Hotline 24/7
08983-08983

Viêm đường hô hấp trên (kỳ 2)

Triệu chứng chủ yếu bao gồm: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu…

(Tiếp theo kỳ 1)

Biểu hiện và biến chứng

Viêm đường hô hấp trên (ĐHHT) không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh bao gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Mặc dù có nhiều bệnh đơn lẻ khác nhau nhưng chúng đều có một số biểu hiện chung rất dễ nhận thấy: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu…

Đặc điểm quan trọng là thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ biểu hiện bệnh nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt. Chính vì thế mà sốt trong vì viêm ĐHHT thường là sốt cao và thành cơn. Thân nhiệt thường là 39oC trở lên. Đi kèm với sốt là sổ mũi, hắt hơi nhiều hơn mức bình thường, có khi đến 4-5 cái/một lần và nhiều lần trong ngày. Sau đó, người bệnh sẽ bị sổ mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi.

Khi virus gây bệnh ở thanh quản thì người bệnh sẽ bị khàn tiếng. Càng nói nhiều như ca sỹ, người bán hàng, giáo viên… thì tốc độ khàn tiếng càng nhanh và trầm trọng vì dây thanh âm càng bị tổn thường nặng nề. Ban đầu chỉ là khàn tiếng, giọng mũi, sau đó tiếng bị khàn đục và có khi mất giọng.

                   Cần điều trị kịp thời và triệt để bệnh viêm đường hô hấp trên để tránh biến chứng

Giữa các bộ phận mũi - họng - thanh quản - xoang đều thông với nhau nên khi một cơ quan bị bệnh thì nó sẽ nhanh chóng lây sang cơ quan liền kề và các triệu chứng sẽ nhanh chóng tổ hợp lại thành một hình ảnh bệnh lý đầy đủ.

Viêm ĐHHT đa phần chỉ sau 5-6 ngày bắt đầu lui dần tiến tới tự khỏi sau 2 tuần. Bệnh có thể nặng lên ở những đối tượng mẫn cảm như trẻ dưới 1 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và gây nhiều biến thể nghiêm trọng.

 Hay gặp biến chứng viêm đường hô hấp dưới nếu viêm ĐHHT không được xử trí đúng đắn và đúng mức. Do đó, dù bệnh hết sức thông thường như cảm lạnh trong mùa đông vẫn có thể đưa đến viêm phổi, nhất là ở trẻ em.

Ngoài những biến chứng này thì viêm ĐHHT thể nặng, thể do vi khuẩn dễ gây ra những biến chứng cơ thể khác như viêm não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp. Vì vậy cần có thái độ dự phòng đúng mức với bệnh này.

Phòng tránh như nào?

Bệnh viêm ĐHHT chủ yếu là do virus gây ra nên mới chỉ có phương án điều trị triệu chứng mà chưa có điều trị căn nguyên. Các thuốc chủ yếu được sử dụng là thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm dòng NSAID nhằm ngăn chặn sốt quá cao và tai biến co giật do sốt cao.

Thuốc kháng histamin nhằm ngăn chặn giải phóng quá nhiều chất trung gian hóa học gây viêm do cơ chế phản ứng quá mức. Còn lại là dựa vào sức đề kháng của người bệnh và chờ cho đến khi cơ thể tự đào thải virus.

Trong chứng bệnh này, biện pháp dự phòng được đặt lên hàng đầu. Giữ đôi tay sạch sẽ khi ăn uống (vì virus xâm nhập vào đường hô hấp theo đường thở và đường ăn uống). Đeo khẩu trang sẽ giúp tránh bụi, hơi nóng, hơi lạnh, khí độc. Khi tiếp xúc với người bệnh nên đeo khẩu trang dự phòng vì virus có thể theo hơi thở, hắt hơi mà “bắn” sang người đối diện.

Tránh nằm điều hoà quá lạnh hay làm việc trong môi trường quá nóng. Giữ ấm cơ thể khi đi đường, giữ ấm cổ khi ngủ giúp phòng tránh khá tốt với bệnh này.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X