Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao ăn hải sản bị dị ứng, dấu hiệu nào cần nhập viện ngay?

Bạn là "fan" của hải sản - tôm, cua, ghẹ, cá, ốc... nhưng tiếc nỗi hễ ăn vào là nổi mẩn, dị ứng. Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao ăn hải sản lại bị dị ứng? Dấu hiệu nào cho thấy bạn cần nhập viện ngay? Những lời khuyên từ TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y sinh học Phân tử, Trường ĐH Y dược TPHCM dưới đây sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn.

1. Vì sao cơ thể bị dị ứng khi ăn hải sản?

Thưa BS, dị ứng hải sản là tình trạng khá nhiều người gặp. Có phải trong hải sản chứa chất gì dễ gây dị ứng không ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hải sản là một trong những dị nguyên thường gặp của bệnh nhân người Việt Nam, kể cả ở trẻ em và người lớn.

Trên thực tế, không phải ai ăn hải sản vào cũng bị dị ứng. Dị ứng với hải sản được chia thành 2 trường hợp:

  • Bệnh nhân bị dị ứng thật sự với hải sản: Khi ăn hải sản sẽ xuất hiện các triệu chứng dị ứng.
  • Bệnh nhân bị dị ứng do ăn phải thực phẩm bị chuyển hoá: Những hải sản không được bảo quản đúng cách sẽ sinh ra histidine. Khi con người ăn những thực phẩm này, histidine vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành histamin gây ra những triệu chứng dị ứng. Do đó, khi bệnh nhân ăn hải sản thì có thể có hoặc không xuất hiện triệu chứng dị ứng.

Hải sản bao gồm nhiều loài khác nhau như: giáp xác, cá, ốc,… Mỗi loại sẽ có protein đặc trưng riêng, được gọi là dị nguyên, chẳng hạn như: tropomyosin, là thành phần gây nên dị ứng ở bệnh nhân. Bên cạnh protein, hải sản còn chứa nhiều loại ký sinh trùng (ví dụ: Anisakis). Do đó, đôi khi bệnh nhân không dị ứng với hải sản mà có thể dị ứng với ký sinh trùng.

Là một bác sĩ trẻ nhưng không kém phần năng động, TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để mang đến những điều tốt nhất cho người bệnh.

2. "Dị ứng hải sản" có cần kiêng tất cả các loại hải sản?

Thưa BS, có phải người bị dị ứng hải sản là sẽ dị ứng với tất cả các loại hải sản không, hay vẫn có vài loại họ vẫn ăn được, thưa BS?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hải sản có thể chia ra thành các loại cá, giáp xác (tôm, cua, ghẹ,…), nhuyễn thể (ốc). Người ta thấy rằng, thường sẽ có những phản ứng chéo các loại hải sản trong cùng một nhóm. Ví dụ, bệnh nhân dị ứng với loại cá này, thì có thể dị ứng chéo với loại cá khác nhưng lại ít dị ứng với các loài giáp xác (tôm, cua). Do đó, bệnh nhân bị dị ứng với hải sản cần khoanh vùng tác nhân gây dị ứng. Nếu như chỉ dị ứng với 1 trong 3 nhóm (cá, giáp xác, nhuyễn thể) thì bệnh nhân có thể tiêu thụ các loại thực phẩm khác bình thường.

>>> Dị ứng khi thời tiết thay đổi, xử trí thế nào?

3. Người dị ứng hải sản dễ bị dị ứng với những thứ gì khác?

Xin BS cho biết: người bị dị ứng hải sản có dễ bị dị ứng thêm với thứ gì khác không?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đối với loài giáp xác và nhuyễn thể, người ta thấy có một thành phần protein đặc biệt tên là tropomyosin. Tropomyosin không chỉ tồn tại trong loài giáp xác, nhuyễn thể mà còn tồn tại trong một số dị nguyên khác như phân gián, phân của mạc bụi nhà -  thường là những thủ phạm gây nên triệu chứng về đường hô hấp như viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn. Do đó, những người bị các bệnh lý này khi ăn tôm, cua, một số loại ốc có thể có triệu chứng dị ứng.

Với cá, hiện chỉ có những bằng chứng ghi nhận bệnh nhân dị ứng các loại cá trong cùng một hội giống nhau và chưa có trường hợp người dị ứng cá có dị ứng chéo với những loại thức ăn khác.

4. Lúc nhỏ bình thường, lớn lên dị ứng hải sản, tại sao?

Có trường hợp nào, từ nhỏ không bị dị ứng hải sản nhưng đến tuổi trưởng thành đột nhiên bị không ạ? BS có thể giải thích vì sao lại có hiện tượng này (nhỏ không bị - lớn mới bị)?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Tình huống này thường xảy ra với người thường xuyên tiếp xúc với hải sản, khi nhỏ thì không nhưng lớn lên lại dị ứng. Đây là đặc điểm của bệnh lý dị ứng. Bệnh lý xảy ra do quá trình tích tụ mẫn cảm với dị nguyên. Nghĩa là trong lần đầu tiên tiếp xúc với dị nguyên, cơ thể sẽ bắt đầu ghi nhớ dị nguyên và tạo ra kháng thể chống lại dị nguyên đó nhưng kháng thể sinh ra vẫn còn rất ít.

Khi người bệnh lớn lên dần, càng tiếp xúc với dị nguyên đó nhiều lần thì lượng kháng thể càng sinh ra nhiều hơn. Đến một lúc nào đó, khi bệnh nhân tiếp xúc hải sản, lượng kháng thể đủ nhiều để gây nên triệu chứng dị ứng. Đó là lý do tại sao một số người lúc nhỏ không bị gì nhưng sau quá trình tiếp xúc lâu dài, ăn nhiều hải sản hơn, hoặc làm trong ngành chế biến thuỷ hải sản thì xuất hiện triệu chứng dị ứng.

>>> Dị ứng đường hô hấp ngoài hắt hơi, sổ mũi còn triệu chứng gì nữa?

5. Người dị ứng hải sản có tự hết?

Như vậy, liệu có trường hợp một người bị dị ứng hải sản, đến một ngày đẹp trời nào đó, tự nhiên hết bị dị ứng hải sản không, thưa BS?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Trường hợp trước này có thể xảy ra đối với người bị dị ứng thức ăn. Đây được gọi là giải mẫn cảm với dị nguyên thức ăn. Điều này tùy vào loại thức ăn mà bệnh nhân dị ứng. Chẳng hạn bệnh nhân bị dị ứng với sữa bò, người ta nhận thấy rằng sữa bò thường gây dị ứng ở trẻ nhỏ nhưng khi trẻ lớn lên (> 5 tuổi) thì tỷ lệ dị ứng giảm đi, khả năng dung nạp sữa bò tăng lên và trẻ không còn bị dị ứng sữa bò nữa. Tương tự, trẻ bị dị ứng với trứng gà cũng có thể hết dị ứng khi lớn lên.

Tuy nhiên, tình huống này không xảy ra với người bị dị ứng với hải sản. Người ta thấy rằng, khả năng tự giải mẫn cảm của cơ thể, nghĩa là khả năng tự dung nạp hải sản của bệnh nhân dị ứng không cao. Do vậy, nếu chúng ta dị ứng với hải sản từ lúc nhỏ thì lớn lên vẫn sẽ dị ứng.

6. Dị ứng hải sản, khi nào cần nhập viện?

Biểu hiện thường gặp nhất khi bị dị ứng hải sản là gì? Có phải hễ xảy ra dị ứng là bệnh nhân lập tức phải đến bệnh viện không ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Để phân biệt biểu hiện dị ứng hải sản cần cấp cứu ngay, chúng ta có thể chia thành 2 nhóm:

Nhiễm độc với thức ăn - mất dung nạp hải sản do rối loạn chuyển hóa khi ăn hải sản lâu ngày: Trong những trường hợp này, bệnh nhân nên ngưng ăn hải sản và nên đến bệnh viện để có những điều trị thích hợp.
Dị ứng hải sản thật sự: Có 2 biểu hiện lâm sàng chính:
- Nhóm có biểu hiện khởi phát sớm: Đối tượng này ngay sau khi ăn hải sản trong vòng vài phút đến dưới 2 giờ sẽ có triệu chứng xảy ra rất nhiều, ồ ạt.

  • Nếu triệu chứng dị ứng xảy ra ở đường hô hấp có thể gây hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, thậm chí khó thở, khò khè (tình trạng cần cấp cứu).
  • Nếu triệu chứng xảy ra ở đường tiêu hóa, bệnh nhân có thể cảm thấy đau bụng hoặc tiêu chảy.
  • Nếu triệu chứng xảy ra ngoài da, ngay sau khi ăn hoặc cầm hải sản thì da sẽ xuất hiện mề đay, sưng phù ở mô liên kết (xung quanh mắt, môi).
  • Thậm chí, bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ - dị ứng thầm lặng. Theo đó, người bệnh sẽ có cảm giác khó thở, có những triệu chứng ngoài da, tim đập nhanh, sốc, ngưng tim, ngưng thở và cần được cấp cứu kịp thời. Khi thấy bệnh nhân có triệu chứng nặng này, người thân cần thực hiện sơ cứu bằng Adrenalin hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức. Trong những trường hợp nhẹ hơn thì có thể trì hoãn.

- Nhóm biểu hiện triệu chứng muộn: Biểu hiện dị ứng thông qua viêm da cơ địa như: da xuất hiện các sang thương da, khô, ngứa kéo dài một thời gian và không xảy ra rầm rộ. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể có những biểu hiện như viêm thực quản, tăng bạch cầu ái toan, viêm dạ dày, viêm đại tràng. Nếu nghi ngờ, bệnh nhân có thể đến bệnh viện chuyên khoa để thăm khám.

7. Cần lưu ý gì khi lựa chọn thực phẩm để tránh dị ứng?

Để tránh bị dị ứng hải sản, chúng ta cần lưu ý gì khi lựa chọn thực phẩm, nhờ BS hướng dẫn?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hải sản có rất nhiều loại, để lựa chọn thực phẩm an toàn, chúng ta nên lưu ý hải sản nào là hải gây nên triệu chứng dị ứng cho mình để tránh. Ví dụ, người bị dị ứng với tôm nên cẩn thận khi mua tôm càng, cua, ghẹ - những loại hải sản cùng nhóm giáp xác.

Bên cạnh đó, nếu trong gia đình có một người bị dị ứng với hải sản, khi chế thức ăn, chúng ta nên dùng dụng cụ bếp riêng (thớt, dao,…) để tránh sót lại thịt hải sản qua phần ăn của người bị dị ứng.

8. Uống mật ong, nước chanh giúp cải thiện dị ứng?

Câu hỏi đầu tiên của bạn Lộc Bá có hỏi rằng: “Thưa BS, tôi nghe người quen ở vùng biển chia sẻ kinh nghiệm là bị dị ứng hải sản mức độ nhẹ có thể uống mật ong hay uống nước chanh là đỡ ngay, họ nói là do có vitamin nên sẽ cải thiện dị ứng. Nhưng tôi không hiểu vitamin giúp ích gì được cho tình trạng dị ứng, tôi tưởng chỉ có thuốc kháng histamin mới giúp được? BS có thể giải thích giúp tôi không ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Nhiều người cho rằng người bị dị ứng nếu uống mật ong, nước chanh hoặc uống vitamin C thì sẽ cải thiện triệu chứng. Mật ong có tính kháng viêm nhẹ nên thường được dùng để điều trị ho. Tuy nhiên, mật ong và nước chanh không thể giúp triệu chứng dị ứng.

Trong những nghiên cứu dùng mật ong và nước chanh điều trị dị ứng thấy rằng, việc này không có tính lặp lại. Nghĩa là với một số người, dùng cách uống mật ong, nước chanh đem lại hiệu quả nhưng đa số thì không. Do đó, BS vẫn khuyến cáo đối với bệnh nhân dị ứng rằng, nếu dùng mật ong và nước chanh có thể làm cải thiện tình trạng triệu chứng, giúp đỡ ngứa họng hoặc cảm thấy thoải mái hơn thì bệnh nhân vẫn có thể dùng. Tuy nhiên, nếu có những triệu chứng không kiểm soát được thì vẫn nên gặp BS để điều trị cho hợp lý.

9. Uống thuốc chống dị ứng trước khi ăn hải sản, có ngăn ngừa được dị ứng hải sản?

Đọc giả Minh Nhiên có hỏi rằng: “Em là trường hợp hồi nhỏ không bị dị ứng hải sản nhưng lớn mới bị. Nếu em thèm hải sản quá, có thể uống thuốc chống dị ứng trước rồi ăn một chút ít, có được không BS ơi?”

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Như đã chia sẻ, nếu bạn thuộc nhóm người dị ứng với hải sản có biểu hiện lâm sàng sớm, thậm chí có thể bị sốc phản vệ thì nếu có uống thuốc histamin trước cũng không thể cứu được. Vì vậy, bạn cần nên cân nhắc vấn đề này.

Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có thể ăn hải sản được. Do đó, bạn cần phải biết mình đang dị ứng với loại hải sản gì. Nếu bạn không ăn được loại hải sản này thì vẫn có thể ăn những loại hải sản khác. Ví dụ, nếu chúng ta dị ứng với tôm sú thì không nên thử ăn tôm càng mà có thể ăn thử cá.

10. Người dị ứng hải sản có được ăn snack vị tôm?

Nhóc Kute: BS ơi, con bị dị ứng với tôm và cá biển. Con băn khoăn là con có ăn được snack tôm hay không? Tại vì mì tôm con ăn được không sao cả. Vậy con ăn snack tôm được không BS?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Thật ra mì tôm được làm từ bột mì, chỉ có phần gia vị đôi khi sẽ chứa tôm thôi và chúng ta cũng không biết thành phần tôm trong đó là bao nhiêu nên có thể bạn ăn mì tôm cũng không bị dị ứng.

Tương tự, trong snack tôm, thành phần tôm cũng khá ít. Theo đó, để an toàn, nếu chúng ta nghi ngờ mình bị dị ứng tôm cũng nên khám bệnh trước để xác định xem mình thực sự dị ứng không.

Hiện nay, đã có phương pháp rất đơn giản để biết thực sự mình có thực sự dị ứng với hải sản hay không. Theo đó, chúng ta sẽ đem loại sản mà nghi ngờ dị ứng đến bệnh viện, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim nhỏ đâm vào hải sản để lấy một phần dị nguyên trên đó rồi lẫy nhẹ trên da của mình. BS sẽ quan sát phản ứng trên da, nếu thấy một sẩn phù thì chứng tỏ bạn bị dị ứng thật sự, nếu không xảy ra phản ứng gì thì bạn không dị ứng với loại hải sản đó. Như vậy, bạn hoàn toàn có thể ăn hải sản thoải mái.

Trong trường hợp bạn thật sự dị ứng với tôm, vì không thể biết được hàm lượng tôm trong snack như thế nào, tốt nhất bạn nên chọn những loại snack an toàn chẳng hạn như snack khoai tây, snack vị bò…

11. Vì sao ăn hải sản sống dễ gây dị ứng hơn hải sản nấu chín?

Câu hỏi cuối cùng trong buổi trò chuyện ngày hôm nay của đọc giả Đức Nguyễn có hỏi rằng: “Thưa BS, tại sao ăn hải sản sống dễ gây dị ứng hơn hải sản nấu chín ạ? Và đối với hải sản đã nấu chín thì giữa hải sản tươi sống và hải sản đã chết rồi mới nấu thì loại nào dễ gây dị ứng hơn, thưa BS?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Những hải sản nào không được bảo quản đúng cách trước khi nấu đều sẽ có nguy cơ gây nên triệu chứng. Đối với người trước đây không bị dị ứng, nếu ăn trúng hải sản bảo quản không đúng cách thì sẽ có những chất gây nên những triệu chứng giống như phản ứng dị ứng. Vì vậy, dù chúng ta ăn hải sản sống hay chín đều như nhau.

Theo đó, chúng ta nên lựa chọn những loại hải sản có nguồn gốc đảm bảo và có quy trình bảo quản hợp lý, an toàn cho cơ thể trước khi tiêu thụ. Điều này sẽ tốt cho cả người dị ứng và không dị ứng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X