Hotline 24/7
08983-08983

Bơm xi măng sinh học giải cứu cụ ông 85 tuổi bị xẹp đốt sống, đau lưng không đi lại được

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa tiến hành thực hiện thủ thuật đổ xi măng cột sống số hóa xóa nền cho một cụ ông 85 tuổi. Đây là lần thứ 2 bệnh viện thực hiện phương pháp này cho bệnh nhân bị xẹp đốt sống do loãng xương.

Ngày 17/2, cụ ông L. V. L. (85 tuổi, ở An Giang) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tái khám sau đột quỵ và bị đau lưng. Con trai cụ L. cho biết, 2 ngày trước, cụ than đau đầu, đau lưng, hạn chế vận động kéo dài gần 2 tháng không giảm.

Tại Bệnh viện S.I.S, bệnh nhân được chụp MRI, kết quả: Xẹp nặng thân đốt sống L4, xẹp trung bình thân đốt sống L1. Êkip bác sĩ tiến hành hội chẩn và tư vấn gia đình hướng điều trị bằng phương pháp bơm xi măng sinh học.

Hình chụp chọc kim thăm dò đốt sống bị xẹp

Chiều 25/2, bệnh nhân đã được các bác sĩ tiến hành thủ thuật đổ xi măng cột sống số hóa xóa nền (DSA). Ngay ngày hôm sau, cụ L. đã đứng thẳng, đi lại bình thường.

ThS.BS Nguyễn Lưu Giang - Trưởng đơn vị Can thiệp DSA, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, người trực tiếp thực hiện thủ thuật cho biết xẹp đốt sống thường xảy ra ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh vì đối tượng này hay bị loãng xương. Khi loãng xương, mật độ xương ở thân đốt sống cũng bắt đầu giảm. Khi bị tác động nhẹ như té ngã sẽ gây xẹp thân đốt sống. Đối với những bệnh nhân đau lưng tại chỗ, các bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật bơm xi măng. Tuy nhiên, với những bệnh nhân xẹp đốt sống gây liệt 2 chi dưới, biện pháp duy nhất là mổ.

Đối với trường hợp của cụ ông L. V. L, yếu tố lớn tuổi gây loãng xương. Kết quả chụp MRI cho thấy bệnh nhân xẹp 2 đốt: đốt phía trên đã liền xương, nhưng đốt L4 chưa có hình ảnh liền xương và xảy ra hiện tượng phù tủy xương. Bệnh nhân đã lớn tuổi, đau lưng không đi lại được, các bệnh nền như huyết khối, tim mạch, nhồi máu gây thuyên tắc động mạch phổi, bệnh nhân nằm lâu một chỗ cũng dễ viêm phổi. Chính vì những lý do này, êkip bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật bơm xi măng để bệnh nhân có thể đi lại được.

Cụ L. vui vẻ chụp hình cùng bác sĩ sau 1 ngày thực hiện thủ thuật

Kỹ thuật bơm xi măng có 2 phương pháp chính: bơm xi măng sinh học không dùng bóng (Vertebroplasty) và bơm xi măng sinh học dùng bóng (Kyphoplasty).

Đối với bơm xi măng sinh học không dùng bóng (Vertebroplasty), bác sĩ sẽ chọc kim qua da, qua cuống sống, sau đó vào thân đốt sống. Dưới màn hình DSA, bác sĩ định vị thân đốt sống xẹp và bơm xi măng loãng vào làm cứng thân đốt sống. Kỹ thuật này giúp giảm đau cho bệnh nhân và tạo hiệu quả rất cao. Hầu hết 90% bệnh nhân sẽ giảm đau ngay sau khi làm thủ thuật, ngay hôm sau người bệnh sẽ đi lại được. Bệnh nhân L. được bác sĩ áp dụng phương pháp này.

Với kỹ thuật bơm xi măng sinh học dùng bóng (Kyphoplasty), bác sĩ sẽ chọc kim qua da, qua các cơ của cột sống cho đến khi đầu kim xác định vùng tổn thương. Sau đó đưa bong bóng lên bơm tạo thành khoang trong đốt sống và bơm xi măng vào. Kỹ thuật này phức tạp hơn, thời gian làm lâu hơn và chi phí đắt hơn.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng đã từng bị đột quỵ 4 lần. Kết quả chụp mạch máu não cho thấy động mạch cảnh hẹp 60%. Bệnh nhân được điều trị phòng ngừa bằng thuốc chống kết tập tiểu cầu, điều chỉnh rối loạn mỡ máu, huyết áp…


Hải Yến

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X