dụng phụ nhiều hơn metronidazol và tinidazol. Thuốc thường gây cảm giác nặng bụng, buồn nôn và ăn không ngon. Không dùng cho người suy gan, người có rối loạn về công thức máu (phải kiểm tra chức năng gan, kiểm tra công thức máu trước khi dùng).
 
Nhóm aminozid: Thuốc dùng là paromomycin (humagel, humasin, gabbroral).
 
Cách dùng:
 
Dùng thuốc trứng (0,25g) đặt âm đạo hàng ngày vào buổi tối, trước khi ngủ trong 14-15 ngày. Thuốc có nhiều độc tính hơn 3 thuốc kể trên. Chỉ dùng khi người bệnh không dung nạp, không đáp ứng với metronidazol, tinidazol, atrican.  Thuốc có thể gây tiêu chảy do làm mất cân bằng vi khuẩn ở đường tiêu hóa. Không nên dùng cho người suy thận, người có thay đổi ở bộ máy tiêu hóa, người có tổn thương ốc tiền đình, tránh dùng cho người có thai nhất là cuối thai kỳ vì thuốc sẽ ảnh hưởng xấu đến ốc tiền đình thai.
 
Ternidazol (tergynan): Thành phần gồm ternidazol (có tác dụng trị trùng roi), neomycin sulfat (kháng khuẩn) nystatin (kháng nấm) và prednisolon (chống dị ứng). Loại không có prednisolon có tên là neo-tergynan.
 
Cách dùng:
 
Đặt vào âm đạo. Trước khi đặt nên làm ẩm nhẹ viên thuốc nhưng không làm viên thuốc rã ra. Dùng trong 10 ngày liền. Trường hợp có nhiễm nấm có thể dùng trong 20 ngày.
 
Ưu điểm: Có thể dùng ngay khi thấy viêm âm đạo mà khi chưa xét nghiệm phân biệt, dùng tiện lợi khi có bội nhiễm. Tuy nhiên, khi xác định chắc chắn chỉ bị nhiễm trùng roi thì nên người bệnh dùng các thuốc đơn nói trên vì có tính đặc hiệu, rẻ tiền, nếu dùng kéo dài cũng không quá tốn kém, còn dùng tergynan tuy có tính đa năng nhưng do giá cao, vì vậy nếu dùng kéo dài sẽ rất tốn kém.
 
Một số lưu ý khi dùng thuốc
 
Do đây là bệnh hay tái nhiễm như tái nhiễm nội sinh (tái nhiễm trùng roi ở niệu đạo, quanh niệu đạo) nên khi điều trị cho mình người bệnh cần điều trị luôn cho vợ hay chồng. Song song đó cần phải sinh hoạt tình dục lành mạnh. Điều trị phải tích cực, có khi cần dùng thuốc đến 3 đợt (cần xét nghiệm đánh giá kết quả sau mỗi đợt).
 
Khởi đầu nên chọn loại thuốc đặc hiệu như metronidazol. Đây cũng là loại thuốc có giá thành phù hợp và khá lành tính. Nếu bệnh tái diễn nhưng vẫn đáp ứng với thuốc thì dùng lại thuốc này. Trường hợp không dung nạp với thuốc này, người bệnh mới chuyển sang dùng các thuốc mạnh hơn song cũng có nhiều tác dụng phụ hơn (tinidazol, atrican). Việc chuyển đổi thuốc không nhằm chọn thuốc tốt hơn mà chủ yếu là để phù hợp với sự dung nạp, đáp ứng ở từng người bệnh cụ thể.
 
Hi vọng những thông tin mà AloBacsi chia sẻ về bệnh trùng roi sẽ giúp bạn đọc biết cách phòng tránh và điều trị bệnh kịp thời. Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm và theo dõi bài viết!
 
Khiết Ngọc (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X