Hotline 24/7
08983-08983

Ý kiến chuyên gia về việc uống cà phê thế nào là hợp lý

Rất nhiều người uống cà phê vào mỗi sáng để được tỉnh táo. Tuy nhiên, uống gì cũng cần phải điều độ để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cần uống điều độ


Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm -  Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng

Uống cà phê hợp lý và điều độ sẽ có nhiều lợi ích cho sức khỏe, cụ thể như sau:

- Thành phần cafein có trong cà phê giúp kéo dài sự tỉnh táo

Cafein giúp ngăn không cho cảm giác mệt mỏi xuất hiện, nhất là khi bạn phải làm việc đầu óc hoặc thực hiện công việc nhàm chán.

Cafein giúp lái xe phản xạ nhanh nhẹn hơn. Uống cà phê có lợi cho trí nhớ bởi nó có tác dụng thúc đẩy hoạt động của não bộ.

- Giảm đau đầu

Cafein gây co thắt các mạch máu não, nhờ đó làm giảm cường độ cũng như thời gian kéo dài của cơn đau. Kết hợp với paracetamol hay aspirin, cafein sẽ tạo được hiệu quả giảm đau mạnh hơn.

- Phòng ngừa bệnh Parkinson

- Tăng cường sức lực khi chơi thể thao

Cafein tác động lên hệ thần kinh, khiến bạn tỉnh táo hơn và làm tăng nhịp tim. Ngoài ra, trong thời gian luyện tập, nó còn kích thích cơ thể sử dụng mỡ như nguồn năng lượng chính, cho phép tiết kiệm kho dự trữ glycogene của cơ, khiến bạn lâu mệt hơn. Cafein cũng trực tiếp làm tăng sức co của cơ.

- Giàu chất chống ôxy hóa

Ngoài cafein, cà phê cũng chứa các chất chống ôxy hóa. Polyphenol trong cà phê bảo vệ cơ thể khỏi sự lão hóa của các tế bào bình thường và sự đột biến của các tế bào ung thư.

Cùng với trà, cà phê là một trong những đồ uống chứa nhiều chất chống ôxy hóa nhất.

- Uống cà phê không gây béo phì

Cà phê chứa rất ít năng lượng - 1 tách cà phê chỉ mang lại 2-5 kcal (nếu không thêm đường). Hơn nữa, cafein có trong cà phê cũng làm tăng tiêu hao năng lượng cơ bản.

Với sự có mặt của cafein trong cơ thể, tiêu hao năng lượng cho việc hô hấp, việc duy trì tư thế và hoạt động trí óc sẽ tăng 16%.

- Kích thích tiêu hóa

Cafein có khả năng cải thiện tiêu hóa, thông qua tăng tiết nước bọt và các men tiêu hóa, kích thích nhu động ruột. Tuy nhiên, người mắc bệnh thực quản và dạ dày không nên dùng loại thức uống này.

- Ngăn ngừa bệnh gan mãn tính

Một nghiên cứu ở Mỹ với trên 10.000 bệnh nhân trong vòng 19 năm, kết quả cho thấy những người uống trên 2 tách cà phê/ngày có nguy cơ phát triển bệnh gan mãn tính giảm một nửa so với những người uống ít hơn 1 tách.

Tác dụng bảo vệ gan của cà phê được thừa nhận gần đây, trong đó đáng chú ý là khả năng giảm nguy cơ tăng men gan, ung thư gan và xơ gan.

- Giảm ung thư buồng trứng

Uống 3 tách cà phê mỗi ngày giúp giảm 20% nguy cơ bị ung thư buồng trứng ở phụ nữ.

- Giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim

Cà phê có thể gây loãng xương, tiểu đường 

Bác sĩ chuyên khoa II - Cao Độc Lập - Phó giám đốc Bệnh viện Hồng Ngọc

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, uống cà phê có thể làm ảnh hưởng đến sự hấp thu vitamin D vào cơ thể.

Cafein còn làm tăng lượng canxi niệu và là yếu tố nguy cơ gây loãng xương. Do đó, uống nhiều cà phê sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xương khớp như mất xương, loãng xương.

Ngoài ra, nếu uống cà phê lúc đói hoặc khi ăn những loại thực phẩm ít dưỡng chất, cafein sẽ làm cản trở phản ứng của cơ thể với insulin, làm cơ thể kháng lại chất này, lượng đường trong máu tăng và nguy cơ mắc bệnh đái đường cao.

Cà phê còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm tăng tiết adrenalin, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng tuần hoàn tới cơ, mạch máu và nội tạng...

Phụ nữ có thai không nên uống nhiều cà phê vì sẽ tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng tiểu tiện - gây mất nước.

Chất cafein được hấp thu vào máu có thể làm ảnh hướng tới giấc ngủ và các hoạt động của thai nhi. Lời khuyên của nhiều bác sĩ dành cho bạn là không nên uống quá ba ly mỗi ngày.

Nguy cơ suy nhược thần kinh 

Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II - Đinh Đăng Hòe - Bệnh viện Hồng Ngọc

Cà phê chứa hoạt chất cafein, có tác dụng làm cho ta tỉnh táo, tăng hiệu quả làm việc trí óc, hưng phấn tâm lý, tránh buồn ngủ, tăng độ tập trung chú ý, tăng trí nhớ...

Nhưng nếu một người dùng quá nhiều cà phê hoặc chất kích thích khác nhằm làm cho bộ não hoạt động tối đa sẽ khiến cho bộ não bị quá sức, không có đủ thời gian nghỉ ngơi, dẫn tới giảm hiệu quả học tập và làm việc trí óc, trí nhớ giảm, dễ bị suy nhược thần kinh, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, lo âu...

Nhu cầu ngủ trung bình mỗi ngày ở người lớn khoảng 7 giờ, nếu ngủ đủ thì ngày hôm sau bộ não sẽ lại hoạt động hiệu quả.

Như vậy, để có được các điều lợi và tránh những tác hại khi dùng cà phê, mỗi người nên chọn cách uống cà phê một cách hợp lý cho riêng mình. Nên dùng cà phê với một lượng vừa phải, uống vào buổi sáng hoặc các bữa khác vào ban ngày, sau ăn.

Uống cà phê hợp lý để không ảnh hưởng đến tim mạch

Bác sĩ Vũ Quỳnh Nga - Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội

Cà phê liên quan đến bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim. Nếu bạn uống cà phê đi kèm hút thuốc lá, sẽ là một yếu tố nguy cơ lớn của bệnh mạch vành. Tuy nhiên chỉ là mối liên quan chứ không hẳn là yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành.

Còn một nghiên cứu ở Ý cho thấy cũng có sự liên quan giữa việc uống cà phê từ 6 tách/ngày trở lên với nguy cơ nhồi máu cơ tim sau khi đã điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu khác.

Tăng nhẹ huyết áp

Cafein trong cà phê có tác dụng co mạch và vì vậy làm tăng nhẹ huyết áp nhưng không gây làm tăng huyết áp kéo dài. Tuy nhiên đó là ở những người uống cà phê thường xuyên, huyết áp sẽ tăng nhẹ trong những ngày đầu và trở về bình thường sau 3 ngày.

Nếu ngừng cà phê 9 tuần thì không còn tác dụng gì trên huyết áp. Những người không uống cà phê thường xuyên có thể có tăng huyết áp nhẹ khi mới dùng caffeine nhưng có sự dung nạp rất nhanh và huyết áp thường trở về mức bình thường.

Ở các bệnh nhân tăng huyết áp, caffeine làm tăng cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương và tăng nhiều hơn nếu huyết áp ban đầu càng cao.

Nếu bạn uống cà phê với lượng trung bình chỉ có tác dụng nhẹ trên huyết áp và giảm hoặc ngừng cà phê sẽ làm hạ huyết áp.

Đối với cholesterol trong máu và rối loạn nhịp tim, nhiều nghiên cứu đã đưa ra kết quả, uống một lượng vừa phải caffeine không làm tăng tần số rối loạn nhịp tim ở người khỏe mạnh bình thường.

Các bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim cũng như các bệnh nhân có rối loạn nhịp thất nặng và cũng không ảnh hưởng đến cholesterol trong máu.

Việc tiêu thụ cà phê với lượng trung bình ảnh hưởng rất ít đến bệnh tim mạch. Chỉ khi dùng với lượng quá nhiều và trong thời gian kéo dài, caffein có trong cà phê sẽ gây tăng huyết áp và kèm theo là các hậu quả như tăng nguy cơ đột quỵ,  nhồi máu cơ tim, suy tim.

Những bệnh nhân đã có tiền sử tăng huyết áp nên uống với lượng vừa phải hoặc dùng cà phê đã tách caffeine.

Theo Đẹp Online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X