Tự ý bổ sung testosterone có thể khiến nam giới không còn tinh trùng
Suy sinh dục có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, thường nhiều nhất là trên 50 tuổi. Suy giảm sinh dục ở nam diễn ra thầm lặng, bệnh nhân thường có xu hướng đi mua thuốc, ít đi kiểm tra điều trị. Tuy nhiên, BS.CK2 Đặng Quang Tuấn - Phó Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) nhấn mạnh, tự sử dụng thuốc bổ sung testosterone là “con dao hai lưỡi”, người bệnh cần đi thăm khám dể được bác sĩ tư vấn phác đồ phù hợp.
1. Suy sinh dục liên quan mật thiết đến testosterone
Nhờ BS giải thích rõ hơn, suy sinh dục là tình trạng như thế nào? Biểu hiện của suy sinh dục là gì?
BS.CK2 Đặng Quang Tuấn trả lời: Đa số bệnh nhân đến khám tại khoa Nam học thường dùng từ chung chung là “yếu sinh lý”. Y khoa sẽ gọi là suy sinh dục hoặc những rối loạn cụ thể. Yếu sinh lý bao gồm những rối loạn về tình dục, rối loạn xuất tinh, rối loạn giảm ham muốn.
Tuy nhiên, khi bị yếu sinh lý, bệnh nhân chưa chắc rơi vào hội chứng suy sinh dục, nhung suy sinh dục lại thường liên quan đến những rối loạn sinh lý. Suy sinh dục liên quan mật thiết với testosterone.
Phần lớn testosterone được tiết từ tinh hoàn. Đây là loại hormone chi phối gần như toàn bộ cơ thể của người đàn ông, gồm trí tuệ, cơ xương khớp, da dẻ, các tuyến... Các vấn đề giảm ham muốn, rối loạn cương, sa sút trí tuệ, giảm tập trung, mệt mỏi... đều liên quan đến hormone này.
2. Nam giới cũng có thời kỳ mãn dục
Nam giới ở độ tuổi nào thường bị suy sinh dục nhất? Ngoài tuổi tác, yếu tố nguy cơ nào có thể tác động đến vấn đề này, thưa BS?
BS.CK2 Đặng Quang Tuấn trả lời: Suy sinh dục có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Tùy vào từng giai đoạn tuổi tác cụ thể mà nó sẽ có biểu hiện khác nhau.
Ở các bé trai chưa đến tuổi dậy thì, bệnh sẽ tác động trên cơ xương khớp và hệ thống tinh hoàn, ảnh hưởng đến việc mọc lông của cơ thể. Do đó, những trẻ bị bệnh trước tuổi dậy thì có xu hướng thay đổi kiểu hình như tay chân dài, tinh hoàn bị teo...
Suy sinh dục thường được nhắc nhiều ở lứa tuổi trên 50, gọi là mãn dục nam, suy sinh dục ở người lớn tuổi, suy giảm testosterone ở người lớn tuổi. Mãn dục nam có thể là một khái niệm mới mẻ đối với cộng đồng. Tuy nhiên, kết quả từ nhiều nghiên cứu cho thấy, nam giới cũng trải qua giai đoạn mãn dục giống như phụ nữ.
Nữ giới có giai đoạn hết kinh nguyệt để báo hiệu bước sang giai đoạn mãn dục. Nhưng nam giới lại không có giai đoạn này nên những triệu chứng suy giảm sinh dục, suy giảm testosterone diễn ra thầm lặng hơn.
Thông thường, bệnh nhân có xu hướng âm thầm hỏi thăm, truyền tai nhau những bài thuốc mà không đến bệnh viện để tầm soát các bệnh lý liên quan đến suy giảm testosterone.
3. Nồng độ testosterone thấp chưa hẳn cần điều trị suy sinh dục
Nhiều người có cảm giác mình bị suy giảm chức năng sinh lý, nghi ngờ bị suy giảm testosterone và thắc mắc rằng có thể làm xét nghiệm nồng độ hormone này ở đâu. Nhờ BS cho biết, để được đánh giá đúng và đủ, nam giới cần thăm khám và làm những xét nghiệm nào?
BS.CK2 Đặng Quang Tuấn trả lời: Đến hiện tại, việc xét nghiệm testosterone vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Những phòng xét nghiệm khác nhau sẽ đưa ra những tiêu chuẩn, chỉ số khác nhau, khiến người bệnh hoang mang.
Theo khuyến cáo của Hội Niệu khoa châu Âu, xét nghiệm testosterone cần thực hiện 2 lần, trong thời gian từ 8h-10h sáng trước khi ăn. Sau 2 lần xét nghiệm, chỉ số thấp cũng chỉ là bước chẩn đoán. Testosterone thấp không đồng nghĩa với việc cần điều trị.
Người bệnh cần được đánh giá tổng quan các triệu chứng. Những hướng dẫn hiện nay cho thấy, dù bệnh nhân có testosterone thấp mà không có các triệu chứng suy sinh dục thì chưa cần bổ sung testosterone.
4. Xác định tình trạng suy sinh dục là yếu tố đầu tiên cần quan tâm
Xin hỏi BS, có những phương pháp nào để điều trị suy sinh dục ở nam giới?
BS.CK2 Đặng Quang Tuấn trả lời: Khi tiếp xúc với một bệnh nhân đến khám vì tình trạng suy sinh dục, việc đánh giá, chẩn đoán của bác sĩ cực kỳ quan trọng. Trước hết cần thăm khám cơ thể người bệnh, từ kích thước tinh hoàn, bất thường ở hệ thống phân phối lông, bất thường về kiểu hình của người bệnh.
Tiếp đó là 2 lần xét nghiệm nồng độ testosterone trong từ 4 - 6 tuần và được thực hiện vào buổi sáng. Bệnh nhân được đánh giá một cách tổng quan. Nam giới trên 50 tuổi sẽ được xem xét thêm các bệnh lý chuyển hóa đi kèm như rối loạn mỡ máu, tiểu đường, cao huyết áp, béo phì...
Sau khi đánh giá tổng quan, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể với từng người bệnh cụ thể. Nhưng nhìn chung, việc chẩn đoán chính xác tình trạng suy sinh dục đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đưa ra định hướng điều trị cho người bệnh.
5. Điều trị suy sinh dục cho trẻ chưa dậy thì cần thời gian rất dài
Điều trị suy sinh dục trước tuổi dậy thì và sau tuổi dậy thì có gì khác nhau? Giai đoạn nào sẽ khó khăn hơn, thưa BS?
BS.CK2 Đặng Quang Tuấn trả lời: Việc điều trị suy sinh dục cho trẻ thường sẽ kéo dài. Cơ thể trẻ không tự sản xuất được testosterone nên việc điều trị kéo dài sẽ kèm theo gánh nặng tài chính và đòi hỏi tuân thủ phác đồ điều trị.
Nhóm suy sinh dục khởi phát muộn thường liên quan đến những vấn đề về tình dục, ham muốn hay chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mức độ cải thiện sau điều trị của nhóm này thường tốt hơn.
6. Sử dụng hormone thay thế không cho thấy hiệu quả ngay lập tức
Sau điều trị suy sinh dục khoảng bao lâu thì nam giới mới có thể lấy lại phong độ như trước, thưa BS?
BS.CK2 Đặng Quang Tuấn trả lời: Testosterone là một hormone nội tiết. Sau 40 tuổi, mỗi năm nam giới bị giảm 1 - 2% tổng lượng testosterone trong cơ thể. Do vậy, 1 người 60 tuổi đã bị giảm từ 20 - 40% lượng testosterone.
Việc sử dụng hormone thay thế không thể nào lấp đầy ngay được phần đã mất đi. Những nghiên cứu lâm sàng cho thấy, ít nhất cần khoảng 3 tháng thì mới thấy được những dấu hiệu hồi phục đầu tiên. Các triệu chứng như giảm ham muốn, sa sút trí tuệ, rối loạn cương sẽ được phục hồi dần.
Trong khi đó, xương khớp hay hệ tạo máu cần nhiều thời gian hơn, khoảng trên 12 tháng mới nhận thấy được sự phục hồi.
7. Phác đồ điều trị suy sinh dục kéo dài khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn
Theo BS, việc khó khăn nhất trong điều trị suy sinh dục là gì?
BS.CK2 Đặng Quang Tuấn trả lời: Phác đồ điều trị suy sinh dục thường kéo dài khiến bệnh nhân gặp khó khăn về điều kiện kinh tế, dẫn đến việc không tuân thủ.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân cảm thấy triệu chứng được cải thiện nên tự ý bỏ dở phác đồ. Việc này khiến hiệu quả trong những lần điều trị tiếp theo cũng bị ảnh hưởng.
8. Các trường hợp chống chỉ định sử dụng testosterone
Estrogen được xem là suối nguồn tươi trẻ của phụ nữ, có thể bổ sung bằng đậu nành và một số loại thực phẩm khác. Vậy nam giới có thể bổ sung testosterone từ những nguồn nào?
BS.CK2 Đặng Quang Tuấn trả lời: Một hiện tượng hiện nay là việc tự ý sử dụng testosterone, nhưng thật ra đây là một con dao hai lưỡi. Testosterone có chống chỉ định với ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú.
Bệnh nhân đang mong muốn có con, bệnh nhân có số lượng hồng cầu trong cơ thể tăng, máu cô đặc cũng không nên sử dụng testosterone.
9. Sử dụng testosterone không đúng sẽ ảnh hưởng đến tinh trùng.
Nhiều người muốn sử dụng testosterone trong quá trình tập gym để có cơ bắp to và đẹp. Việc làm này có an toàn cho sức khỏe không, thưa BS?
BS.CK2 Đặng Quang Tuấn trả lời: Dùng testosterone để tăng cơ sẽ làm phát sinh một số vấn đề. Tại bệnh viện chúng tôi đã gặp trường hợp các bạn nam thay vì tập gym để có sức khỏe và duy trì khối cơ ổn định thì lại sử dụng nhiều hoạt chất thay thế để tăng cơ nhanh hơn.
Việc sử dụng testosterone không đúng sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến tinh trùng. Nhiều trường hợp sau khi dùng trong thời gian dài thì không còn tinh trùng. Bác sĩ phải bắt buộc ngưng dùng hormone để tinh trùng phục hồi trở lại.
10. Lối sống lành mạnh giúp làm chậm quá trình suy giảm testosterone
Nam giới nên làm gì để làm chậm quá trình giảm testosterone theo thời gian, thưa BS?
BS.CK2 Đặng Quang Tuấn trả lời: Theo quá trình lão hóa của cơ thể, lượng testosterone sẽ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, vẫn có cách để làm chậm quá trình này.
Đầu tiên, tập thể thao thường xuyên có thể kích hoạt việc sản xuất testosterone để nam giới có sức khỏe tốt.
Thứ hai, việc nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc, dinh dưỡng hợp lý sẽ có lợi cho sức khỏe. Thực phẩm có các gốc oxy hóa, vitamin D, đạm có thể tăng nồng độ testosterone.
Thứ ba, nam giới cần kiểm soát tốt các bệnh lý nền (nếu có), đặc biệt là rối loạn mỡ máu, béo phì, cao huyết áp, tiểu đường...
Tóm lại, lối sống lành mạnh là cách để làm chậm quá trình lão hóa và duy trì mức testosterone ổn định. Mặc dù theo thời gian, việc thiếu hụt testosterone là không thể tránh khỏi. Khi có các triệu chứng gây khó chịu, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị theo đúng phác đồ phù hợp chứ không nên tự ý bổ sung testosterone.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình