Hotline 24/7
08983-08983

Dị ứng đường hô hấp ngoài hắt hơi, sổ mũi còn triệu chứng gì nữa?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y sinh học phân tử, Đại học Y dược TPHCM giải thích vì sao có người ở trong nhà vẫn bị dị ứng đường hô hấp, ngoài hắt hơi, sổ mũi còn triệu chứng gì, cách phòng tránh dị ứng thế nào…

1. Vì sao số người bị dị ứng đường hô hấp ngày càng nhiều hơn?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Hiện nay, không chỉ có dị ứng đường hô hấp mà tỷ lệ dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc và dị ứng đường hô hấp cũng tăng lên. Cho đến nay, nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, bệnh lý hô hấp là căn bệnh có sự tương tác giữa yếu tố di truyền và các yếu tố từ môi trường.

Có một số giả thuyết là khi đi vào lối sống công nghiệp hóa, chúng ta có thay đổi về cách ăn uống: cách ăn uống của chúng ta giống với cách ăn của người phương Tây nhiều hơn. Nhiều sản phẩm chế biến sẵn dẫn đến sự thay đổi về sinh thái đường ruột. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nhiều, thay đổi về khí hậu. Có thể các nguyên nhân đó đã làm thay đổi yếu tố về di truyền, do đó bệnh lý về dị ứng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đó chỉ là giả thuyết.

2. Sao chỉ ở trong nhà, ít khi đi ra ngoài trời cũng bị dị ứng?

Thưa bác sĩ, mùa dịch này dù nhiều người không đi ra đường nhưng họ vẫn cảm thấy khó chịu. Có phải trong nhà cũng có các tác nhân gây dị ứng?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Thủ phạm gây dị ứng còn gọi là “dị nguyên”. Dị nguyên là các thành phần protein gây nên các triệu chứng ở bệnh nhân dị ứng. Những ai hít phải dị nguyên đó có thể mắc bệnh đường hô hấp.

Dị nguyên không chỉ tồn tại ngoài đường mà còn ở trong nhà. Các dị nguyên quan trọng trong nhà bao gồm mạt bụi nhà, đó là các vi sinh vật có kích thước rất nhỏ và chúng tồn tại trong các vỏ chăn và vỏ gối, quần áo và các nơi chúng ta không quét dọn trong nhiều ngày. Đó là môi trường thích hợp của mạt bụi nhà.

Mạt bụi nhà là nguyên nhân gây dị ứng quan trọng nhất ở bệnh nhân hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Một số người bị viêm kết mạc mắt.

Ngoài mạt bụi nhà, gián xuất hiện ở nơi ẩm ướt của nhà bếp, chúng ta cũng có dị nguyên từ nơi ẩm mốc như nấm mốc, rong rêu… Một số người có thể bị dị ứng với lông chó, lông mèo hoặc lông chuột. Trong nhà chúng ta cũng có một số dị nguyên tiềm ẩn.

3. Ngoài hắt hơi, sổ mũi, dị ứng đường hô hấp còn có thêm các triệu chứng gì?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Dị ứng đường hô hấp có thể có triệu chứng ở mắt, mũi hay phổi. Đối với người bị viêm kết mạc mắt dị ứng, sẽ có các triệu chứng ngứa mắt, chảy nước mắt, đỏ kết mạc mắt. Mũi chúng ta bị đỏ sẽ biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, nhảy mũi, chảy nước mũi.

Nếu chúng ta có triệu chứng ở dưới đường phổi, tình trạng tắc nghẽn phổi thường xảy ra ở bệnh nhân bị hen suyễn. Nếu bị dị ứng, bệnh nhân hen suyễn sẽ cảm thấy khó thở hoặc trẻ em sẽ thở khò khè. Đó là biểu hiện của dị ứng đường hô hấp ở các cơ quan.

4. Dị ứng đường hô hấp có gây hậu quả lâu dài không, có dẫn tới bệnh ung thư không?

Nếu không điều trị kịp thời, hậu quả và biến chứng là gì? Bệnh viêm đường hô hấp có gây ung thư hay không thưa BS?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Chúng ta sẽ chia câu hỏi thành hai ý, đầu tiên là các hậu quả lâu dài nếu không điều trị kịp thời.

  • Nếu bị viêm kết mạc mắt, nhưng ta không điều trị nó có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc đau mắt. Nặng hơn, nó sẽ gây sẹo giác mạc. Trường hợp đó chỉ xảy ra ở bệnh nhân không được kiểm soát tốt.
  • Nếu viêm mũi dị ứng không được điều trị ngay, nó sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: người bệnh sẽ không ngủ được hoặc có cảm giác bị nghẹt mũi về đêm. Đối với trẻ em, vòm họng có một số điểm bất thường trong cấu trúc xương hàm. Khi mũi bị nghẹt, chúng ta phải thở bằng miệng. Như vậy, nó sẽ gây nên ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Về lâu dài, nó sẽ gây nên viêm xoang mãn tính.
  • Nếu bệnh nhân hen suyễn không được kiểm soát tốt về đường hô hấp: hen suyễn sẽ rất nguy hiểm vì nó gây co thắt phế quản và khiến cho bệnh nhân khó thở, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Trong thời điểm dịch vừa qua, nó cũng khó khăn cho bệnh nhân đến bệnh viện vì TPHCM thực hiện giãn cách xã hội. Sau khi hết giai đoạn giãn cách, bệnh nhân có thể đến các bệnh viện có chuyên khoa dị ứng để được hỗ trợ và điều trị kịp thời.

Nguy cơ viêm đường hô hấp tiến triển thành ung thư vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Thông tin hiện tại vẫn còn đang trái chiều nhau, đa phần nghiên cứu cho rằng bệnh dị ứng không làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Thậm chí, một số nghiên cứu ở châu Âu cho thấy bệnh dị ứng giảm nguy cơ bị ung thư. Một nghiên cứu khác cho thấy hen suyễn có liên quan đến ung thư phổi. Do đó, đối với bệnh dị ứng bệnh nhân cần có kế hoạch để kiểm soát trước khi bị các biến chứng lâu dài.

5. Làm sao phân biệt được cảm lạnh và dị ứng đường hô hấp?

Nhiều người không phân biệt được cảm lạnh và dị ứng đường hô hấp vì họ cũng bị hắt hơi, sổ mũi. Xin bác sĩ chia sẻ để chúng ta có thể phân biệt rõ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và thông thường là do các con siêu vi, virus gây nên. Các triệu chứng thông thường như nóng, nhiệt độ tăng cao trên 38 độ C, sốt, đau họng, rối loạn tiêu hóa... Một số người có kèm theo hắt hơi, sổ mũi.

Nếu cảm lạnh do virus gây ra, bệnh sẽ không có tính chất lặp lại. Đối với bệnh dị ứng, nó sẽ có tính chất lặp lại nếu người bệnh tiếp xúc với dị nguyên đã gây bệnh trước đây nên người đó sẽ có triệu chứng tương tự như vậy.

Người bệnh sẽ không có những triệu chứng liên quan đến nhiễm trùng như không có cảm giác sốt, không nóng người, không đau họng hoặc các triệu chứng kích ức như hắt hơi, sổ mũi, ngứa họng, ngứa mắt, chảy nước mũi…

Trong trường hợp cảm thấy nghi ngờ, chúng ta phải tìm đến chuyên gia y tế để được hỗ trợ thêm.

6. Có phải bệnh đường hô hấp tái đi tái lại đều do dị ứng?

Theo BS, có phải hễ bệnh gì tái đi tái lại của đường hô hấp là phải nghĩ đến nguyên nhân dị ứng?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Nhận định “bệnh đường hô hấp tái đi tái lại đều do dị ứng” có phần đúng nhưng chưa đủ.

Như đã nói trong phần trước, dị ứng sẽ có tính chất lặp lại. Bệnh nào lặp lại sẽ làm cho bệnh nhân nghĩ sẽ là bệnh đó dị ứng hơn. Tuy nhiên, cần cân nhắc dị ứng là gì. Dị ứng có tính chất lặp lại, chúng ta đã biết quá rõ đó là do dị nguyên. Đối với tình trạng sốt có tái đi tái lại, nó lại liên quan đến bệnh suy giảm miễn dịch. Hoặc chúng ta có các triệu chứng đặc biệt hơn, nó liên quan đến bệnh lý hiếm gặp.

Do đó, nếu có tình trạng bệnh tái diễn, chúng ta nghĩ đến dị ứng nhưng cần có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn đó là dị ứng hay vấn đề khác.

7. Người bị dị ứng đường hô hấp cần làm gì để giảm bớt hắt hơi?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Để khắc phục tình trạng hắt hơi, ta cần biết nguyên nhân gây ra. Nếu mình nắm được phần đầu, mình sẽ xử lý được phần sau.

Chúng ta cần biết yếu tố nào gây ra bệnh lý dị ứng, hãy để ý triệu chứng của bản thân một chút. Dị ứng không phải lúc nào cũng xảy ra, chỉ khi mình gặp dị nguyên mới xảy ra, vậy dị nguyên đó là gì? Nói chung, chúng ta chú ý đến địa điểm, thời gian và các yếu tố tác động.

Chúng ta cần chú ý hắt hơi, sổ mũi xảy ra vào thời điểm nào trong ngày hoặc tiếp xúc với mùi hương gì, hay đến địa điểm nào. Chẳng hạn, có người ở nhà không sao nhưng đến cơ quan thì bị dị ứng hoặc ở cơ quan không gặp vấn đề gì nhưng về nhà bị.

Một số người bị triệu chứng khi họ vận động chẳng hạn như tập gym, đi bộ nhanh nhưng về nhà có triệu chứng khác lạ. Dùng thuốc kháng viêm giảm đau mua bên ngoài gây dị ứng, chúng ta để ý. Sau khi chúng ta “khoanh vùng” được các bệnh lý hay triệu chứng dị ứng của mình, bác sĩ sẽ công cụ tìm dị nguyên. Xét nghiệm tìm dị nguyên sẽ xác định dị nguyên thông qua da hay lấy máu để tìm kháng thể chỉ điểm gây ra tình trạng dị ứng.

Khi biết được dị nguyên là gì, chúng ta sẽ có cách phòng ngừa hợp lý, từ đó sẽ giảm triệu chứng bệnh.

8. Làm sao để để sống chung với dị ứng đường hô hấp mà ít triệu chứng?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Thứ nhất, chúng ta cần giữ cho bản thân tinh thần thoải mái. Lắng nghe cơ thể vì dị ứng không tự dưng xảy ra, chắc chắn có một dị nguyên nào đó. Cần xem lại hoàn cảnh dị ứng của bản thân. Dựa vào thông tin của người bệnh, đó sẽ là chìa khóa rất hữu hiệu để bác sĩ tìm ra được thủ phạm gây ra dị ứng cho bệnh nhân.

Điểm thứ hai, sau khi chúng ta có các yếu tố sơ hở về dị nguyên, cần liên lạc với bác sĩ chuyên khoa để tìm được nguyên nhân thích hợp. Sau đó, chúng ta cần kết nối với bác sĩ dị ứng và có chế độ dùng thuốc hiệu quả, cũng như thay đổi về môi trường phù hợp hơn để cải thiện bệnh của mình.

 

Trọng Dy (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X