Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan: Tuổi thọ của khớp háng nhân tạo kéo dài bao lâu?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương khớp - Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã giải đáp nhiều thắc mắc của bạn đọc AloBacsi liên quan đến vấn đề: tuổi thọ của khớp háng nhân tạo, điều trị rách sụn chêm do thoái hóa khớp... Mời bạn đọc đón xem.

Phan Quốc Khanh - Phanquoc...@gmail.com

Dạ chào bác sĩ, em bị hoại tử chỏm xương đùi đã thay khớp háng nhân tạo, bác sĩ cho em hỏi khớp háng nhân tạo tuổi thọ được bao lâu thì phải thay lại ạ? Thay lại lần 2 chi phí là bao nhiêu vậy bác sĩ (bác cho em số tiền thay khớp lần 2 ước chừng cũng được) và thay lại lần 2 có khó khăn lắm không? Tỉ lệ rủi ro có cao lắm không? Em đang hoang mang nhờ bác sĩ tư vấn giúp, em cảm ơn ạ!

Chào em,

Thời gian "sống" của một khớp háng nhân tạo tùy thuộc vào chất liệu của vật liệu thay thế, cũng như kĩ thuật phẫu thuật. Ví dụ như: thay bán phần, thay toàn phần của phần cổ xương đùi, có hoặc không có ổ cối. Chất liệu ổ cối có thể bằng kim loại, sứ…

Trung bình thay khớp háng có tuổi thọ từ 15-20 chục năm. Theo tạp chí LANCET thì tuổi thọ của khớp háng nhân tạo lên tới 25 năm. Tuổi thọ này dành cho chất liệu tốt nhất với chất liệu kim loại và chỉnh hình ổ cối bằng plastic.

Các vật liệu thay thế như trên làm giảm sự hao mòn của đầu xương giả, giúp kéo dài tuổi thọ của khớp. Tuy nhiên, việc thực hiện khó khăn hơn nhiều và tỉ lệ thất bại cũng rất cao.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan và BTV Lê Bình online giải đáp các thắc mắc của bạn đọc AloBacsi chiều ngày 3/10/2020

Rách sụn chêm do thoái hóa khớp, điều trị cách nào?

Đường Cường - duongan...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi, em được chẩn đoán bị rách sụn chêm gối và thoái hóa khớp gối. Em đi lại và đùi gối vẫn bình thường, chỉ đau khi vận động mạnh. Bác sĩ tư vấn giúp em nên xử lí như thế nào hoặc đến cơ sở y tế nào để trị hết bệnh ạ? Em xin chân thành cám ơn.

Bạn Cường thân mến,

Rách sụn chêm có 2 nguyên nhân chính là chấn thương và thoái hóa khớp. Trong trường của bạn như đã trình bày như trong câu hỏi là do thoái hóa khớp.

Bệnh lý này có đặc điểm là tổn thương sụn chêm tiến triển theo thời gian. Do đó, trên kết quả chẩn đoán hình ảnh có ghi nhận rách sụn chêm là triệu chứng phổ biến của thoái hóa khớp. Nếu như trong trường hợp do chấn thương, tổn thương rách sụn chêm có thể xử trí bằng phẫu thuật nội soi thì trong trường hợp tổn thương sụn chêm do thoái hóa khớp hoàn toàn không có chỉ định ngoại khoa; mà chỉ có điều trị hỗ trợ gồm 2 biện pháp chính là giảm cân và vật lý trị liệu.

Cho đến hiện nay, 2 biện pháp này vẫn được coi là điều trị cốt lõi của thoái hóa khớp. Để tập vật lý trị liệu đúng cách thì bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn.

Tuy nhiên, các môn thể thao đơn giản được coi là mang lại ích lợi cho điều trị thoái hóa khớp là bơi lội và đạp xe đạp. Ngoài ra, khi có tình trạng diễn tiến cấp, khớp gối sưng to, đau nhức nhiều, có thể điều trị bằng các thuốc kháng viêm giảm đau như NSAIDs, paracetamon.

Thoái hóa khớp là một bệnh khớp viêm mãn tính, thường gặp ở người lớn tuổi và tiến triển theo thời gian, do đó không có khái niệm hết bệnh mà chỉ có có khái niệm bệnh ổn định, với điều trị đúng cách bạn nhé!

Hoàng Anh Quân - ahq...@gmail.com

Em năm nay mới 19 tuổi nhưng thường xuyên đau nhức xương khớp, nhất là vùng xương đùi phía dưới xương chậu, các khớp gối khớp tay khi cử động thường hay phát ra tiếng kêu. Em đã đi khám và uống thuốc nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Mong BS cho em lời khuyên.

Anh Quân thân mến,

Ở tuổi 19, tình trạng đau nhức mơ hồ như cháu mô tả thường nhất là do kém vận động, gây mỏi cơ, căng cơ và đau cơ. Vì vậy, cách điều trị tốt nhất là tăng cường vận động, chơi thể thao.

Các tiếng kêu khi cử động khớp, cơ chế tương tự như chúng ta bẻ tay, do giữa các khớp có những bóng khí, khi vận động chúng sẽ ép những bóng khí này đột ngột, gây tiếng kêu. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hiện tượng trên có cơ chế sinh lý bình thường, không gây tác hại cho sức khỏe. Do đó, cháu không cần lo lắng khi có tiếng kêu khi hoạt động.

Làm gì khi bị thoái hóa cột sống, chèn ép dây thần kinh?

Đào Bá Đức - Daoba...@gmail.com

Xin hỏi bác sĩ, em khám ở Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, được chỉ định cộng hưởng từ thì phát hiện cột sống C5-C6 bị thoái hóa, chèn ép dây thần kinh. Vậy em cần phải làm sao để tốt nhất cho sức khỏe ạ. Tiền sử bệnh là chấn thương cột sống cổ C3-C4 đã phẫu thuật.

Chào em,

Tôi không biết độ tuổi của em là bao nhiêu. Nếu em là người trẻ thì nguyên nhân thường gặp nhất gây chèn ép rễ thần kinh cột sống là thoát vị đĩa đệm chứ không phải do thoái hóa cột sống. Và thoát vị đĩa đệm ở người trẻ, gắn liền với tình trạng kém vận động, ngồi nhiều và tư thế sinh hoạt không đúng cách.

Trong trường hợp này, biện pháp điều trị lâu dài và thích hợp nhất là vật lý trị liệu, tập trung các bài tập, làm mạnh khối cơ cạnh sống, các dây chằng gân cơ cột sống và khối cơ bụng… giúp giữ vững cột sống, không chèn ép dây thần kinh.

Ngoài ra, để có thể thực hiện được vật lý trị liệu thì cần phối hợp với các thuốc giảm đau thần kinh, trong thời gian đầu em nhé!

Tuổi 17 "bẻ gãy sừng trâu", liệu có trường hợp nào loãng xương?

Hoàng Quốc Anh - quocanh...@gmail.com

Xin chào bác sĩ ạ. Cháu năm nay 17 tuổi. Hôm nay cháu có đi khám thì được chẩn đoán là bị loãng xương mức 2, đúng với những triệu chứng của cháu. Cháu muốn hỏi là liệu bây giờ cháu nên làm những việc gì ạ? Cảm ơn bác sĩ ạ!

Chào cháu,

Ở lứa tuổi 17, khung xương đang phát triển, hoàn toàn không có khái niệm loãng xương. Cháu phải hiểu là bộ xương của chúng ta phát triển thành 3 giai đoạn, lúc mới sinh, khối lượng xương rất thấp và sẽ tăng nhanh cho tới khi đạt được đỉnh của khối lượng xương vào độ tuổi từ 25-30. Sau một thời gian ngắn duy trì ở một độ xương đỉnh, khối lượng xương bắt đầu suy giảm dần theo độ tuổi, đặc biệt ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh xương sẽ mất nhanh do thiếu nội tiết tố sinh dục nữ.

Như vậy, cháu thấy tuổi của cháu xương còn đang phát triển, còn chưa đạt đỉnh. Nếu cháu đi đo mật độ xương thì kết quả thấp thì hoàn toàn chưa đạt đỉnh, chứ không phải do loãng xương.

Để giúp xương đạt được mật độ xương tối đa, cháu cần:

- Vận động, chạy nhảy nhiều

- Phơi nắng hoặc vận động ngoài trời để có đầy đủ vitamin D

- Chú ý dùng các sản phẩm có nhiều canxi như sữa và chế phẩm của sữa, rau xanh…

Như vậy, cháu hoàn toàn không phải lo lắng về tình trạng loãng xương của mình.

Làm thế nào để chữa khỏi hẳn gai gót chân?

Bạn đọc tên Rita

Thưa bác sĩ, em bị gai gót chân, rất đau. Em đi khám có chụp phim, và bác sĩ cho uống thuốc, trong thời gian uống thì hết đau, khi hết thuốc thì đau lại như cũ. Em đã bị hơn 6 tháng rồi. Em 26 tuổi. Xin hỏi phải làm thế nào cho khỏi hẳn? Em xin cảm ơn!

Rita thân mến,

Em bị gai gót chân, đồng nghĩa bệnh lý em mắc phải là viêm cân gan chân. Ngoài dùng thuốc kháng viêm giảm đau, biện pháp hỗ trợ rất quan trọng cho việc chữa trị bao gồm: massge chân buổi sáng, vật lý trị liệu nhằm mục đích căng cân gan chân và gân gót Achille và mang đôi dép cho đúng cách sẽ giúp điều trị bệnh hỏi và không tái phát em nhé!

Trật khớp háng bẩm sinh, điều trị thế nào?

Nguyễn Thị Sương - suong...@gmail.com

Chào bác sĩ, con em nay bốn tuổi bị trật khớp háng bẩm sinh nhưng chưa phẫu thuật. Vậy nếu phẫu thuật khả năng con em đi lại bình thường có cao không ạ?

Chào bạn,

Trật khớp háng bẩm sinh là bệnh lý tuy không thường gặp những nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách sẽ để lại tác hại lâu dài về sau khi trẻ trưởng thành.

Việc điều trị bệnh tùy thuộc vào độ tuổi, nếu trẻ dưới 6 tháng đã được phát hiện thì cách tốt nhất nên mang đai, khả năng phục hồi sẽ lên tới 90%.

Còn ở độ tuổi từ 6 tháng - 18 tháng thì phẫu thuật để làm giảm áp lực ở khớp háng đó là phương pháp đóng và phương pháp mở, thì tỷ lệ thành công cũng rất cao. Sau độ tuổi 14 tháng tỷ lệ thành công sẽ ít hơn và đa phần phẫu thuật bằng phương pháp mở. Nhưng nếu trẻ trên 9, 10 tuổi thì phẫu thuật sẽ không hiệu quả lắm.

Trường hợp của bạn bé đang 4 tuổi, như vậy bạn cần đưa bé đi khám đúng chuyên khoa để được phẫu thuật càng sớm tỷ lệ thành công càng cao.

Có nên dùng thuốc Tây kèm thực phầm chức năng điều trị thoái hóa cột sống?

Thái Minh - thaid...@gmail.com

Chào bác sĩ, hiện bố tôi có đau lưng, khi đi khám, chụp chiếu thì có kết quả xét nghiệm như ở vùng thông tin thêm, hiện sau một tuần uống thuốc kê đơn là Arcoxia 90mg thì mới thấy đỡ vùng gần hông, còn vùng xương sống phía trên lưng thì chưa thấy đỡ. Bố tôi trước có dùng thuốc Sendimex để giảm đau xương khớp, không biết có nên sử dụng thêm loại thuốc này không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

Thông tin thêm:

- Gai xương thoái hóa ở bờ thân các đốt sống

- Các khe liên đốt không hẹp

- Không thấy trượt, xẹp các đốt sống

- Không thấy tổn thương tiêu xương, đặc xương ác tính

- Tăng đậm bản xương dưới sụn ổ cối hai bên vị trí tỳ đè, khe khớp không hẹp, bờ chỏm xương đùi và ổ cối liên tục.

- Không thấy tổn thương cổ và đầu trên xương đùi 2 bên

- Khớp cùng - chậu hai bên sáng đều

- Không thấy tiêu xương, đặc xương khu trú ở các xương cánh chậu, ngồi và mu

Chào em,

Với thông tin em cung cấp trong kết quả chụp X-quang khá phù hợp với tình trạng thoái hóa cột sống hay gặp ở người lớn tuổi.

Nguyên nhân gây đau là một cơ chế đa phối hợp, vừa đau thụ thể vừa đau thần kinh và trong trường hợp này để điều trị hiệu quả cần phối hợp nhiều yếu tố:

Thứ nhất, dùng các thuốc gồm cả giảm đau thần kinh như Arcoxia em đang dùng. Vừa có nhóm thuốc của giảm đau thần kinh như thuốc chống trầm cảm, động kinh, và quan trọng hơn hết phải có vật lý trị liệu, với những bài tập làm cho mạnh khối cơ cột sống, khối cơ lưng, khối cơ bụng, giúp giữ vững trục cột sống thì tình trạng đau sẽ thuyên giảm và ít tái phát.

Ngoài ra, em nói ba mình có dùng thuốc Sendimex để giảm đau thì Sendimex không được công nhận là thuốc và chỉ là thực phẩm chức năng. Trong khi đó, tất cả các thực phẩm chức năng đều không có khả năng điều trị bất kỳ bệnh lý nào, đồng thời nếu sử dụng chúng không rõ nguồn gốc thì bên cạnh việc điều trị không hiệu quả mà còn có tác dụng phụ không mong muốn.

Do các thuốc này uống nhằm mục đích giảm đau nhanh, nên thường sẽ pha trộn các thành phần được không khuyến cáo sử dụng cho giảm đau.

Vì vậy, đa phần bệnh nhân sau một thời gian sử dụng sẽ có tác dụng phụ của corticoid rất nguy hiểm, bởi nó đã phá hoại toàn bộ các bộ phận trong cơ thể.

Điều trị thoái hóa khớp bằng tế bào gốc, hiệu quả ra sao?

Võ thị thu trinh - Thutrinh...@yahoo.com.vn

Tôi xin hỏi về việc sử dụng tế bào gốc trong việc điều trị cho thoái hoá khớp gối liệu có hiệu quả, nếu tái phát sau điều trị có thể điều trị được lần nữa không thưa bác sĩ?

Chào bạn,

Cho tới hiện nay, vấn đề điều trị tế bào gốc, tế bào mầm trong các lĩnh vực thoái hóa khớp vẫn chưa được công nhận. Đã có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên các kết quả lại không giống nhau, có sự thay đổi, và chưa thuyết phục. Do đó, chưa có 1 tiểu chuẩn nào về kỹ thuật thực hiện phương pháp này cũng như chất liệu để dùng làm tế bào gốc, tế bào mầm.

Vì có nhiều nguồn từ tế bào sụn tự thân, tế bào mỡ hay cuống rốn để được biệt hóa thành ra tế bào gốc. Tuy nhiên, nếu từ tế bào mầm ở trong bào thai sau đó phát triển cho tới ngay sau khi sanh thì đây là môi trường lý tưởng để các tế bào này phát triển.

Trong khi biệt hóa các tế bào này trong ống nghiệm và đưa vào môi trường khớp thoái hóa, viêm hoàn toàn không thuận lợi cho tế bào gốc. Vì đa số các trường hợp đều thất bại, không hiệu quả và sau 1 thời gian ngắn triệu chứng có thể giảm do tâm lý, nhưng bệnh sẽ tiến triển và tái phát như cũ.

Các khuyến cáo của Hội về khớp, về thoái hóa khớp chuyên ngành trên thế giới hiện nay là biện pháp tế bào mầm, tế bào gốc chưa được sử dụng trong điều trị bệnh nhân.

Trân trọng cảm ơn ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương khớp - Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã nhận lời giải đáp các thắc mắc của bạn đọc AloBacsi.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X