Hotline 24/7
08983-08983

Cẩn trọng với bệnh rối loạn thái dương hàm

Stress, sự ăn khớp của các răng không tốt, mất răng lâu ngày không trồng răng giả có thể tiến triển thành bệnh rối loạn thái dương hàm nguy hiểm.

Rối loạn thái dương hàm là bệnh lý có xu thế gia tăng gần đây. Do bệnh diễn tiến thầm lặng, mãn tính lâu dài với những triệu chứng ban đầu nghèo nàn, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân nên thường được phát hiện chậm trễ.

Khi bệnh tiến triển sẽ dẫn đến việc phá hủy các cấu trúc của khớp thái dương hàm, làm đau khớp, đau cơ, hoạt động nhai, nuốt, nói của bệnh nhân trở nên khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Hàm dưới chúng ta giống như vòng cung, được treo vào sọ não bởi hai khớp thái dương hàm hai bên phải và trái. Các cơ hàm bám xung quanh hàm dưới giúp hàm dưới vận động như há, đóng, sang bên, ra trước.

Các răng trên hàm trên và hàm dưới ăn khớp đúng với nhau giúp sự nhai, nuốt, nói được dễ dàng, thuận lợi. Rối loạn thái dương hàm là hội chứng chỉ các rối loạn ở khớp thái dương hàm, cơ hàm và sự ăn khớp giữa các răng.

Các răng lệch lạc nên chỉnh hình, nếu mất răng cần trồng răng giả càng sớm càng tốt để phòng ngừa bệnh rối loạn thái dương hàm. Ảnh minh họa: Lê Phương.

Các răng lệch lạc nên chỉnh hình, nếu mất răng cần trồng răng giả càng sớm càng tốt để phòng ngừa bệnh rối loạn thái dương hàm. Ảnh minh họa: Lê Phương.

Một số bệnh nhân có thể thích ứng được nhưng cũng có một số bệnh nhân không thích ứng dẫn đến biến dạng và hư hại các cấu trúc giải phẫu trong khớp thái dương hàm, đau khớp, đau cơ, không há miệng được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Rối loạn thái dương hàm có hai nhóm triệu chứng chính là đau và loạn năng.

- Đau: Đau ở cơ hàm, khớp thái dương hàm, đau xuất hiện khi không hoặc có cử động hàm.

- Loạn năng: Há miệng hạn chế, không há lớn được, khi há có tiếng kêu lụp cụp ở khớp thái dương hàm, khi há hàm dưới bị lệch và không thẳng.

Nguyên nhân gây rối loạn thái dương hàm

- Sự ăn khớp của các răng không tốt, mất răng lâu ngày không trồng răng giả dẫn đến các răng bên cạnh nghiêng vào khoảng mất răng, răng đối diện trồi xuống, các răng mọc lệch lạc gây xáo trộn sự ăn khớp giữa các răng.

- Các miếng trám, răng giả làm sai khiến hàm dưới vận động không thoải mái.

- Chấn thương ở khớp thái dương hàm.

- Thói quen siết chặt răng.

- Stress.

- Khiếm khuyết cấu trúc của khớp thái dương hàm.

- Bệnh lý toàn thân: Viêm đa khớp, viêm khớp dạng thấp.

Rối loạn thái dương hàm cầnđược phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Ngày nay có hai phương pháp là điều trị xâm lấn và không xâm lấn:

- Điều trị không xâm lấn: điều chỉnh hành vi và nhận thức sai của bệnh nhân, vật lý trị liệu bài tập cho cơ hàm và cổ, điều trị bằng thuốc để cải thiện triệu chứng, mang máng bằng nhựa cứng trong miệng (máng nhai) để thư giãn cơ, giảm tải lực lên khớp và làm cải thiện sự ăn khớp các răng của bệnh nhân.

- Điều trị xâm lấn: mài chỉnh trên răng thật loại bỏ các vướng, cộm làm hàm dưới vận động không thoải mái, làm răng giả cho các răng đã mất, chỉnh hình các răng lệch lạc, phẫu thuật can thiệp trực tiếp vào khớp thái dương hàm.

Phòng ngừa rối loạn thái dương hàm

- Các răng lệch lạc nên chỉnh hình.

- Không để mất răng (vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng ngừa bệnh nha chu và bệnh sâu răng)

- Nếu mất răng cần trồng răng giả càng sớm càng tốt.

- Tránh thói quen xấu như siết chặt răng, nghiến răng, cắn vật cứng.

- Nhai hai bên, tránh nhai một bên.

- Không thường xuyên há lớn và lâu.

- Thường duy trì hàm dưới ở tư thế nghỉ: thư giãn cơ, lưỡi đặt mặt trong răng cửa giữa hàm trên, các răng hàm trên và dưới không chạm nhau.

- Giảm stress.

- Tạo lối sống lành mạnh, biết cách thư giãn.

Theo BS Lê Nguyễn Khánh Duy - VnExress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X