Vệ sinh mũi, họng thường xuyên để phòng bệnh viêm xoang cấp
Viêm xoang cấp là bệnh lý mũi xoang thường gặp, nếu điều trị không đúng cách có thể diễn tiến dai dẳng, gây biến chứng nguy hiểm. Mời bạn đọc AloBacsi tham khảo bài viết với sự tư vấn của BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng - Chuyên khoa Tai mũi họng để trang bị cho mình kiến thức để nhận biết những dấu hiệu của bệnh, phát hiện kịp thời và điều trị nhanh chóng.
1. Cấu tạo và chức năng của xoang mũi
Đầu tiên, nhờ BS giải thích về cấu tạo và vai trò của xoang mũi.
BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng trả lời: Xoang mũi là một cấu trúc của đường hô hấp trên, có chức năng làm ẩm, làm ấm, làm sạch, thanh lọc không khí từ môi trường để đi vào hệ hô hấp dưới là vùng phế quản và phế nang, để tham gia quá trình trao đổi khí.
Về mặt giải phẫu, xoang là những hốc nằm trong các xương ở vùng mặt. Trên vùng mặt, xương hàm có xoang hàm, xương trán có xoang trán, xương sàng có xoang sàng và xương bướm có xoang bướm.
Chúng được lót bởi một niêm mạc có tế bào đặc biệt gọi là tế bào lông chuyển. Tế bào này giúp xoang luôn luôn sạch, chống được các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
2. Thay đổi thời tiết tạo điều kiện để mầm bệnh lây lan
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang cấp là gì và đâu là các yếu tố phối hợp để bệnh này bùng phát, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng trả lời: Khi thời tiết thay đổi, sự chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm khi chuyển mùa tác động rất lớn đến niêm mạc lông chuyển.
Thứ hai, việc tụ tập đông người tại trường học, công sở, các địa điểm công cộng có gắn máy lạnh cũng là điều kiện để mầm bệnh lây lan. Trong gian đoạn COVID, chúng ta thấy việc tiếp xúc gần là yếu tố thuận lợi lây truyền các bệnh truyền nhiễm về hô hấp.
Thời tiết, độ ẩm thay đổi ảnh hưởng đến niêm mạc lông chuyển nên cũng làm giảm sức đề kháng của vùng hô hấp trên.
Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác tác động đến toàn thân, dẫn đến thay đổi sức đề kháng. Điều kiện thời tiết, không khí thay đổi, các mầm bệnh trong tự nhiên cũng thay đổi, dẫn đến chúng ta dễ nhiễm bệnh trong giai đoạn này.
3. Dấu hiệu viêm mũi xoang cấp
Tình trạng viêm xoang cấp thường kéo dài bao lâu, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng trả lời: Trong bệnh học, người ta chia ra cấp, bán cấp, mạn. Cấp là giai đoạn từ lúc khởi phát cho đến sau đó 4 - 6 tuần.
Những triệu chứng nào cảnh báo một người đang bị viêm mũi xoang cấp, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng trả lời: Người bị viêm mũi xoang cấp có những triệu chứng toàn thân như sốt cao hoặc hâm hấp sốt. Ở vùng mũi, họng, các triệu chứng thường là xung huyết, phù nề làm cho mũi bị nghẹt, sau đó tăng tiết dịch gây sổ mũi.
Vùng mũi xoang bị tổn thương sẽ có cảm giác ê, khó chịu ở vùng mũi, vùng mặt. Dịch chảy xuống vùng họng, kích thích gây ho, vướng trong họng.
4. Dịch mũi chuyển sang màu vàng đục, nên đi gặp bác sĩ ngay
Xin hỏi BS, chẩn đoán viêm mũi xoang như thế nào và trường hợp nào cần làm thêm các cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh?
BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng trả lời: Viêm mũi xoang cấp trong những ngày đầu là do virus, sau đó 3 - 4 ngày có thể sẽ kèm theo bội nhiễm vi trùng.
Ở những ngày đầu, các triệu chứng sốt nhẹ, ho, nghẹt mũi, sổ mũi thì chỉ cần giữ ấm, ổn định việc ăn uống, bệnh sẽ thuyên giảm dần, không cần can thiệp nhiều ngoài dùng thuốc hạ sốt.
Nhưng nếu triệu chứng ngày càng tăng, dịch mũi chuyển từ trong sang màu vàng đục, nên đi khám để có chỉ định của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc điều trị phù hợp.
5. Xông mũi hỗ trợ điều trị viêm xoang cấp
Xin hỏi BS, có thể điều trị viêm mũi xoang cấp bằng những phương pháp nào?
BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng trả lời: Vùng mũi xoang là vùng rất nhạy cảm. Việc phù nề, xung huyết dẫn đến những rối loạn chức năng vùng mũi họng, gây nghẹt mũi, khó chịu, ho.
Quan trọng trong điều trị mũi xoang là phải dẫn lưu, làm cho dịch lỏng ra để thoát ra ngoài. Thông thường, chỉ cần rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Dân gian thường dùng lá xông, dùng hơi nước nóng để làm lỏng dịch nhầy, tống các mầm bệnh ra ngoài. Đây là phương pháp lâu đời theo kinh nghiệm của cha ông.
Về khoa học, đây là phương pháp giúp đờm vùng mũi họng thoát ra nhanh nhất, dễ dàng nhất, đẩy nhanh mầm bệnh ra ngoài.
Sử dụng thuốc làm giảm sự xuất tiết vùng mũi họng như thuốc kháng histamin, thuốc chống dị ứng có thể làm dịch mũi hơi đặc lại. Do đó, trong những ngày đầu, có thể dùng hơi nước nóng xông vùng mũi họng, giúp dẫn lưu được các mầm bệnh ra khỏi vùng mũi họng.
Nếu sau 3, 4 ngày mà tình trạng không cải thiện, dịch mũi vàng đặc, nên đến bác sĩ để có các giải pháp dẫn lưu mạnh mẽ hơn, kéo mầm bệnh ra. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh nếu cần thiết.
6. Rửa mũi đúng cách để tránh bị viêm tai giữa
Người bị viêm xoang cấp nên vệ sinh mũi như thế nào? Xông mũi với tinh dầu có giúp cải thiện tình trạng bệnh không, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng trả lời: Như đã giải thích, hơi nước nóng làm cho dịch mũi lỏng ra. Khi tế bào tiết nhầy tiết ra chất nhầy ở nhiệt độ 37 độ C, cộng với hơi thở ở mũi khoảng 40 lần/phút, dịch nhầy bị bốc mất hơi nước, càng ngày càng đặc lại.
Sử dụng hơi nước nóng chính là giải pháp để làm dịch nhầy lỏng ra, dẫn lưu dễ hơn, làm sạch được khoang mũi.
Khi rửa mũi chỉ cần dùng nước muối sinh lý. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nước muối sinh lý. Chỉ cần ngồi hơi cúi đầu về phía trước, sử dụng dụng cụ rửa mũi để nước muối xịt thẳng lên xoang mũi sau đó chảy xuống. Lần lượt bịt từng bên mũi, xì nhẹ từ từ, không xì mạnh để tránh hiện tượng dịch chui vào tai giữa qua lỗ thông tai vòi. Cần chú ý điều này để tránh bị viêm tai giữa do rửa mũi không đúng cách.
7. Cảnh báo tình trạng lờn thuốc vì tự ý sử dụng kháng sinh
Thưa BS, có những khuyến cáo nào cho cộng đồng về việc sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm mũi xoang cấp?
BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng trả lời: Viêm mũi xoang cấp trong giai đoạn chuyển mùa thường là do virus. Việc sử dụng kháng sinh ở những ngày đầu không có ý nghĩa gì về mặt điều trị. Cơ thể có khả năng đề kháng với hầu hết những loại virus thông thường. Vì vậy, sau 3 - 5 ngày, bệnh sẽ tự khỏi.
Bệnh hết không phải do kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng với virus. Đó là do cơ thể tự đề kháng.
Các loại vi khuẩn thường trú ở vùng mũi, dù chưa gây bệnh, nhưng đã tiếp xúc với kháng sinh thì vi khuẩn có thể tiết ra các men, có khả năng đề kháng với kháng sinh sau này. Đây được gọi là lờn thuốc hay kháng thuốc kháng sinh.
Hiện nay, đây là nguy cơ nguy hiểm trong quá trình điều trị, làm cho bệnh nhân phải đổi sang thuốc khác. Tuy nhiên, kháng sinh lại có khá ít nhóm, việc đổi thuốc khiến chi phí điều trị cao lên.
Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo về điều này, đặc biệt Việt Nam là một trong những nước có tình trạng đề kháng kháng sinh cao.
8. Vệ sinh mũi, họng để ngừa viêm xoang cấp
Lời khuyên của BS để phòng ngừa viêm xoang cấp là gì, đặc biệt trong thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường?
BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng trả lời: Để phòng ngừa viêm xoang cấp, chúng ta cần có đề kháng tốt. Sau khi đến nơi đông người, khu vực nhiều khói bụi, có thể sử dụng nước muối xịt vào mũi để làm trôi các mầm bệnh, chất ô nhiễm làm tổn thương niêm mạc.
Sau đợt dịch COVID, chúng ta đã có kinh nghiệm xịt mũi, súc miệng bằng nước muối. Người dân đã có thói quen đeo khẩu trang, hạn chế đến những vùng đông người.
Tập luyện thường xuyên để tăng sức đề kháng, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng giúp phòng ngừa bệnh.
Nếu trong nhà có người bệnh, phải hạn chế tiếp xúc gần. Người bệnh phải đeo khẩu trang để bảo vệ cộng đồng.
Trường học, lớp học ở miền Nam nên mở cửa cho thông thoáng, mùa lạnh ở phía Bắc phải nhắc nhở học sinh giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mũi họng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình