Hotline 24/7
08983-08983

Bị giãn tĩnh mạch chân, có đi hành hương thập tự được không?

Mẹ em bị giãn tĩnh mạch chân, hiện đang uống thuốc. Nhưng tết này mẹ em rất muốn đi hành hương thập tự (10 chùa). Em muốn hỏi mẹ em có đi thập tự được không? (Bé Sáu - Tiền Giang).

Chào BS,

Mẹ em bị giãn tĩnh mạch chân, hiện đang uống thuốc. Nhưng tết này mẹ em rất muốn đi hành hương thập tự (10 chùa).

Em muốn hỏi mẹ em có đi thập tự được không, và có biện pháp nào hỗ trợ mẹ em để đi an toàn không BS? Hay bắt buộc là mẹ em không được đi như vậy? Em cảm ơn BS rất nhiều!

ThS.BS Khâu Minh Tuấn - Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Nhân Dân 115

Chào chị,

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh. Bệnh gây nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm... có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu...

Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh được xác định liên quan đến một số yếu tố nguy cơ do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên. Các van này bị tổn thương là do:

Tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng... tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân.

Ngoài ra còn có thể do chế độ làm việc. Ngoài việc phải đứng nhiều thì làm việc trong môi trường ẩm thấp cũng là tác nhân gây bệnh trầm trọng hơn, người mang thai nhiều lần, béo phì, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin cũng làm cho bệnh trở nên nặng hơn.

Để ngăn chặn tiến triển của bệnh, bệnh nhân cần để chân cao khi nằm nghỉ, tránh đứng hay ngồi lâu, mang tất thun hay quấn chân bằng băng thun, sửa lại vị trí bàn chân đối với các dị tật, tránh béo phì, tập hít thở sâu, ăn chế độ có nhiều chất xơ để tránh táo bón… song song với điều trị bằng thuốc.

Do đó, nếu bác gái trong lúc đi hành hương không phải ngồi lâu một chỗ, biết cách thay đổi tư thế và mang vớ y khoa vẫn có thể du hành như thường chị nhé!

ThS.BS Khâu Minh Tuấn
Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Nhân Dân 115

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X