Hotline 24/7
08983-08983

Viêm phế quản

Ho xảy ra nhiều trong một năm, từng đợt, dễ xuất hiện khi trời lạnh hoặc thay đổi thời tiết, có thể ho khan, thường ho có đờm màu trắng, có bọt.

Viêm phế quản (VPQ) là một bệnh lý của đường hô hấp, khi bị viêm, niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ dầy lên và làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, gây ra khó thở, ho và có thể kèm theo đờm đặc.

VPQ được chia thành 2 dạng là cấp tính (kéo dài ngắn hơn 6 tuần) và mạn tính (tái phát thường xuyên trong vòng hơn 2 năm). Ngoài ra, ở những bệnh nhân bị hen phế quản thì niêm mạc phế quản cũng có thể bị viêm và gây nên tình trạng gọi là viêm phế quản dạng hen.
Viêm đường hô hấp dễ dẫn đến viêm phế quản

VPQ cấp tính 

Thường gặp ở cả người lớn và trẻ em, là tình trạng nhiễm khuẩn nhanh & ngắn hạn ở các phế quản và thỉnh thoảng có kèm nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Bao gồm các triệu chứng ho liên tục, có đờm, thường xuất hiện từ 24-48 giờ sau khi ho, sốt cao, lạnh run, đau hay cảm giác thắt ngực, đau dưới xương ức khó thở, thở ngắn.
 
Hầu hết viêm phế quản cấp có nguyên nhân ban đầu do virus (đôi khi còn do vi khuẩn) tấn công vào lớp niêm mạc của phế quản. Những triệu chứng như sưng, tăng tiết dịch gây ra khó thở, thở khò khè là do cơ thể phản ứng chống lại sự nhiễm khuẩn.

VPQ mạn tính

Là tình trạng ho khạc lâu ngày, bệnh diễn tiến nặng thường phải được điều trị đều đặn. VPQ mạn tính thường do một hoặc nhiều yếu tố. Có thể do nhiều đợt VPQ cấp lặp đi lặp lại kéo dài sẽ làm suy yếu và gây kích thích ở phế quản và dẫn đến VPQ mạn tính. Ô nhiễm môi trường, tiếp xúc với khói bụi, nghiện thuốc lá nặng v.v...  là những nguyên nhân chính gây nên VPQ mạn.

VPQ mạn có 3 loại chính: thể đơn thuần ho khạc đờm nhày, thể đờm mủ (hay mắc đi mắc lại), và thể khó thở. Nguyên nhân chủ yếu là sự xâm nhập của vi khuẩn và sự suy giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Yếu tố thuận lợi làm suy giảm sức chống đỡ của niêm mạc là khói thuốc lá và không khí ô nhiễm.

Triệu chứng ban đầu ho và khạc đờm, ho xảy ra nhiều trong một năm, từng đợt, dễ xuất hiện khi trời lạnh hoặc thay đổi thời tiết, có thể ho khan. Khi ho lâu ngày, đờm đặc hơn, màu vàng và có mủ. Các đợt ho đờm thường xảy ra lặp đi lặp lại, ban đầu 4-5 lần một năm, mỗi lần 10-15 ngày, về sau thường xuyên và kéo dài hơn.
 
Khó thở là một triệu chứng quan trọng, xảy ra ở giai đoạn muộn hơn. Lúc đầu chỉ là cảm giác “trống hơi” nặng nề như bị đè nén trong ngực, dần dần bệnh nhân cảm thấy thiếu không khí thực sự.
 Chăm sóc trẻ bị viêm hô hấp cấp

Điều trị thế nào?

 Do hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp đều có nguyên nhân từ virus nên các loại kháng sinh không có vai trò điều trị. Điều trị thông thường cho VPQ cấp tính bao gồm nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ngưng hút thuốc, tránh bị xúc động, dùng thuốc giãn phế quản. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được đưa đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị khi có một trong các dấu hiệu sau:

Ho nhiều, kéo dài hoặc có kèm đau ngực dai dẳng.

Các triệu chứng kéo dài trên 1 tuần, và đờm trở nên nhiều hơn, sậm màu hơn, đặc hơn hoặc có máu.

Làm gì để tránh bị tái nhiễm viêm phế quản cấp?

Cần bỏ thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá, khói bụi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để loại bỏ virus dính trên tay trong sinh hoạt hàng ngày.

VPQ mạn tính

Về nguyên tắc, điều trị viêm phế quản mạn cần đạt được 3 mục tiêu: chống nhiễm khuẩn mới; phục hồi lưu thông không khí, chống nguy cơ suy hô hấp.

Khi có nhiễm trùng hô hấp, bác sĩ có thể cho dùng kháng sinh phổ rộng từ 5 - 10 ngày để điều trị nhiễm trùng. Nếu bệnh nhân bị kèm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn phế quản. Ngoài ra cũng có thể sử dụng thuốc nhóm steroid để làm giảm hiện tượng viêm trong các phế quản, quan trọng nhất cho bệnh VPQ mạn tính và COPD là ngưng hút thuốc.

Trong trường hợp VPQ mạn tính có kèm COPD nặng, nên bệnh nhân phải thở oxy liên tục.
Nếu bệnh nhân bị VPQ mạn tính thì sẽ có nguy cơ khởi phát các bệnh lý về tim mạch cũng như những bệnh lý nặng nề về hô hấp và nhiễm trùng. Do đó bệnh nhân cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

Phòng bệnh thế nào?

Phòng bệnh ở 3 cấp độ: dự phòng căn nguyên, loại trừ các yếu tố gây bệnh, dự phòng “chậm trễ”: phát hiện kịp thời, điều trị đúng lúc, dự phòng “tàn phế”: tích cực điều trị dù đã muộn, hạn chế tàn phế, đẩy lùi tử vong. Các biện pháp cơ bản là:

- Không hút thuốc và loại bỏ các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong gia đình cũng như nơi làm việc.

- Điều trị triệt để các ổ viêm nhiễm mạn tính vùng mũi họng.

- Giảm uống rượu.

- Phòng các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính cho trẻ em.

 -Điều trị sớm và triệt để các viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp. Viêm đường hô hấp trên dễ dẫn đến viêm phế quản.

Theo BS. Nguyễn Vân Anh, Sức khỏe & đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X