Mẹ bầu thông thái, đẩy lùi nhạy cảm, căng thẳng trong thai kỳ
Rất nhiều phụ nữ có sự thay đổi tâm lý, nhạy cảm hơn và thường xuyên nóng giận hơn khi mang thai. Điều này gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của em bé. Vậy nguyên nhân và cách cải thiện tình trạng nóng giận khi mang thai là gì? Hãy cùng AloBacsi tìm hiểu qua phần tư vấn của BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ.
1. Tâm lý của người mẹ khi mang thai ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé
Vì sao khi mang thai, tâm trạng của các mẹ bầu lại lên xuống thất thường, mau nước mắt, buồn phiền lo lắng? Cảm xúc không ổn định của mẹ liệu có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của em bé không, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Vấn đề tâm lý khi mang thai là một vấn đề lớn. Do mong mỏi có con nên khi mang thai, các chị em khá căng thẳng. Đó là về mặt tâm lý.
Thứ hai, trong thai kỳ, nội tiết tố của chị em có sự thay đổi, ảnh hưởng một phần đến tâm lý.
Thứ ba, mang thai là một quá trình sinh lý có ảnh hưởng, thay đổi cơ thể người phụ nữ. Rạn da, sạm nám, mũi to, vóc dáng sồ sề,... ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của chị em. Ngoài vấn đề lo lắng sức khỏe của con, lo lắng các bệnh lý khi mang thai, chị em còn lo lắng vóc dáng ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng.
Tổng hòa nhiều yếu tố: lo lắng của bản thân, sinh lý trong giai đoạn mang thai, các tác nhân bên ngoài,... làm cho người phụ nữ có cảm xúc buồn vui lẫn lộn.
Mang thai là một vấn đề, đến giai đoạn sau sinh, hiện tại về sản khoa xảy ra vấn đề trầm cảm sau sinh. Chúng ta mong chờ quá nhiều vào đứa con, mọi người tập trung vào em bé quá nhiều mà ít quan tâm đến mẹ.
Trầm cảm trong và sau mang thai là một vấn đề mà hiện nay trong y khoa, các bác sĩ sản phụ khoa quan tâm rất nhiều. Tâm lý của người mẹ khi mang thai ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. Một người mẹ bị trầm cảm, buồn phiền, khóc lóc nhiều trong thai kỳ sẽ tiết ra những chất không tốt cho thai.
Thường tâm trạng không tốt sẽ dẫn đến việc ăn uống không tốt. Ăn uống không đầy đủ dẫn đến thai bị giới hạn tăng trưởng. Có những người khi buồn lại ăn quá nhiều. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng thai, chẳng hạn em bé tăng cân quá nhiều, nguy cơ đái tháo đường thai kỳ tăng.
Về mặt khoa học, tâm lý người mẹ không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai và tâm lý của thai sau này.
2. Tâm lý của mẹ bầu thay đổi theo từng giai đoạn thai kỳ
Từ khi mang thai đến khi sinh có rất nhiều mốc thời gian, vậy tâm lý của mẹ bầu có sự thay đổi theo từng mốc thời gian không, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Khi mới mang thai, các chị em thường sẽ rất vui. Nhưng trong 3 tháng đầu, tình trạng nghén làm các mẹ bầu mệt mỏi. Đến 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, khi đã ăn được, mẹ bầu lại mệt mỏi vì cơ thể nặng nề, đi lại khó khăn.
Đặc biệt ở 3 tháng cuối thai kỳ, bụng quá to, nhiều chị em đôi khi không thể nằm ngửa được. Giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến tâm lý. Ngủ không đủ dẫn đến dễ cáu gắt.
Nên lưu ý là tâm lý của mẹ bầu sẽ thay đổi theo từng giai đoạn thai kỳ.
Trong thai kỳ, khi xảy ra bất cứ vấn đề gì, các chị em sẽ rất lo lắng. Đó là lý do mà chúng ta cần sự hỗ trợ từ các bác sĩ sản phụ khoa để chị em biết nên điều chỉnh gì trong vấn đề tâm lý. Sự hỗ trợ của gia đình cực kỳ quan trọng.
3. Những điều mẹ bầu có thể làm để giải tỏa tâm trạng
Xin hỏi BS, các mẹ bầu cần phải làm gì để giải tỏa tâm trạng?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Để duy trì tâm trạng tốt cho mẹ bầu trong suốt thời gian mang thai thì sự hỗ trợ của chồng và những người thân xung quanh là rất quan trọng. Nhưng điểm quan trọng nhất vẫn là mẹ bầu.
Mình là người quyết định tâm lý của mình trước tiên. Chị em có thể sẽ mặc cảm vì da dẻ không đẹp. Lúc này, mình phải là người đầu tiên nghĩ đến việc chăm sóc cho mình tốt hơn. Để làm được, bản thân mình phải có kiến thức đúng.
Hiện nay, các bác sĩ đều khuyên, từ trước khi mang thai nên đọc các sách hướng dẫn theo dõi và cung cấp thông tin đầy đủ về vấn đề chăm sóc bản thân như thế nào trong suốt thai kỳ.
Mọi người xung quanh cũng phải có sự hỗ trợ, cùng nhau chăm sóc mẹ bầu. Sau sinh, ngoài quan tâm đến em bé cũng cần phải quan tâm đến người mẹ vượt qua được thay đổi nội tiết, vượt qua được trầm cảm sau sinh.
Kết hợp 2 yếu tố trên, bản thân mẹ bầu phải nhận thức được rằng mình phải thay đổi, phải xinh đẹp và khỏe mạnh để con mình khỏe mạnh. Và thứ hai là sự hỗ trợ từ những người xung quanh.
4. Trầm cảm sau sinh cần được can thiệp và điều trị sớm
Trầm cảm sau sinh là một vấn đề nhức nhối hiện nay. BS nghĩ gì vấn đề trầm cảm sau sinh trong cuộc sống hiện đại bây giờ?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Thật ra, trầm cảm sau sinh là một vấn đề rất lớn. Như đã nói từ đầu, về mặt y khoa, sau khi sinh xong, nội tiết của người phụ nữ thay đổi nên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều.
Thứ hai, khi trải qua một ca sinh nở, về mặt sản khoa, chắc chắn là có đau đớn. Dù hiện nay có sinh không đau, có chồng và gia đình cùng vào phòng sanh nhưng nỗi đau của chị em phụ nữ vẫn tồn tại. Người phụ nữ khi mang thai và sinh xong có rất nhiều thay đổi ngoạn mục.
Vậy nên, sự thay đổi này ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần.
Ngày xưa, vấn đề trầm cảm sau sinh không được phát hiện ra, không được quan tâm. Nhưng hiện nay, chất lượng cuộc sống ngày càng tăng, chúng ta quan tâm đến trầm cảm sau sinh nhiều hơn, điều kiện can thiệp điều trị cũng tốt hơn.
Trầm cảm sau sinh nếu không được can thiệp và điều trị sớm có thể dẫn dến những hậu quả cho cả mẹ và con. Tâm lý của người mẹ bị ảnh hưởng quá nhiều sẽ có những hành động không tốt.
Hiện nay, ngay từ khi nằm trong bệnh viện sản phụ khoa, các bác sĩ luôn theo dõi để xem người mẹ có các dấu hiệu bất thường nào không. Các anh chồng luôn phải hỗ trợ. Cần biết là sự hỗ trợ của người thân là vô cùng quan trọng.
Tâm lý cha mẹ luôn kỳ vọng quá nhiều, đặc biệt là những cặp vợ chồng sinh con đầu tiên, nhưng mỗi đứa trẻ có đáp ứng khác nhau với chế độ ăn uống, chế độ sữa.
Bên cạnh những kiến thức thường thức, chúng ta còn có sự ủng hộ của các bác sĩ sản phụ khoa, bác sĩ nhi khoa. Nếu có vấn đề về tâm lý, có thể gặp bác sĩ tâm lý; nếu có vấn đề về sức khỏe giai đoạn hậu sản, chúng ta sẽ khám với bác sĩ sản phụ khoa. Lời khuyên là 6 tuần sau sinh nên đến kiểm tra, dù có bất thường hay không.
Nếu em bé có vấn đề gì đó không như kỳ vọng, chúng ta sẽ đến các bác sĩ dinh dưỡng hoặc bác sĩ nhi khoa để được tư vấn kỹ.
5. Tham gia lớp học tiền sản để được trang bị kiến thức đầy đủ và chính xác
Trước khi sinh, chị em cần chuẩn bị như thế nào để hạn chế các vấn đề tâm lý và trầm cảm sau sinh, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Duy trì đọc sách trong thai kỳ là một thói quen tốt. Thứ hai, chúng ta có những cộng đồng để các mẹ bầu chia sẻ kiến thức với nhau. Tuy nhiên, cần phải chọn lọc thông tin.
Hiện nay, có rất nhiều kênh tư vấn sức khỏe, cung cấp kiến thức rất tốt, có sự tham gia tư vấn của bác sĩ sản phụ khoa. Đặc biệt, tại các bệnh viện sản phụ khoa luôn có các lớp học tiền sản online và offline. Điểm hay của các lớp học tiền sản là không chỉ mẹ bầu đến học mà người thân cũng có thể học cùng. Đây là những khóa học chính thống, cung cấp kiến thức tốt để từ đó mẹ bầu có thái độ tốt, hành động tốt.
Khi có kiến thức, biết cách nuôi con thế nào là đúng, mẹ sẽ cảm thấy tự tin hơn, đỡ bị căng thẳng trong quá trình nuôi con sau sinh.
6. Mẹ bầu thông thái để tự tin nuôi con
Nhờ BS gửi một vài lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, tập luyện thể thao cho các mẹ bầu.
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Chị em trong giai đoạn mang thai có rất nhiều nỗi lo. Chúng ta phải giữ cơ thể khỏe mạnh bằng cách ăn uống, tập thể dục.
Trong phần chia sẻ này, chúng ta biết thêm một khía cạnh đó là giữ cho mình đẹp, kể cả khi mang thai và giai đoạn sau sinh. Khỏe nhưng vẫn phải đẹp để tạo tâm lý thoải mái.
Mẹ bầu cần trang bị kiến thức đầy đủ để tự tin nuôi con đúng cách.
Tôi chúc các chị em phụ nữ có một thai kỳ an vui, khỏe mạnh. Mẹ bầu thông thái, có kiến thức đầy đủ sẽ làm được mọi thứ.
Chân thành cảm ơn nhãn hàng Vinlac Gold - Dinh Dưỡng chuẩn Việt đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình tư vấn kiến thức cho mẹ bầu!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình