Hotline 24/7
08983-08983

Tự gắn răng khểnh làm duyên rước thêm vô số bệnh

Theo các chuyên gia, tự gắn răng khểnh giả dù có duyên, có đẹp nhưng hành động này đang rước thêm vô số bệnh về răng miệng.

Viêm lợi, tụt lợi vì răng khểnh

Với những lời quảng cáo mỹ miều như “Răng khểnh tự nhiên cao cấp”, “Trồng răng khểnh giả bền, đẹp, tự nhiên”… trên các trang mạng xã hội, nhiều người trẻ tuổi đã mua răng nhựa kèm keo gắn để tạo cho mình có hàm răng khểnh mong có được một nụ cười duyên.

Theo những lời giới thiệu trên mạng, loại răng khểnh giả này có nhiều kích cỡ để mọi người lựa chọn cho phù hợp với hàm răng của bản thân, chúng được làm từ nhựa mintame cao cấp ngà vàng giống răng thật. Một bộ đầy đủ có răng và keo gắn kèm dụng cụ, dùng được cho cả nam và nữ. Loại răng này có thể sử dụng được nhiều lần, thời gian sử dụng tùy theo khách hàng. Khi hòa keo vào với nhau sẽ tạo thành dung dịch đặc và nếu không may nuốt phải keo này thì cũng không sao. Giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng một bộ phụ thuộc vào kích cỡ răng.


Khi sử dụng răng khểnh giả cần đi khám định kỳ tránh ảnh hưởng sức khỏe răng miệng. Ảnh minh họa

Khi sử dụng răng khểnh giả cần đi khám định kỳ tránh ảnh hưởng sức khỏe răng miệng. Ảnh minh họa

Trước trào lưu này, BS Nguyễn Huy Hoàng – nguyên BS Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba), Trưởng phòng khám Nha khoa Trẻ cho biết, việc gắn răng khểnh không khó nhưng nếu tự gắn sẽ có nhiều nguy cơ không tốt. Ngay cả khi thực hiện ở cơ sở nha khoa mà tay nghề bác sỹ không tốt cũng làm các chân răng kết cấu lỏng lẻo trở thành ổ thức ăn thừa dễ gây ra ê buốt chân răng.

Răng nhựa bán ở ngoài sẽ không tương hợp sinh học, đảm bảo trong môi trường miệng nên một thời gian gây ra hôi miệng hoặc nhựa sẽ đổi màu, đổi chất. Bởi không phải vật liệu nào cũng đưa được vào miệng mà tồn tại trong một thời gian dài vì trong miệng có cả vi khuẩn có lợi, có hại, nước bọt… Bên cạnh đó, còn tiềm ẩn những nguy cơ gây sưng đau, viêm lợi, sau này gây tiêu xương, tụt lợi ở vị trí răng khểnh.

Đó là chưa kể việc các loại răng nhựa rao bán trên mạng nếu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm ra sao sử dụng trong thời gian dài vô tình đưa các chất độc vào cơ thể, gây ra các bệnh răng miệng… Không ai có thể đảm bảo rằng, chúng không có chứa các độc tố kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen có hại… Bằng mắt thường khó có thể kiểm chứng được loại răng giả và keo gắn này của nó thực sự an toàn hay không?.

BS Hoàng cho biết thêm, trào lưu này cũng giống trào lưu gắn đá, kim cương lên răng. Gắn đá có hai cách là dán trên bề mặt men răng và thứ hai là đục một lỗ ở trên răng để gắn. Với loại dán ở trên răng bao giờ cũng dễ bung và thời gian làm quen sẽ mất một thời gian. Còn cách đục một lỗ ở trên răng để gắn có ưu điểm đẹp, bền nhưng có nhược điểm phải lấy một ít tổ chức cứng vừa đủ cho chân viên đá gắn vào. Nếu kỹ thuật khoan không đảm bảo sẽ khiến răng có thể bị ê buốt. Việc gắn đá lên răng cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc răng. Khi đá bị bong ra lỗ răng bị khoan phải được hàn lại. Sau khi gắn đá vào răng khiến cho nhiều người gặp khó khăn trong sinh hoạt, thức ăn nhiều khi bám xung quanh đá làm răng rất dễ bị sâu. Điều này đòi hỏi người thực hiện làm tốt.

“Trước khi chạy đua theo trào lưu để có nụ cười duyên dáng răng khểnh, các bạn trẻ nên cân nhắc thật kỹ lợi hại và đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Tránh a dua chạy theo vẻ đẹp tức thời mà làm ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe răng miệng” – BS Hoàng khuyến cáo.

Đồng quan điểm, ThS.BSCKII Nguyễn Vũ Trung, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, việc tự ý gắn răng giả để tạo răng khểnh như vậy gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng, rất dễ gây ra tình trạng viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh răng do các thức ăn mảng bám tích tụ lại. Về lâu sẽ dẫn tới tình trạng hôi miệng khó chịu, sâu răng hoặc nặng nề hơn có thể gặp phải biến chứng gây phá huỷ tổ chức cứng của răng.

Chị N.T.T (ở Hà Đông, Hà Nội) từng có thời gian chạy theo mốt và đi đắp răng khểnh giả “nhanh và rẻ” đã gặp phải nhiều biến chứng. Theo chị T, vùng răng mới gắn thêm răng khểnh luôn bị đau nhức. Chỉ một thời gian răng khểnh giả đã xỉn vàng, vùng lợi xung quanh bị sưng đau, chảy máu, rất khó chịu khi đánh răng hoặc ăn uống. Không chỉ có vậy, chị thấy hơi thở ở miệng có mùi hơn so với trước. Không chịu được những sự bất tiện đó, chị đã tới nha sỹ để thăm khám và nhổ đi chiếc răng duyên “thừa thãi” ấy.

“Trồng” răng khểnh ở cơ sở y khoa cũng không đơn giản

BS Hoàng khuyến cáo, nếu người dân có nhu cầu muốn gắn răng giả, gắn răng sứ thẩm mỹ… nên tới các cơ sở y tế có chuyên khoa răng hàm mặt để thực hiện. Tránh tự ý gắn răng giả hoặc đến những nơi không uy tín gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tiền mất tật mang.

Nếu việc trồng thêm răng khểnh được thực hiện ở một cơ sở nha khoa tốt với bác sĩ nhiều kinh nghiệm và chọn vật liệu làm răng sứ tốt, mọi người có thể yên tâm rằng chiếc răng khểnh mới được “trồng” có khả năng sử dụng như một chiếc răng khểnh tự nhiên.

“Các nha sỹ trước khi tạo một chiếc răng khểnh cho khách hàng thường phải thiết kế sẵn một răng khểnh tạm sao cho phù hợp và hài hòa với khuôn răng thật với tỷ lệ hài hòa và thẩm mỹ nhất với cả hàm răng và khuôn miệng. Khi khách hàng đã ưng mới tiến hành đúc một răng bằng khác có thể là sứ (có nhiều loại khác nhau), compostie. Màu sắc sẽ đẹp hơn, không bị đổi màu. Hơn nữa khi chỉnh nha trước khi muốn làm thêm răng khểnh vẫn cần phải lưu ý làm đều răng trước, sau này chán răng khểnh thì vẫn tháo ra được. Răng khểnh có kích thước phù hợp với các răng còn lại sẽ tạo nên sự hài hòa như một chiếc răng khểnh tự nhiên – BS Hoàng nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu, ngoài vật liệu composite, hiện các nha sỹ thường sử dụng công nghệ làm răng sứ để áp dụng cho khách hàng. Muốn trồng được một cái răng khểnh thì hai chiếc răng hai bên phải bị mài cho nhỏ đi để tạo ra một kẽ hở cho răng khểnh chen vào. Chiếc răng sứ cũng sẽ được bác sỹ mài dũa kỳ công trước khi "trồng" cho bệnh nhân. Chi phí sẽ phụ thuộc vào loại răng.

Sau khi đã thực hiện gắn răng tại các cơ sở chuyên khoa thì cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, lấy cao răng, thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Với loại răng composite ngấm nước bọt lâu ngày sẽ có mùi hôi rất khó chịu.Vì vậy dù muốn hay không vẫn phải thay răng composite thường xuyên.

Theo BS Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo/Gia đình & Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X