Vì sao người lớn cũng cần tiêm ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà?
Bạch hầu, uốn ván, ho gà là 3 căn bệnh bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho cả trẻ em và người lớn, thậm chí gây tử vong. Lịch tiêm ngừa và tiêm nhắc lại ở người lớn như thế nào? Tất cả được TS.BS Võ Hồng Minh Công - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định giải đáp trong bài viết sau.
1. Người lớn nên tham gia tiêm chủng ngừa bạch hầu - uống ván - ho gà để tránh lây cho trẻ
Hiện nay bệnh bạch hầu và ho gà của người lớn có phổ biến? Thường tập trung ở những vùng miền nào, thưa BS?
TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Từ năm 1981, Việt Nam đã thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng. Từ đó đến nay, chương trình tiêm ngừa bạch hầu - uống ván - ho gà đã diễn ra rất thành công, và phần lớn đã khống chế được vấn đề này.
Tuy nhiên, một số người lớn chưa quan tâm đến vấn đề tiêm ngừa bạch hầu - uống ván - ho gà, do đó trong thời gian qua còn một số tỉnh vẫn bùng phát bệnh bạch hầu. Ví dụ năm 2020 có tình trạng tăng bệnh bạch hầu ở tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông, nhưng ngay sau đó kế hoạch phòng chống dịch đã được triển khai tốt và dập được dịch bệnh.
Hiện tay 3 dịch bệnh bạch hầu - uống ván - ho gà xảy ra ở mọi vùng miền và mọi lứa tuổi nhưng tập trung nhiều ở vùng Tây Nguyên. Vì vậy cần biết được thông tin vùng đó còn dịch hay không và có phương pháp phòng ngừa ngay từ đầu.
Đối với tình trạng bùng phát dịch lây lan cũng nên có chế độ và thực hiện tiêm chủng mở rộng cho các em bé nhỏ hơn 2 tuổi. Đồng thời có một chương trình tiêm chủng phòng ngừa cho người lớn, vì nếu người lớn không phòng ngừa và tiêm chủng, khi mắc bệnh rất dễ lây cho trẻ em.
Đối với ho gà là một bệnh cấp tính và có thể gây ra đại dịch. Đến năm 2013, tỷ lệ ho gà chỉ còn 0.06/100.000 dân. Đến 2014, sau khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ nhiễm giảm gấp 249 lần so với trước khi tiêm chủng mở rộng.
Khuyến cáo người dân, là người lớn phải có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình, cộng đồng, do đó cần quan tâm đến vấn đề tiêm ngừa cho người lớn để hạn chế lây nhiễm cho con em trong gia đình.
2. Có mấy cách tiêm ngừa dự phòng uốn ván?
Ai cần tiêm ngừa vắc xin dự phòng uống ván dù chưa gặp sự cố tai nạn nào trước đó, thưa BS?
TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Có hai loại tiêm ngừa uống ván: một là tiêm ngừa chủ động gọi là vắc xin; hai là chích ngừa SAT là huyết thanh chứa kháng thể được tạo sẵn tiêm vào cơ thể. Khi gặp các tai nạn như đạp đinh, tai nạn giao thông… sự cố ngoài đường, ngoài đất có thể khiến vi khuẩn uống ván (tetanus) xâm nhập vào cơ thể. Với tất cả các trường hợp trên, khi vào cơ sở y tế đều được chăm sóc vết thương và trong quá trình đó bác sĩ sẽ chích thêm huyết thanh SAT - một miễn dịch thụ động để trung hòa kháng nguyên nếu vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân. Còn trường hợp tiêm miễn dịch chủ động (vắc xin) là dùng độc tố của vi khuẩn uốn ván tiêm vào cơ thể, từ đó cơ thể tự tạo ra kháng thể để chống lại vi khuẩn uốn ván.
Như vậy, đối với người lớn đã có đạp đinh khi vào cơ sở y tế, ngoài tiêm SAT, bệnh nhân nên tiêm thêm vắc xin ngừa uốn ván. Đối với những người tiêm đủ liều từ nhỏ đã trên 10 năm thì nên chích thêm vắc xin ngừa uốn ván để tạo ra kháng thể để chống lại loại vi khuẩn này.
3. Trường hợp nào người lớn cần tiêm ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà?
Ngoài trẻ em, những ai nên tiêm ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà, thưa BS?
TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đối với trẻ em sau sinh từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 6 sẽ tiêm ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà. Còn đối với trẻ 11-12 tuổi cần tiêm nhắc lại, và sau đó tiêm nhắc lại mỗi 4-6 năm.
Ngoài ra, một số nhóm người cần tiêm ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà bao gồm: phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hoặc phụ nữ có thai; người làm công việc vệ sinh môi trường như công nhân dọn rác, làm ở cống, rãnh…; người công nhân làm trong môi trường chăm sóc vật nuôi, nên tiêm chủng; một nhóm người đặc biệt là bộ đội và thanh niên xung phong, vì nhóm người này luôn giúp đỡ người dân mọi lúc, mọi nơi nên rất dễ phơi nhiễm.
Những nhóm người này cần tiêm ngừa nhắc lại bạch hầu - uốn ván - ho gà nếu trước đây đã tiêm đủ, còn nếu chưa tiêm cần thực hiện tiêm ngừa để tạo ra kháng thể chủ động trong phòng ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà.
4. Phân biệt vắc xin ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà cho trẻ em và người lớn
Vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà tiêm nhắc lại có khác gì so với vắc xin tiêm cho trẻ em, thưa BS?
TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Hiện nay vắc xin tiêm ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà có hai loại là TDap và DTap. Trong đó TDap dành cho trẻ em dưới 7 tuổi, còn DTap áp dụng cho người từ 7 tuổi trở lên. Như vậy hai vắc xin này đều tạo ra miễn dịch chủ động cho cơ thể.
5. Người đã tiêm đủ vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà có cần tiêm nhắc lại khi gặp sự cố?
Người đã tiêm nhắc lại đầy đủ vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà, nếu trong cuộc sống hàng ngày không mau họ giẫm phải đinh hay sự cố tai nạn cần tiêm uốn ván thì có cần tiêm nhắc lại một lần nữa hay không, thưa BS?
TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Đối với những người đã tiêm đủ vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà, sau đó không may đạp phải đinh hoặc tai nạn giao thông, những nhóm người này cần tiêm huyết thanh SAT để trung hòa kháng nguyên sẽ xâm nhập trong lúc tai nạn hay lúc đạp đinh.
Trường hợp những nhóm người trên đã tiêm vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà trên 10 năm cũng nên tiêm nhắc lại.
Còn đối với người quên đi chích hoặc không biết đã chích bao lâu cũng nên tiêm ngừa lại sau khi đạp đinh hoặc tai nạn giao thông để giúp tạo ra kháng thể, bảo vệ trước các tác nhân có thể xâm nhập vào cơ thể.
Tuy nhiên đối với tiêm ngừa, cơ thể có hệ thống miễn dịch trí nhớ là tế bào lympho P và T, khi tiêm các kháng nguyên vào thì hai tế bào sẽ nhớ loại vi trùng đó. Nếu loại vi trùng này xâm nhập vào cơ thể, hai tế bào lympho P và T sẽ nhận diện và huy động và đưa đến vùng tổn thương để chống lại vi trùng gây hại.
6. Không tiêm ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà đầy đủ sẽ nguy hiểm tính mạng
Với những người không tiêm nhắc lại, không tiêm ngừa đầy đủ, nếu không may mắc bệnh thì việc thăm khám và điều trị sẽ gặp phải những khó khăn gì ạ?
TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Đối với nhóm người không tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, trường hợp mắc các bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà, nghĩa là đã gây ra tình trạng bệnh. Bên cạnh đó nếu bệnh nhân kèm theo tình trạng suy giảm miễn dịch hay cơ địa trên bệnh nền mạn tính thì bệnh sẽ nặng hơn, điều trị khó khăn.
Trong khi đó hiện nay đã có thuốc tiêm ngừa, vì vậy nên chích ngừa để dự phòng các biến cố xảy ra, bệnh trở nặng, tốn kém chi phí và nguy hiểm tính mạng.
7. Tiêm nhắc lại uốn ván - bạch hầu - ho gà mỗi 5-10 năm để tăng lượng kháng thể
Sau khi tiêm, nhiều người không biết cơ thể đã tạo đủ kháng thể hay chưa, làm cách nào để biết được điều đó, thưa BS?
TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Khi tiêm ngừa có thể đã tạo ra kháng thể và có thể thực hiện xét nghiệm để biết kháng thể có nhiều hay ít. Tuy nhiên một số bệnh lý không cần thiết phải kiểm tra kháng thể, ví dụ như viêm gan A, uốn ván - bạch hầu - ho gà, khi cơ thể đã tạo ra kháng thể cùng trí nhớ miễn dịch, nếu gặp phải các tình huống cần tiếp xúc với những loại vi khuẩn này thì cơ thể đã có khả năng tự chống lại.
Tuy nhiên, kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian, do đó cần tiêm nhắc lại thì uốn ván - bạch hầu - ho gà không cần làm xét nghiệm để kiểm tra kháng thể, chỉ cần tiêm nhắc lại mỗi 5-10 năm để giúp cơ thể có nhiều kháng thể hơn.
8. Tầm quan trọng của tiêm ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà
Nhờ BS nhấn mạnh việc tiêm phòng vắc xin uốn ván - bạch hầu - ho gà quan trọng thế nào ạ?
TS.BS Võ Hồng Minh Công trả lời: Tiêm phòng ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà cho trẻ em và người lớn rất quan trọng:
Thứ nhất, giảm tỷ lệ nhiễm và tử vong.
Thứ hai, giảm vấn đề lây nhiễm trẻ em, đặc biệt là trong gia đình có em bé.
Thứ ba, tạo ra miễn dịch cộng đồng, khi tiêm ngừa cho >95% dân số sẽ tạo ra được miễn dịch cộng đồng, giúp bảo vệ người dân chống lại dịch bệnh.
Thứ tư, nếu không may mắc bệnh, chính miễn dịch có trong cơ thể sẽ ức chế sự phát triển của bệnh, giúp giảm chi phí và thời gian điều trị, sức khỏe tốt hơn, từ đó làm việc hiệu quả và cuộc sống hạnh phúc hơn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình