Xử trí nhanh khi trẻ bị động kinh
Các cơn động kinh thường có những biểu hiện như co cứng, co giật toàn thân hoặc cục bộ, rối loạn tâm thần hoặc rối loạn ý thức mang tính lặp lại...
Động kinh là một bệnh lý của não bộ do sự phóng lực đồng thời quá mức của một nhóm tế bào thần kinh. Các cơn động kinh thường có những biểu hiện như co cứng, co giật toàn thân hoặc cục bộ, rối loạn cảm giác, rối loạn tâm thần hoặc rối loạn ý thức mang tính lặp lại. Tùy theo loại mà phân ra thành động kinh cơn lớn toàn thể, động kinh cục bộ, các cơn không phân loại được. Đây là một bệnh lý cần được theo dõi và điều trị lâu dài.
Khi dùng thuốc điều trị động kinh cần theo dõi hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc.
Dấu hiệu của cơn động kinh
Khi lên cơn động kinh, người bệnh đang bình thường đột nhiên ngã xuống ngất đi, trong khi đó chân tay cứng lại, ngực không thở được nữa, người xanh tái, hai hàm răng nghiến chặt, mắt trợn ngược, người bệnh bị rung động mạnh bởi những cơn co giật toàn thân. Các cơ ở mặt cũng giật, làm méo mặt người bệnh, và nước bọt có thể sùi ra ở mép. Trong cơn nhiều trẻ tiểu ngay ra quần. Sau đó, đột nhiên trẻ mềm nhão cả người, và bệnh chuyển sang giai đoạn hôn mê. Cuối cùng bệnh nhân tỉnh lại, rất mệt mỏi, nhưng không còn nhớ những gì vừa xảy ra.
Ngoài ra, có thể gặp cơn động kinh không điển hình, người bệnh chỉ mất ý thức, té ngã hoặc có những hiện tượng co giật, nhưng chỉ co giật ở một nửa bên thân, còn bên kia bình thường. Người bệnh không ngất, không hôn mê, trong khi một nửa thân co giật, họ vẫn tỉnh vẫn biết
Xử trí khi trẻ bị lên cơn động kinh
Khi phát hiện trẻ lên cơn động kinh, bạn cần thực hiện theo những điều sau:
- Nên bình tĩnh đặt trẻ nằm xuống, đầu hơi cao và ngiêng về một bên để tránh bị sặc đường thở. Nếu bé đang có thức ăn trong miệng thì nên móc ra, không cho ăn uống bất kỳ thứ gì khi trẻ đang bị cơn.
- Nới lỏng quần áo, cởi bớt khăn quàng, thắt lưng… để trẻ dễ thở. Mở phòng cho không khí thoáng mát.
- Bình tĩnh theo dõi biểu hiện cơn động kinh của trẻ: cơn co cứng hay co giật, giật toàn thân hay cục bộ, màu sắc da và môi của trẻ có tím tái không, có trợn mắt không hay mắt nhìn về một phía, đầu có quay sang một bên không, có ngừng thở trong cơn không, gọi trẻ có biết gì không…
- Thông thường, các cơn động kinh diễn ra rất nhanh, do vậy bố mẹ nên bình tĩnh theo dõi cơn của trẻ. Sau khi trẻ ổn định mới cho đi khám bác sĩ. Nếu cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút, cần cho trẻ đi khám sớm.
Những trẻ bị động kinh cần được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị thuốc chống động kinh. Một số loại thuốc thường dùng điều trị cho trẻ như depakin, tegretol… Gia đình cần cho bé uống thuốc theo đúng hướng dẫn, đi khám định kỳ, theo dõi diễn biến sức khỏe và cơn động kinh của trẻ, có sổ nhật ký ghi chép lại những lần trẻ bị cơn, theo dõi tác dụng phụ của thuốc. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên lưu ý tới thay đổi tâm lý để kịp thời điều chỉnh hành vi của trẻ vì nhiều bé có mặc cảm, bướng bỉnh, nóng tính, tăng động, giảm tập trung chú ý, hay đòi hỏi…
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình