Hotline 24/7
08983-08983

Xẹp đốt sống có điều trị khỏi hoàn toàn được không?

Xẹp đĩa đệm cột sống hiện đang là một căn bệnh xảy ra phổ biến và nếu không được chữa trị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc, khă năng vận động của người bệnh và có thể gây biến chứng nguy hiểm. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần phát hiện và chữa trị kịp thời cũng như phòng tránh bệnh thật tốt.

1. Tổng quan về xẹp đốt sống

Xẹp đốt sống là một tình trạng nghiêm trọng có liên quan chặt chẽ đến tuổi tác. Xẹp đốt sống có tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống nói chung và tuổi thọ của bệnh nhân. Xẹp đốt sống ở người lớn tuổi xảy ra khá thường xuyên và thường liên quan đến chứng loãng xương. Hậu quả là người bệnh có thể bị đau lưng trầm trọng và giảm chất lượng cuộc sống, hạn chế các hoạt động sinh hoạt hằng ngày,...

Nguyên nhân gây xẹp đốt sống rất đa dạng bao gồm cả tình trạng lành tính và ác tính. Hầu hết các trường hợp xẹp đốt sống có thể kèm gãy xương và hầu hết đều có nguồn gốc lành tính (do chấn thương nhẹ ở bệnh nhân loãng xương hoặc nhuyễn xương).

Tổ chức Loãng xương Quốc tế ước tính rằng ở độ tuổi 65 thì có khoảng 1% phụ nữ và 0,5% nam giới sẽ bị hội chứng chèn ép rễ cấp tính và gãy xẹp xương cột sống do loãng xương. Chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp sẽ làm giảm tỷ lệ xảy ra gãy xương tái phát và các di chứng khác. Ít gặp hơn là xẹp xương cột sống do bệnh lý ung thư căn xương. Cột sống ngực và cột sống thắt lưng là vị trí di căn xương thường gặp nhất. Điều cần thiết là phải phân biệt xẹp đốt sống lành tính với xẹp đốt sống ác tính vì phương pháp điều trị và tiên lượng rất khác nhau tùy thuộc nguyên nhân gây nên triệu chứng xẹp đốt sống.

2. Nguyên nhân gây ra xẹp đĩa đệm cột sống

Bệnh xẹp đĩa đệm cột sống là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, những yếu tố dưới đây được xác định có ảnh hưởng trực tiếp dẫn đến bệnh cũng như khiến cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn mà bạn cần lưu ý:

- Do bệnh loãng xương: đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh xẹp đĩa đệm cột sống, xẹp đốt sống. Nguyên nhân là khi bị loãng xương nghĩa là cấu trúc xương thiếu vững chắc và dễ bị tác động hoặc chấn thương dẫn đến bị lệch vị trí.

- Do ít vận động: những người là việc trong môi trường ít vận động, ngồi nhiều, ngồi không đúng tư thế sẽ có nguy cơ mắc bệnh xẹp đĩa đệm cột sống hơn những người khác, thường xảy ra nhiều đối với dân văn phòng, lái xe,…

- Do thường xuyên làm việc nặng nhọc, mang vác nặng khiến cho cột sống bị lệch, cong vẹo lâu dần dẫn đến bị xẹp đĩa đệm cột sống.

- Do các chấn thương, tai nạn

- Do cấu trúc đĩa đệm và cột sống bị yếu.

3. Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xẹp đốt sống

Để chẩn đoán xẹp đốt sống và tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này, các bác sĩ sẽ khai thác thông tin về bệnh như sau:

a. Bệnh sử và các triệu chứng lâm sàng

- Đau dọc cột sống.

- Gù vẹo cột sống.

- Đau, tê lưng lan chân.

- Triệu chứng mệt mỏi, chán ăn,...

- Hạn chế vận động vùng cột sống.

b. Hình ảnh học

- Xquang: Hầu hết các đốt sống bị xẹp được chẩn đoán nhờ chụp X-quang cột sống mặc dù một số hình ảnh X-quang có thể không hiển thị rõ ràng. Trong những tình huống đó, chụp CT scan hoặc MRI cột sống có thể hữu ích.

- Đo mật độ xương: Một tình trạng khác cũng cần được chẩn đoán là loãng xương. Loãng xương có thể được chẩn đoán bằng cách kiểm tra mật độ khoáng của xương. Đây được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh loãng xương. Loãng xương được chẩn đoán khi chỉ số T-Score ≤ -2,5.

- CT scan: Sử dụng CT giúp phát hiện sự hiện diện bất thường của các tổ chức khác ngoài xương (ví dụ khối mô mềm bất thường ngoài màng cứng hoặc cạnh cột sống giúp gợi ý nguyên nhân xẹp đốt sống là do ung thư ác tính).

- MRI: Có thể thấy rõ tổn thương vùng tủy sống, rễ thần kinh và các mô mềm vùng xung quanh,…

Xem thêm: Nguyên nhân và triệu chứng của xẹp đốt sống

4. Phương pháp điều trị xẹp đốt sống

Nhiều bệnh nhân không khỏi băn khoăn xẹp đốt sống có chữa được không, nếu bệnh ở giai đoạn nặng sẽ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tùy thuộc vào mức độ xẹp, vị trí xẹp và các tổn thương thần kinh đi kèm, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu nghỉ ngơi, hạn chế vận động ở vị trí bị xẹp.

a. Sử dụng nẹp

Để nâng đỡ và hạn chế cử động, người bệnh có thể cần sử dụng nẹp lưng, đai lưng cột sống để cố định. Điều này sẽ tránh cho việc người bệnh cử động sai làm trầm trọng thêm vị trí cột sống bị xẹp. Việc sử dụng loại nẹp, đai lưng nào, trong thời gian bao lâu sẽ theo chỉ định của bác sĩ.

b. Sử dụng thuốc tây điều trị xẹp đốt sống

Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để giúp xoa dịu các triệu chứng của người bệnh.

- Thuốc giảm đau thông thường như: Paracetamol, giúp giảm bớt tình trạng đau nhức mức độ nhẹ nhưng không tác động vào nguyên nhân gây bệnh.

- Thuốc giảm đau có chứa codein: Đây là một dạng thuốc giảm đau gây nghiện, được dùng cho những cơn đau mức độ trung bình đến nặng.

- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid: Ibuprofen, Celecoxib… Các loại thuốc này giúp giảm tình trạng đau

- Thuốc chống loãng xương: thuốc chống loãng xương cũng ngăn ngừa sự tiến triển của xẹp đốt sống. Nhóm này bao gồm thuốc ức chế hủy cốt bào (Bisphosphonate), Calcitonin… Các loại thuốc như Alendronate và Risedronate đã được chứng minh là làm giảm sự phát triển của bệnh loãng xương nếu kết hợp với liều canxi và vitamin D thích hợp. Ở phụ nữ mãn kinh, liệu pháp thay thế estrogen có thể được chỉ định để ngăn ngừa loãng xương.

- Thuốc giãn cơ: Giảm bớt cảm giác đau do sự căng cứng của cơ. Thường thuốc sẽ chỉ được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn.

Lưu ý là chỉ dùng thuốc đã được bác sĩ kê đơn. Không nên tự ý mua thuốc hay lạm dụng thuốc.

c. Vật lý trị liệu

Đối với những trường hợp bệnh ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể lựa chọn vật lý trị liệu. Ưu điểm của phương pháp này là không có sự xâm lấn, không dùng thuốc mà vẫn có thể cải thiện được tình trạng bệnh, giảm đau, phục hồi đường cong sinh lý và khả năng vận động. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải tốn thời gian vì liệu trình thường kéo dài.

Qua thăm khám, chẩn đoán, bác sĩ vật lý trị liệu sẽ lựa chọn phương pháp và liệu trình phù hợp. Một số phương pháp có thể được áp dụng là:

- Trị liệu thần kinh cột sống

- Giảm áp cột sống

- Sóng xung kích Shockwave

- Laser cường độ cao

d. Phẫu thuật xẹp đốt sống

Phẫu thuật cố định cột sống chỉ định trong các trường hợp xẹp đốt sống nghiêm trọng; gây ảnh hưởng lớn tới các cấu trúc xung quanh cột sống; gây biến dạng và kết hợp giải chèn ép thần kinh khi có tổn thương đi kèm. Trong đó, phẫu thuật mở sử dụng nẹp vít cột sống để cố định như vít chân cung, vít rỗng nòng, lồng titanium…

Mổ xẹp đốt sống thường ẩn chứa những nguy cơ rủi ro trong phẫu thuật. Bên cạnh đó là mức chi phí cao cùng thời gian phục hồi chức năng lâu nên đây thường là lựa chọn cuối cùng của bác sĩ.

Sau phẫu thuật, người bệnh cần tiếp tục được tiến hành điều trị để đảm bảo sự phục hồi của người bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng, sử dụng thuốc.

5. Chế độ sinh hoạt phù hợp với người bệnh xẹp đốt sống

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xẹp đốt sống

a. Chế độ sinh hoạt

- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn hằng ngày khi còn trẻ giúp xương chắc khỏe tránh loãng xương.

- Tránh té ngã giúp hạn chế gãy xẹp đốt sống.

- Tầm soát các bệnh lý vùng cột sống khi có triệu chứng.

- Điều trị sớm khi mắc các bệnh lý vùng cột sống tránh tổn thương nặng thêm.

- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị

b. Chế độ dinh dưỡng

- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết của cơ thể.

- Chế độ ăn đa dạng, tăng cường các thực phẩm giàu canxi từ thịt cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa,...

6. Biện pháp phòng ngừa xẹp đốt sống

Để phòng ngừa tình trạng xẹp cột sống, cần chú ý chế độ ăn uống, sinh hoạt. hàng ngày. Phương pháp quan trọng nhất là ngăn ngừa loãng xương. Sau đây là một số lời khuyên từ chuyên gia:

- Ăn uống lành mạnh, nên bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D…

- Tập thể dục thường xuyên, bao gồm tập thể dục giảm cân và rèn luyện sức khỏe nhằm tăng sức mạnh của xương khớp. Không nên lựa chọn các môn thể thao có khả năng cao gây chấn thương cột sống.

- Vận động đúng tư thế, tránh hoạt động quá mạnh. Điều chỉnh tư thế ngồi cho đúng như lưng thẳng, dùng ghế có đệm, hai chân đặt thoải mái xuống sàn.

- Những người có nguy cơ mắc bệnh loãng xương nên bổ sung canxi và vitamin D.

- Nếu đang điều trị thuốc có chứa steroid hàng ngày, nên thảo luận với các bác sĩ về việc giảm liều lượng steroid để giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

- Tập trung điều trị các bệnh lý có khả năng cao gây xẹp cột sống

- Nên đi khám sức khỏe định kì để phát hiện bệnh kịp thời. Đặc biệt là khám xương khớp 6 tháng/lần. Đo loãng xương định kỳ đối với những trường hợp có nguy cơ loãng xương cao.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X