Vai trò của làn da đối với cơ thể: không chỉ là hàng rào bảo vệ
Theo BS.CK2 Trần Đoàn Đạo - Đơn vị Điều trị Vết thương Chuyên sâu Bernard Wound Care, da đảm nhiệm nhiều chức năng phức tạp như bảo vệ, điều hòa thân nhiệt, biến dưỡng, xúc giác và cả giao tiếp qua khả năng thể hiện biểu cảm, cảm xúc với người khác. Bên cạnh vai trò tạo hình và thẩm mỹ cho con người, da cũng có mối liên hệ đến chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể.
Làn da rất quan trọng đối với sức khỏe và tinh thần của chúng ta. Một làn da khỏe hoạt động như một rào cản giữa thế giới bên ngoài và bên trong cơ thể, và là sự bảo vệ cơ thể đầu tiên và tốt nhất. Da có các chức năng chính như sau:
1. Chống mất nước
Do sự liên kết chặt chẽ của các tế bào ở lớp ngoài cùng của da (lớp sừng), da giúp chúng ta giữ lại nước và độ ẩm cần thiết cho cơ thể, đồng thời bảo vệ chúng ta khỏi sự mất nước qua da. Nó cũng ngăn chặn việc mất nước và chất điện giải để duy trì môi trường nội môi được hằng định. Hiệu quả của da trong việc ngăn ngừa sự mất nước có thể nhìn thấy được ở người bệnh bỏng.
2. Chống lại các tác động cơ học
Da đóng vai trò là hàng rào vật lý đầu tiên giúp chống lại mọi áp lực hoặc chấn thương. Các tác động cơ học lên da cũng bị hạn chế bởi sự trợ giúp của các mô có tính đàn hồi ở trung bì như collagen, elastin. Collagen là protein phong phú nhất trong động vật có vú, chiếm khoảng 25% tổng trọng lượng của da, giúp da bền chắc, đàn hồi, có khả năng chống lại các lực kéo xé.
Elastin được phân phối cùng với collagen, nhưng với số lượng ít hơn, tập trung phần lớn trong mạch máu, đặc biệt là cung động mạch chủ gần tim.
3. Chống lại tác nhân gây bệnh
Theo BS.CK2 Trần Đoàn Đạo, lớp sừng của da, chất tiết từ các tuyến bã và hệ thống miễn dịch của da giúp da bảo vệ cơ thể chống lại các dung dịch nước, hóa chất, vi khuẩn và virus gây bệnh.
Lớp sừng không bị tổn thương được xem là hàng rào bảo vệ, các keratin không hòa tan, kết hợp và sự bong rụng lớp vảy sừng đã ngăn cản các vi sinh vật gây bệnh cố định tại da.
Một chất dầu giàu lipid tiết ra bởi tuyến bã nhờn vào nang lông và hiện diện trên bề mặt da đã cung cấp một lớp phủ acid với pH trong khoảng 4 - 6,5 (pH trung bình là 5,5). Môi trường acid này cùng với các chất kháng khuẩn tự nhiên được tìm thấy trong chất nhờn đã làm chậm lại sự tăng trưởng của vi sinh vật.
Liên quan đến pH của da, việc sử dụng thường xuyên và quá mức các chất tẩy rửa sẽ làm thay đổi hàng rào bảo vệ của lớp sừng. Một số bệnh lý của da như chàm, viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa và khô da cũng có thể làm tăng pH bề mặt của da, các rối loạn toàn thân như đái tháo đường, suy thận và đột quỵ cũng có thể làm tăng pH của da.
Tuyến bã nhờn được kích thích bởi hormone giới tính, đặc biệt trong thời kỳ trưởng thành, tiết nhiều chất nhờn hơn để đáp ứng với nồng độ hormone tăng cao, tỷ lệ tiết cao hơn ở nam giới và giảm 32% ở mỗi thập kỷ ở phụ nữ so với 23% mỗi thập kỷ ở nam giới.
4. Chống lại tia bức xạ cực tím
Bảo vệ cơ thể chống lại tia bức xạ cực tím là nhiệm vụ của tế bào hắc tố của da, thông qua cơ chế tổng hợp melanin.
Dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời, sự hình thành chất melanine tăng lên. Ở người da đen có sự gia tăng tổng hợp và phân bố melanin trong tất cả các lớp của thượng bì, ngược lại với người có làn da sáng.
Melanin tạo thành lớp che chở cho DNA (acid desoxyribonucleic) của nhân tế bào sừng khỏi bị các tia cực tím gây hại. “Do đó, người có làn da đen được bảo vệ tốt hơn trong việc chống lại ung thư da so với người có làn da sáng màu” - BS.CK2 Trần Đoàn Đạo giải thích.
5. Hệ thống miễn dịch
Cấu tạo của da đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Da chứa các tế bào tham gia vào các phản ứng miễn dịch, bao gồm tế bào sừng, tế bào Langerhan, tế bào lympho và đại thực bào.

Tế bào Langerhan, được định vị tại thượng bì, là lính canh của hệ miễn dịch, nhận diện kháng nguyên. Tuy nhiên, sự tiếp xúc với tia cực tím B (tia UVB) sẽ làm giảm chức năng của tế bào Langerhan.
Dưỡng bào cũng tham gia vào hệ miễn dịch của da, chống lại sự xâm nhập tại chỗ các yếu tố gây tổn thương gây tổn thương mô bằng cách tiết histamin và các protein vận mạch dẫn đến co mạch và giãn mạch.
Đại thực bào cũng giúp ích loại bỏ thành phần ngoại lai, các dị vật bằng phương thức thực bào.
6. Điều hòa thân nhiệt
Da đóng vai trò quan trọng trong điều hòa thân nhiệt của cơ thể, với vai trò như một rào cản giữa môi trường bên ngoài và môi trường bên trong để duy trì nhiệt độ của cơ thể. Có 2 cơ chế để điều hòa thân nhiệt chính là tuần hoàn và tiết mồ hôi.
Sự co giãn mạch máu là cách giúp điều hòa thân nhiệt. Khi thời tiết ấm, mạch máu giãn nở, da đỏ lên và hình thành mồ hôi trên bề mặt, giúp tản nhiệt. Ngược lại, trong tiết khí lạnh, mạch máu co lại, hạn chế mất nhiệt.
Các tuyến mồ hôi ngoại tiết (eccrine sweat gland), mô dưới da cũng góp phần vào chức năng điều hòa thân nhiệt của da. Sự bài tiết và bay hơi của mồ hôi từ bề mặt da cũng góp phần làm mát cơ thể.
7. Cảm giác
Các thụ thể thần kinh nằm trong da rất nhạy cảm với đau đớn, cảm ứng, nhiệt độ và áp lực. Khi kích thích những thụ thể này dẫn truyền những xung động đến vỏ não. Cảm giác da là một phần của đáp ứng cơ thể để bảo vệ cơ thể từ môi trường xung quanh.
Đầu ngón tay là cơ quan cảm giác nhạy cảm nhất. Nhiều tiểu thể xúc giác nằm ở đáy nang lông và cạo lông có thể làm giảm độ nhạy cảm của vùng da đó. Ở các vùng không có nang lông, tiểu thể Meissner tạo độ nhạy cảm.
Các cơn đau bề mặt được dẫn truyền bởi sợi nhanh A-delta. Các cơn đau nhanh và cấp tính có xu hướng buốt, nhói và giảm sau khi ngừng kích thích đau. Các cơn đau sâu, mạn tính được dẫn truyền chậm bởi sợi C nhỏ và ít bao myelin. Loại đau này dai dẳng và vẫn tiếp tục kể cả sau khi ngừng kích thích đau.
8. Biến dưỡng
Sự tổng hợp vitamin D diễn ra dưới da trong điều kiện có ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó, da cũng hỗ trợ bài tiết các sản phẩm cuối của quá trình biến dưỡng và sự chống mất nước.
9. Giao tiếp
Da người có chức năng như một cơ quan thông tin và nhận dạng. Da trên khuôn mặt là đặc biệt quan trọng để nhận dạng người và đóng vai trò trong việc đánh giá cái đẹp.
Da mặt cùng với các cơ ở bên dưới có khả năng biểu hiện cười, cau mày, bĩu môi, các cảm giác khi chạm vào da có thể truyền đạt mối quan tâm, tình bạn, tình yêu,... BS.CK2 Trần Đoàn Đạo nhận định: “Tổn thương da có thể dẫn đến hậu quả không chỉ ở chức năng, sinh lý mà còn làm thay đổi hình dáng của cơ thể. Nói chung, da là một bộ phận giao tiếp, có khả năng thể hiện biểu cảm và cảm xúc với người khác”.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình