Hotline 24/7
08983-08983

Xử trí các tình huống cấp cứu tim mạch

Những biến cố tim mạch có thể gây đột tử hoặc đưa đến hậu quả nặng nề nếu không điều trị khẩn cấp mà thời gian cần thiết để xử trí được tình bằng từng giờ, thậm chí từng phút.

Chúng ta biết rằng bệnh tim mạch luôn là nhóm bệnh được quan tâm và là đề tài nóng bỏng bởi vì sự phổ biến và nguy hiểm. Sự nguy hiểm của bệnh không chỉ ở mức độ gây tàn phế và tỉ lệ tử vong cao mà còn ở tính khẩn cấp.

Có những biến cố tim mạch có thể gây đột tử hoặc đưa đến hậu quả nặng nề nếu không được điều trị khẩn cấp mà thời gian cần thiết để xử trí được tình bằng từng giờ, thậm chí từng phút. Xử trí hợp lý với những biến cố tim mạch có thể giúp cứu sống nạn nhân và giảm thiểu các di chứng để lại.


Ngưng tim

Có nhiều bệnh lý, trong đó phần lớn là bệnh tim mạch, cũng như vô vàn tai nạn trong cuộc sống có thể đưa đến ngưng tim. Ngưng tim (cardiac arrest) là tình trạng rối loạn co bóp của tim hoặc các nhát bóp không hiệu quả làm giảm lượng máu đưa vào tuần hoàn để nuôi cơ thể. Điều này làm giảm lượng ôxy cung cấp cho các tế bào, đặc biệt là tế bào não là tế bào nhạy cảm với ôxy, sẽ tổn thương nặng nếu thiếu ôxy trong 5 phút.

Các trường hợp ngưng tim có thể xảy đến cho bất kỳ ai ở bất kỳ thời điểm nào. Theo thống kê của Hội Tim mạch Mỹ (American Heart Association), tại Mỹ, hàng năm, có gần 383.000 trường hợp ngưng tim xảy ra ngoài bệnh viện, trong đó, 75 - 80% trường hợp xảy ra tại nhà.

Nạn nhân ngưng tim nếu được cấp cứu đúng cách và kịp thời có thể được cứu sống và hồi phục não.

* Nhận biết

Một người đang sinh bình thường hoạt đột nhiên ngã gục xuống hoặc bất tỉnh.

* Xử trí

- Kiểm tra xem nạn nhân có tỉnh không bằng cách lay vai và gọi to. Nếu không tỉnh, nhanh chóng kêu gọi mọi người giúp đỡ, tự mình hoặc nhờ người khác gọi cấp cứu.

- Kiểm tra động mạch cổ trong vòng 5 - 10 giây.

- Nếu nạn nhân không có mạch, thực hiện nhấn tim ngoài lồng ngực. Vị trí nhấn tim là giữa lồng ngực, tại nửa dưới của xương ức. Cần nhấn tim MẠNH và NHANH. Nhấn tim mạnh là nhấn với lực của hai bàn tay, khuỷu tay thẳng, nhấn xuống sâu ít nhất 5 cm. Nhấn tim nhanh là nhấn ít nhất 100 lần/phút. Sau mỗi lần nhấn tim, cần để lồng ngực phồng lên trở lại rồi mới nhấn tiếp.

- Kiểm tra lại mạch mỗi 2 phút. Tiếp tục quá trình cấp cứu cho đến khi nạn nhân có mạch lại hoặc có đội ngũ y tế đến hỗ trợ.

Đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim (heart attack) là tình trạng xảy ra khi một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị tắc khiến cho vùng cơ tim tương ứng với nhánh mạch vành bị tắc phụ trách không nhận được máu nuôi dưỡng sẽ bị thiếu máu cục bộ liên tục và nghiêm trọng, gây ra tình trạng hoại tử cơ tim cấp tính.

Tình trạng này có tỉ lệ tử vong cao, lên đến 30%, trong đó, khoảng một nửa chết trước khi kịp đến bệnh viện. Nhồi máu cơ tim mặc dù rất nguy hiểm nhưng việc điều trị kịp thời giúp tránh được tử vong và những biến chứng. Càng vào viện sớm, nhất là trong vòng một giờ đầu sau nhồi máu cơ tim, khả năng hồi phục hoàn toàn càng cao.

* Nhận biết


Đau thắt ngực là biểu hiện thường gặp nhất. Cảm giác đau ở sâu trong cơ thể, có thể là cảm giác đau nặng nề nhất mà người bệnh chưa từng cảm nhận. Người bệnh cảm thấy lồng ngực bị đè nặng, bóp nghẹt hay xiết chặt.

Vị trí đau thường ở giữa lồng ngực, sau xương ức, có thể lan tới cánh tay, ít hơn là tới bụng, lưng, hàm dưới và cổ, không bao giờ lan xuống dưới rốn. Bên cạnh đau thắt ngực, các triệu chứng kèm theo có thể là: cảm giác yếu, da tái, toát mồ hôi, buồn nôn, ói mửa, chóng mặt, lo lắng, lạnh chi…

* Xử trí

Gần đây, trên internet và Facebook có chia sẻ bài viết “Làm sao để sống qua cơn đau tim khi bạn ở một mình” khuyến cáo người có dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim nên hít một hơi thật sâu rồi ho mạnh và dài, lập lại liên tục như vậy. Đây là thông tin không chính xác, không đáng tin cậy. Vì vậy, tuyệt đối không làm theo vì không những không ích lợi mà còn có thể gây hại, khiến cho tình trạng nhồi máu cơ tim tồi tệ hơn do đưa đến ngưng tim.

Nếu gặp cơn đau ngực và những dấu hiệu cho thấy có khả năng bị nhồi máu cơ tim, bạn phải cố gắng giữ bình tĩnh, tránh để rơi vào trạng thái hoảng loạn. Ngưng mọi công việc đang thực hiện, ngồi hoặc nằm xuống. Lập tức gọi người đến giúp đỡ trước khi bạn có thể bất tỉnh và không nhận biết gì. Thở ôxy nếu có nguồn cung cấp ôxy.

Nếu có thuốc, ngậm một viên nitrate dưới lưỡi mỗi 5 phút, uống hoặc nhai và nuốt một viên aspirin trừ khi dị ứng với thuốc này. Nếu triệu chứng đau ngực không giảm, hoặc kéo dài khoảng 20 phút hay lâu hơn nữa, cần gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa đến bệnh viện, không được tự lái xe.

Không nên xem nhẹ các triệu chứng và không trì hoãn, việc chờ đợi để xem cơn đau có giảm không có thể gây nguy hại cho tim, tệ hơn nữa là ảnh hưởng đến tính mạng. Khi tới bệnh viện, báo cho nhân viên y tế biết rằng bạn có thể bị nhồi máu cơ tim, yêu cầu được khám bệnh và điều trị ngay lập tức.

Nếu nghi ngờ ai đó hay người thân bị nhồi máu cơ tim, bạn có thể giúp đỡ họ. Cần giữ bình tĩnh, tránh để sự lo lắng của nạn nhân ảnh hưởng tới mình. Trấn an nạn nhân vì lo lắng sẽ làm xấu hơn tình trạng thiếu máu của cơ tim và khiến triệu chứng nặng hơn.

Nếu được, cho nạn nhân thở ôxy, ngậm viên nitrate, uống thuốc aspirin. Gọi cấp cứu. Nếu có thể đưa nạn nhân tới bệnh viện nhanh hơn đợi xe cấp cứu thì nên tiến hành ngay. Trong khi chờ được giúp đỡ, nới rộng cổ áo nạn nhân, đặt họ ở tư thế thoải mái, thường là nằm ngửa với đầu kê cao.

Đột quỵ

Đột quỵ (stroke) là tình trạng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm nặng. Điều này khiến cho các mô của vùng não đó bị thiếu ôxy và dinh dưỡng. Trong vòng vài phút thiếu máu, tế bào não sẽ chết.

Có hai nhóm bệnh đột quỵ là nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não chiếm khoảng 85% trường hợp đột quỵ, xảy ra do động mạch nuôi não bị tắc, có thể do cục máu đông hình thành tại chỗ hoặc từ nơi khác, thường là từ trong tim, di chuyển đến. Xuất huyết não xảy ra khi động mạch trong não bị vỡ, gây chảy máu. Xuất huyết não có thể xảy ra do huyết áp tăng cao không kiểm soát được, do rối loạn đông máu vì sử dụng thuốc kháng đông, do dị dạng mạch máu não hoặc vỡ phình mạch máu não...

* Nhận biết

Để nhận biết các dấu hiệu đột quỵ, hãy nhớ tới từ FAST.

- F: Face (khuôn mặt). Yêu cầu nạn nhân cười. Một bên mặt có xệ xuống?

- A: Arms (tay). Yêu cầu nạn nhân giơ hai tay lên. Một bên tay có rũ xuống hay là không thể giơ lên được?

- S: Speech (lời nói). Yêu cầu nạn nhân nói các câu đơn giản. Họ có nói lắp, nói không rõ lời, nói khó hiểu hay không?

- T: Time (thời gian). Nếu nạn nhân có các dấu hiệu trên, nhiều khả năng họ đã bị đột quỵ. Cần lập tực gọi cấp cứu. Chữ T ở đây là time (thời gian), có ý nghĩa nhắc nhở là thời gian cấp cứu đột quỵ rất quan trọng, tính từng giây từng phút.

Bên cạnh các dấu hiệu nêu trên, đột quỵ còn có thể biểu hiện các triệu chứng và dấu hiệu khác như yếu hoặc tê một nửa người; giảm hoặc mất thị lực; đau đầu dữ dội, đột ngột, không có nguyên nhân rõ ràng, kèm theo nôn ói, hoa mắt, chóng mặt…

* Xử trí

Gần đây, trên internet và Facebook, người ta lan truyền phương pháp cấp cứu đột quỵ bằng cách dùng kim chích vào 10 đầu ngón tay và nặn máu ra. Phương pháp này không có căn cứ và hoàn toàn không chính xác. Tuyệt đối không nên thực hiện theo.

Từ FAST giúp ghi nhớ dễ dàng các dấu hiệu đột quỵ. Từ này trong tiếng Anh có nghĩa là “nhanh chóng” cũng có ý nhắc nhở rằng cần hành động ngay lập tức nếu nhận thấy người nào đó có triệu chứng và dấu hiệu của đột quỵ. Cần tìm cách để chuyển bệnh nhân tới bệnh viện trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất. Đột quỵ là một cấp cứu nội khoa. Việc cứu chữa sớm và kịp thời có thể giảm thiểu tổn thương ở não cũng như các biến chứng của đột quỵ.

Theo ThS. BS Ngô Bảo Khoa
Bác sĩ gia đình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X