Hotline 24/7
08983-08983

10 lo lắng chung của các mẹ bầu

Khi mang thai, các chị em thường có nhiều lo lắng và vô số câu hỏi được đặt ra. Như làm thế nào để hết nghén? Bị gò liên tục có sao không? Hay bổ sung gì để con đủ dưỡng chất? Hiểu được điều này, BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ đã có những chia sẻ rất tâm lý và tận tình cho các mẹ bầu.

1. Rạn da khi mang thai, điều trị ra sao?

Vợ tôi đang mang bầu tháng thứ 7 và đang có dấu hiệu rạn nám da bụng, vợ tôi rất buồn vì sợ xấu. Xin hỏi AloBacsi cách điều trị như thế nào? Mong các bác sĩ giải đáp giúp cách chữa trị với ạ! Cảm ơn AloBacsi!

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Rạn da là vấn đề rất thường gặp. Từ bụng phẳng lì lúc còn trẻ, khi chuyển qua gia đoạn mang thai, bụng to lên chứa em bé 3 - 3,5kg (trung bình) và rất nhiều nước ối. Bình thường tử cung chỉ nhỏ bằng nắm tay nhưng khi mang bầu tử cung to lên, làm giãn bụng ra thì chắc chắn khả năng rạn da sẽ rất cao.

Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chống rạn da. Thông thường từ khoảng 16 tuần trở đi (bụng chưa to lắm) có thể bôi các sản phẩm chống rạn da. Đương nhiên việc lựa chọn phải an toàn.

Đối với tình trạng thai đã 28 tuần vẫn có thể bôi để dưỡng ẩm, giúp da không bị rạn thêm và các vết rạn sau khi sanh không quá đậm màu, không ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.

Lưu ý, khi sử dụng các sản phẩm chống rạn da phải bôi bằng cả bàn tay, lực dàn đều ra các ngón tay, không ấn mạnh gây kích thích tử cung, dễ gò. Đặc biệt, khoảng 28 tuần trở đi tử cung đã to, lâu lâu có những cơn gò sinh lý hoặc thỉnh thoảng có những cơn gò gây đau là dấu hiệu báo động phải đi khám.

Thông thường các chỉ em chỉ bôi ở bụng, tuy nhiên khi rạn da sẽ có rất nhiều vị trí như đùi, mông, thậm chí vùng ngực (khi tăng kích thước trong thai kỳ cũng bị rạn)… và vết rạn tồn tại rất lâu, sậm màu làm ảnh hưởng thẩm mỹ.

Một, nếu đã bị rạn nên bôi thuốc chống rạn da để hạn chế rạn thêm; Hai là dưỡng ẩm làm da đỡ ngứa. Vì Phụ nữ mang thai thường tăng nội tiết nên có nhiều triệu chứng thay đổi như mũi to ra, da sạm hơn, tăng tiết mồ hôi, tiết nhờn, mụn… nên cần quan tâm đến việc dưỡng ẩm; Thứ ba là phải bôi kem chống nắng vì nhiều chị em vết rạn dễ ăn nắng nên lựa chọn sản phẩm tốt cho bà bầu, an toàn.

Tóm lại, đối với vấn đề rạn da nên phòng ngừa sớm từ khi chưa rạn, nếu đã rạn da vẫn có thể bôi. Cần bôi đúng cách, ở tất cả các vị trí có thể rạn da.

Ngày xưa, thường có quan niệm mang thai con gái mà mẹ diện quá con sẽ mất duyên, nên các mẹ bầu không dám diện. Tâm lý của mẹ bầu trong suốt thai kỳ rất quan trọng. Để phụ nữ có tâm lý thoải mái thì họ phải khỏe (khám thai đầy đủ, thai kỳ khỏe mạnh) và phải đẹp. Quan niệm mẹ bầu phải xấu là không còn phù hợp.

2. Làm cách nào để hết nghén?

Em đang mang bầu tuần thứ 8, mà bị nghén đồ ăn, khó ăn uống lắm ạ. Xin hỏi BS có cách nào hết nghén không BS ơi? Mong bác sĩ trả lời giúp em ạ.

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Nghén là sinh lý bình thường, không phải là bệnh lý. Khi mang thai, nội tiết của thai kỳ tăng lên làm cơ thể mẹ khó chịu. Thai phát triển tốt thì mẹ mới nghén. Trừ trường hợp nghén quá nhiều, quá nặng, không ăn không uông được phải truyền dịch.

