Xịt mũi, súc họng có giúp loại bỏ bụi mịn?
Theo báo cáo của Iqair, trong năm 2021, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam cao gấp 4,9 lần mức độ không khí đảm bảo của WHO. Nhiều lo lắng được đặt ra: ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và liệu có biện pháp nào để bảo vệ bản thân trước tình trạng này? BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi - Trưởng khoa Nội 1 - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây.
1. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
Xin BS cho biết, không khí ô nhiễm ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe nói chung và và hệ hô hấp nói riêng?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi trả lời: Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp mà còn tác động đến các cơ quan ngoài hô hấp. Ô nhiễm không khí làm người bệnh tăng nặng tình trạng bệnh hen suyễn, viêm xoang, về lâu dài có thể tiềm ẩn yếu tố nguy cơ gây ung thư.
Bên cạnh đó, hai cơ quan trọng yếu của chúng ta đó là não và tim cũng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Tình trạng này còn gây nên những bệnh như thoái hóa trí nhớ tuổi già, Alzheimer. Ở trẻ em, ô nhiễm không khí còn gia tăng khả năng mắc bệnh tự kỷ.
Sở dĩ ô nhiễm không khí gây tác động lên đa cơ quan ngoài phổi là bởi chúng ta tiếp xúc với bụi mịn - đây là một yếu tố rất nguy hiểm, với kích thước rất nhỏ, từ 2,5 micron (đường kính chỉ nhỏ bằng 1/30 của sợi tóc). Vì kích thước rất nhỏ nên bụi mịn có khả năng len lỏi, đi vào tận cùng của phổi, đó là vị trí phế nang - nơi mà chúng ta có thể trao đổi giữa không khí và máu. Khi bụi mịn đã xâm nhập vào máu, nó sẽ đi khắp cơ thể.
2. Người bệnh hen suyễn, COPD chịu những gánh nặng gì khi không khí ô nhiễm?
Người bị hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ bị ảnh hưởng thế nào trong tình hình không khí ô nhiễm hiện nay? Làm sao để hạn chế ảnh hưởng này?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi trả lời: Ô nhiễm không khí nghĩa là có những hóa chất rất lạ, gây ra phản ứng dị ứng của cơ thể. Hen suyễn là một bệnh dị ứng, vì vậy ô nhiễm không khí làm tăng nặng tình trạng bệnh này. Như chúng ta đã biết, với người bệnh suyễn, những hóa chất lạ trong không khí sẽ làm tình trạng co thắt phế quản nặng hơn, suy hô hấp nặng hơn. Ngay cả những người bị viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính (COPD) cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi ô nhiễm không khí.
3. Người bệnh viêm xoang bị tác động ra sao trước ô nhiễm không khí?
Còn người bệnh viêm xoang sẽ bị ảnh hưởng như thế nào ạ?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi trả lời: Chúng ta sợ nhất là các phản ứng viêm trong viêm xoang, bởi vì sẽ làm tắc nghẽn các hệ thống thông thương giữa xoang và môi trường bên ngoài. Trong khi đó, khi gặp các hóa chất lạ, cơ thể chúng ta sẽ xảy ra phản ứng dị ứng hoặc có những chất gây viêm, vì vậy tình trạng viêm xoang sẽ nặng nề hơn.
4. Khẩu trang vải, khẩu trang y tế có đủ sức bảo vệ trước ô nhiễm không khí?
Với tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, khẩu trang y tế và khẩu trang vải có hiệu quả không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi trả lời: Kích thước của bụi mịn chỉ bằng khoảng 1/30 của sợi tóc. Do vậy, khẩu trang vải sẽ không ngăn chặn được bụi mịn. Hiện nay, khẩu trang N95 có thể ngăn chặn được bụi mịn. Tuy nhiên chúng ta không thể nào sử dụng loại khẩu trang này suốt cả ngày.
5. Làm gì để chủ động bảo vệ sức khỏe trước bụi mịn?
Vậy thưa BS, chúng ta có thể làm gì để bảo vệ bản thân trước bụi mịn?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi trả lời: Bụi mịn xuất phát từ những khí thải của xe cộ. Khi đường xá càng đông đúc, người dân sống trong khu vực với mật độ xe cộ quá dày sẽ có đặc khả năng hít phải bụi mịn rất cao. Do đó, về mặt quản lý, nhà nước sẽ cần xây dựng những giải pháp để giảm mật độ xe cộ. Với người dân sinh sống những vùng chịu ảnh hưởng bởi mật độ xe cộ dày đặc, để giảm thiểu khả năng hít phải bụi mịn, cần chuyển nơi mình ở đến những vùng rộng rãi và nhiều cây xanh hơn.
6. Tiếp xúc lâu dài với không khí bị ô nhiễm, có khả năng ung thư?
Ô nhiễm không khí kéo dài, thời gian chúng ta tiếp xúc lâu, liệu có dẫn đến ung thư không thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi trả lời: Hiện tại đã có những bằng chứng mặc dù chưa đủ mạnh nhưng rất đáng chú ý cho thấy, bụi mịn có nguy cơ gây ung thư. Trong các nghiên cứu, ở những khu vực có nồng độ bụi mịn càng cao thì khuynh hướng, tỷ lệ xuất hiện ung thư phổi càng cao. Ngược lại, ở những khu vực có nồng độ bụi mịn thấp thì nguy cơ, tỷ lệ ung thư phổi thấp hơn. Điều đó gợi ý rằng bụi mịn là một trong những “thủ phạm” gây ung thư phổi.
7. Bí quyết nào giúp thanh lọc phổi?
Theo BS hiện nay có loại thuốc hay sản phẩm nào giúp thanh lọc phổi không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi trả lời: Trong y khoa hiện nay chưa có khuyến cáo chính thức nào về những loại thuốc hay sản phẩm thanh lọc bụi mịn trong phổi. Tuy nhiên, chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp hữu hiệu như xông hơi nước ấm. Khi bụi mịn xâm nhập vào cơ thể sẽ bám vào chất nhầy niêm mạc phế quản. Do đó, chất nhầy này cần được tống ra. Và khi xông hơi nước ấm, giúp làm loãng chất nhầy trong phế quản, chúng ta sẽ có phản ứng ho để tống ra, điều này sẽ giảm bớt một phần bụi mịn.
Chúng ta cần cẩn trọng với máy thanh lọc không khí. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại máy, song cần lưu ý chỉ có loại chứa than hoạt mới có tác dụng lọc bụi mịn.
8. Xịt mũi họng có giúp loại bỏ bụi mịn?
Nhờ BS hướng dẫn cách vệ sinh mũi họng sau khi đi ra đường? Và chúng ta có cần phải xịt rửa mũi không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi trả lời: Chúng ta xịt mũi, rửa họng chỉ tẩy được chất bám trên chất nhầy ở mũi, họng. Vấn đề là chúng ta hít quá nhiều lượng bụi mịn vào trong phổi và không có cách nào để rửa cho phổi. Do đó, xịt, rửa mũi họng giúp bảo vệ xoang, mũi nhưng không bảo vệ được phổi.
Những gia đình ở gần đường giao thông nên có thêm biện pháp hay phương tiện gì để bảo vệ sức khỏe ạ?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi trả lời: Những người có bệnh mạn tính, hen suyễn sống trong khu vực chịu nhiều tác động của tình trạng kẹt xe thì chắc chắn không có cách nào khác ngoài việc chuyển nhà đến một khu vực khác thông thoáng hơn.
Trường hợp nào thì người dân nên đi kiểm tra sức khỏe của hệ hô hấp? Họ sẽ được làm những xét nghiệm gì ạ?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Khôi trả lời: Không phải lúc nào có dấu hiệu hô hấp chúng ta cũng đi khám. Nếu có những biểu hiện ho, hắt xì… kéo dài lâu hơn 2 tuần thì cần phải đi khám. Nếu những triệu chứng của đường hô hấp kéo dài khoảng 2-3 ngày thì không cần phải lo lắng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình