Vì sao không nên ăn bưởi khi uống thuốc?
Bưởi có vị vừa chua, vừa ngọt, lại vừa đắng..., là trái cây dồi dào vitamin C, chất xơ, ít năng lượng, thích hợp cho chế độ ăn uống để giảm cân mà vẫn thoả mãn khẩu vị chua ngọt và mặn.
Bưởi có thể làm hạ cholesterol huyết, nhưng cũng chính bưởi làm giảm hoạt tính của thuốc hạ cholesterol và nhiều loại thuốc khác nữa.
Bưởi làm tăng nồng độ thuốc trong máu
Thuốc (uống) được hấp thu ở ruột non, đi qua tĩnh mạch cửa vào gan, sau đó theo máu đi khắp cơ thể. Ngay tại lớp tế bào biểu bì của ruột non, một phần thuốc được chuyển hoá thành những chất khác, để rồi bị loại bỏ ra khỏi cơ thể như một hình thức giải độc. Gan cũng có chức năng chuyển hoá để giải độc tương tự, nếu cần. Như vậy, lượng thuốc thực sự đi vào máu để trị bệnh bị sụt giảm so với lượng thuốc chúng ta uống vào.
Bưởi có thể làm hạ cholesterol huyết, nhưng cũng chính bưởi làm giảm hoạt tính của thuốc hạ cholesterol và nhiều loại thuốc khác nữa.
Việc chuyển hoá giải độc này xảy ra với sự xúc tác của các enzyme có tên là CYPs (*). Nói cách khác, chính do enzyme CYPs này mà nồng độ thuốc trong máu giảm xuống. Các loại thuốc khi được thử lâm sàng, cũng dựa vào mức thuốc còn lại trong máu.
Trong bưởi lại có các hợp chất furanocoumarines. Những chất này ức chế hoạt động của enzyme CYPs, nên việc chuyển hoá giải độc để loại thải bị hạn chế. Hậu quả là nồng độ thuốc trong máu tăng cao so với dự tính và gây ra các phản ứng phụ bất lợi cho sức khoẻ, tương tự như dùng quá liều thuốc.
Các nghiên cứu cho thấy, bưởi có thể làm tăng nồng độ thuốc trong máu của hơn 85 loại thuốc. Các loại thuốc sau đây được xác nhận là bị ảnh hưởng do bưởi:
- Thuốc trị cao mỡ máu (cholesterol) thuộc loại statins như Atorvastatin (Lipitor) Lovastatin (Mevacor), Simvastatin (Zocor)… mà phản ứng phụ có thể gây đau cơ.
- Thuốc trị cao huyết áp: đa số các loại thuốc cao huyết áp đều không bị ảnh hưởng do tiêu thụ bưởi. Tuy nhiên, vài loại thuốc huyết áp sau đây bị ảnh hưởng: Felodipine, Nifedipine (Procardia), Losartan (Cozaar), Eplerenone (Inspra). Hậu quả là không kiểm soát được mức huyết áp mong muốn, tuỳ thuộc vào cơ chế hạ huyết áp của thuốc.
- Thuốc ổn định nhịp tim: một vài loại thuốc như Amiodarone, Dronedarone… bị ảnh hưởng do bưởi và làm thay đổi nhịp tim bất thường.
- Thuốc chống nhiễm khuẩn như Erythromycin, Rilpivirine, Primaquine, Albendazole cũng bị ảnh hưởng do bưởi, gây rối loạn nhịp tim.
Một số loại thuốc khác như thuốc làm loãng máu (Apixaban, Rivaroxaban…), các loại thuốc chống trầm cảm như Valium, Triazolam…, thậm chí thuốc làm giảm rối loạn cương dương như Viagra, Cialis… cũng bị ảnh hưởng do bưởi.
Bưởi tây hay bưởi ta đều ảnh hưởng đến thuốc
Các tài liệu về tương tác giữa thuốc và bưởi đều dùng chữ grapefruit để chỉ “bưởi”, nhưng grapefruit thực ra là loại trái cây lai giống tự nhiên giữa bưởi (ta) và cam, trái nhỏ hơn bưởi ta, và thường kết thành từng chùm. Còn bưởi ta gọi là pomelo.
Cả hai loại bưởi tây (grapefruit) hay bưởi ta (pomelo) đều thuộc họ cam chanh (citrus) và đều có hiệu ứng tương tác với thuốc. Tuy nhiên, không phải tất cả loại trái cây họ cam chanh đều gây hiệu ứng bất lợi này, chẳng hạn cam và chanh lại không bị “chiếu tướng” như bưởi.
Việc phát hiện bưởi gây tương tác thuốc còn quá mới nên khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng thêm với nhiều loại thuốc và các loại trái cây khác.
Thời gian ức chế enzyme CYPs của furanocoumarines có thể kéo dài vài ba ngày, do đó ăn bưởi hay uống nước ép bưởi trước, đồng thời hoặc sau khi uống thuốc đều có thể bị ảnh hưởng.
Nếu thèm bưởi, mà nhịn không nổi, bạn nên tham khảo bác sĩ để đổi loại thuốc khác thích hợp với cơn thèm của mình. Nhưng tốt nhất là không nên ăn bưởi khi uống thuốc.
Theo Dân Việt
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình