Hotline 24/7
08983-08983

Ung thư vú: Trẻ không tha, già không thương

Ung thư vú đứng hàng đầu, chiếm tới 35% trong các bệnh ung thư ở nữ giới. Tuy nhiên, nếu mới phát hiện tỷ lệ khỏi bệnh là 100% và ngược lại...

Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh cao và càng lớn tuổi, nguy cơ càng tăng. Hiện nay, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ nước ta, và số người trẻ bị ung thư vú chiếm khoảng 20 - 25% trong số đó.

Ung thư vú có di truyền?

Các nghiên cứu khoa học chưa chứng minh được ung thư vú là do di truyền, mà chỉ đưa ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, như: trong gia đình đã có người bị ung thư vú (mẹ, chị, em ruột), xáo trộn di truyền do sự thay đổi đột biến của gen (BRCA 1, BRCA 2 và vài gen khác).

Ngoài ra, càng chịu tác động lâu dài của nội tiết tố nữ estrogen thì nguy cơ càng tăng, chẳng hạn như những người có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh trễ (sau 55 tuổi), hoặc dùng nhiều liệu pháp nội tiết thay thế sau mãn kinh trong thời gian dài; chưa bao giờ sinh con hay có con đầu lòng muộn (sau 30 tuổi); chế độ dinh dưỡng nhiều thịt và chất béo, cơ địa béo phì.

Phụ nữ hút thuốc và uống rượu cũng dễ bị ung thư vú.

Chẩn đoán và điều trị

Biểu hiện lâm sàng: khối u ở vú thường không gây đau, một số trường hợp có chảy dịch đầu vú (dịch máu hoặc dịch màu vàng chanh), sờ vào thấy cứng, mặt u gồ ghề, ranh giới có thể rõ hoặc không.

Trong những trường hợp phát hiện muộn, u có thể xâm lấn vào thành ngực làm hạn chế di động, hoặc xâm nhiễm da tạo hình ảnh "sần da cam" hoặc vỡ loét. Đôi khi ung thư vú cũng có biểu hiện như một viêm tấy lan tỏa vùng vú (ung thư vú thể viêm).

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân thường bị nổi hạch ở nách cùng bên vú có u, hạch có thể có các mức độ tổn thương từ mềm đến cứng, hoặc xâm nhiễm dính vào xung quanh tùy theo mức độ tiến triển của bệnh.

Thông thường, bác sĩ phải khám hạch thượng đòn và tuyến vú đối bên; chụp X quang tuyến vú để xem tổn thương điển hình có dạng hình sao nhiều chân, co kéo tổ chức tuyến vú, có nhiều chấm vi can-xi hóa tập hợp thành đám; xét nghiệm tế bào học để tìm ra các tế bào ung thư mất sự kết dính, đa hình thái, tỷ lệ nhân/nguyên sinh chất tăng, nhiều nhân quái, nhân chia, bào tương kiềm tính.

Đây được xem là bộ ba phương pháp chẩn đoán kinh điển, và nếu cả ba đều cho kết quả dương tính thì có thể đi đến chẩn đoán xác định. Nếu chưa tin tưởng kết quả của một trong ba phương pháp này, bác sĩ khám lâm sàng có thể chỉ định sinh thiết kim, sinh thiết tức thì hoặc sinh thiết mở thường quy để khẳng định chẩn đoán.

Ung thư không chừa ai, cả già lẫn trẻ đều có thể mắc bệnh, tỷ lệ di căn và tái phát ở người trẻ cũng giống như người già, tùy vào cơ địa từng bệnh nhân.

Tuy nhiên, người trẻ có thể bị áp lực nhiều hơn do tâm lý mặc cảm bệnh tật. Ung thư vú ở người trẻ (dưới 35 tuổi) thường diễn tiến nhanh và xấu hơn ở người lớn tuổi.

Với người trẻ, bác sĩ thường chỉ định điều trị ngoại khoa bướu nguyên phát cũng như điều trị bảo tồn và tái tạo vú để nâng cao chất lượng sống cho họ, và điều trị tích cực với phác đồ điều trị mạnh (dùng thuốc đặc trị nhiều hơn).

Do người trẻ thường di căn hạch sớm và nhiều, điểm đặc biệt khác là thực thể nội tiết âm, nên họ không có cơ hội điều trị nội tiết liệu pháp (bác sĩ cho bệnh nhân làm các xét nghiệm kiểm tra nội tiết). Nhưng bù lại, nhờ có sức khỏe tốt nên họ chịu đựng được những cuộc mổ dài để tái tạo vú tức thì.

Ngày xưa, hễ mắc ung thư vú thì hay bị đoạn nhũ nên người trẻ dễ bị sốc, còn hiện nay, các phương pháp điều trị hiện đại đã góp phần không nhỏ giúp bệnh nhân lạc quan hơn.

Lời khuyên cho phụ nữ trẻ

Những phụ nữ trẻ có mẹ, chị, em gái ruột bị ung thư vú thì nên đi tầm soát ung thư vú sớm. Ở người trẻ, đa phần là bướu lành, bướu sợi tuyến, còn bướu ở người từ 40 - 49 tuổi thường là bướu nước (thay đổi sợi bọc).

Khi thấy xuất hiện khối u bất thường, không đau ở vú, hoặc thấy hạch nổi ở nách thì nên đến bác sĩ chuyên khoa ngay để được khám và chẩn đoán bệnh chính xác.

Đặc biệt, với tổn thương trái tràm cần phải loại bỏ, thì người bệnh nhất thiết phải đến bệnh viện để được thực hiện phẫu thuật, chứ tuyệt đối không nên dùng kim chích lễ, đắp lá cây, hột bình lịch... để hút dịch, lấy cùi..., làm mất cơ hội điều trị và bảo tồn vú.

Tuy nhiên, chị em cũng được khuyến cáo, làm theo những hướng dẫn tự khám ngực chỉ để phát hiện những dấu hiệu bất thường, chứ không nên dựa vào đó để tự chẩn đoán bệnh, rồi tự điều trị, mà phải đến bệnh viện chuyên khoa khám để tránh mọi rủi ro đáng tiếc.
AloBacsi.vn
 Theo TS.BS. Trần Văn Thiệp - Doanh Nhân Sài Gòn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X