Ung thư có phải là dấu chấm hết cho giấc mơ làm cha, làm mẹ?
Theo ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, bệnh ung thư hiện nay đang có khuynh hướng trẻ hóa. Do đó, nhiều người trẻ mắc ung thư vẫn mong muốn có con. Nhưng liệu căn bệnh ung thư có là rào cản ngăn họ thực hiện ước muốn làm cha, làm mẹ?
1. Bệnh nhân ung thư nên chủ động ngừa thai trong quá trình điều trị
Thưa BS, khi nào bệnh nhân nên có thai sau khi điều trị ung thư ạ?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Hiện nay, bệnh ung thư đang có huynh hướng trẻ hóa. Do đó một số bệnh nhân bị ung thư khi còn trẻ và họ vẫn mong muốn có con sau điều trị. Tuy nhiên tốt nhất bệnh nhân nên có thai khi bệnh ung thư đã ổn định, không nên có thai ở giữa quá trình điều trị. Ví dụ ở bệnh nhân ung thư vú, sau điều trị ổn định khoảng 1-2 năm mới nên có thai.
Bên cạnh đó, quyết định có thai nên được chủ động trước. Sau điều trị ổn định khoảng 6 tháng đến 2 năm sau, nếu bệnh ổn định bệnh nhân có thể mang thai. Tuy nhiên, thời gian này còn tùy thuộc vào cơ quan bệnh, giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị, sức khỏe sinh sản của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có sức khỏe sinh sản tốt như có kinh nguyệt đều đặn, chức năng buồng trứng tốt mới có thai được. Một số phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung như xạ trị hay mổ trực tiếp vào tử cung thì khả năng mang thai sẽ khó khăn và kéo dài hơn so với bệnh nhân ung thư đại tràng. Do đó, không có tiêu chuẩn cho bệnh nhân mà thời gian sẽ thay đổi uyển chuyển theo từng người, từng bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân nên điều trị bệnh ổn mới nên có thai, nếu đang xạ trị hay sử dụng thuốc nên chủ động ngừa thai. Vì nếu có thai trong lúc điều trị sẽ gây khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ điều trị. Lúc này rất khó khi đưa ra quyết định là tiếp tục điều trị hay dưỡng thai kỳ. Bên cạnh đó, thuốc hóa trị, xạ trị nếu không khéo có thể ảnh hưởng không tốt cho em bé. Không chỉ riêng nữ giới, ở nam giới khi sử dụng thuốc hóa trị vẫn ảnh hưởng lên tinh trùng. Do đó, nếu đang trong quá trình điều trị mà bệnh nhân đang trong độ tuổi sinh sản nên chủ động ngừa thai.
2. Bệnh nhân mang thai mới phát hiện bị ung thư nên xử lý thế nào?
Thưa BS, trong trường hợp bệnh nhân mang thai mới phát hiện bị ung thư thì nên xử lý thế nào ạ?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Đây là một vấn đề khó và tế nhị. Nếu phụ nữ đang có thai chẳng may phát hiện mình bị ung thư vú thì quyết định sẽ tùy thuộc vào tuổi thai, giai đoạn bệnh, mong muốn của bệnh nhân và gia đình. Nếu tuổi thai lớn, bệnh nhân sắp sinh, bệnh ung thư chỉ mới giai đoạn đầu thì có thể cố gắng để bệnh nhân sinh em bé ổn định, sau đó mới tiến hành điều trị. Nếu giai đoạn bệnh không quá nặng sẽ cố gắng dưỡng thai đến khi bệnh nhân sinh xong, như vậy sẽ tốt cho cả bệnh nhân và bác sĩ điều trị.
Tuy nhiên, vẫn có một số phương pháp có thể sử dụng khi bệnh nhân mang thai. Ví dụ ung thư vú có thể được mổ nếu khối u làm bệnh nhân đau, khó chịu. Một số trường hợp sau khi hội chẩn giữa bác sĩ sản khoa và bác sĩ gây mê có thể tiến hành mổ khối u khi bệnh nhân ở giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Phải hạn chế tối đa việc can thiệp trong 3 tháng đầu, vì đây là giai đoạn nhạy cảm khi thai nhi đang hình thành các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên vẫn có một số thuốc đặc trị an toàn cho thai nhi, tùy theo bệnh mà bác sĩ ung bướu sẽ quyết định. Phần lớn trường hợp sẽ dưỡng thai đến khi bệnh nhân sinh xong mới tập trung điều trị bệnh.
3. Em bé được sinh ra từ người mẹ ung thư có bị ảnh hưởng?
Thưa BS, những phương pháp can thiệp và điều trị cho bệnh nhân ung thư khi mang thai sẽ ảnh hưởng thế nào đến em bé ạ?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Những phương pháp như hóa trị, xạ trị có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng ra sao đến thời điểm này vẫn chưa biết chính xác. Phần lớn thuốc điều trị ung thư là thuốc gây độc tế bào, trên lý thuyết thuốc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến em bé. Hay như bệnh nhân ung thư ruột hay ung thư cổ tử cung, khi xạ trị trực tiếp vào vùng chậu có thể gây viêm dính, ảnh hưởng lên buồng trứng làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, em bé được sinh từ mẹ ung thư không bị ảnh hưởng nhiều nếu có chỉ định chọn lọc, theo dõi sát so với em bé được sinh từ mẹ khỏe mạnh. Một số trường hợp tăng tỷ lệ sinh non, em bé nhẹ cân hơn bình thường. Tuy nhiên, sự phát triển về sau của em bé do mẹ ung thư sinh ra không khác nhiều so với em bé bình thường. Đây cũng là tin vui cho bệnh nhân chẳng may mắc ung thư. Nếu chịu khó theo dõi kỹ, phối hợp cùng bác sĩ ung bướu và bác sĩ sản khoa thì lớn em bé sinh ra vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Các loại thuốc mới như liệu pháp nhấn trúng đích, liệu pháp miễn dịch ảnh hưởng ra sao đến thai nhi cũng chưa được nghiên cứu hết. Do đó, người ta vẫn khuyên nếu đang điều trị ung thư, bệnh nhân nên chủ động ngừa thai. Nếu dự tính có thai thì nên ngưng thuốc điều trị trong thời gian dự tính có thai. Sau khi sinh xong có thể tiếp tục điều trị.
4. Nam giới mắc ung thư có thể có con nếu chức năng tinh trùng bình thường
Thưa BS, nam giới mắc ung thư có thể có con không ạ?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Điều này hoàn toàn có thể. Tỷ lệ nam giới mắc ung thư cũng nhiều không kém nữ giới. Sau khi điều trị bệnh ung thư ổn định, khoảng 6 tháng đến 2 năm, bệnh nhân có thể gặp các bác sĩ hiếm muộn để đánh giá chức năng tinh trùng. Nếu chức năng tinh trùng bình thường, bệnh nhân có thể có con mà không ảnh hưởng nhiều. Như đã chưa sẻ, mức độ ảnh hưởng còn tùy thuộc vào loại ung thư. Nếu bệnh nhân mắc ung thư trực tiếp lên tinh hoàn có thể để lại di chứng nặng nề hơn so với ung thư khác, như ung thư da chẳng hạn.
5. Những điều cần lưu ý nếu phụ nữ mang thai điều trị ung thư
Thưa BS, phụ nữ đang mang thai bị ung thư cần có chế độ chăm sóc và điều trị gì đặc biệt hơn so với bệnh nhân không mang thai ạ?
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Bệnh nhân đang mang thai cần có sự phối hợp giữa bác sĩ sản khoa và bác sĩ ung bướu. Các bác sĩ sẽ đánh giá cẩn thận về giai đoạn bệnh, vị trí cơ quan bị bệnh. Nếu bệnh không tiến triển rầm rộ, không đe dọa trực tiếp đến bệnh nhân thì sẽ cố gắng dưỡng thai đến khi bệnh nhân sinh xong.
Đối với trường hợp bắt buộc can thiệp trong khi mang thai, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc để hạn chế tối đa ảnh hưởng lên em bé cũng như sức khỏe người mẹ. Một số thuốc có thể gây hạ máu, thiếu máu, thiếu bạch cầu làm bệnh nhân dễ nhiễm trùng. Những trường hợp này có thể làm nặng sức khỏe của người mẹ, khi sức khỏe mẹ sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu có sự phối hợp của bác sĩ sản khoa và bác sĩ ung bướu trong việc chọn thuốc an toàn thì phần lớn trường hợp em bé được sinh ra khỏe mạnh.
6. Bệnh nhân ung thư vẫn có thể thực hiện ước mơ làm cha, làm mẹ
Nhờ BS gửi lời khuyên đến bạn đọc, đặc biệt là những bệnh nhân mắc ung thư trong chủ đề này ạ!
ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Số lượng bệnh nhân ung thư ngày càng nhiều, khuynh hướng người trẻ mắc ung thư càng cao. Hiện nay việc điều trị ung thư cũng có nhiều tiến bộ, bệnh nhân có thể điều trị tốt và chữa khỏi bệnh, và họ thường mong muốn có con khi còn trẻ.
Có thể thấy, thai kỳ không làm nặng thêm tình trạng ung thư nếu có sự phối hợp khéo léo giữa bác sĩ ung bướu, bác sĩ sản khoa cũng như bác sĩ nhi khoa. Phần lớn các trường hợp vẫn đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé.
Về mặt điều trị hiếm muộn hiện nay cũng có nhiều tiến bộ. Ví dụ các phương pháp mới như trữ phôi, trữ trứng, trữ tinh trùng. Trong trường hợp không thể bảo tồn buồng trứng ở phụ nữ, bệnh nhân có thể chủ động trữ trứng, sau khi bệnh ổn định thì phối hợp với bác sĩ hiếm muộn để tiến hành thụ tinh nhân tạo. Hiện nay ở Việt Nam có thể thực hiện điều này, mặc dù chi phí hơi cao, quá trình cũng phức tạp nhưng hoàn toàn có thể phối hợp giữa nhiều phía, không chỉ giúp phụ nữ mà ở nam giới vẫn có thể làm cha nếu có mong muốn.
Tóm lại, đa số trường hợp bệnh nhân điều trị ung thư vẫn có thể dưỡng em bé an toàn. Bệnh nhân hoàn toàn có thể thực hiện ước mơ làm cha, làm mẹ của mình.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình