Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Đinh Thu Oanh: Khi nào cần nội soi đại tràng?

Nội soi đại tràng nhằm phát hiện những bất thường trên bề mặt niêm mạc đại trực tràng. BS.CK2 Đinh Thu Oanh - Trưởng đơn vị Nội soi, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phương pháp chẩn đoán hình ảnh này.

Tuần qua, một bệnh nhân nữ bị đi cầu ra máu nhiều tháng mới đến bệnh viện nội soi, các bác sĩ tìm thấy một khối u chiếm gần hết lòng đại tràng. Vậy đi cầu ra máu kéo dài có phải là điển hình của ung thư đại trực tràng không? Ngoài ra còn có những dấu hiệu nào khác?

Đi cầu ra máu kéo dài với đặc điểm máu nhầy như máu cá là một trong những triệu chứng điển hình của ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên có trường hợp bệnh chỉ tiêu máu vi thể, mắt thường không nhìn thấy được.

Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: 

- Rối loạn bài tiết phân: đi cầu bón hoặc lỏng kéo dài… cảm giác đi cầu không hết phân, thay đổi hình dạng phân (phân không thành khuôn, phân dẹt nhỏ hơn bình thường...)

- Đau bụng: đau quặn hoặc đau lâm râm vùng bụng, chán ăn khó tiêu, cảm giác ăn không ngon miệng, đầy chướng bụng.

- Thiếu máu không rõ nguyên nhân: Nếu người bệnh bị thiếu máu không tìm được nguyên nhân có thể do các khối u gây ra, mất máu qua đường tiêu hóa (loét dạ dày, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng...)

- Giảm cân không rõ nguyên nhân: giảm cân không do chế độ ăn uống hay luyện tập là một dấu hiệu hay gặp trong bệnh ung thư đại trực tràng.

- Mệt mỏi, suy nhược: đây là biểu hiện hay gặp nhưng thường bị bỏ qua, người bệnh cảm giác không muốn làm việc, cảm thấy kiệt sức, cơ thể suy nhược nhanh chóng.

Ở giai đoạn muộn, khi khối u to lên, người bệnh có thể tự sờ thấy khối u trên thành bụng, với tính chất khối u cứng chắc, đau và không di chuyển. Hoặc khối u có thể gây tắc ruột, thủng ruột…



Khi bị xuất huyết tiêu hóa nếu đi cầu ra máu đỏ hay đen thì màu sắc này có ý nghĩa gì không?

Với người bệnh được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa thì màu sắc phân rất có ý nghĩa trong chẩn đoán và theo dõi bệnh:

- Nếu người bệnh đi tiêu phân màu đen hoặc đen đỏ kèm dấu hiệu ói máu thì các bác sĩ sẽ hướng tới vị trí tổn thương nằm ở đường tiêu hóa trên và sẽ cho chỉ định nội soi dạ dày.

- Nếu người bệnh đi máu đỏ tươi thì các bác sĩ sẽ hướng tới vị trí tổn thương nằm ở đường tiêu hóa dưới và sẽ cho chỉ định nội soi đại tràng.

- Trong trường hợp người bệnh xuất huyết tiêu hóa trên ồ ạt, người bệnh vẫn có thể tiêu máu đỏ giống như một trường hợp xuất huyết tiêu hóa dưới.

- Và nếu cần các bác sĩ vẫn phải cho nội soi cả tiêu hóa trên và dưới để tìm tổn thương.

- Ngoài ra thì màu sắc phân còn có ý nghĩa trong việc theo dõi người bệnh xuất huyết tiêu hóa, nếu người bệnh còn tiêu máu đỏ hoặc phân đen đỏ chứng tỏ xuất huyết tiêu hóa còn tiếp diễn, nếu phân chuyển màu vàng thì xuất huyết tiêu hóa đã cầm, và với các bác sĩ chuyên khoa Tiêu Hóa thì nhìn thấy phân của bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa chuyển màu vàng cũng quý như vàng vậy.

Trước khi nội soi người bệnh có tự phân biệt được mình có bị trĩ hay ung thư trực tràng không? Hai bệnh này giống và khác nhau như thế nào?

Người bệnh có thể dựa vào cá triệu chứng lâm sàng có thể hướng tới mình bị trĩ hay bị ung thư trực tràng tuy nhiên cũng không hoàn toàn chính xác. Muốn xác định chẩn đoán vẫn cần phải nội soi.

Điểm giống nhau giữa bệnh trĩ và ung thư trực tràng là cùng có dấu hiệu đi cầu ra máu:
Điểm khác nhau:

- Bệnh trĩ: đi cầu ra máu đỏ tươi, nhỏ giọt như cắt tiết gà, có thể có kèm búi trĩ sa ra ngoài, thường xuất hiện khi bị táo bón…

- Ung thư trực tràng: đi cầu ra máu có tính chất nhầy máu cá, có cảm giác mót rặn, đi cầu không hết phân...

Tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh nhân ung thư trực tràng đi cầu ra máu đỏ. Do vậy muốn xác định chẩn đoán vẫn cần phải nội soi.

Những dấu hiệu cần phải nội soi đại tràng?

- Đau bụng kéo dài chưa rõ nguyên nhân

- Thay đổi tính chất phân, phân lỏng hoặc bón kéo dài, phân nhỏ dẹt không thành khuôn.

- Thiếu máu hoặc đi cầu ra máu không rõ nguyên nhân

- Sụt cân không rõ nguyên nhân

- Tầm soát ung thư đại tràng ở những người có gia đình bị ung thư đại tràng hoặc trên 50 tuổi.

- Theo dõi bệnh viêm loét đại tràng

- Chỉ định điều trị can thiệp và theo dõi sau điều trị.

Ở độ tuổi nào cần tầm soát ung thư và bao lâu một lần?

Người ta chia làm các nhóm nguy cơ để chỉ định tầm soát ung thư đại tràng:

Nhóm nguy cơ trung bình: những người trên 40-50 tuổi không có triệu chứng hoặc tiền sử có người bị ung thư không thuộc huyết thống bậc 1 (cha mẹ, anh chị em ruột) nên xét nghiệm máu ẩn trong phân hằng năm, nội soi đại tràng mỗi 10 năm/lần.

Nhóm nguy cơ cao: có một người thân huyết thống bậc 1 bị ung thư đại tràng hoặc từ 2 người thân huyết thống bị ung thư: nội soi đại tràng mỗi 3 năm/lần, bắt đầu thực hiện 10 năm trước tuổi người thân trẻ tuối nhất bị ung thư hoặc từ 40 tuổi trở đi.

Tiền sử bản thân bị polyp đại trực tràng: nội soi một năm sau cắt polyp

Tiền sử bản thân bị ung thư đại trực tràng: nội soi một năm sau phẫu thuật

Tiền sử bản thân bị ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung: nội soi một năm sau phẫu thuật.

Nhóm nguy cơ rất cao: tiền sử gia đình có người bị đa polyp đại tràng: nội soi đại tràng, xét nghiệm và tư vấn di truyền hàng năm, bắt đầu từ 12-14 tuổi.

Tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng không đa polyp: nội soi đại tràng, xét nghiệm và tư vấn di truyền bắt đầu thực hiện 10 năm trước tuổi người thân trẻ tuổi nhất bị ung thư, định kỳ mỗi 2 năm/lần (ví dụ: người thân trẻ tuổi nhất mắc bệnh ung thư ở độ tuổi 40, những nguwoif trong gia đình nên tầm soát từ 30 tuổi).

Người bệnh bị viêm loét đại tràng vô căn nên nội soi mỗi 2 năm, bắt đầu thực hiện 15 năm sau khi chẩn đoán.



Trước khi nội soi đại tràng, bệnh nhân cần chuẩn bị như thế nào và thủ thuật này thực hiện trong bao lâu? Nếu bệnh nhân ở xa đến nội soi đại tràng thì có thể đi về trong ngày được không?

Trước khi nội soi đại tràng người bệnh nên hạn chế ăn thức ăn có nhiều chất xơ và trái cây có nhiều hạt như: ổi, thanh long, dưa hấu…

Buổi chiều ngày trước nội soi nên ăn nhẹ: cháo hoặc súp

Trước khi làm nội soi bệnh nhân cần phải uống thuốc làm sạch ruột.

Có hai cách chuẩn bị nội soi đại tràng trước soi, đó là uống thuốc chia 2 liều/ngày trước soi và ngày làm nội soi và chỉ uống 1 lần.

Phương pháp uống 1 lần vào ngày làm nội soi được ưa chuộng hơn vì bệnh nhân không bị mất ngủ, mệt do phải đi cầu nhiều lần trong đêm.

Bệnh nhân ở xa đến nội soi đại tràng thì có thể đi về trong ngày nhưng phải nhịn ăn sáng và có mặt trước 9 giờ sáng để kịp uống thuốc.

Khi nội soi đại tràng thường thì các bác sĩ nhìn thấy những gì? Những trường hợp nào vừa nội soi vừa can thiệp luôn?

Nội soi đại tràng là sử dụng 01 ống soi ở đầu có gắn đèn và camera quan sát. Ống soi này cho phép quan sát toàn bộ hình ảnh trong lòng đại tràng. Lòng đại tràng càng sạch thì bác sĩ quan sát càng chính xác và ngược lại.

Những hình ảnh bệnh lý thường thấy khi nội soi đại tràng đó là:

- Polyp đại tràng: là những khối lồi trên bề mặt niêm mạc đại tràng, đây là một bệnh lý khá phổ biến chiếm khoảng 5% người trưởng thành. Mối liên hệ giữa polyp và ung thư đại tràng ngày càng được chứng minh, và polyp hiện nay được xem là một tổn thương tiền ung thư.

Nội soi đại tràng không chỉ có giá trị lớn trong chẩn đoán polyp mà còn có vai trò trong điều trị cắt bỏ các polyp, góp phần chủ động làm giảm tần suất ung thư đại trực tràng.

- Viêm loét đại trực tràng: được chia làm hai nhóm do nhiễm trùng và không do nhiễm trùng:

+ Nhiễm trùng: Viêm loét đại trực tràng trong bệnh lý amip, lỵ trực trùng, do lao...

+ Không do nhiễm trùng như: Crohn, viêm loét đại tràng xuất huyết, bệnh đại tràng thiếu máu, viêm đại trực tràng do tia xạ…

Tùy theo những nguyên nhân mà có các phương pháp điều trị khác nhau.

- Ung thư đại trực tràng

- Túi thừa đại tràng

- Trĩ

- Dị vật

- Ký sinh trùng.

Những trường hợp nào vừa nội soi vừa can thiệp luôn?

Những trường hợp búi trĩ đang chảy máu => bác sĩ sẽ tiến hành thắt bằng vòng cao su.

Những trường hợp dị vật => bác sĩ sẽ tiến hành lấy dị vật qua nội soi bằng dụng cụ chuyên biệt.

Những trường hợp xuất huyết do loét, bác sĩ sẽ tiến hành kẹp clip cầm máu.

Những trường hợp polyp đại tràng, bệnh nhân đã có xét nghiệm đông máu => có thể tiến hành cắt qua nội soi.

Sau khi nội soi đại tràng bệnh nhân cần lưu ý gì khi ăn uống? Sau khi cắt polyp thì bao lâu bệnh nhân có thể ăn uống lại bình thường?

Sau khi nội soi đại tràng hoặc cắt polyp đại tràng bệnh nhân có thể có cảm giác đầy chướng bụng. Khi cảm giác này hết bệnh nhân có thể ăn uống được bình thường, tuy nhiên nên ăn thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước, không để bị táo bón.

Nhờ BS hướng dẫn làm cách nào có thể phòng ngừa ung thư đại trực tràng?

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là biện pháp dễ thực hiện để giảm tỷ lệ ung thư đại tràng.

- Nên ăn thực phẩn có chứa nhiều acide folic như các loại đậu, các loại rau xanh như bắp cải, súp lơ xanh, trái cây như đu đủ, khoai lang...

- Hạn chế thịt đỏ như thịt bò, heo, thịt thú rừng… hạn chế các loại thực phẩm chế biến để lưu trữ.

- Hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.

- Duy trì thói quen vận động tập thể dục.

- Duy trì cân nặng ổn định.

- Tập thói quen đi cầu một lần một ngày vào một thời điềm nhất định.

AloBacsi chân thành cảm ơn BS.CK2 Đinh Thu Oanh đã chia sẻ những thông tin về nội soi đại tràng. Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào chương trình tiếp theo!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X