Hotline 24/7
08983-08983

Bắt buộc diệt vi khuẩn HP cho cả gia đình nếu nhà có người bị ung thư dạ dày

Hiện nay, không có chỉ định bắt buộc diệt trừ vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) cho cả gia đình, trừ một trường hợp, nếu gia đình có người mắc ung thư dạ dày. Đây là chia sẻ ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành - Phó Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115.

1. 9 trường hợp nằm trong chỉ định tìm và diệt Helicobacter pylori

Thưa BS, nhiễm khuẩn HP, có phải ai cũng cần điều trị tiệt trừ và vì sao?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Hiện tại, không phải ai nhiễm Helicobacter pylori (HP) cũng cần phải tiệt trừ, có những chỉ định tìm và diệt. Trong đó, một số chỉ định bắt buộc phải tìm, nếu tìm ra HP thì bắt buộc phải diệt, đó là:

Thứ nhất, những bệnh nhân có triệu chứng khó tiêu, đầy bụng.

Thứ hai, trường hợp bệnh nhân có bị loét dạ dày hoặc xuất huyết dạ dày.

Thứ ba, trường hợp bệnh nhân đi nội soi có phát hiện những tổn thương trên nội soi như u Malt hay còn gọi là u lymphoma của dạ dày.

Thứ tư, trường hợp có biểu hiện viêm teo dạ dày hoặc chuyển sản dạ dày hoặc các tổn thương viêm ở vùng thân vị dạ dày. Đó là các trường hợp cần diệt HP.

Một số chỉ định khác như: những người có bệnh phải sử dụng thuốc, đặc biệt là nhóm kháng viêm, giảm đau (kháng viêm NSAID) kéo dài, hay những bệnh nhân có các bệnh lý về cơ xương khớp, hoặc các bệnh nhân có bệnh lý về mạch vành, huyết áp, phải sử dụng thuốc kháng kết hợp tiểu cầu kéo dài. Cần phải diệt  HP.

Hai chỉ định mở rộng khác: Một là, những bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu, thiếu sắt không rõ nguyên nhân là một trong những chỉ định phải tìm và diệt. Hai là người có tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, cũng cần được chỉ định định tìm và diệt.

Một chỉ định bắt buộc phải tìm và bắt buộc diệt HP cho cả gia đình là trong nhà có một người bị ung thư dạ dày, có nhiễm HP, những người còn lại bắt buộc phải đi tầm soát HP cho dù không có triệu chứng. Nếu có HP, bắt buộc phải diệt.

Chỉ định cuối cùng là một chỉ định mở rộng đối với trường hợp tình cờ phát hiện nhiễm HP, không nằm trong nhóm các chỉ định trên nhưng người bệnh lo lắng, mất ăn, mất ngủ vì HP. Lúc này, người thầy thuốc được phép diệt cho trường hợp này, gọi là diệt on-demand hay còn gọi là diệt theo yêu cầu.

Đó là các chỉ định tìm và diệt hiện nay, không nên đi tầm soát khi không có triệu chứng để tìm HP, điều này làm bệnh nhân lo lắng, mất ăn, mất ngủ với con HP này.

2. Không có khuyến cáo diệt vi khuẩn HP cho cả gia đình

Vậy, những ai bắt buộc điều trị tiệt trừ HP, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Trong một gia đình có ba và mẹ bị nhiễm HP, có nên điều trị cho cả gia đình hay không? Trên thực tế, nếu ăn chung, sống chung nhưng không có biện pháp dự phòng, khả năng lây HP có thể xảy ra rất cao.

Những trường hợp còn lại, ví dụ, các bé có bất kỳ triệu chứng tiêu hóa nào, khả năng nhiễm chắc chắn có. Tuy nhiên, không nên đặt nặng vấn đề điều trị cho trẻ em ở thời điểm này. Bởi vì, hệ miễn dịch của trẻ còn có sự thay đổi, chính vì vậy, nếu trẻ không có triệu chứng và biểu hiện gì về bệnh lý tiêu hóa, cha mẹ hãy bình tĩnh, khả năng nhiễm của trẻ vẫn có, nhưng nếu cha mẹ đã diệt thì chỉ cần làm thế nào để hạn chế lây chéo từ trẻ qua ba mẹ và ngược lại.

Đó là khuyến cáo cần tuân thủ, sẽ tốt hơn việc phải đem hết gia đình ra tìm HP để diệt, điều này không được khuyến cáo.

3. Triệu chứng mà người nhiễm HP cần lưu ý

Với những người theo dõi khi đã dương tính với HP thì nên theo dõi sức khỏe sao cho đúng, bao lâu khám một lần và khi có dấu hiệu nào thì cần quay lại bệnh viện ngay?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Với những người nhiễm HP có chỉ định tìm và diệt, tùy từng cá thể và từng triệu chứng cụ thể như sau:

Những người có các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu chức năng, nếu tìm ra HP và đã điều trị thì sau 8 tuần điều trị, bắt buộc bệnh nhân phải được tìm và xác định lại HP đã chết chưa.

Đối với trường hợp loét dạ dày, loét tá tràng, xuất huyết bao tử, khi điều trị HP trong 14 ngày, bệnh nhân vẫn phải duy trì điều trị loét. Tùy theo vị trí loét ở dạ hay hay tá tràng mà thời gian điều trị có thể là 8 tuần hoặc 12 tuần. Sau đó, bệnh nhân cần được kiểm tra xác định HP đã chết chưa.

Còn những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý trào ngược dạ dày, tình trạng này rất dễ tái lại và thời gian điều trị khá lâu. Trong đó, bệnh nhân bắt buộc sử dụng thuốc PPI (thuốc ức chế bơm proton) kéo dài. Những trường hợp này bệnh nhân vẫn phải tìm và diệt HP.

Nếu không thực hiện điều này, thuốc PPI sẽ làm thay đổi nơi HP tồn tại, HP sẽ đi lên vị trí thân vị và thay đổi hình dạng. Từ đó, HP có thể làm biến đổi niêm mạc và dẫn đến nguy cơ ung thư cao hơn so với việc ở vị trí bình thường. Đó là những triệu chứng mà người nhiễm HP cần lưu ý.

4. Theo lý thuyết, cơ thể đề kháng tốt sẽ tự khỏi HP

Nhiễm vi khuẩn HP, nếu không điều trị thì có tự hết?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Trong một số trường hợp về vi khuẩn hay virus, khi nhiễm HP hoặc các loại khác, nếu hệ miễn dịch hoàn toàn khỏe mạnh, có thể chống lại virus, vi khuẩn. Đã có trường hợp cơ thể chống lại, sau đó tự khỏi. Do đó, xét về mặt lý thuyết, trường hợp này hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, hiện nay không có nhiều dữ liệu nghiên cứu cho thấy bệnh nhân nhiễm từ lúc nào, khỏi bệnh được bao lâu, số liệu này chưa được tiếp cận nên chưa có con số chính xác. Nhưng xét về mặt khoa học, mặt lý thuyết thì hoàn toàn có thể có những trường hợp nhiễm, sau đó cơ thể đề kháng tốt sẽ tự khỏi bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X