Các cách hỗ trợ đỡ nghén quan trọng là chế độ ăn. Nên ăn những thức ăn mình ít nghén, nếu chắc chắn món đó ăn sẽ nghén (ói) thì không nên ăn; Thống kê về mặt y khoa, những thức ăn có mùi sẽ dễ gây ói hơn nên các món ăn lạ, có mùi lạ thì không nên ăn; Ăn rau xanh, trái cây sẽ ít nghén; Chia nhỏ bữa ăn và uống xen thêm sữa; Vị the của gừng (uống trà gừng hoặc ngậm kẹo gừng) sẽ làm dễ chịu hơn;

Nếu đã áp dụng các biện pháp vẫn không hết nghén, bác sĩ sản phụ khoa sẽ cho thuốc để chống nghén; Bổ sung đủ vitamin B6 cũng giảm nghén hơn so với bình thường.

Lưu ý, khi nghén các chị em vẫn phải ăn, nếu không sẽ bị đau dạ dày dẫn đến mệt. Phải bổ sung năng lượng, sau khi ói vẫn phải ăn món khác để duy trì năng lượng cho cơ thể khỏe mạnh.

3. Tỷ lệ viêm âm đạo trong thai kỳ khá cao

Em mang thai 28 tuần nhưng gần đây âm đạo hay đau, rát, ngứa; đi tiểu bị đau buốt. Như vậy có phải bị viêm hay không, khám ở đâu ạ? Có ảnh hưởng nguy hiểm gì đến con em không ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trong suốt thai kỳ có rất nhiều chị em thỉnh thoảng than phiền bị ra dịch âm đạo, dịch có thể ngứa, hôi,…

Có rất nhiều triệu chứng cho thấy viêm âm đạo trong thai kỳ. Tỷ lệ này khá cao vì trên nền cổ tử cung tăng tiết do nội tiết của thai kỳ thì dịch âm đạo tiết nhiều hơn bình thường. Các chị em có thể nhiễm nấm hoặc một số loại vi khuẩn ở âm đạo phát triển trong thời gian mang thai làm viêm nhiễm.

Nếu viêm nhiễm trong thời gian mang thai vẫn có thuốc điều trị. Tùy mốc tuổi thai sẽ có thuốc điều trị đặc trị và không ảnh hưởng đến thai nên chị em cứ an tâm đi khám phụ khoa.

Khi đó, bác sĩ sẽ thăm khám, xem tính chất của dịch âm đạo, viêm âm đạo do nấm sẽ khác viêm âm đạo do vi khuẩn và những tác nhân khác nhau sẽ có màu sắc, tính chất khác nhau. Nếu cần bác sĩ sẽ thử dịch âm đạo, tìm nguyên nhân viêm nhiễm để điều trị chính xác. Vấn đề điều trị trong thai kỳ khá dễ dàng nên chị em hãy mạnh dạng đi khám và kiểm tra.

Triệu chứng đường tiểu trong thai kỳ rất thường gặp. Đặc biệt ở 3 tháng đầu, khoảng 70 - 80% các trường hợp các chị em cảm thấy tiểu khó ở giai đoạn tử cung hơi to chèn vào bọng đái. Nhưng khi thai lớn hơn, tử cung vượt lên trên sẽ không còn chèn vào đường tiểu nữa và dễ đi tiểu hơn. Tuy nhiên, cũng có tình trạng trong thai kỳ là yếu tố nguy cơ dễ gây viêm nhiễm hơn.

Trong quá trình khám thai, có một số thời điểm sẽ thử nước tiểu. Đây là xét nghiệm giúp bác sĩ kiểm tra đường tiểu. Trường hợp có triệu chứng tiểu gắt, tiểu buốt thì nên đi khám, không cần đợi đến hẹn khám thai. Lưu ý, nếu có bất thường trong thai kỳ thì nên đi khám ngay.

4. Mất ngủ, khó thở và phù khi mang thai có nguy hiểm không?

Thưa bác sĩ, mẹ em kể xưa mang thai em thì mẹ bị mất ngủ, khó thở và phù. Em mới phát hiện mang thai và chưa bị các vấn đề trên, nhưng em sợ nó có di truyền phải không ạ? Nếu bị thì nguy hiểm cho mẹ và bé như thế nào vậy bác sĩ ơi?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trong thai kỳ có 2 vấn đề là phù và khó thở (có thể do sinh lý hoặc bệnh lý). Khi mang thai, tử cung cao ngang đến cơ hoành nên thở sẽ mệt, thở ngắn hơn bình thường vì bị chèn ép gây thở khó, nhưng đó chỉ là sinh lý. Tuy nhiên có những trường hợp bệnh lý như tiền sản giật nặng, phù phổi,… một số bệnh lý làm cho mẹ bất thường, có những triệu chứng hô hấp rất nặng cần đi khám để biết triệu chứng đó ở mức độ nào.

Đối với phù cũng có phù sinh lý và bệnh lý. Đa số phụ nữ mang thai bình thường sẽ có phù nhẹ do tử cung chèn ép làm các tĩnh mạch hồi lưu không tốt. Nếu kê chân cao sẽ hết hoặc chọn giày phù hợp sẽ đỡ phù hơn.

Lưu ý, có trường hợp phù bệnh lý như tiền sản giật hoặc một số bệnh lý thận trong thai kỳ sẽ gây phù rất lạ, chân phù rất to. Khi đi khám thai, bác sĩ không chỉ khám thai mà còn khám mẹ rất kỹ như khám xem tình trạng phù ở mức độ nào, đôi khi thử một số xét nghiệm xem có bệnh lý thận hay bệnh lý tăng huyết áp, tiền sản giật kèm theo hay không để loại trừ.

Y khoa hiện nay rất hay, có thể dự đoán tiền sản giật nặng, gây phù hoặc khó thở trong thai kỳ. Khoảng 3 tháng đầu thai kỳ, khi đi khám thai có một số loại xét nghiệm mà bác sĩ tiên đoán được ở 3 tháng cuối thai kỳ có bị tiền sản giật nặng hay không. Nếu nguy cơ cao, bác sĩ sẽ cho thuốc dự phòng từ đầu thai kỳ. Để thực hiện được điều này phải đi khám thai đầy đủ.

5. Mang bầu song thai bị gò liên tục, vì sao?

Bác sĩ ơi, em đang mang bầu song thai 17 tuần mà 2 ngày nay em cứ bị gò nhiều liên tục, khoảng 10 phút 1 lần, mỗi lần 1 - 2 giây không đau, vậy có sao không bác sĩ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Gò trong thai kỳ gồm 2 vấn đề: Thứ nhất là gò sinh lý (chuyên môn gọi là gò Braxton Hicks). Nghĩa là tử cung hơi gò nhưng không gây đau, lâu lâu mới đau một lần, thường vị trí các chị em dễ cảm nhận nhất là ngay rốn vì da mỏng nhất; Thứ hai là trường hợp gò chuyển dạ sẽ làm đau bụng và đều đặn, ví dụ như cứ 10 phút 2 cơn.

Lưu ý, do là song thai nên nguy cơ trong thai kỳ sẽ cao hơn bình thường. Nếu có bất kỳ khó chịu nào trong thai kỳ nên đi khám sớm hơn để bác sĩ kiểm tra độ dài của tử cung, xem có vỡ ối hay không và kiểm tra cổ tử cung có mở không,… Vì chỉ một triệu chứng gò không đủ để bác sĩ biết tình trạng, tốt nhất nên đi khám.

6. Thai giáo là làm những gì?

Kể từ khi đón nhận tin vui, nhiều mom chia sẻ rằng, một thói quen mới đã hình thành, đó là đặt nhẹ tay lên bụng và bắt đầu trò chuyện cùng con để thai giáo. Vậy mẹ Xuân Lan hỏi rằng: thai giáo là làm những gì thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Từ “thai giáo” nghe có vẻ hơi cao siêu. Nhưng thực sự trong thai kỳ có những điều rất đơn giản mà chúng ta có thể làm được.

Dưới góc độ y khoa, có thể biết khi nào em bé có thể nghe được. Từ 16 tuần trở đi (khoảng 4 tháng) tại thời điểm đó trong bụng mẹ em bé có thể nghe tốt. Thai giáo về mặt âm thanh, ví dụ ba mẹ thường xuyên nói chuyện với con, kể chuyện cho con mỗi ngày thì em bé sẽ phản ứng lại bằng cách đạp mỗi lần nghe bố kể chuyện. Sau khi sinh, nghe ba gọi “con ơi” sẽ quay sang phía ba, đúng theo tiếng quen thuộc đã nghe từ trong bụng mẹ.

Giữ cho mình một tâm lý thoải mái cũng là thai giáo. Đọc sách cho con, vừa làm tâm lý người mẹ thoải mái vừa tạo kiến thức để tự tin nuôi con. Mục tiêu của việc nghe nhạc là cho con nghe, bên cạnh đó mẹ phải cảm thấy thoải mái và cường độ âm thanh không quá to vì có thể làm kích thích.

Người mẹ có thể cảm giác được em bé đạp lúc nào thường xuyên. Ví dụ sau khi mẹ ăn no em bé đạp rất nhiều, có những thói quen của em bé mà mẹ sẽ cảm giác được. Nhiều mẹ còn lưu lại các clip rất dễ thương như bàn chân em bé đạp hiện lên trên bụng mẹ… Thai giáo là một phần dung hòa của việc giáo dục giữa mẹ và em bé trong bụng.

7.Khi mang thai, có bắt buộc phải uống sữa bầu?

Em mang thai bé đầu được 3 tháng rồi, nhưng em thực sự không thích uống sữa bầu. Không biết các mom khác có tránh sữa bầu giống em không ạ? Em không uống được sữa nhưng em ăn khá tốt, liệu ăn nhiều hơn thì khỏi dùng sữa bầu được không ạ? Em sợ không uống sữa bầu thì con em thiếu chất lắm.

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trong sữa bầu có bổ sung một lượng axit folic giúp ngừa dị tật ống thần kinh thai nên làm sữa có mùi hơi khó chịu.

Uống sữa là cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ví dụ, thông thường ăn 3 bữa thì bây giờ chia nhỏ thành 5 - 6 bữa. Nếu bữa đó bận không thể ăn được, có thể uống sữa để thay thế. Nhưng quan trọng là phải uống được sữa vì nhiều chị em ngửi mùi sữa đã ói thì không nên.

Trong trường hợp có thể ăn uống tốt, kiểm soát tốt thì khi đi khám thai bác sĩ sẽ cho bổ sung thêm một số vi chất thì đã đầy đủ. Hãy xem việc uống sữa là một phần bổ sung năng lượng, nếu uống được thì tốt, mà không uống được cũng không nên quá căng thẳng về vấn đề này.

8. Lựa chọn mỹ phẩm khi mang thai cần lưu ý gì và có được nhuộm tóc, làm móng?

Em rất mê làm đẹp, nghề em là beauty blogger luôn. Xin nhờ BS tư vấn giúp việc lựa chọn mỹ phẩm khi mang thai (những sản phẩm cơ bản như sữa tắm, sữa rửa mặt, chăm sóc da, son môi, kem chống nắng, vệ sinh vùng kín, bao gồm cả những sản phẩm cơ bản đến chống rạn da, ngừa nám) cho phụ nữ mang thai cần chú ý những thành phần nào nên có và không nên có ạ? Phụ nữa mang thai có được nhuộm tóc, làm móng không ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Vẫn dưỡng da bình thường và nên lựa chọn sản phẩm an toàn, có thương hiệu, hạn sử dụng, thành phần rõ ràng. Ví dụ như kem trộn dưỡng lên vẫn rất đẹp nhưng có thể chứa các thành phần không an toàn.

Đương nhiên không thể quá lòe loẹt, tô son hay trang điểm quá đậm mỗi ngày sẽ làm tăng khả năng kích ứng da. Vì giai đọan mang thai nội tiết thay đổi nên kích ứng da sẽ nhiều hơn. Bác sĩ khuyên có thể trang điểm nhẹ nhàng để xinh đẹp nhưng đừng quá lạm dụng. Dưỡng ẩm và chống nắng rất quan trọng đối với mẹ bầu.

Việc uốn hay nhuộm tóc sẽ tùy theo nhu cầu mỗi người. Vì khi đó phải ngồi từ sáng đến chiều nên không tốt cho mẹ bầu, vừa mệt và vừa không tốt cho cột sống lưng. Nên không khuyên các chị em nhuộm tóc hay uốn tóc quá nhiều lần trong thời gian mang thai, trừ trường hợp bất khả kháng. Việc cắt tóc, để gọn gàng, xinh đẹp vẫn được ủng hộ vì ảnh hưởng đến tâm lý của các chị em rất nhiều.

9. Nên sinh hoạt chuyện vợ chồng thế nào để tránh ảnh hưởng đến thai kỳ?

Nhiều mẹ bầu sợ ảnh hưởng đến thai kỳ nên hạn chế vận động, kiêng “chuyện ấy”. Theo BS điều này có nên không? Các cặp đôi nên sinh hoạt chuyện vợ chồng thế nào để tránh ảnh hưởng đến thai kỳ ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Về mặt y khoa, bác sĩ không cấm quan hệ trong thai kỳ nhưng chỉ quan hệ khi thai ổn. Ví dụ trong suốt thai kỳ có những tình trạng như dọa sinh non, dọa sảy thai hoặc bị nhau tiền đạo (bánh nhau che lỗ tử cung trong thai kỳ dẫn đến dễ chảy máu)… những trường hợp bệnh lý này nếu quan hệ vợ chồng thì tư thế hoặc vận động mạnh có thể làm tăng rủi ro cho thai kỳ. Nếu thai có vấn đề, khi đi khám bác sĩ cũng khuyên không nên quan hệ vợ chồng ở giai đoạn này. Vì vậy, nên kiêng theo chỉ định của bác sĩ.

Một số chị em phụ nữ trong giai đoạn mang thai sẽ tăng hứng thú với chuyện quan hệ vợ chồng hoặc người chồng cũng có nhu cầu. Đây là vấn đề nhạy cảm nhưng hoàn toàn bình thường trong đời sống vợ chồng.

3 tháng giữa thai kỳ là giai đoạn khá an toàn, thai kỳ khá ổn định. Nếu không có vấn đề kèm theo thì có thể quan hệ vợ chồng bình thường. Đương nhiên, tần suất và tư thế phải phù hợp với mong muốn của chị em, trong giai đoạn có thai bầu là số 1. Lưu ý, các chị em khi mang thai nếu tâm lý lo lắng quá thì không nên ngượng ép.

10. Kích thước vòng 1 không ảnh hưởng đến lượng sữa cho con bú

Ngực em nhỏ nên em sợ sau này sinh thì con không có sữa bú. Vậy ở giai đoạn đang mang thai thì em có thể làm gì để lúc sinh đủ sữa cho con thưa BS? Nhờ BS bày cách giúp em.

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Khuyến cáo hiện tại là nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thai kỳ, vừa tốt cho con vừa tốt cho mẹ. Về mặt y khoa, kích thước vòng 1 không ảnh hưởng đến lượng sữa cho con bú.

Nếu cho con bú đều đặn, em bé bú hết sữa thì lần sau cơ thể sẽ sản xuất lượng sữa y hệt như vậy hoặc sản xuất nhiều hơn nếu vắt hết sữa cặn trong vú. Nhưng nếu cho bú giảm thì tự động cơ thể sẽ điều chỉnh và giảm lượng sữa.

Bên cạnh đó, phải kết hợp với chế độ ăn tốt, đầy đủ chất và ngủ đủ. Ngủ càng đủ thì lượng sữa sẽ càng dồi dào nên chồng hay những người hỗ trợ xung quang phải cố gắng để đảm bảo trợ giúp mẹ có thể ngủ giữa 2 cử cho bé bú.

Đặc biệt, ngày đầu tiên sanh, dạ dày em bé chỉ bằng trái nho hoặc đầu ngón tay và lượng sữa non trong vòng 1 đã có sẵn, đủ cho em bé bú. Sau đó, lượng sữa sẽ tăng từ từ lên theo nhu cầu của bé. Nên phải có niềm tin là không có mẹ nào thiếu sữa cho con nếu biết cho con bú đúng cách và có chế độ ăn uống đầy đủ.

Các chị em sau sanh thường uống thiếu nước, trong khi nhu cầu bé bú cao, vắt ra từ 700 - 1000ml sữa/ngày nên phải uống từ 2 - 3 lít nước hoặc sữa trong một ngày (uống sữa sẽ tốt hơn và cung cấp đầy đủ năng lượng cho cả mẹ và con).

Chân thành cảm ơn nhãn hàng Vinlac Gold - Dinh Dưỡng chuẩn Việt đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình tư vấn kiến thức cho mẹ bầu!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X