Hotline 24/7
08983-08983

Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não và tử vong

Nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng là vấn đề không quá phổ biến, tuy nhiên, biến chứng của nó gây ra đối với người bệnh khi tấn công vào máu là nhiễm trùng huyết, hay nhiễm trùng màng não thậm trí tử vong. Vấn đề này được BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM đề cập trong bài viết dưới đây.

1. Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể gây nhiễm trùng huyết

Vi khuẩn tụ cầu vàng trú ngụ trong môi trường và sinh sống trên những bề mặt nào? Trẻ nhập viện vì tụ cầu vàng tại các bệnh viện nhi ra sao và căn bệnh này có thường gặp như nhiều người đang lo sợ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tụ cầu vàng trong y khoa được gọi là vi khuẩn Staphylococcus aureus, đây là loại vi khuẩn cổ điển, thường sống trên mặt da hoặc trong vùng mũi họng của những người lành mang trùng.

Dấu hiệu thường gặp nhất của Staphylococcus aureus là làm con người bị nhọt da, nhiễm trùng các vùng nhọt da này. Tùy mức độ khác nhau, có từ nhọt thông thường và có thể tấn công sâu vào máu gây nhiễm trùng máu.

Tuy nhiên, Staphylococcus aureus không thường gặp tại bệnh viện, chỉ là các ca nhỏ lẻ.

2. Vi khuẩn tụ cầu vàng xâm nhập cơ thể qua vết thương, đường hô hấp

Vi khuẩn tụ cầu vàng xâm nhập vào cơ thể qua những con đường nào? Một người nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng liệu có làm lây nhiễm qua người khác?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, người lành mang trùng sẽ gây lây qua người khác. Ví dụ, khi nói chuyện, vi khuẩn này ở trong họng văng qua vùng da trầy xước của người đối diện hoặc một người có vết thương trên da và tồn tại một con vi khuẩn Staphylococcus aureus trên da cũng có thể xâm nhập bằng qua vết thương này.

Bên cạnh đó Staphylococcus aureus có thể xâm nhập qua đường hô hấp gây viêm phổi, vào máu gây nhiễm trùng huyết, gây viêm khớp, tùy vào tổn thương. Còn việc lây từ người sang người rất ít khả năng xảy ra, chỉ lây từ chính bản thân người đó hoặc từ người lành mang trùng sang người khác.

3. Thức ăn ôi thiu, bảo quản không sạch dễ bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng

Nguy cơ vi khuẩn tụ cầu vàng trú ẩn trong thực phẩm có thể đi vào cơ thể qua đường ăn uống hay không? Nếu có, đâu là những loại thực phẩm dễ nhiễm loài vi khuẩn này nhất?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tụ cầu vàng là loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc thức ăn, khi ăn lượng lớn thực phẩm chứa vi khuẩn tụ cầu vàng có sẵn trong thức ăn, không gây nhiễm trùng nhiều nhưng sẽ gây nhiễm độc. Bởi vì, trong thực phẩm ôi thiu có rất nhiều vi khuẩn, hoặc trong chế biến, bị nhiễm chất bẩn vào thức ăn, có khả năng loài vi khuẩn này đã phát triển trong thức ăn trước đó, nghĩa là vi khuẩn nếu thấy thức ăn sẽ phát triển, không giống virus phải dựa vào cơ thể người hoặc cơ thể động vật để phát triển.

Khi phát triển trong thức ăn, con người ăn vào, vi khuẩn sẽ phát ra độc tố khiến con người bị ngộ độc thức ăn, nôn ói, tiêu chảy, sau đó tấn công vào cơ thể. Nếu ăn lượng thấp sẽ không thể gây ngộ độc thực phẩm, và thường thức ăn ôi thiu, thực phẩm bảo quản không sạch có khả năng nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng.

4. Trẻ em, người bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm tụ cầu vàng

Ai hay vùng nào có nguy cơ nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng cao hơn? Trẻ em thường bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng trong những trường hợp nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, tụ cầu vàng không xuất hiện theo vùng dịch tễ vì loài vi khuẩn này có rất nhiều trên da người, tùy sức đề kháng mà người đó có bị tấn công hay không.

Trẻ em dễ mắc tụ cầu vàng hơn người lớn vì sức đề kháng của trẻ thấp hơn, không có nhóm nhiễm theo vùng. Những người suy giảm miễn dịch như người lớn bị tiểu đường mạn tính sẽ dễ bị tấn công, đặc biệt là người mắc bệnh tiểu đường dễ mắc nhiễm trùng tụ cầu ngoài da.

5. Những biến chứng nguy hiểm do tụ cầu vàng gây ra

Những biến chứng nào có thể xảy ra khi nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, đặc biệt đối với trẻ em, điều này nguy hiểm nhất khi nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng là vấn đề gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Biến chứng nguy hiểm nhất của tụ cầu vàng là nhiễm trùng máu, có thể diễn tiến rất nhanh gây sốc nhiễm khuẩn, tử vong hoặc tổn thương phổi, một số dòng vi khuẩn mức độ tiết ra enzym kháng thuốc, gây áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, hay gây ra viêm khớp, thậm chí là viêm màng não. Đó là các bệnh cảnh rất nặng của tụ cầu vàng.

Nhìn chung, tụ cầu vàng rất nguy hiểm, nếu chỉ nhiễm khuẩn ngoài da là bình thường nhưng khi tấn công vào máu, khả năng kháng thuốc, phát triển nhanh gây sốc, khiến các bác sĩ rất sợ nhiễm tụ cầu vàng.

6. Khó khăn trong điều trị vi khuẩn tụ cầu vàng

Những khó khăn, thách thức trong cuộc chiến nhiễm tụ cầu vàng là gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thứ nhất, đa số, tụ cầu vàng sẽ kháng thuốc, do đó, khi nhiễm tụ cầu vàng kháng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc mạnh hơn.

Thứ hai là phát hiện trễ, khi đó, vi khuẩn phát triển nhanh gây sốc, điều trị không kịp và có khả năng tử vong. Ngoài ra, nếu tấn công vào xương khớp, thời gian điều trị rất lâu, kéo dài từ 6-8 tuần để điều trị loài vi khuẩn này.

7. Tụ cầu vàng kháng thuốc cần sử dụng các loại kháng sinh mạnh hơn

Tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn tụ cầu vàng luôn được đề cập, hiện nay có những giải pháp nào nếu không may đối diện với vi khuẩn tụ cầu vàng?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi đối diện với vi khuẩn tụ cầu vàng, phải nghĩ đến việc vi khuẩn này kháng thuốc và phải sử dụng các loại kháng sinh mạnh như vancomycin, thậm chí là những loại kháng sinh cao hơn.

8. Tụ cầu vàng gây sốc điều trị rất khó

Nếu phát hiện sớm tụ cầu vàng, cơ hội điều trị sẽ thay đổi ra sao so với người phát hiện muộn, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi phát hiện sớm, việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Đối với vi khuẩn tụ cầu vàng, nếu phát hiện trễ, khả năng sốc đã có hoặc diễn tiến tới sốc. Nếu tụ cầu vàng làm sốc, việc điều trị rất khó, khả năng tử vong cao, tùy sức đề kháng và kháng sinh ngấm như thế nào và cơ quan tổn thương của bệnh nhân.

9. Những dấu hiệu sớm nhất cảnh báo nhiễm khuẩn tụ cầu vàng

Đâu là những dấu hiệu cảnh báo một người nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, trong đó, đâu là dấu hiệu điển hình và xuất hiện đầu tiên, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu tụ cầu vàng xuất hiện ở da sẽ thấy bệnh nhân nổi nhọt da, bị tổn thương phát ban quanh vùng nhọt, và các vùng khác, đặc biệt, bệnh nhân sốt cao, li bì, đó là dấu hiệu khi phát hiện sớm nhất. Nếu tụ cầu vàng đã tấn công vào phổi, có thể gây khó thở, nôn ói, đau đầu. Ngoài ra, cần cấy máu để biết đó có phải tác nhân do tụ cầu vàng hay không.

10. Thời gian điều trị tụ cầu vàng có thể kéo dài 4-8 tuần

Những trường hợp đáp ứng tốt với điều trị, bệnh nhân tụ cầu vàng mất bao lâu để phục hồi?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đa số trường hợp chỉ nhọt da thông thường, việc điều trị rất đơn giản, nhưng nếu tụ cầu vàng tấn công vào máu, việc điều trị có thể kéo dài đến 4 - 8 tuần, tùy theo cơ quan bị tấn công của người bệnh, thời gian điều trị kháng sinh phải kéo dài.

11. Có thể tái nhiễm tụ cầu vàng

Khả năng hồi phục hoàn toàn sau khi nhiễm khuẩn tụ cầu vàng ra sao? Nếu đã nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, liệu bệnh nhân có miễn nhiễm với vi khuẩn này suốt đời?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chưa có nghiên cứu về miễn dịch của tụ cầu vàng, do đó, người bệnh nếu mắc sẽ phải chữa trị, thời gian điều trị tùy vào tổn thương và tụ cầu vàng có thể tái lại.

12. Làm gì để phòng ngừa tụ cầu vàng?

Có thể phòng ngừa tụ cầu vàng bằng những cách nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cần giữ da sạch, sát trùng ngay khi da có trầy xước. Những người làm các công việc liên quan tới y tế, phải sát khuẩn tay để tránh lây lan vi khuẩn tụ cầu vàng nếu không may có trong họng, làm phát tán vào vết thương của người xung quanh. Hiện tụ cầu vàng chưa được điều chế vaccine.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X