Vắc xin dại và huyết thanh kháng dại khác nhau thế nào?
Trong bài viết dưới đây, BS Trương Hữu Khanh đã chia sẻ những trường hợp cần tiêm vắc xin ngừa dại và trường hợp sẽ cần cả hai vắc xin ngừa dại và huyết thanh kháng dại. Đồng thời chia sẻ một số phác đồ tiêm ngừa dại mà chúng ta có thể tham khảo đề phòng trường hợp bị chó cắn, mèo cào.
1. Vắc xin ngừa dại và huyết thanh kháng dại giống và khác nhau điểm nào?
Vắc xin ngừa dại có công dụng là gì? Huyết thanh kháng dại mang lại những lợi ích nào? Hai loại này giống và khác nhau ở điểm nào, mục đích sử dụng khác nhau ra sao?
Không riêng gì vắc xin dại mà rất nhiều tác nhân gây bệnh mà người ta phải điều chế song hành cả hai, là huyết thanh kháng bệnh và vắc xin ngừa bệnh đó.
- Huyết thanh kháng dại: Là những chất khi tiêm vào người đã là kháng thể kháng lại virus dại.
- Vắc xin ngừa dại: Là khi tiêm vắc xin đó vào, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể.
Huyết thanh kháng dại và vắc xin ngừa dại khác nhau nhưng nó cùng mục đích là chặn bệnh dại. Tuy nhiên huyết thanh chỉ chặn trong một thời gian đầu không thể kéo dài được. Còn vắc xin sẽ kéo dài nhưng khi quá sớm sẽ không tạo ra được kháng thể. Vì vậy nên có lúc sử dụng huyết thanh kháng dại, có lúc sử dụng cả hai.
2. Khi nào cần tiêm vắc xin ngừa dại, khi nào tiêm huyết thanh kháng dại?
Trong trường hợp nào, chúng ta chỉ cần tiêm vắc xin ngừa dại? Và trường hợp nào sẽ cần cả hai: vắc xin ngừa dại và huyết thanh kháng dại thưa BS?
Nếu vết cắn của con vật gây dại nằm gần vùng đầu hoặc cắn quá rộng, như vậy đường đi của virus vào bộ não nhanh, hơn lúc đó chúng ta sẽ cần tiêm huyết thanh kháng dại.
Như vậy, chúng ta hiểu là, nếu như vết thương đó gần vùng đầu và quá to, vắc xin sẽ không thể chặn được virus dại, vì cần có thời gian tạo ra kháng thể. Trong trường hợp này chúng ta sẽ tiêm huyết thanh kháng dại trước, sau đó sẽ tiêm vắc xin. Đối với những vết thương đơn giản, thời gian chậm thì chỉ tiêm vắc xin, không tiêm huyết thanh.
3. Sau khi bị chó mèo cắn, bao lâu nên tiêm huyết thanh kháng dại?
Sau khi bị chó cắn, mèo cào, nếu có chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại thì nên tiến hành trong thời gian bao lâu là tốt nhất? Và đâu là khoảng thời gian tối đa để tiêm huyết thanh kháng dại, thưa BS?
Thông thường, nếu có có chỉ định cần tiêm vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại thì sẽ tiến hành trong vòng 7 ngày đầu. Như vậy, nếu chưa kịp tiêm trong 1-2 ngày đầu không phải là vấn đề quan trọng, nhưng cần nhớ không được để quá 7 ngày. Lưu ý là nên tiêm vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
4. Huyết thanh kháng dại sẽ được tiêm như thế nào?
Huyết thanh kháng dại, cần tiêm đủ bao nhiêu mũi thưa BS? Trong trường hợp có chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại, tuy nhiên vì nhiều lý do, người bệnh chỉ tiêm vắc xin ngừa dại liệu có đủ bảo vệ chúng ta khỏi căn bệnh này?
Thông thường tiêm huyết thanh kháng dại sẽ dựa vào cân nặng chứ không tính theo ngày. Người đó cân nặng bao nhiêu thì sẽ tiêm bao nhiêu mL.
Người ta cố gắng tiêm trong các bắp cơ của mình cho đủ hoặc phong bế tiêm xung quanh vết cắn, còn dư sẽ tưới huyết thanh đó lên vết cắn. Khi không có huyết thanh kháng dại thì phải tiêm vắc xin và theo dõi.
5. Vắc xin ngừa dại nên tiêm cách bao lâu sau khi tiêm huyết thanh kháng dại?
Vắc xin ngừa dại nên được tiêm cách bao lâu sau khi tiêm huyết thanh kháng dại? Phác đồ tiêm ngừa dại hiện nay của Việt Nam gồm những mũi nào, thưa BS?
Huyết thanh kháng dại và vắc xin dại chúng ta có thể tiêm cùng ngày, tiêm xong loại này rồi đến loại kia, không ảnh hưởng đến nhau.
Trong việc tiêm ngừa dại có rất nhiều hướng dẫn khác nhau, tùy theo mức độ cắn ở vùng nào và chúng ta tiêm gấp hay chúng ta theo dõi con chó. Về nguyên tắc, chó hay một con vật bị dại, khi bắt đầu phát tán ra virus dại thì mới lây cho người bị cắn. Nếu vết cắn không có virus dại thì không thể nào lây cho người được. Nếu con vật bị dại, sau khi cắn người cũng sẽ tử vong trong vòng 10 ngày.
Thông thường, tùy theo vết cắn sẽ quyết định tiêm mấy mũi. Phác đồ điều trị cũng còn tùy các nước, nhưng ở Việt Nam thường sẽ tiêm mũi đầu, 7 ngày sau, 14 ngày sau và 28 ngày sau. Thông thường, nếu tiêm 2 mũi đầu mà vượt qua 10 ngày và con chó không chết thì không cần tiêm nữa chỉ cần theo dõi.
Một con chó cắn nhẹ và xa vùng trung tâm người ta cũng theo dõi 10 ngày nếu nó không chết thì chắc chắn không bị dại, và người bị cắn sẽ không bị dại.
Tuy nhiên, một số trường hợp con chó chạy mất sau khi cắn chúng ta và không tìm kiếm được thì bắt buộc phải tiêm đủ mũi. Ngoài ra, những người làm nghề thú y, giết mổ súc vật nhiều như chó mèo thì người ta tiêm trước khi bị cắn, định kỳ 4 - 5 mũi.
6. Sau khi bị chó cắn, trường hợp nào cần lập tức tiêm ngừa bệnh dại?
Sau khi bị chó cắn, trường hợp nào phải lập tức đi tiêm phòng bệnh dại, thưa BS? Trường hợp nào thì có thể tiêm chậm hơn, và chậm tối đa là bao lâu? (Vết cắn ở vị trí nào là nguy hiểm nhất và vị trí nào ít nguy hiểm hơn?)
Thông thường, vết cắn nằm gần vùng đầu; vết cắn to, diện rộng; vết cắn nằm ở đầu mút của các chi như đầu ngón tay, đầu ngón chân sẽ đi vào hệ thống thần kinh trung ương nhanh hơn các vùng da thông thường. Người ta dựa vào đó để phân tích liệu trình tiêm.
Tuy nhiên, tiêm ngừa dại không phải là quá gấp hay là tình huống cấp cứu, nó có thể trễ 1, 2 hay 3 ngày là bình thường. Sau đó đến các cơ sở y tế để có hướng dẫn, chỉ định tiêm ngừa dại.
7. Nếu chó vẫn còn sống sau 10 ngày, có cần tiêm ngừa dại?
Sau khi bị chó cắn, cần theo dõi chó trong 10 ngày, nếu chó có biểu hiện bị bệnh thì mới tiêm ngừa dại, hay lập tức tiêm ngừa luôn rồi mới theo dõi con chó? Sau 10 ngày nếu chó vẫn khỏe mạnh bình thường thì có cần tiêm các mũi tiếp theo không ạ?
Nếu 10 ngày mà con chó đó không chết nghĩa là nó không bị dại. Mà con chó không bị dại cắn thì chúng ta không thể bị dại được. Do đó, người ta đưa ra quy định theo dõi con chó 10 ngày là như vậy. Tùy theo vết cắn, nếu đủ điều kiện theo dõi thì chúng ta theo dõi trong 10 ngày. Sau đó, nếu con chó cắn chúng ta không chết thì không cần tiêm ngừa dại. Tuy nhiên có một số trường hợp, nếu cứ cứ bị chó cắn hoài thì phải tiêm ngừa để không lo lắng.
8. Dính máu của động vật trong quá trình giết mổ có lây bệnh dại?
Theo BS, trường hợp tiếp xúc với máu của chó trong quá trình giết mổ để chế biến thịt chó có thể lây bệnh dại hay không?
Các trường hợp lây nhiễm đa số nguyên nhân là từ nước miếng, chất tiết ở nước miếng của chó. Trong đó có rất nhiều virus dại, còn trong máu thì rất hiếm. Không phải chó dại nào cũng la hét mà đôi khi sẽ ủ rũ. Vì vậy, nếu chúng ta mổ giết hoặc chăm sóc (người làm nghề thú y…) mà trên da có vết thương, vết rách (bản thân không biết) vẫn có thể lây bệnh dại. Vì vậy, đối với những ngành nghề này cần phải tiêm ngừa dại trước khi bị chó cắn. Bởi vì trong quá trình làm việc rất có thể sẽ tiếp xúc với virus dại chủ yếu qua nước miếng, không phải là trong máu.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình