Hotline 24/7
08983-08983

Vận động đúng cách, người cao tuổi lâu “già"

Theo các chuyên gia, với người cao tuổi, vận động góp phần cải thiện sức khoẻ, phòng ngừa bệnh tật, nhưng luyện tập phải khoa học và đúng cách.

Tập dựa trên tình trạng sức khoẻ

Trong tiến trình lão hóa, càng về già cơ thể con người có những thay đổi theo chiều đi xuống về chức năng cũng như cấu tạo của mọi bộ phận. Chẳng hạn như xương giòn hơn, dễ nứt gẫy; cơ bắp teo dần đi, dễ tổn thương; các khớp xương khô khiến cho việc co duỗi bị giới hạn; thần kinh kém nhạy cảm, phản ứng chậm dễ gây ra nguy cơ té ngã...

Theo BS Đoàn Quang Hải, nguyên chuyên viên Bộ Y tế, sự già hóa này nếu cộng thêm nếp sống tĩnh tại của một số người cao tuổi, việc không sử dụng những chức năng của cơ thể sẽ khiến cơ thể càng yếu đi. Vận động sẽ giúp duy trì sự dẻo dai và chống lại lão hóa của hệ vận động; tăng hiệu năng của tim phổi...

BS Đoàn Quang Hải cho rằng, người cao tuổi nên coi sự vận động như một nhu cầu của cơ thể chứ không phải chỉ để giải trí. Hãy coi vận động là nhu cầu cần thiết mỗi ngày. Trước hết cần phải xác định rõ mục đích cụ thể trong từng giai đoạn của việc tham gia tập luyện.

Không nên đưa ra các mục tiêu hay đòi hỏi xa vời, sẽ hiệu quả hơn khi lập ra các mục tiêu ngắn hạn và có tính thực tế nhất. Các mục tiêu này phải dựa trên tình trạng sức khoẻ của chính mình và thấy rõ mình có những hạn chế gì về thể lực cần khắc phục; ví dụ như cơ bắp teo nhẽo, các khớp vận động khó khăn, tinh thần trì trệ...

Thông thường người cao tuổi không để ý tới điều này khi bắt đầu tham gia tập luyện, mà chỉ tập theo thói quen hoặc do có sự tác động từ gia đình, bạn bè. Cần suy nghĩ xem loại hình tập luyện đó có thực sự phù hợp với sức khoẻ và tạo hứng thú cho mình hay không rồi hãy đưa ra quyết định.

Người cao tuổi nên coi sự vận động như một nhu cầu của cơ thể chứ không phải chỉ để giải trí.

Đều đặn, vừa sức

Việc luyện tập có hiệu quả hay không cốt yếu là ở sự duy trì liên tục. Vì vậy, BS Đoàn Quang Hải khuyến cáo nên lựa chọn thời gian phù hợp nhất quán trong ngày cho việc tập luyện. Nhiều người cho rằng nên duy trì tập luyện vào buổi sáng sớm để có kết quả tốt, nhưng thực tế chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều đó.

Vì vậy, nếu người cao tuổi thích tập luyện vào buổi sáng, buổi chiều hay một khoảng thời gian nào khác thì hoàn toàn có thể lựa chọn sao cho phù hợp nhất với mình và điều quan trọng là đảm bảo duy trì thời gian luyện tập nhất quán và thường xuyên.

Thêm một điều cần lưu ý là việc cân đối giữa các yếu tố tần số vận động, cường độ vận động và thời gian vận động. Để đạt hiệu quả luyện tập mong muốn cần đảm bảo các yếu tố này phải được tái lặp đồng đều, tăng giảm phù hợp với cơ thể mỗi người và trong từng giai đoạn nhất định.

Người cao tuổi nói chung không nên lựa chọn những môn thể thao có cường độ vận động mạnh, tốc độ nhanh, tốn sức; đối với những người đủ sức khỏe để tham gia các môn thể thao này thì cũng không nên duy trì thời gian tập luyện dài.

Sau mỗi tuần hay mỗi buổi tập, hãy lắng nghe những phản hồi của cơ thể để có sự điều chỉnh hợp lý nếu cần. Các cảm giác về giấc ngủ, sự ngon miệng, trọng lượng cơ thể, lượng mồ hôi bài tiết, nhịp thở và nhịp tim là những dấu hiệu dễ nhận thấy.

BS Đoàn Quang Hải cũng lưu ý: Ngoài việc lựa chọn một môn thể thao hay một biện pháp tập luyện phù hợp nhất, người cao tuổi vẫn cần được khuyến khích tham gia thêm các hoạt động rèn luyện bổ trợ khác như trồng cây, nuôi chim, tham gia CLB thơ, văn... để nâng cao sức khoẻ tinh thần.

AloBacsi.vn
Theo Đức Anh - Kiến thức

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X