Hotline 24/7
08983-08983

Uống trà mỗi ngày có gây sỏi thận, có nên dùng trà với chanh, mật ong, đường và sữa?

Uống trà là thói quen của rất nhiều người, bởi đây là thức uống có mùi hương thanh mát và lợi ích đặc biệt cho sức khỏe. BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Chuyên gia Y học cổ truyền đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về trà cũng như cách sử dụng để mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe trong bài viết dưới đây.

1. Uống trà vào buổi sáng, loại trà nào thích hợp nhất?

Trước hết, xin hỏi BS có thường uống trà không, BS thích loại trà nào?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Tôi rất thích uống trà. Thông thường, tôi sẽ uống trà vào buổi sáng. Tôi hay dùng nhất là trà xanh, loại trà này giúp tỉnh táo hơn để bắt đầu công việc cho một ngày mới.

2. Có bao nhiêu loại trà, tinh chất trong mỗi loại trà khác nhau ra sao?

Hiện nay, trà gồm có bao nhiêu loại, thưa BS? Tinh chất trong các loại trà này khác nhau nhiều không ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Hiện nay trà có hai loại. Một loại được chiết xuất từ cây trà như trà đen, trà xanh, trà olong,… Loại thứ hai không được chiết xuất từ cây trà nhưng vẫn được gọi là trà, ví dụ loại trà thảo dược, được chiết xuất từ hoa cúc, cây vối hay từ các loại thảo dược có thể tán sơ ra uống và có tác dụng phòng chữa bệnh. 

3. Sử dụng trà như thế nào để mang lại lợi ích cho sức khỏe?

Trà là thức uống phổ biến lâu đời, nhưng việc uống trà sao mới đúng thì vẫn chưa nhiều người biết rõ. Nhờ BS hướng dẫn: uống trà nên chọn thời điểm nào, pha ra sao, uống bao nhiêu thì có lợi cho sức khỏe?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Ngày nay, việc uống trà đã nâng lên thành nghệ thuật và được gọi là trà đạo. Dưới góc độ y học, một ngày chúng ta nên uống trà vào hai buổi:

- Buổi sáng, dùng trà sau 30 phút khi thức dậy, điều này giúp bản thân trở nên tỉnh táo hơn để chuẩn bị cho ngày làm việc mới.

- Buổi chiều, chúng ta uống trà sau một ngày dài làm việc căng thẳng để xả stress và thư giản.

Lưu ý, chúng ta không nên dùng trà vào ban đêm sẽ dễ ảnh hưởng đến giấc ngủ. Trừ trường hợp là trà thảo dược có sự chỉ định của bác sĩ, uống trà một ngày bao nhiêu lần là dựa vào sự chỉ định.

Để pha trà, cách đơn giản nhất là cho nước sôi vào từ 3-5 phút sẽ cho ra hương vị chuẩn. Theo y học, mỗi ngày chúng ta uống hai đến ba lần trà sẽ có lợi cho sức khỏe.

4. Bảo quản và sử dụng nước trà qua đêm có tốt không?

Một số gia đình pha trà buổi chiều (VD có khách ghé buổi chiều), đến tối uống không hết thì bỏ vào tủ lạnh để hôm sau đun nóng lại thì có được không ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Chúng ta không nên dùng trà đã pha để qua đêm. Bởi vì khi đó đã mất đi hương vị của trà. Hơn nữa, các tinh chất và chất lượng của trà đã bị thay đổi qua một đêm để trong tủ lạnh, điều này cũng không có lợi cho sức khỏe. Do vậy, tốt nhất là nên pha và sử dụng trà trong ngày.

5. Vì sao không nên dùng nước trà để qua đêm?

Trên mạng có hướng dẫn cách “pha trà lạnh” như sau: Trà lạnh được pha bằng lá trà sấy khô. Đầu tiên, bạn tráng trà bằng nước nóng trong 5 giây, sau đó cho nước vào theo tỉ lệ 1 muỗng cà phê trà pha với 250 - 300 ml nước sôi để nguội. Cho trà đã pha vào tủ lạnh 6 - 8 tiếng. Để tiện lợi, bạn nên pha trước khi đi ngủ để sáng hôm sau có trà ngon để uống. Theo BS cách pha trà này có tốt cho sức khỏe không?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Có rất nhiều cách để pha trà, tuỳ theo chúng ta dùng trà vào mục đích gì. Ví dụ để phục vụ cho mục đích kinh doanh hay đơn giản chỉ dùng để thưởng thức.

Đứng về phương diện y học phương Đông, chúng ta không nên pha trà để qua đêm, nhất là pha trước 6 - 8 tiếng, điều này gây ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.

Khi để qua đêm, trà dễ bị hư hỏng do các vi khuẩn hình thành trong thời gian dài, làm thay đổi các tính chất của nước trà. Các vitamin trong trà sẽ bị phân hủy, những loại vi khuẩn hoặc nấm mốc có thể hình thành vào lúc này. 

6. Uống trà nhiều có gây sỏi thận?

Có người lo lắng: uống nhiều trà sẽ gây sỏi thận, điều này có đúng không, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Việc uống trà hằng ngày không gây nên bệnh sỏi thận. Tuy nhiên, nếu uống trà đậm sẽ tạo điều kiện để hình thành sỏi thận.

Do vậy, chúng ta có thể uống trà từ 2 - 3 lần mỗi ngày nhưng nên pha đúng liều lượng và đúng hương vị mong muốn. Không nên pha và uống trà quá đậm, đó sẽ là điều kiện tốt nhất để hình thành sỏi thận bên trong cơ thể về sau.

7. Có nên uống trà sau khi ăn hải sản?

Có lời khuyên là sau khi ăn hải sản thì không nên uống trà. Theo BS điều này có đúng?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Cần lưu ý sau khi ăn hải sản, để cơ thể hấp thu protein một cách trọn vẹn chúng ta không nên dùng trà. Khi dùng trà, tinh chất trong trà kết hợp với protein trong hải sản sẽ làm chậm quá trình hấp thụ protein trong cơ thể.

Việc uống trà sau khi ăn hải sản chỉ thích hợp với những người thích ăn hải sản nhưng sợ mập. Việc dùng trà lúc này sẽ làm chậm quá trình hấp thụ protein, để có thể giảm cân như mong muốn.

8. Có nên kết hợp trà với chanh, mật ong, đường, sữa…?

Trà sau khi pha chung với: chanh, mật ong, đường, sữa… thì có làm tăng hay giảm những công dụng tốt của trà không ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Ngày nay, với sự đa dạng hoá và biến tấu các loại trà. Việc pha trà với chanh vẫn giữ được công dụng và tốt cho cơ thể. Trong chanh có chứa nhiều loại vitamin, đặc biệt là vitamin C góp phần nâng cao sức khỏe.

Cũng như chanh, khi pha trà chung với mật ong, đường hay sữa,… sẽ góp phần nâng cao năng lượng. Khi kết hợp trà với mật ong giúp tạo ra kháng khuẩn cho đường tiêu hóa sau khi uống.

Như vậy, việc uống trà cùng với chanh, mật ong, đường, sữa,… giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng cũng như tăng năng lượng khi chúng ta hấp thụ qua những loại này.

9. Ai không nên uống trà?

Theo BS, những người bị bệnh gì nên hạn chế uống trà?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Như đã đề cập lúc đầu, việc uống trà rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số người cần hạn chế và cẩn thận khi sử dụng trà. Thứ nhất là những người bệnh đau dạ dày. Vì trong trà có chất caffeine, khi uống vào lúc đói sẽ làm kích thích dạ dày tiết dịch vị. Điều này không có lợi cho vấn đề sức khỏe của người mắc bệnh dạ dày.

Thứ hai là những người bị suy dinh dưỡng, protein là một hoạt chất cần thiết để bổ sung chất và nâng cao sức khoẻ bệnh nhân mắc hội chứng này. Nếu uống trà, chất tannin trong trà sẽ làm giảm hấp thụ protein. Hoặc một số người suy dinh dưỡng do thiếu sắt, khi uống trà kết hợp với tannin sẽ làm giảm hấp thu sắt qua cơ thể.

Đối với những người có bệnh về cao huyết áp hoặc tim mạch, việc uống trà làm tăng kích thích cho nhịp tim. Cũng như khi sốt, uống trà sẽ làm tăng nhiệt cơ thể, gây bất lợi cho sức khỏe. Ở phụ nữ, khi đang trong giai đoạn hành kinh, mãn kinh hay đang cho con bú cũng nên cẩn thận trong việc sử dụng trà.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X