Vệ sinh môi trường xử lý dụng cụ, tại khu cách ly như thế nào?
PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM đưa ra hướng dẫn về khử khuẩn: khử khuẩn tay, môi trường, kiểm soát không khí, xử lý dụng cụ, quản lý đồ vải, quản lý chất thải...
Tiếp theo bài trước:
1. Làm sao để hạn chế thấp nhất lây nhiễm trong các cơ sở y tế, khu vực cách ly F0, F1?
2. Mặc đồ phòng hộ COVID-19: mặc khi nào, mặc bao lâu, mặc vào tháo ra sao cho đúng cách?
Đối với các trang thiết bị, dụng cụ người ta khuyến cáo nên sử dụng dụng cụ một lần. Đối với các dụng cụ sử dụng sử dụng lại cần để riêng cho mỗi bệnh nhân và tuân theo nguyên tắc phòng ngừa chuẩn.
Trước đây chúng ta thực hiện khử khuẩn bằng cách xối dụng cụ đó qua nước và sau đó ngâm vào dung dịch enzym. Nhưng trong giai đoạn nguy cơ lây nhiễm cao thì chúng ta không cần xối qua nước mà bỏ thẳng vào enzym để khử khuẩn.
Các nhân viên y tế cũng có thể sử dụng dung dịch 2 trong 1 vừa có enzym vừa có hóa chất khử khuẩn mức độ trung bình. Cần tránh thao tác xối nước để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Hóa chất dùng để kháng khuẩn sau khi dùng xong là đổ ngay, không lưu lại vì enzym không phải là hóa chất kháng khuẩn, nó chỉ là kiềm khuẩn nên không khuyến cáo sử dụng lại.
Vệ sinh môi trường bằng các hóa chất khử khuẩn từ mức độ trung bình như hợp chất chứa Clo có thể diệt được virus SARS-CoV- 2. Đảm bảo thông khí tốt, đặc biệt trong trường hợp có làm thủ thuật tạo khí dung.
Những vùng nguy cơ cao cần thông khí tốt như phòng cách ly bệnh đường không khí, phòng đợi và phòng chọn bệnh, bất kỳ những khu vực có làm những thủ thuật tạo khí dung (nội soi phế quản, lấy đàm, hút đàm, đặt rút nội khí quản).
Khi thực hiện các thủ thuật tạo khí dung cần chú ý:
+ Chỉ thực hiện thủ thuật tạo khí dung khi thật sự cần thiết
+ Chỉ làm thủ thuật tạo khí dung tốt nhất trong phòng áp lực âm, nếu không có, thực hiện trong phòng thông khí tốt
+ Sử dụng hút đàm kín khi bệnh nhân thở máy
+ Bóng và máy thở cần màng lọc HEPA khí thở ra
Thông khí tốt được định nghĩa là có ít nhất 6 luồng khí trao đổi trong một giờ, tốt nhất là 12 luồng khí. Khi thông khí phòng tốt giúp làm giảm mật độ virus và làm giảm nguy cơ lây nhiễm.
Phòng được gọi là thông khí tốt phải có cửa sổ đối lưu nhau để có thể mở được cả 2 bên mới có khả năng 12 luồng khí trao đổi 1 giờ.
Phòng áp lực âm vẫn có sự trao đổi khí từ 6-12 luồng khí. Tuy nhiên, ở phòng này các luồng khi trao đổi một cách chủ động, nghĩa là cứ 1 giờ người ta sẽ bơm vào 6 luồng khí và hút khí ra. Không khí không đi ra các nơi khác mà ra ngoài một cách chủ động thông qua hệ thống hút.
Cần chú ý phòng vệ sinh ở các khu vực cách ly, thậm chí phải thực hiện khử khuẩn để hạn chế lây nhiễm.
Cần thực hiện vệ sinh môi trường tại khu cách ly như sau:
- Các buồng/khu cách ly phải được làm sạch, khử khuẩn hàng ngày và khi có yêu cầu, sau khi bệnh nhân tử vong, xuất viện.
- Đặc biệt chú ý đến các bề mặt hay có sự tiếp xúc như máy y tế, giường, bàn ăn, điều khiển tivi, máy bấm gọi nhân viên y tế, cửa, tủ đầu giường, cánh tay nâng.
- Không dùng chổi quét, chỉ lau ẩm.
- Vùng sạch, nguy cơ thấp lau trước, vùng có nguy cơ cao lau sau cùng.
- Nhân viên làm vệ sinh mang đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân theo đúng khuyến cáo và phải được kiểm tra, theo dõi sữ khỏe định kì.
Lọc và khử khuẩn không khí bằng hệ thống lọc tinh HEPA, kết hợp khử khuẩn bằng đèn cực tím, với các hoạt tính khử khuẩn khác như cation bạc, plasma. Chúng ta cần lưu ý cần làm sạch bề mặt bằng cách lau trước sau đó mới sử dụng các phương pháp khử khuẩn.
Đối với hệ thống lọc khí HEPA cục bộ, không khí đi vào trong qua màng lọc được khử khuẩn và thoát ra ngoài. Có thể bật hệ thống này khi có người trong phòng.
Đối với đèn cực tím hoặc xông phòng bằng hóa chất cần thực hiện khi không có người trong phòng.
Khi sử dụng đèn cực tím cần lưu ý lắp đèn cực tím đúng cách. Dải sóng có tác dụng dùng trong hệ thống đèn cực tím là 254 nm. Có lịch vệ sinh, lịch thay bóng đèn, đo lực hoạt động của bóng đèn, phơi nhiễm tối đa 5.000-10.000 giờ. Cần có các chuyên gia giám sát quá trình lắp đặt và mức độ tia xạ với mắt.
Không khuyến cáo việc phun khử khuẩn vào môi trường hoặc phun khử khuẩn lên người vì việc này chưa xác định được hiệu quả nhưng lại làm tăng nguy cơ nhiễm hóa chất.
Minh Huy (ghi)
Nguồn: video “Tập huấn phòng ngừa SARS-CoV-2 cho người bệnh và NVYT” - Bộ Phận Medinet
PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư trình bày chủ đề: “Một số vấn đề cần lưu ý trong phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-COV-2 cho bệnh nhân và nhân viên y tế”
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình