Vitamin K có trong những thực phẩm nào, bổ sung liều lượng bao nhiêu là đủ?
Theo BS.CK1 Đoàn Thị Liễu - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Gia An 115, vitamin K có 2 dạng là tự nhiên và tổng hợp. Trong đó vitamin K1 và vitamin K2 có thể bổ sung qua những thực phẩm như rau đậm màu, lòng đỏ trứng, sữa béo nguyên chất,…
1. Vitamin K gồm mấy loại, có trong các thực phẩm nào?
Vitamin K được chia làm mấy loại, chúng có trong những thực phẩm nào, thưa BS?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Vitamin K có 2 dạng: Thứ nhất là vitamin K dạng tự nhiên:
- Vitamin K1 (còn gọi là phylloquinone) được tìm thấy trong thức ăn tự nhiên.
- Vitamin K2 (còn gọi là menaquinone) được tạo ra bởi các loại vi khuẩn có lợi trong ruột.
Thứ hai, vitamin K dạng tổng hợp là vitamin K3.
Vitamin K1 và K2 tự nhiên không độc, nhưng dạng tổng hợp K3 lại có độc tính. Vitamin K3 (menadione) có độc tính và không được sử dụng trong chế độ dinh dưỡng.
Thực phẩm giàu vitamin K1
- Cải bó xôi (rau bina).
- Các loại bắp cải: bắp cải trắng, xanh, tím.
- Các loại rau đậm màu: rau cải xanh, xà lách, rau muống…
- Bông cải xanh, măng tây, cà rốt, dưa leo, củ cải trắng…
- Rau húng quế, cần tây, đinh hương, rau ngô, rau kinh giới,…
- Ớt bột, cà ri bột.
- Trong một số loại quả (chứa ít vitamin K hơn rau): mận, quả bơ, nho khô, trái cây sấy khô.
- Dầu đậu nành, dầu ô liu, bơ thực vật.
Thực phẩm giàu vitamin K2
- Natto (đậu tương lên men).
- Mỡ heo, gan bò, gan ngỗng, thịt gà, thịt xông khói.
- Bơ động vật (phô mai).
- Lòng đỏ trứng.
- Sữa béo nguyên chất.
2. Những ai có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin K?
Thưa BS, những ai sẽ có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin K cao hơn ạ?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Những đối tượng dễ bị thiếu hụt vitamin K:
- Trẻ sơ sinh có khuynh hướng bị thiếu vitamin K vì những lý do sau: Các lipid và vitamin K truyền trong nhau thai tương đối kém; Gan trẻ sơ sinh là không hoàn chỉnh đối với việc tổng hợp prothrombin; Sữa mẹ có ít vitamin K; Đường ruột của trẻ sơ sinh là vô trùng trong vài ngày đầu tiên của cuộc đời.
- Khi cơ thể không được cung cấp đủ từ chế độ ăn. Ví dụ, một số nghề nghệp không thể đi chợ thường xuyên, không ăn được các thức ăn tươi, không đa dạng nguồn thực phẩm trong bữa ăn mà thường ăn những bữa ăn công nghiệp hoặc vì kinh tế gia đình,…
- Những đối tượng bị rối loạn hấp thu mỡ trong ruột như bệnh nhân bị cắt bỏ ruột non sẽ giảm hấp thu chất béo dẫn đến giảm hấp thu vitamin K.
- Hội chứng rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích, hội chứng viêm ruột mãn tính, bệnh celiac.
- Bệnh lý gan mật, tắc nghẽn mật.
- Lạm dụng kháng sinh sẽ diệt lợi khuẩn của đường ruột, làm mất đi nguồn vitamin K2 đáng kể trong cơ thể. Vì vậy, không nên tự ý sử dụng kháng sinh, cần có ý kiến tư vấn của các chuyên gia y tế.
- Bệnh còi xương: K2 giúp khoáng hóa xương chắc khỏe, đưa canxi vào trong xương nên những người còi xương sẽ có nguy cơ thiếu vitamin K.
- Loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh: Nội tiết tố thay đổi sẽ làm giảm hấp thu canxi, dẫn đến loãng xương.
- Cholestyramine và colestipol là các chất làm cô lập acid mật đồng thời làm giảm cholesterol trong máu. Do đó, bạn sử dụng lâu dài sẽ là hao hụt đi lượng vitamin K có trong cơ thể.
- Người quá liều chất chống đông nên cần vitamin K để ngăn tác dụng quá mức của thuốc chống đông.
- Người bị chấn thương, chảy máu nặng hoặc băng huyết sau sinh phải sử dụng vitamin K để cầm máu tốt hơn, tránh mất máu trong cơ thể.
3. Dấu hiệu nào cho thấy cơ thể thiếu vitamin K?
Nhờ BS chỉ ra dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu vitamin K là gì, thưa BS?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Các triệu chứng thiếu vitamin K có thể bao gồm:
- Dễ bầm tím.
- Xuất huyết đường tiêu hóa.
- Chảy máu mũi (chảy máu cam): Cần khám bác sĩ Tai Mũi Họng để biết rõ nguyên nhân.
- Ra máu nặng trong chu kỳ kinh nguyệt: Nếu không phải do nhân xơ tử cung, sinh nhiều lần làm tử cung yếu không siết chặt hoặc đặt vòng mà vẫn chảy máu kinh kéo dài thì phải thăm khám bác sĩ Sản khoa để biết có phải cơ thể đang thiếu vitamin K.
- Có máu trong nước tiểu nhưng không phải viêm nhiễm.
- Các vết thương chảy máu rỉ rả, không cầm được máu.
4. Nên bổ sung vitamin K với liều lượng thế nào?
Khi bị thiếu vitamin K, chúng ta nên bổ sung vitamin K với liều lượng thế nào?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Tùy theo độ tuổi và giới tính, vitamin K cần được bổ sung theo liều lượng khác nhau, cụ thể như:
- Trẻ từ 0 - 6 tháng đầu đời: cần 2 mcg/ngày.
- Trẻ từ 1 - 4 tuổi: cần 30 mcg/ngày.
- Trẻ từ 7 - 12 tháng: cần 2,5 mcg/ngày.
- Trẻ từ 9 - 13 tuổi: cần 60 mcg/ngày.
- Nam > 19 tuổi: cần 120 mcg/ngày.
- Nữ > 19 tuổi: cần 90 mcg/ngày.
- Phụ nữ mang thai: cần 90 mcg/ngày.
- Phụ nữ đang cho con bú: nhu cầu 90 mcg/ngày.
Một số điều cần lưu ý khi sử dụng vitamin K:
- Nên báo cho bác sĩ nếu có tiền sử mắc các bệnh về máu, bệnh gan hay bệnh ở túi mật, bệnh đái tháo đường, bệnh về thận,...
- Phụ nữ có thai và đang cho con bú khi sử dụng vitamin K phải cẩn trọng vì đây không phải là giải pháp an toàn.
>>> Phần 1: Lợi ích của vitamin K đối với cơ thể
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình