Hotline 24/7
08983-08983

Vitamin K, bổ sung bằng thực phẩm hay đường uống?

Vitamin K là một loại vitamin tan trong chất béo, giúp quá trình đông máu diễn ra tốt, phòng ngừa loãng xương, bảo vệ hệ tim mạch, chống oxy hóa… Vậy làm sao để bổ sung vitamin K cho cơ thể, thông qua thực phẩm hay dùng viên uống mỗi ngày?

Vai trò của vitamin K


Vitamin K có nhiều trong các loại rau xanh lá. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Vitamin K là một loại vitamin hòa tan trong dầu, rất cần thiết cho cơ thể chúng ta. Từ K trong Vitamin K xuất phát từ tiếng Đức: Koagulationsvitamin có nghĩa là Vitamin.

Vitamin K có thể giúp giảm chứng chảy máu trong một vài trường hợp như bệnh gan, đường mật, ruột, dùng kháng sinh trong thời gian dài, thuốc chống đông, chống co giật. Vai trò chính của vitamin K là giúp cho quá trình đông máu diễn ra tốt và hạn chế lượng máu bị mất nếu chẳng may chúng ta bị chấn thương.

Nghe thì khó hình dung nhưng thực tế hàng ngày chúng ta vẫn vô tư tận hưởng những lợi ích từ nó mà không hề hay biết. Chẳng hạn như mỗi khi bạn đứt tay, máu chảy ra một lúc thì đông lại và ngừng chảy, đó là do có sự tham gia của vitamin K với vai trò giúp cầm máu nhanh chóng.

Với khả năng hoạt hóa ostecalcin (một loại protein hoạt động như chất keo gắn canxi vào khung xương), vitamin K đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện mật độ xương. Một khi cơ thể thiếu vitamin K sẽ hạn chế quá trình chuyển hóa canxi nên dễ dẫn đến tình trạng loãng xương. Đặc biệt, nếu đang trong giai đoạn dậy thì mà thiếu hụt vitamin K thì chiều cao sẽ phát triển rất hạn chế và nguy cơ loãng xương ở tuổi trưởng thành sẽ tăng cao hơn.

Điều này đã được một nghiên cứu đăng trên tạp chí Dinh dưỡng Anh (với sự tham gia của 310 em bé, độ tuổi trung bình là 11) chứng minh. Khi đo tỷ lệ khoáng trong xương của các em, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng canxi cũng không thể tham gia vào quá trình chuyển hóa để tạo ra một hệ xương chắc khỏe nếu khẩu phần của các em thiếu đi nhóm thức ăn chứa vitamin K. Vai trò của loại vitamin này càng được chứng tỏ khi nhóm nghiên cứu cho các em bổ sung thêm các loại vitamin, đặc biệt là vitamin K. Chỉ trong một thời gian ngắn, 90% các em bé này có lượng khoáng trong xương tăng đáng kể.

Vitamin K cũng có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận. Do chế độ ăn của mình, những người ăn chay là những người hấp thu một lượng lớn vitamin K nên họ không mắc loại bệnh này.

Ngoài ra, qua nghiên cứu các nhà khoa học cho thấy vitamin K dường như có tác dụng làm dừng quá trình vôi hoá và cứng thành mạch máu ở người cao tuổi. Bởi chúng đặc biệt giữ không cho canxi và phospho lắng đọng vào động mạch chủ và làm đảo nghịch hiệu quả của thức ăn không tốt cho tim.

Vitamin K cũng là một trong số những loại vitamin quan trọng giúp phòng ngừa ung thưhạn chế bệnh tim mạch, hạn chế bệnh giãn tĩnh mạch, giảm bệnh tiểu đường. Vitamin K có vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì quá trình bài tiết và sử dụng insulin của cơ thể và giảm được tới gần 20% rủi ro mắc bệnh tiểu đường týp 2 ở người lớn.

Những dấu hiệu cảnh báo thiếu vitamin K


Chiều cao của trẻ sẽ không tối ưu nếu thiếu vitamin K. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Khi thiếu vitamin K, cơ thể sẽ lâm vào tình trạng khẩn cấp và chỉ có thế tiếp tục duy trì các chức năng quan trọng cần cho sự sống. Hậu quả là các chức năng khác, ít quan trọng hơn của cơ thể sẽ bị chậm lại, khiến cơ thể dễ xuất hiện tình trạng yếu xương, phát triển ung thư và các vấn đề về tim mạch hơn.

Dinh dưỡng kém là một trong số những yếu tố góp phần gây ra tình trạng thiếu vitamin K. Nhất là những người không ăn rau thường xuyên sẽ có nguy cơ thiếu hụt vitamin này. Ngoài ra, người mắc một số bệnh như celiac, viêm ruột mạn tính, xơ nang và ứ mật, bệnh còi xương, loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, bệnh về gan mật, uống thuốc kháng sinh, thuốc giảm cholesterol và aspirin… sẽ dễ có nguy cơ thiếu vitamin K hơn những người khác.

Một số triệu chứng thiếu vitamin K chúng ta có thể nhận biết đó là: Dễ bầm tím, xuất huyết đường tiêu hóa, chảy máu mũi, ra máu nặng trong chu kỳ kinh nguyệt, có máu trong nước tiểu…

Đến nay chưa có loại xét nghiệm hay phương pháp nào có đáng giá trực tiếp tình trạng thiếu vitamin K. Tuy nhiên, có một số biện pháp áp dụng phương pháp đánh giá gián tiếp thông qua các chỉ số MGP hoặc osteocalcin chưa được carboxyl hóa, nếu chỉ số này càng cao chứng tỏ càng thiếu hụt vitamin K.

Bên cạnh đó, việc đánh giá các yếu tố nguy cơ, các bệnh tật liên quan cũng được áp dụng. Ví dụ như những người bị bệnh còi xương, mềm xương, loãng, xơ vữa động mạch, tắc mạch, bệnh tim, tiểu đường thì được xếp vào nhóm bị thiếu vitamin K2.

Vitamin K có trong thực phẩm nào?


Vitamin K có ba loại là K1, K2 và K3. Lượng vitamin K mà cơ thể chúng ta nhận được hàng ngày, một phần là do vi khuẩn trong đường tiêu hóa tổng hợp, phần khác được cung cấp từ thức ăn. Do vậy, hàm lượng vitamin K trong cơ thể phụ thuộc rất nhiều vào sự hoạt động bình thường hay không của hệ tiêu hóa của mỗi người.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì chúng ta chỉ nên bổ sung vitamin K1 (nguồn gốc thực vật) hoặc K2 (có nguồn gốc vi khuẩn). Với vitamin K3 thì không nên vì khi dùng thường sinh ra các gốc tự do nên chỉ dùng khi có chỉ dẫn của bác sĩ.

Cách bổ sung vitamin K an toàn là thông qua thực phẩm. Loại vitamin này có nhiều trong các loại rau xanh lá chiếm khoảng 90% lượng vitamin K mà cơ thể hấp thu: Rau cải bó xôi, cải xoăn, bắp cải, mùi tây, bông cải xanh, dưa chuột, rau xà lách, húng quế…

Vitamin K còn có trong thịt, phomat, trứng, mù tạt, mùi tây, măng tây, cần tây, cà rốt, ớt bột, dầu Olive, trái cây sấy khô, đinh hương. Không chỉ có các loại rau củ, nhiều loại hoa quả ngon và bổ dưỡng cũng chứa một hàm lượng tương đối lớn loại vitamin giúp đông máu này như: mận, kiwi, bơ, cà chua... Còn vitamin K2 có nhiều trong phô mai lên men và các sản phẩm làm từ đỗ tương đã lên men.

Bổ sung bao nhiêu vitamin K là đủ?


Nhu cầu khuyến nghị vitamin K sẽ phụ thuộc vào tuổi, giới và một số yếu tố khác như tình trạng mang thai, cho con bú, hoặc mắc bệnh. Cụ thể, mỗi ngày ở tuổi trưởng thành nam giới nên bổ sung 80mcg, nữ giới cần 65mcg. Đối với trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi cần 2,0mcg mỗi ngày; trẻ từ 7 đến 12 tháng tuổi cần 2,5 mcg mỗi ngày. Trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 30mcg mỗi ngày; từ 4 đến 8 tuổi cần 55mcg mỗi ngày; từ 9 đến 13 tuổi: 60mcg mỗi ngày...

Lưu ý, nếu bạn đang sử dụng kháng sinh trên 10 ngày, thì cần phải tăng hàm lượng vitamin K nạp vào qua chế độ ăn vì kháng sinh có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn đường ruột và từ đó, gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu vitamin K của cơ thể. Nếu đang sử dụng các loại thuốc làm giảm lượng chất béo hoặc cholesterol trong cơ thể thì cũng có thể sẽ làm giảm hàm lượng các vitamin tan trong dầu mà cơ thể hấp thu, trong đó có vitamin K.

Ngoài ra, vitamin K chỉ hấp thu tốt nhất vào cơ thể khi tiêu thụ nó cũng chất béo.

Vì sao phải tiêm vitamin K cho trẻ ngay sau khi sinh?


Các chuyên gia khuyến cáo mũi tiêm vitamin K cũng là mũi tiêm đầu tiên ngay sau khi trẻ chào đời. Nguyên nhân là bởi trẻ sinh ra được nuôi bằng sữa mẹ, một chất dinh dưỡng quý giá nhưng hàm lượng vitamin K ở sữa mẹ thấp (2-5mcg/lít). Lượng dự trữ vitamin K ở trẻ mới sinh cũng rất thấp vì vitamin K tự nhiên khó qua nhau thai. Bên cạnh đó, hệ vi khuẩn ở ruột của trẻ chưa phát triển nên chưa tổng hợp được vitamin K dẫn đến việc thiếu vitamin K ở trẻ. Do đó, trẻ dễ bị xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết não - màng não thường để lại những di chứng nặng nề.

Chính vì vậy, tiêm vitamin K cho trẻ mới sinh là một biện pháp dự phòng chủ động, tránh hiện tượng xuất huyết não - màng não hay gặp ở trẻ lúc khoảng 1 tháng tuổi.

Thông thường, cách tốt nhất là tiêm cho trẻ mới sinh một mũi vitamin K1 hoặc K3, hoặc cho trẻ uống 3 lần vitamin K1 theo liệu trình: Lần thứ nhất sau sinh, lần thứ hai lúc trẻ 7 ngày, lần thứ ba lúc trẻ 30 ngày. Hiệu quả sử dụng vitamin K1 và K3 như nhau.

Khi nào cần bổ sung vitamin K qua đường uống?

Các chuyên gia khuyến cáo mũi tiêm vitamin K cũng là mũi tiêm đầu tiên ngay sau khi trẻ chào đời. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Trong trường hợp không bổ sung vitamin K qua thực phẩm được thì buộc phải dùng theo đường uống.

Vitamin K có những dạng và hàm lượng sau: Viên nén 2 mg, 5 mg và 10 mg, viên nang và dung dịch tiêm.

Liều dùng vitamin K cho người lớn như thế nào?

Liều thông thường cho người lớn bị thiếu hụt vitamin K do thuốc do suy dinh dưỡng: uống 10-40 mg mỗi ngày.

Liều thông thường cho người lớn gặp vấn đề về đông máu: có thể uống đến 5 mg.

Liều thông thường cho người lớn để bổ sung dinh dưỡng: Nam giới uống 120 mcg/ngày; Nữ giới uống 90 mcg/ngày.

Liều dùng vitamin K cho trẻ em như thế nào?

Liều thông thường để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em:
- Trẻ từ 0-6 tháng, bạn cho trẻ uống 2 mcg mỗi ngày;
- Trẻ từ 6-12 tháng, bạn cho trẻ uống 2.5 mcg mỗi ngày;
- Trẻ từ 1-3 tuổi, bạn cho trẻ uống 30 mcg mỗi ngày;
- Trẻ từ 4-8 tuổi, bạn cho trẻ uống 55 mcg mỗi ngày;
- Trẻ từ 9-13 tuổi, bạn cho trẻ uống 60 mcg mỗi ngày;
- Trẻ từ 14-18 tuổi, bạn cho trẻ uống 75 mcg mỗi ngày.

Thông thường, tác dụng phụ của vitamin K thông qua đường uống với liều khuyến cáo là rất hiếm. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc có thể can thiệp đến các tác động của vitamin K bao gồm: thuốc kháng acid, chống đông máu, thuốc kháng sinh, aspirin và các thuốc chống ung thư, động kinh, cholesterol cao

Do đó, không nên tự ý bổ sung vitamin K trừ khi được bác sĩ cho phép và liều lượng cũng phải do bác sĩ chỉ định. Ngoài ra, những người sử dụng thuốc Coumadin để điều trị các vấn đề về tim, rối loạn đông máu hoặc các điều kiện y tế khác có thể cần phải xem lại chế độ ăn để kiểm soát lượng vitamin K đi vào cơ thể như thế nào cho hợp lý.

P.N (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X