Hotline 24/7
08983-08983

Nguyên nhân và triệu chứng của xẹp đốt sống

Xẹp đốt sống là một trong những bệnh lý thường gặp gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như công việc của người bệnh. Xẹp đốt sống thường xảy ra ở cổ, lưng, ngực và gây ra những cơn đau dai dẳng, thậm chí làm biến dạng cột sống.

1. Xẹp đốt sống là gì?

Xẹp đốt sống (hay còn gọi là xẹp cột sống, lún đốt sống) là tình trạng một phần đốt sống bị đè nén, xẹp xuống, làm thân đốt sống bị giảm chiều cao so với bình thường. Tình trạng này không chỉ gây ra những cơn đau đớn dữ dội cho người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ vì làm mất dáng đi đứng bình thường của cơ thể. Nếu không được chữa trị kịp thời bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh được chia ra thành 4 giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất: Xương sống mới mất đường cong sinh lý.

- Giai đoạn thứ hai: Phần đĩa đệm trượt ra khỏi vị trí thông thường.

- Giai đoạn thứ ba: Đĩa đệm xẹp rõ.

- Giai đoạn cuối cùng: Hai đốt xương dính lại với nhau.

2. Nguyên nhân gây xẹp đốt sống

Có rất nhiều nguyên nhân gây xẹp đốt sống cho người bệnh trong đó phải kể đến những nguyên nhân sau:

a. Do loãng xương

Phải khẳng định rằng nguyên nhân hàng đầu gây xẹp đốt sống đó chính là do loãng xương gây ra. Bởi khi bị loãng xương mật độ xương sẽ giảm dần, khiến cấu trúc xương không ổn định dẫn tới tình trạng xẹp cột sống.

Loãng xương thường xảy ra ở phụ nữ mãn kinh, và những người cao tuổi. Với những người từng bị xẹp đốt sống do loãng xương sẽ có nguy cơ mắc bệnh lần hai cao hơn gấp 5 lần.

b. Bị chấn thương

Với những người có sức khỏe bình thường, không bị loãng xương. Nhưng bị một tác động lực nào đó rất lớn vào cột sống như tai nạn giao thông, chơi thể thao, ngã từ trên cao,.. Rất có thể bị xẹp đốt sống.

Với những người bị loãng xương, các hoạt động hàng ngày như: hắt hơi mạnh, nâng các vật nhỏ hay chấn thương, té ngã,… Vô tình tác động đến khớp xương của họ cũng là nguyên nhân dẫn đến xẹp cột sống.

c. Sai tư thế

Một trong những nguyên nhân gây bệnh xẹp đốt sống, đặc biệt ở giới trẻ là thói quen sinh hoạt, làm việc sai tư thế. Ngồi cong lưng, ngồi lâu, ít vận động sẽ tạo áp lực lên đốt sống. Lâu dần sẽ khiến lún xẹp cột sống.

d. Mắc các bệnh lý khác

Xẹp đốt cột sống là bệnh lý thường xuất phát nếu người bệnh bị ung thư xương hay ung thư di căn. Bệnh thường gặp ở người bệnh dưới 55 tuổi và thường không bị chấn thương hay chỉ chấn thương nhẹ. Khi đó các tế bào ung thư di căn tới xương cột sống làm phá hủy cấu trúc xương. Khiến xương của người bệnh lúc này trở nên yếu hơn và dẫn đến xẹp đốt sống.

Ngoài ra xẹp cột sống cũng có thể xảy ra ở những người mắc các bệnh khác như bệnh xương Paget, nhiễm trùng xương,..

3. Triệu chứng xẹp cột sống ở người bệnh

Để nhận biết triệu chứng của bệnh lý xẹp cột sống là khá khó. Bởi chúng có dấu hiệu tương tự của các bệnh lý về xương khớp. Tuy nhiên người bệnh có thể dựa và các triệu chứng điển hình của xẹp đốt sống để nhận biết bệnh như sau:

- Người bệnh cảm thấy đột ngột đau lưng.

- Những cơn đau có thể tăng lên khi người bệnh đứng hoặc đi lại, khiến họ gặp nhiều đau đớn.

- Nếu cử động mạnh cột sống của người bệnh sẽ bị đau bởi vậy người bệnh cần hạn chế việc cử động cột sống.

- Người bệnh bị tê bì, ngứa và khả năng vận động kém đi nhiều

- Mắc xẹp đốt sống có thể khiến người bệnh tiểu tiện đại tiện mất kiểm soát hoặc không có khả năng đi tiểu.

- Cơn đau có thể sẽ dịu xuống khi  người bệnh nằm xuống và giảm đau nhiều nhất khi nằm ngửa.

- Xẹp cột sống có thể làm giảm chiều cao người bệnh.

- Lún xẹp đốt sống có thể làm biến dạng cột sống và gây tàn tật cho người bệnh.

Xem thêm: Nhận biết và phòng ngừa viêm tuỷ xương đốt sống

4. Các vị trí dễ xẹp đốt sống

Cột sống được chia thành 5 phần bao gồm:

- 7 đốt sống cổ C1-C7

- 12 đốt sống ngực D1-D12

- 5 đốt sống lưng L1-L5

- 5 đốt sống cùng S1-S5

- 3 - 5 đốt sống cụt

Về lý thuyết bất kỳ vị trí nào trên cột sống cũng có khả năng bị xẹp. Tuy nhiên một số vị trí có nguy cơ cao hơn. Đó là:

- Xẹp đốt sống cổ: Đốt sống cổ thường bị xẹp do chấn thương mà ít khi bị xẹp do loãng xương như đốt sống lưng và ngực.

- Xẹp đốt sống ngực: Thường là xẹp đốt sống D12. Đốt sống này nằm ở vị trí trung tâm, góp phần cố định xương sườn và bảo vệ tim phổi. Biểu hiện của tình trạng này là cơn đau tăng lên khi hít thở sâu, ho. Nếu bệnh nặng gây ảnh hưởng tới dây thần kinh có thể gây đau dữ dội, tổn thương phổi.

- Xẹp đốt sống lưng: Bệnh xẹp đốt sống lưng thường gặp là xẹp đốt sống lưng L1, xẹp đốt sống lưng L2, xẹp đốt sống lưng L5. Nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động.

5. Các đối tượng có nguy mắc xẹp đốt sống

Bất kỳ ai cũng không nên chủ quan với căn bệnh này. Đó có thể là xẹp đốt sống ở người già hoặc xẹp đốt sống ở trẻ em. Nhưng có một số nhóm đối tượng cần đặc biệt quan tâm hơn tới khả năng mắc bệnh.

- Người cao tuổi: Tuổi càng cao, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cung cấp cho xương khớp càng kém. Quá trình hủy xương lúc này cũng nhanh hơn quá trình tạo xương. Các đốt sống không còn đủ sức mạnh để hỗ trợ hoạt động hàng ngày.

- Phụ nữ mãn kinh: Do đối tượng này có khả năng cao bị loãng xương. Theo khảo sát, số phụ nữ Việt Nam trên 50 tuổi bị gãy xẹp đốt sống chiếm hơn 23%.

- Người có tiền sử gia đình bị loãng xương.

- Người bệnh loãng xương kèm suy dinh dưỡng, còi xương.

- Bệnh nhân mắc các bệnh lý về cơ quan sinh dục, nội tiết, xương khớp như suy buồng trứng sớm, thiểu năng tinh hoàn, cường giáp, suy thận mạn tính, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp.

- Người nghiện rượu bia, thuốc lá. Chất cồn và khói thuốc lá đã được chứng minh có tác hại làm suy yếu xương.

- Người ít vận động làm cột sống mất đi độ linh hoạt, đốt sống chịu áp lực lâu ngày.

- Người bị chấn thương cột sống: Những chấn thương ở vị trí này có nguy cơ gây nứt, gãy đốt sống. Đốt sống bị tổn thương không được xử lý triệt để lâu daùn sẽ yếu và không chịu được lực lâu ngày sẽ bị lún xẹp.

6. Biến chứng nguy hiểm của xẹp đốt sống

Đây không phải là một căn bệnh đe dọa tới tính mạng. Nhưng nó có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh chủ quan, không điều trị kịp thời.

Mất vững từng đoạn cột sống: Điều này xảy ra khi hơn 50% thân đốt sống bị gãy xẹp. Chính sự vững mạnh của từng đoạn đốt sống cùng sự gắn kết chặt chẽ của chúng giúp nâng đỡ trọng lượng và giúp cơ thể chuyển động nhịp nhàng. Chỉ cần một đoạn của cột sống bị xẹp sẽ làm mất cân bằng, khiến cơ thể vận động khó khăn. Từ đó dẫn tới vận động bị hạn chế và đẩy nhanh quá trình thoái hóa.

Đường cong tự nhiên của cột sống bị thay đổi có thể chèn ép lên tim, phổi, ruột. Điều này sẽ gây khó thở, mệt mỏi, chán ăn.

Dây thần kinh và tủy sống bị tổn thương, chèn ép khiến hẹp ống sống, thiếu máu, tê đau dây thần kinh.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X