Hotline 24/7
08983-08983

Viêm cân gan bàn chân: Chẩn đoán và điều trị

Viêm cân gan chân là một tình trạng phổ biến gây ra những cơn đau dữ dội vô cùng khó chịu. Tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại và thực hiện các hoạt động hàng ngày của người bệnh. Nếu chậm trễ điều trị, bệnh nhân có thể bị viêm chân, tổn thương nặng và đau mãn tính.

1. Viêm cân gan bàn chân là bệnh gì?

Cân gan bàn chân là dải gân cơ trải dài từ chỏm xương bàn đến xương gót, có tác dụng duy trì độ nhún và vòm cong sinh lý của chân. Hơn nữa, cân gan bàn chân còn giúp giảm thiểu trọng lực đẩy xuống bàn chân khi vận động, hỗ trợ đi lại dễ dàng hơn.

Viêm cân gan bàn chân là tình trạng rối loạn và viêm cân gan, gây ra sự đau nhức khó chịu ở chân, đồng thời ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Một số đối tượng có thể gặp phải viêm cân gan chân là người cao tuổi, vận động viên điền kinh, người lao động nặng,…

2. Nguyên nhân gây viêm cân gan bàn chân

Những nguyên do gây ra viêm cân gan bàn chân bao gồm:

- Tuổi tác: Người lớn tuổi, nằm trong khoảng 40 - 60 tuổi, đặc biệt là nam giới rất dễ gặp phải viêm cân gan chân.

- Tập thể dục sai cách: Chạy bộ với cường độ cao, mang giày quá cứng hoặc miếng lót giày không phù hợp đều có thể làm căng và tổn thương cơ bàn chân, dẫn đến tổn thương ở cân gan chân. 

- Dị tật bàn chân bẩm sinh (bàn chân bẹt): Bàn chân bẹt là bàn chân không có hõm cong tự nhiên, gây mất cân bằng cơ thể, đi lại thiếu linh hoạt, khiến mô kết nối ở chân bị kéo dãn và lâu dần gây nên viêm cân gan bàn chân.

- Béo phì: Lượng mỡ thừa tích tụ trên cơ thể làm tăng áp lực lên các cơ gan bàn chân, khiến cho vùng cân gan bị sưng viêm.

- Tính chất công việc: Những người thường xuyên đứng một chỗ quá lâu, đi lại nhiều trên nền cứng, đi chân đất hoặc đi giày cao gót đều có nguy cơ làm tổn thương cân gan bàn chân.

3. Triệu chứng của viêm cân gan chân 

Người mắc chứng viêm cân gan bàn chân có thể gặp phải một số triệu chứng điển hình sau đây:

- Đau nhói, đau buốt, đau âm ỉ ở vùng gót chân và bên dưới bàn chân.

- Cơn đau thường xảy ra ở một bên bàn chân, cũng có trường hợp xảy ra ở cả hai bên.

- Cơn đau thường xuất hiện khi ngủ dậy hay có thời gian nghỉ lâu và đột ngột bước đi.

- Đau nhức khi di chuyển, đứng quá lâu.

- Sưng bầm tím ở gan bàn chân.

Ngoài ra, một số triệu chứng ít xuất hiện như bàn chân bị ngứa râm ran, tê rần, sưng tấy, đau lan rộng. Nếu bệnh nhân bị đứt hay rách cơ cân gan chân sẽ gặp hiện tượng đau cấp tính, sưng cục bộ,...

4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm cân gan bàn chân

Kiểm tra sức khỏe tổng quát: Bác sĩ sẽ hỏi thăm về tiền sử bệnh tật, triệu chứng của cơn đau và kiểm tra chân bị đau nhức để đưa ra chẩn đoán tình trạng bệnh sơ bộ.

Khi chẩn đoán bệnh viêm cân gan chân, bác sĩ cần căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán. Các dấu hiệu lâm sàng bao gồm:

- Đau gót chân: buổi sáng thức dậy, sau khi ngồi lâu, ra khỏi giường sau khi đi lại nhiều và rời khỏi giường; nghỉ ngơi và thư giãn. Đau vào ban ngày ít hơn buổi sáng.

- Cơn đau kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm.

- Bệnh nhân cảm thấy rất đau buốt khi ấn vào phía dưới và bên trong gót chân.

- Lòng bàn chân có thể bằng hoặc trũng hơn bên lành. Một số trường hợp có thể kèm theo dấu hiệu hao hụt cơ bắp.

Các triệu chứng cận lâm sàng bao gồm:

- Chụp X-quang: Kết quả calcaneal thúc đẩy, đây là kết quả của một quá trình viêm nhiễm lâu ngày dẫn đến vôi hóa các đốt sống. 

- Chụp MRI: Phương pháp này có thể giúp bác sĩ phân biệt chẩn đoán với các bệnh khác.

Xem thêm: Những thắc mắc về bệnh viêm tủy xương thường gặp

5. Các biện pháp điều trị viêm cân gan bàn chân

Khi có các dấu hiệu của bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán bệnh. Việc chẩn đoán viêm cân gan bàn chân cần dựa trên triệu chứng lâm sàng cũng như một số hình ảnh xét nghiệm chuyên khoa như chụp x-quang, chụp MRI, chụp CT,… Đồng thời, viêm cân gan bàn chân cũng cần được chẩn đoán với các bệnh lý có triệu chứng tương tự như viêm xương, viêm bao hoạt dịch gân gót, viêm khớp, chấn thương xương gót,…

Sau khi đã xác định chính xác bệnh lý cũng như mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Thông thường, bệnh viêm cân gan bàn chân có thể phục hồi sau khoảng 2-4 tháng điều trị bảo tồn. Dưới đây là hướng dẫn điều trị bệnh bạn có thể tham khảo:

a. Sử dụng thuốc theo đơn kê

Hầu hết các trường hợp viêm cân gan bàn chân đều được bác sĩ kê đơn điều trị bằng thuốc Tây nhằm mục đích giảm viêm sưng và giảm đau, giúp cải thiện lại khả năng vận động của người bệnh. Được sử dụng phổ biến nhất là nhóm thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Aspirin, Naproxen sodium,…

Với những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ xem xét và yêu cầu tiêm trực tiếp thuốc steroid vào vùng đau nhức. Thuốc tiêm mang lại hiệu quả chống viêm và giảm đau rất mạnh, chỉ nên thực hiện với những trường hợp không đáp ứng điều trị với thuốc chống viêm đường uống.

b. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu thường được chỉ định thực hiện kết hợp với dùng thuốc Tây y giúp tăng hiệu quả giảm viêm đau và cải thiện chức năng vận động. Thông thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện một số bài tập trong vậy lý trị liệu để kéo căng gân Achilles và cơ bắp. Điều này sẽ mang lại hiệu quả tăng cường chức năng cơ bắp chân và giảm đau nhức. Ngoài ra, người bệnh còn được bác sĩ hướng dẫn băng bó thể thao giúp hỗ trợ phần dưới bàn chân và ngăn ngừa tổn thương tiếp tục diễn ra.

Với những trường hợp bệnh nặng không đáp ứng điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ xem xét và yêu cầu thực hiện điều trị bằng phương pháp sóng xung kích ngoài cơ thể. Phương pháp trị bệnh này được tiến hành bằng cách sử dụng sóng âm thanh tác động vào vùng gót chân để kích thích chữa lành tổn thương tại đây và cải thiện triệu chứng của bệnh.

c. Can thiệp ngoại khoa

Phẫu thuật thường được chỉ định thực hiện cuối cùng khi mà tất cả phương pháp điều trị ở trên đều không mang lại hiệu quả tích cực. Thông thường, phẫu thuật sẽ được thực hiện với những trường hợp bệnh gây tổn thương nghiêm trọng đến cơ bàn chân và không thuyên giảm sau 6 tháng điều trị bằng phương pháp bảo tồn. Dựa vào mức độ bệnh trạng của mỗi người mà bác sĩ sẽ yêu cầu mổ nội soi hoặc mổ hở.

Mổ nội soi ít xâm lấn nên ít gây đau đớn và thời gian phục hồi nhanh nên được áp dụng phổ biến hiện nay. Với những trường hợp bệnh nặng không thể mổ nội soi thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ hở. Tuy nhiên, phương pháp trị bệnh này tồn tại rất nhiều nhược điểm như can thiệp nhiều và sâu, gây đau nhức nhiều sau phẫu thuật, thời gian phục hồi lâu và dễ biến chứng.

d. Hỗ trợ điều trị tại nhà

Bên cạnh việc thực hiện điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cũng có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục. Cụ thể là:

- Sử dụng nẹp chỉnh hình giúp phân bổ áp lực từ trọng lượng cơ thể lên đều hai chân. Khi bạn đứng hoặc thực hiện các hoạt động sống hàng ngày sẽ tránh tình trạng gây căng thẳng quá độ ở một bên chân.

- Vào buổi tối trước khi đi ngủ, bạn nên sử dụng thanh nẹp cố định bắp chân và vòm chân trong suốt khoảng thời gian ngủ. Cách này có tác dụng giữ cho gân Achilles và cơ bắp chân được kéo dài suốt đêm, từ đó triệu chứng đau nhức cũng dẫn thuyên giảm.

- Khi cơn đau khởi phát, bạn cũng có thể tiến hành chườm đá lên vùng đau nhức để cải thiện. Nhiệt độ lạnh từ đá sẽ làm tê liệt rễ thần kinh, mang lại hiệu quả giảm viêm sưng và đau nhức. Bạn có thể thực hiện cách trị bệnh này từ 3 - 4 lần/ngày mỗi khi cơn đau khởi phát.

- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi sẽ giúp làm dịu cơn đau khá hiệu quả. Nếu bạn cố gắng vận động sẽ gây áp lực lên bàn chân và khiến cơn đau trở nên ngày càng tồi tệ hơn.

- Nên sử dụng giày hỗ trợ để hạn chế tiếp tục gây tổn thương đến bàn chân. Hãy sử dụng giày có kích thước vừa vặn, có đế mềm hoặc miếng lót dày, độ cao vừa phải. Tuyệt đối không đi chân trần hoặc sử dụng giày dép có đế cứng.

Trong suốt quá trình điều trị bệnh viêm cân gan bàn chân, bạn cần tiến hành tái khám đều đặn 2 tuần/lần. Cách này giúp bác sĩ đánh giá được mức độ đáp ứng điều trị của cơ thể để có thể điều chỉnh lại phác đồ sao cho phù hợp. Trong quá trình áp dụng, nếu có triệu chứng bất thường thì bác sĩ sẽ thay đổi phác đồ điều trị khác thích hợp hơn.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X